Người đàn ông ở Hà Nội luyện bơi sông Hồng, phượt xe máy tới Tây Tạng

34
Ông Hùng duy trì thói quen vận động hàng ngày bằng cách bơi lội. Ông từng bơi từ cầu Thăng Long tới cầu Long Biên. Tất cả để sẵn sàng cho chuyến đi tới cao nguyên cao nhất thế giới Tây Tạng.

Luyện bơi ở sông Hồng, âm thầm rèn luyện thể lực

Nhìn dáng người nhỏ nhắn, mái tóc bạc nhiều phần cùng gương mặt hằn rõ vết thời gian của ông Trần Lê Hùng (ở phố Bà Triệu, Hà Nội), nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết, cách đây không lâu, người đàn ông 71 tuổi này đã vượt qua chặng đường hơn 13.000km tới Tây Tạng (Trung Quốc).

Trước đó, ông Trần Lê Hùng từng được nhiều người biết đến khi xác lập kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên đi xe máy bằng đường bộ liên tục trong 6 tháng qua 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Năm 2019, ông có chuyến đi kéo dài 6 tháng, vượt hơn 45.000km, xuyên 2 lục địa Á – Âu qua 39 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Người đàn ông Hà Nội có đam mê du lịch, khám phá các vùng đất bằng xe máy. Hình ảnh trong chuyến đi năm 2019 của ông Hùng.

Trên hành trình đặc biệt ấy, ông Hùng đã đi xuyên qua Trung Quốc, qua các nước Trung Á, qua Nga và các quốc gia châu Âu. 

 “Vì chỉ thoáng qua nên ăn chưa đủ, nhìn chưa đã. Trở về sau chuyến đi, tôi luôn ao ước được một lần đến Tây Tạng, chạm vào từng vách đá, ngồi trò chuyện cùng người dân, ăn những món ăn địa phương, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt”, ông Hùng chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Mong muốn là vậy nhưng ông Hùng chưa biết khi nào có thể lên đường bởi việc lái xe du lịch xuyên biên giới luôn có nhiều yêu cầu khắt khe, đòi hỏi sự an toàn và một sức khỏe tốt. Phượt thủ 71 tuổi chỉ còn biết âm thầm rèn luyện thể lực chờ khi có cơ hội.

Ông Hùng từng xác lập kỷ lục Việt Nam.

Để thực hiện được ước mơ của mình, ông Hùng duy trì thói quen vận động hàng ngày bằng cách bơi lội. Ông đi bơi cả mùa đông lẫn mùa hè ở sông Hồng.

Ông từng bơi từ cầu Thăng Long tới cầu Long Biên. Vào mùa nước lũ, ông Hùng chuyển qua bơi ở hồ Quảng Bá để đảm bảo an toàn.

Ngoài bơi lội, ông cũng thường xuyên chạy bộ, đá bóng, đá cầu để giữ gìn sức khỏe. Thi thoảng, ông đi phượt đường dài tới Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị hay đưa vợ đi xuyên Việt bằng xe máy…. Nhờ thói quen vận động điều độ, ông Hùng ít khi bị ốm vặt hay chịu ảnh hưởng của thay đổi thời tiết.

Hàng ngày, ông Hùng luôn duy trì nguyên tắc ăn uống “không ăn quá no, không ăn khi bụng chưa đói, uống nhiều nước”.

Bên cạnh đó, ông giữ thói quen thiền định mỗi ngày để rèn luyện sự tập trung cao độ khi lái xe. “Khi điều khiển xe máy đi phượt đường dài chỉ cần sao nhãng một chút là có thể mất mạng”, ông Hùng nói.

Nhiều người khi nghe kể về những chuyến phượt xuyên Á – Âu, xuyên Việt của ông Hùng đều cho rằng ông khá liều lĩnh. Tuy nhiên, người đàn ông này cho biết, ông luôn có sự chuẩn bị cẩn thận để được sống với cảm xúc, thực hiện ước mơ của mình.

Trở về sau chuyến đi xuyên Á – Âu, ông Hùng giữ liên lạc với nam hướng dẫn viên tên Hà. Biết phượt thủ cao tuổi luôn ấp ủ ý định tới Trung Quốc bằng xe máy, đầu tháng 6/2024, anh Hà gọi điện thông báo có một đoàn khách Việt sẽ thực hiện chuyến phượt Tây Tạng bằng ô tô.

