Cần Thơ luôn là điểm đến hấp dẫn bậc nhất trên bản đồ du lịch miền Tây. Nơi đây không chỉ có những miệt vườn cây trái, những chợ nổi trên sông mà còn có những ngôi nhà cổ mang đậm dấu ấn thời gian. là một trong số đó. Ngôi nhà cổ nhất và đẹp nhất xứ Tây Đô này từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch miền Tây.
Lịch sử hình thành nhà cổ Bình Thủy
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, chỉ cần di chuyển khoảng 10km là bạn sẽ đến được nhà cổ Bình Thủy. Căn nhà tọa lạc tại số 144 đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy. Từ cuối thế kỷ thứ 18, vùng “đất lành chim đậu” Cần Thơ thu hút cư dân khắp nơi về an cư lạc nghiệp. Trong số đó có gia tộc họ Dương.
Ông Dương Văn Vị, con cháu đời thứ 3 của gia tộc này là người bắt đầu cho xây dựng ngôi nhà này. Ban đầu, nhà làm bằng gỗ và lợp ngói. 30 Năm sau, cũng chính ông thiết kế và xây dựng lại. Năm 1904, ông qua đời và con trai út của ông là Dương Chấn Kỷ tiếp tục xây dựng ngôi nhà. Mãi đến năm 1911, ngôi nhà mới thực sự hoàn thành.
Nhà cổ Bình Thủy lưu giữ được gần như nguyên vẹn kiến trúc xưa @canthotourism.vn
Trải qua hơn 150 năm thăng trầm lịch sử ở vùng đất Tây Đô, đây là một trong số hiếm hoi những công trình nhà cổ còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Nhà cổ Bình thủy đã trở thành phim trường của hàng loạt tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như bộ phim Người tình (điện ảnh Pháp); Người đẹp Tây Đô; Những nẻo đường phù sa,…
Năm 2009, nhà cổ Bình Thủy đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Và nơi đây luôn trở thành điểm đến hấp dẫn của mọi du khách trên hành trình khám phá miền Tây sông nước.
Kiến trúc với sự giao thoa dấu ấn Đông – Tây độc đáo
Bất cứ ai khi chiêm ngưỡng nhà cổ Bình Thủy lần đầu cũng có cảm nhận khác lạ về lối kiến trúc nơi đây. Ở đó có sự giao thoa giữa dấu ấn kiến trúc Đông Phương và tây Phương độc đáo. Vào khoảng thời gian ông Dương Chấn Kỷ xây dựng ngôi nhà, văn hóa Tây phương thịnh hành. Vì vậy có nhiều nét kiến trúc châu Âu xuất hiện trong ngôi nhà. Điều này giải thích vì sao vừa cổ kính trang nghiêm, vừa trang nhã phóng khoáng.
Hàng rào sắt được xây dựng cách đây hơn 150 năm nhìn rất hiện đại @canthotourism.vn
Từ ngoài vào là hàng rào sắt thường thấy trong những ngôi nhà hiện đại. Khoảng sân trước nhà lát gạch tàu, dù trải qua hơn 150 năm nhưng vẫn còn rất mới. Ở góc sân bên trái có một ngôi miếu nhỏ thờ thổ thần. Vì nhà cổ Bình Thủy được gia chủ cố ý xây dựng khá cao để tránh ngập nên dẫn lên nhà chính có 2 lối cầu thang uốn lượn duyên dáng được bố trí cân xứng 2 bên.
Cầu thang duyên dáng dẫn lên nhà cổ @sưu tầm
Tổng diện tích ngôi nhà là 6.000 mét vuông với thiết kế 5 gian, hoàn toàn phá vỡ quy tắc nhà 3 gian truyền thống miền Tây xưa. Cửa gỗ được thiết kế và trang trí khá hiện đại. Mái nhà được lợp kỳ công 3 lớp. Toàn bộ những bức tường nhà đều được dán gạch. Dưới nền gạch bông là một lớp muối hạt dày khoảng 10cm để tránh côn trùng và xua đuổi tà khí theo thuật phong thủy.
