Nhà cổ Mã Mây Hà Nội – nơi lưu giữ cốt cánh Thủ đô

20

“Thăng Long Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ” có câu:

“Nhất cao là núi Ba Vì

Nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long”

Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến với những địa danh, con người hay những nét ứng xử đặc trưng riêng biệt tiêu biểu cho một giá trị đạo đức tinh thần bất biến qua suốt chiều dài dâu bể. Ở xứ Kẻ Chợ ấy liệu hàm chứa những gì mà cứ nhắc tới “ốc tháng mười, người Hà Nội” là người ta lại không khỏi gật gù cảm thán?! Trong một lần kể chuyện về Hà Nội, mình được một người bạn gợi ý tới ngôi nhà cổ nằm trên phố Mã Mây. Bạn nói rằng, với những ai muốn tìm lại những nét văn hóa xưa cũ cùng phong cách sống của người Hà Thành thì đây chính là địa chỉ ghi dấu một thời hào hoa, thanh lịch của phố thị!

1. Vài dòng tản mạn về căn nhà cổ

Mình đã thực sự bất ngờ khi đặt chân tới con phố này, ấn tượng đầu tiên là bởi trong cái chốn phồn hoa đô hội với vô số tòa nhà cao tầng mọc lên bỗng lọt thỏm một căn nhà nhỏ bằng gỗ nâu với nước sơn màu vàng ẩn hiện dưới tán cây đang độ thay lá.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Ngôi nhà di sản vẫn đứng đó với thời gian

Để xe ở bên đường đối diện, tỉ tê dăm ba câu chuyện với người bà hàng nước, mình thấy như cả dòng chảy quá khứ đang ùa về, hiển hiện thật rõ ràng trên nét cười phúc hậu và mái tóc gội trắng nước thời gian của bà cụ. Một cảm giác vấn vít nhẹ nhàng, êm ái cứ thế theo chân mình bước qua bậu cửa của căn nhà để tiếp tục cuộc hành trình khám phá!

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Cụ kể chuyện đời, chuyện người chảy trôi qua con phố

Nhà cổ Mã Mây nằm trên phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, tên Mã Mây được ghép là tên của hai con phố Hàng Mã đoạn phía nam và Hàng Mây đoạn phía bắc. Đây là một trong những ngôi nhà cổ mang đậm lối kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa được xây dựng theo dạng hình ống. Ở quê mình, nhà ống khá phổ biến tuy nhiên điểm hạn chế là nó rất nhỏ hẹp về chiều ngang và tối tăm. Nhưng ở đây thì khác, người Hà Nội rất thông minh khi thiết kế không gian sống dạng hình ống và sáng tạo thêm nhiều các lớp nhà, giữa các lớp ấy họ để ra một khoảng sân đón ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí. Đồng thời, ngôi nhà này còn xây theo kiểu nở hậu, theo quan niệm của người Việt xưa thì mảnh đất nở hậu như vậy sẽ mang lại phúc lộc về hậu vận cho chủ nhân. Người xưa quả là có con mắt tinh đời và khéo léo sắp xếp bố cục không gian sống khi tạo ra một lối kiến trúc độc đáo như vậy!

Ngôi nhà này được xây dựng từ những năm 1890. Hơn một thế kỉ qua đi, ngôi nhà là một trong 14 ngôi nhà cổ còn lại vào thời kỳ đó và đã trở thành chứng nhân lịch sử chứng kiến rất nhiều những thăng trầm đổi thay của Hà Nội.

2. Tiến trình lịch sử của ngôi nhà

Ngôi nhà số 87 Mã Mây đã nhiều lần được sang tên đổi chủ khi mà năm 1954, một thương gia bán thuốc bắc đã mua lại căn nhà để kinh doanh, sau đó trong 6 năm kể từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình đến và sinh sống tại nơi đây. Kể từ cuối năm 1998, dưới sự đồng ý của các gia đình trong việc tái định cư ở nơi khác, ngôi nhà đã bước vào giai đoạn trùng tu tôn tạo và chính thức hoàn thiện vào ngày 27 tháng 10 năm 1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp).

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Sơ đồ bố trí không gian của nhà cổ

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Chiếc bảng tên “Ngôi nhà di sản” là niềm tự hào của phố Mã Mây và của người Hà Thành

3. Tổ chức không gian bên trong căn nhà

TẦNG 1: Mặt tiền – Cửa hàng – Sân khô – Nhà sau – Bếp – Khu vệ sinh

Mặt tiền của ngôi nhà mở thông ra phố để tận dụng làm cửa hàng buôn bán và làm nơi giao tiếp. Một điểm độc đáo nữa đó là tường không được xây bít lại mà sử dụng hệ thống khung gỗ, khi không bán hàng thì làm cửa lùa dễ dàng đóng lại.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Cửa lùa đầy tính linh hoạt và sáng tạo trong kiến trúc tổng thể của căn nhà

Tiếp đến là khoảng sân khô để hứng trọn ánh sáng gió trời và nước mưa dùng làm nước sạch sinh hoạt. Nhắm mắt lại cũng có thể mường tượng ra cái khung cảnh đầy thi vị của những đêm trăng rằm sáng chiếu, trong cái hơi men ngà ngà của chén quỳnh tương lại ngâm dăm ba câu thơ mà người Hà Nội xưa lấy làm điều vui thú.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Khoảng sân chan hòa ánh sáng được bày trí thêm các chậu cây tạo cảnh quan môi trường gần gũi với thiên nhiên

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Trong những ngày đông tháng giá, căn nhà cũng thật ấm áp, thật tình!