Anh Hà đề xuất sẽ cùng ông Hùng cùng tham gia chuyến đi bằng xe máy, vị trưởng đoàn vui vẻ đồng ý bởi đã nghe kể khá nhiều về phượt thủ cao tuổi ở Hà Nội này.

Ông Hùng và anh Hà xuất phát ngày 14/6, chụp ảnh kỷ niệm tại Sơn La.

Nhận được tin, ông Hùng gấp rút chuẩn bị cho chuyến đi. Ông Hùng chỉ có 10 ngày để hoàn tất thủ tục đổi hộ chiếu, xin visa, khám sức khỏe để xem bản thân có thể thích ứng với điều kiện sinh hoạt ở nơi có độ cao như Tây Tạng hay không, mua bảo hiểm quốc tế, các giấy tờ vào Tây Tạng…

Nhiều du khách Việt từng chia sẻ, họ bị say độ cao khi du lịch Tây Tạng, thi thoảng phải sử dụng túi oxy cầm tay để đảm bảo sức khỏe. Vậy nên, với người có tuổi như ông Hùng, trước khi đến Tây Tạng càng cần chuẩn bị và thăm khám sức khỏe kỹ lưỡng.

Ông Hùng tại một cột mốc trên đường tới Tây Tạng.

“Tôi đã có tuổi, các giấy tờ yêu cầu rất phức tạp. Tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý nếu không làm kịp hoặc không được duyệt thì coi như mình không có duyên với chuyến đi này. May mắn, sau đó mọi thứ cũng hoàn thành đúng hẹn”, ông Hùng nhớ lại.

Đoàn khách đi ô tô, còn ông Hùng và anh Hà điều khiển xe máy chạy ghép với điều kiện đảm bảo đúng quy định và lịch trình đề ra. Vì vậy, ông Hùng phải chuẩn bị từng chút một để đảm bảo đủ đồ dùng cần thiết trong những ngày di chuyển, thuốc thang đề phòng cho bản thân…

Chuyến đi bí mật, “trốn” vợ con

Ông Hùng quyết định giữ kín mọi thông tin về chuyến đi với người nhà. Mấy tối liền, khi cả nhà đã say giấc, ông mới lấy đồ ra soạn sửa, sắp xếp cho vào từng hộp, từng túi.

“Tổng có 3 hộp đồ tất cả. Tôi phải sắp xếp rất khoa học để khi di chuyển cần là lấy được ngay, không tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng đến lịch trình”, ông Hùng chia sẻ.

Ngày 14/7, ông Hùng và anh Hà lên đường phượt Tây Tạng. Tuy nhiên, ông chỉ thông báo với vợ con rằng sẽ đi chơi xa ít ngày. Vốn quen với những chuyến đi phượt kéo dài 2-3 ngày của ông nên người nhà không ai thắc mắc, cứ ngỡ ông đi vài hôm rồi sẽ về.

Tuy nhiên, chuyến đi kéo dài tới 41 ngày khiến thời gian đầu, người thân và bạn bè của ông Hùng nhốn nháo dò tìm.

 Những hình ảnh vất vả trên đường đi.

Ông Hùng kể: “Những người bạn đi bơi của tôi lấy làm lạ bởi dù mưa gió thế nào tôi cũng không bỏ bơi, vậy mà lại “lặn” một hơi mấy chục ngày. Họ nghĩ tôi bị ốm. Họ hàng ở quê không gọi được cho tôi thì lo lắng”.

Khoảng 5-6 ngày sau khi xuất phát, ông Hùng tình cờ kết nối được mạng internet nên nhận được điện thoại của con dâu. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi, ông không nói rõ mình đi phượt Tây Tạng mà chỉ thông báo mình đang “đi chơi” ở Vân Nam, Trung Quốc cùng anh Hà.

Mãi sau này, khi ông Hùng đã hoàn thành chuyến đi, trở về chụp ảnh check-in với cây kem bên hồ Hoàn Kiếm, người thân và bạn bè mới biết ông đã trải qua một hành trình khắc nghiệt tới Tây Tạng – vùng đất kỳ thú được mệnh danh là cao nguyên cao nhất thế giới, nằm ở độ cao trung bình trên 4.000m.

