Tuần lễ Phật đản Phật lịch 2568, Dương lịch 2024 được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Đây cũng là dịp để các tăng ni, phật tử thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với Đức Phật thông qua thực hành những giáo lý nhà Phật. Từ đó, mỗi phật tử lại nâng cao tinh thần trách nhiệm, sống có ý thức, biết yêu thương, giúp đỡ nhau và cùng hướng tới một thế giới hòa bình, hạnh phúc.
Trong thời gian từ 12/5 đến hết ngày 22/5, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hoạt động kính mừng lễ Phật đản tại khu di tích chùa Am Ngọa Vân.
Tiêu biểu như trưng bày văn hóa Phật giáo với hàng nghìn cuốn sách, tác phẩm điêu khắc và ảnh nghệ thuật; đại lễ Phật đản vào ngày 18/5; trang nghiêm thiết trí tượng Phật để du khách tham dự lễ tắm Phật đến hết ngày 22/5.
Đặc biệt, vào ngày 18/5, tại Ngọa Vân Yên Tử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã trang nghiêm tổ chức Đại lễ Phật đản với hàng nghìn tăng ni, phật tử thập phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, có dịp ôn lại những lời dạy của Đức Phật, gợi ra giải pháp xây dựng nền hòa bình thế giới, hạnh phúc của con người và sự phát triển bền vững của xã hội.
Ngọa Vân Yên Tử là Thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm, cũng là nơi kế thừa giá trị nhân văn của Phật giáo thế giới để tạo nên Phật giáo của Việt Nam.
Cũng chính bởi ý nghĩa đặc biệt này và mong muốn lan tỏa tư tưởng sống thiện Phật giáo, ban tổ chức Đại lễ Phật đản đã trang trọng chuẩn bị bữa cơm chay & tặng quà lưu niệm là tấm ảnh nghệ thuật ban Tam Bảo – chùa Ngọa Vân cho toàn bộ Phật tử tham dự.
Tuần lễ Phật đản tại Ngọa Vân Yên Tử đã mang đến ý nghĩa và giá trị nhân văn khi vừa là nơi để các phật tử được tham dự nghi thức kính mừng Đức Phật đản sinh, vừa góp phần lan tỏa giá trị lịch sử hơn 700 năm của khu di tích quốc gia đặc biệt – chùa Am Ngọa Vân.
Am – Chùa Ngọa Vân là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Nằm ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên, phía xa là thung lũng với dòng sông thơ mộng uốn quanh. Chùa được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo vào thời Hậu Lê. Nơi đây được xem là thánh địa của Phật Giáo Trúc Lâm.
Kiến trúc của khu vực chùa có ba lớp. Trên cùng là Am Ngọa Vân. Trong am có bệ thờ, trên đặt tượng đồng Phật hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế nhập Niết bàn.