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Tủ trưng bày đồ gốm sứ vẫn được lưu giữ và bảo tồn cẩn thận

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Bàn trà với ghế gụ in dấu thời gian

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” được treo trang trọng

Bức tranh tả cảnh cá chép đang trông ngày trăng tròn hay chính là trông chờ đến kì thi, chờ thời đỗ đạt, nhưng ngoài ra bức họa này còn hàm chứa một ý nghĩa mà ít người biết tới, theo lẽ thường, cá chép phải ngoi lên mặt nước để ngẩng lên nhìn trăng trên trời nhưng tác giả dân gian lại vẽ ánh trăng dưới đáy nước, ánh trăng ấy là chính là ánh trăng huyền ảo, không có thực nên đằng sau đó người xưa muốn khuyên chúng ta không nên theo đuổi những giá trị hư ảo.

Đi tiếp bạn sẽ thấy phía sau sân là một gian nhà hậu rồi tới kho hàng và căn bếp. Ở đây những dụng cụ nấu ăn truyền thống với củi rơm vẫn còn hiện hữu đưa ta quay trở lại thuở xưa để hội ngộ với cố nhân trong tâm tưởng.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Những chiếc kiềng, chiếc chõ, chum, rế dân dã quen thuộc trong bếp lửa mỗi gia đình

Căn bếp này là nét đặc trưng của người Việt độc đáo và ý nghĩa vô cùng. Người Việt ta luôn tin rằng trong mỗi căn bếp luôn có một vị thần linh cai quản và được gọi là ông táo. Lai lịch của ông táo cũng có rất nhiều dị bản khác nhau tuy nhiên đều xoay quanh câu chuyện của một bà và hai ông. Chuyện kể rằng, Trọng Cao và Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên thường xảy ra mâu thuẫn. Trong cơn nóng giận, Trọng Cao đã đánh vợ và Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. Sau khi suy nghĩ ân hận, Trọng Cao đi tìm vợ và đành phải đi ăn xin vì tiền bạc đem theo đều đã hết cả. Oan gia thế nào, chàng lại đến ăn xin nhà Thị Nhi, hai người trò chuyện, nàng tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang. Bất ngờ, Phạm Lang trở về, sợ chồng khó xử, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao trốn trong đống rơm. Phạm Lang đốt rơm để lấy tro bón ruộng, Trọng Cao không dám chui ra, sợ làm ảnh hưởng tới gia đình mới của Thị Nhi, nên bị lửa thiêu. Thấy chồng chết, Thị Nhi cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo Trọng Cao. Phạm Lang quá bất ngờ cũng nhảy vào đống lửa chết theo vợ.

Câu chuyện của họ đã đến khiến Ngọc Hoàng cảm động, thấy họ sống có tình có nghĩa nên sắc phong làm Táo Quân, mỗi người giữ một việc: Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc đất đai. Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Vì thế trong dân gian có câu thơ “Thế gian một vợ 1 chồng/ Không như ông táo hai ông một bà”.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Gian nhà hậu nhìn ra bóng cây xanh rờn

TẦNG 2: Phòng thờ – Phòng ngủ – Vườn cây

Trên tầng hai là gian thờ và phòng ngủ.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Bàn thờ gia tiên được đặt cung kính trang trọng phía bên trái từ cầu thang đi lên

Thờ cúng tổ tiên đã trở thành một tập tục truyền thống có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam. Trên bàn thờ là các đồ tượng trưng cho năm yếu tố ngũ hành đó là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Các phòng thông xuyên nhau vì ngày xưa vấn đề riêng tư chưa được đề cập quá nhiều

Không gian tiếp theo của tầng 2 là khu vực gia chủ ngồi chơi uống trà ngâm thơ. Đây cũng là nơi ông bà dạy con cháu học, điều đặc biệt trong kiến trúc của không gian này là các cửa được thiết kế theo kiểu “Thượng song hạ bản” có trang trí hình khắc gỗ tứ quý, với cách thiết kế cửa này giúp gia chủ vừa có thể đọc báo nghỉ ngơi mà vẫn có thể quan sát được khu vực buôn bán.

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Sập gụ, tủ chè vốn là hình ảnh quen thuộc của các gia đình Hà Nội trung lưu trước đây

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Trang phục của người Hà Nội xưa cùng được tái hiện rõ nét

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Khoảnh sân thiên tỉnh nhìn từ trên tầng 2

Không gian cuối cùng của tầng 2 phía sau phòng ngủ của ông bà đó là sân phơi đồng thời cũng tận dụng để trồng cây cảnh

nhà cổ Mã Mây Hà Nội

Sân vườn lát nền gạch đỏ ngập tràn sắc xanh cây cối

4. Một số thông tin chi tiết và lưu ý

Tham quan ngôi nhà khiến mình hiểu hơn kể không gian sống của người Hà Nội xưa và thấy được sự tài tình của người Hà Nội trong việc sắp xếp bài trí không gian sống của mình. Tính cách đã nói lên phần nào lối sống của người Hà Nội. Người Hà Nội xưa có lối sống tứ đại đồng đường nghĩa là: nhiều thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà bao gồm: ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt,…. Điều này đã giúp cho người Hà Nội có đức tính “kính trên nhường dưới”, hành xử tế nhị, ăn nói lễ phép. Mảnh đất thủ đô vốn dĩ xinh đẹp, nhỏ bé, con người nơi đây chân thành, hòa nhã và dễ gần. Trong sự xô bồ của cuộc sống, nhiều nét đẹp đã biến mất nhưng “chất” Hà Nội vẫn được gìn giữ trong mỗi nếp nhà luôn coi trọng đề cao những giá trị truyền thống.