Tọa lạc tại số 101 Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhà cổ Tấn Ký được ví như là “bảo tàng sống”, lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử nơi phố Hội cổ kính.
Nhà được xây dựng vào năm 1741, đã có 7 thế hệ họ Lê sinh sống. Hiện nay, gia chủ vẫn ở tầng trên của ngôi nhà, còn tầng trệt dành cho khách tham quan.
Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Nam, ngôi nhà này được xây dựng bởi những nghệ nhân làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Hội An.
Nhà cổ Tấn Ký từng hứng chịu những trận lụt lịch sử, đỉnh điểm là năm 1964, khi nước ngập tới trần tầng một. Thế nhưng, căn nhà vẫn bảo tồn được gần như nguyên vẹn các giá trị kiến trúc văn hóa cổ xưa.
Ngôi nhà gồm 2 tầng và 3 gian, với đường nét kiến trúc đa quốc gia Việt – Hoa – Nhật, là một trong những ngôi nhà cổ còn lại nguyên vẹn và đẹp nhất Việt Nam.
Nổi bật nhất là kiến trúc truyền thống của người Việt bao gồm nhà 3 gian, trần nhà lợp ngói âm dương. Điểm nhấn chính của ngôi nhà là những cây cột, kèo… tất cả đều được chạm trổ đường nét tinh xảo, miêu tả những hình ảnh đặc trưng như đầu cá đuôi rồng, quả lựu, trái bí đỏ, quả đào, con dơi…
Kiến trúc Nhật Bản thể hiện ở khu vực phòng khách, xây dựng theo phong thủy Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Bên cạnh đó, còn có mái ngói âm dương hòa hợp.
Ngôi nhà cổ Tấn Ký có hình ống đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, bên trong là nhiều gian, nhiều phòng riêng biệt.
Điểm đặc biệt của ngôi nhà cổ này là không có cửa sổ, nhưng lại không ngột ngạt hay nóng bức. Giữa nhà còn thiết kế giếng trời nhằm tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và điều hòa luồng không khí trong nhà.
Vật liệu nội thất trong nhà chủ yếu làm từ các loại gỗ quý được chạm trổ, điêu khắc rất tinh xảo thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Kèo và sườn nhà được làm bằng gỗ lim, cửa được làm bằng gỗ mít, bàn ghế làm bằng gỗ kiền kiền.
Bên cạnh gỗ còn có đá mang về từ Thanh Hóa, gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng giúp ngôi nhà mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Một điểm thú vị và đặc biệt của ngôi nhà cổ của Hội An này là không có sự xuất hiện của bất kỳ chiếc đinh nào. Tất cả các cột, kèo đều được dựng lên và khớp với nhau bằng mộng, rất kiên cố và vững chắc.
Nhà cổ Tấn Ký còn lưu giữ nhiều liễn, hoành phi, câu đối và hàng trăm cổ vật vô giá như bình điếu bát, bình rượu, ấm trà độc ẩm, bình Tỳ bà, bình gốm Chu Đậu… từ thế kỷ XVI.
Trong số đó có chiếc chén gắn liền với tích xưa về Khổng Tử. Chén được trang trí đơn giản, khi rót nước từ ngoài vào phải rót từ từ, khi gần đầy phải ngừng lại nếu không nước sẽ tự chảy ra ngoài.
Năm 1990, nhà cổ Tấn Ký vinh dự được cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Nhà cổ Tấn Ký nằm trong diện bảo tồn đặc biệt của Hội An, trở thành nơi tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với phố cổ và muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời.