Nhà hàng ở Côn Đảo bị phạt 65 triệu đồng vì kinh doanh 2 loại ốc quý hiếm

43
Một nhà hàng hải sản ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bị xử phạt hành chính 65 triệu đồng vì kinh doanh 2 loại ốc quý hiếm nằm trong danh sách thủy sản nguy cấp.

Theo thông tin từ phòng kinh tế huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chính quyền huyện vừa tiến hành xử phạt 65 triệu đồng đối với nhà hàng Bến Cảng thuộc khu dân cư số 5 vì hành vi lưu trữ trái phép loài thủy sản có tên trong Nhóm I – Phụ lục II Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.

Cụ thể, nhà hàng lưu giữ trái phép 234 cá thể ốc trai tai tượng vàng nghệ (tên gọi khác là ốc đá) có tên khoa học là Tridacna Crocea với trọng lượng 80,24kg và 40 cá thể ốc đụn cái có tên khoa học là Tectus niloticus với trọng lượng 8,2kg. 

Ngoài mức xử phạt hành chính 65 triệu đồng, nhà hàng Bến Cảng còn nhận hình thức xử phạt bổ sung gồm tịch thu 234 cá thể ốc trai tai tượng và 40 cá thể ốc đụn cái.

Theo đại diện của phòng kinh tế huyện Côn Đảo, việc khai thác ốc trai tai tượng vàng rất tổn hại tới môi trường. Chúng là loài sống bám trên các rạn san hô. Để khai thác, người dân buộc phải đục thủng san hô mới lấy được. Hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái biển. Tương tự, ốc đụn cái cũng là loài thủy sản nằm trong nhóm nguy cấp.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Quốc Tuấn xác nhận vụ đây là vụ việc đã xảy ra tại nhà hàng vào ngày 26/8. Chủ nhà hàng cho biết, đây là lần đầu họ nhập ốc đá về để trưng bày với mục đích trang trí thẩm mỹ và không nhận thức được đây là những loài thủy sản nằm trong nhóm nguy cấp, quý hiếm.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi vi phạm quy định này. Sau khi đoàn công tác xuống kiểm tra, lập biên bản, chúng tôi đã nhận phạt theo quy định”, ông Tuấn nói.

Nhà hàng ở Côn Đảo bị phạt 65 triệu đồng vì kinh doanh 2 loại ốc quý hiếm (Nguồn video: UBND huyện Côn Đảo).

Nhận thức đây là hành vi trái pháp luật, chủ nhà hàng cam kết sẽ rút kinh nghiệm và không tái phạm. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, ngoài những loài sinh vật quý hiếm nằm trong sách Đỏ đã quen thuộc với người dân, chính quyền nên đẩy mạnh tuyên truyền quyết liệt hơn để cộng đồng dân cư nắm bắt rõ các thông tin, tránh trường hợp tương tự xảy ra.

Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên chính quyền huyện Côn Đảo tiến hành xử phạt các cá nhân, tổ chức có hành vi đánh bắt, tích trữ những loài sinh vật quý hiểm nằm trong sách Đỏ.

Theo quy định của pháp luật, việc mua bán, vận chuyển thủy sản trong nhóm I vì mục đích thương mại đều bị nghiêm cấm. Tùy từng trường hợp với tính chất và mức độ khác nhau, những người vi phạm sẽ bị phạt tiền hoặc xử lý hình sự.

Vích đẻ trứng ở Côn Đảo (Ảnh: Du lịch Côn Đảo).

Trước đó vào tháng 5, Tòa án Nhân dân huyện Côn Đảo đã xử phạt vụ du khách mua bán, tàng trữ và vận chuyển 4 quả trứng vích.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, hai nữ du khách Hà Nội tới Côn Đảo du lịch, đi trên xe taxi có hỏi tài xế chỗ mua trứng vích. Vị khách mua 5 quả trứng đã luộc chín với giá 250.000 đồng/quả.

Vào ngày trở về, vị khách đi qua cổng an ninh sân bay và bị phát hiện có vật thể lạ nghi là trứng vích. Cả hai bị giữ lại, chờ cơ quan chức năng xử lý. Tại phiên tòa xét xử, hai du khách nhận mức phạt 550 triệu đồng.