Những họa tiết trang trí tinh xảo @sưu tầm
Giữa nhà là gian thờ lớn theo kiểu truyền thống của người Nam Bộ. Toàn bộ đồ thờ đều được trạm trổ tinh tế với những hình ảnh mang tính biểu tượng trong văn hóa phương Đông như trúc, cúc, mai, công, rồng, phượng… Bên trong ngôi nhà cũng có một cổng tam quan mang dấu ấn kiến trúc người Hoa.
Gian chính nhà cổ Bình Thủy @canthotourism.vn
Gian chính có 3 bộ bàn ghế được dùng với 3 mục đích: 1 bộ dùng để tiếp khách, 1 bộ dùng để ăn cơm và 1 bộ để gia đình ngồi trò chuyện. Nhà cổ Bình Thủy có đến 24 cây xà, tất cả đều được làm bằng gỗ căm xe – một trong những loại gỗ quý của Việt Nam với phẩm chất tốt, độ bền cao.
Bộ bàn ghế bên trong nhà cổ Bình Thủy @canthotourism.vn
Dấu ấn độc đáo trong khuôn viên nhà cổ Bình Thủy
Nhà cổ Bình Thủy không chỉ có lịch sử khác biệt và kiến trúc độc đáo. Trong khuôn viên ngôi nhà cổ này còn có nhiều dấu ấn gây sự tò mò với du khách. Đó là khu vườn lan, kho cổ vật và những bộ ghế đá đặc biệt.
Vào những năm 1980, ông Dương Văn Ngôn – hậu duệ đời thứ 5 của gia tộc này với thú chơi hoa kiểng đã sưu tầm nhiều giống lan quý khắp nơi. Và một vườn lan, vườn cây cảnh bắt đầu hình thành trong khuôn viên ngôi nhà từ đó. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến cây xương rồng Mexico Kim hơn 40 năm tuổi. Vào thời đó, nhà cổ Bình Thủy thường là điểm hẹn của những người có chung sở thích chơi hoa và cây kiểng.
Vườn lan trong khuôn viên nhà cổ @wiki-travel.com.vn
Gia tộc họ Dương từ khi mới đến Bình Thủy đã nổi tiếng với thú chơi đồ cổ đắt đỏ. Ngôi nhà này là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như bộ ấm chén từ thời Minh – Thanh; cặp đèn treo từ thế kỷ 19; bộ bàn ghế đá cẩm thạch xuất xứ từ Vân Nam (Trung Quốc) hay bộ sa-lông Pháp từ thời Louis.
Ở nhà cổ Bình Thủy còn có 7 bộ ghế đá đặc biệt được bố trí ở góc trái sân trước nhà. Chuyện kể rằng, năm 1945 khi thực dân Pháp xâm lược, quân dân ở Cần Thơ đã tiêu diệt được 1 sĩ quan người Pháp nhưng đã có 7 chiến sĩ hi sinh. Để tưởng nhớ chiến công anh dũng của họ, ông Dương Văn Ngôn đã cho xây dựng 7 bộ ghế đá này.
Nhà cổ Bình Thủy và những câu chuyện kỳ bí
Một trong những yếu tố khiến du khách tò mò và muốn đến khám phá nhà cổ Bình Thủy bằng được chính là những câu chuyện kỳ bí về lá bùa phong thủy. Vẫn có một câu chuyện lưu truyền rằng, đâu đó trong ngôi nhà này có một lá bùa lỗ ban phong thủy. Chính lá bùa này đã giúp cho gia tộc họ Dương nhiều đời hưng thịnh. Không ai có thể kiểm chứng và tính chính xác của câu chuyện ly kỳ này. Tuy nhiên phong tục mời thầy phong thủy về cúng bái khi xây nhà là một truyền thống lâu đời. Và gia tộc họ Dương giàu có nhất vùng cũng là sự thật không thể chối cãi.
Nhà cổ Bình Thủy là điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá xứ Tây Đô @Sưu tầm
Hy vọng những thông tin trên đã có thể giúp bạn tìm hiểu qua về nhà cổ Bình Thủy. Còn thực tế, kiến trúc nơi đây độc đáo thế nào? Ngôi nhà bí ẩn gây tò mò với du khách ra sao, có lẽ bạn sẽ phải tự mình khám phá. Có khó gì đâu, chỉ cần đặt vé máy bay đi Cần Thơ tại So Sánh Tour là bạn sẽ đến được nhà cổ Bình Thủy siêu dễ dàng luôn.