Cảnh đẹp ngây ngất khiến ông Hùng hứng khởi trên hành trình chinh phục miền đất kỳ thú. 

Giấc ngủ giữa trời đêm -3 độ C trên con đường nhựa cao nhất thế giới

Trong hành trình 41 ngày, trừ những hôm dành ngủ bù và gặp gỡ bạn bè, ông Hùng chạy xe trung bình khoảng 400-500km/ngày. Cao điểm có ngày, để kịp lịch trình đến các điểm hẹn với đoàn ô tô, ông Hùng và người bạn đồng hành chạy xe trên 20 tiếng.

Phượt thủ cao tuổi đánh giá, chặng đường đi vất vả, nhiều thời điểm phải trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thể lực giảm sút. Đổi lại, cảnh vật đẹp ngây ngất khiến ông có động lực hoàn thành chuyến đi.

Ông Hùng giao lưu với người bản địa ở cao nguyên Thanh Hải, Tây Tạng.

 Ông Hùng kể, vất vả nhất là ngày ông di chuyển hơn 700km giữa trời mưa rét để lên đỉnh cao nhất (hơn 5.000m) của Tây Tạng. Đang đi đường thì xe bị hỏng, ông và người bạn đồng hành chật vật lôi xe vào một quán ven đường, gió mưa tạt mạnh, họ phải vừa che áo mưa vừa sửa xe.

Phượt thủ cao tuổi cũng không quên giấc ngủ vội giữa thời tiết -3 độ C vào lúc 2h đêm. “Đó là ngày gần cuối lộ trình, tôi đã thấm mệt và khả năng điều khiển xe gần như chạm tới giới hạn, nếu đi tiếp tôi sợ mình sẽ lao xuống vực.

Tôi buộc phải dừng xe để ngủ ven đường. Tuy nhiên, anh Hà can ngăn nói, nếu tôi nằm ngủ ở độ cao gần 5.000m, giữa trời rét buốt, gió 2 bên hồ thốc lên sẽ rất nguy hiểm. Nhưng vì mệt quá, tôi đã dựa vào xe thiếp đi khoảng 1 tiếng”, ông Hùng nhớ lại.

Ông Hùng tại đỉnh đèo ở Tây Tạng lúc 2h đêm (Ảnh nhân vật cung cấp).

Ngồi đợi bên cạnh, anh Hà lo lắng, chuẩn bị gọi lực lượng cứu hộ quốc tế thì ông Hùng tỉnh giấc. Sau giấc ngủ vội, ông Hùng và anh Hà tiếp tục hành trình chinh phục Semo La. Con đường lên Semo La được xem là con đường trải nhựa cao nhất thế giới. 

Khi lên tới đỉnh đèo ở độ cao 5.566m, ông như vỡ òa sung sướng nhưng chỉ dám dừng chân ngắm cảnh ít phút vì quá lạnh. Cả hai sau đó lại phóng xe thật nhanh trở về nơi đoàn tập kết. Họ dành một ngày ở lại khách sạn để ngủ bù rồi thực hiện lộ trình quay về.

Ngày về tới Hà Nội, ông Hùng lái xe tới thẳng hồ Hoàn Kiếm, mua một cây kem, chụp tấm ảnh check-in đăng lên mạng xã hội thông báo mình đã kết thúc hành trình an toàn. Lúc này, nhiều bạn bè, người thân của ông mới biết về hành trình đặc biệt và gửi lời chúc mừng.

Ông Hùng kết thúc chuyến đi vào ngày 24/7, sau 41 ngày đêm di chuyển bằng xe máy.

Ông Hùng chia sẻ, chặng đường hơn 13.000km khám phá Tây Tạng là một hành trình vất vả, nhiều rủi ro, có lúc tưởng gục ngã nhưng ông đã vượt qua được tất cả.

Hoàn thành được kế hoạch khám phá vùng đất huyền bí Tây Tạng song ông Hùng không khép lại đam mê chinh phục của mình.

Phượt thủ U80 cho biết, mỗi ngày vẫn duy trì rèn luyện sức khỏe để được sống sôi nổi, hưởng thụ niềm vui dù ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời.

Ảnh: Facebook nhân vật