Nghề làm vợ hờ thời vụ cho khách du lịch nước ngoài để mưu sinh

29
Từ năm 17 tuổi, Cahaya, cô gái sống ở làng Puncak (Indonesia) đã kết hôn hơn 15 lần với những người chồng hờ đều là khách du lịch đến từ Trung Đông.

Xu hướng những người phụ nữ trẻ sống tại các ngôi làng hẻo lánh ở Indonesia trở thành “vợ thời vụ” cho khách nước ngoài khi tới đây du lịch là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong dư luận nước này.

Puncak, ngôi làng ở phía Tây nước này, là nơi thu hút rất đông khách du lịch tới từ Trung Đông. Tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kota Bunga, một khách du lịch nước ngoài được người phụ nữ địa phương thông qua các công ty môi giới giúp họ kết hôn tạm thời với cô gái người bản địa.

Khi hai bên đồng ý, họ sẽ nhanh chóng tổ chức lễ cưới không chính thức. Sau đó, người đàn ông phải trả cho gia đình cô dâu một khoản tiền coi là sính lễ. Sau đó, hai người sống với nhau như vợ chồng. Thời điểm người chồng hờ kết thúc chuyến du lịch và về nước, cuộc hôn nhân của họ sẽ tan vỡ.

Trên thực tế, hình thức kết hôn này cũng vi phạm luật pháp hôn nhân tại Indonesia (Ảnh minh họa: News).

Tờ Los Angeles Times cho biết, những cuộc thỏa thuận tạm thời như vậy đang trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Puncak như một cách thúc đẩy du lịch và nền kinh tế địa phương.

Cahaya, cô gái người bản địa, chia sẻ kinh nghiệm trở thành vợ hờ của mình kể từ khi bước sang tuổi 17.

“Đến nay, tôi đã kết hôn hơn 15 lần và chồng đều là khách du lịch đến từ khu vực Trung Đông”, Cahaya nói.

Người chồng đầu tiên của Cahaya là một khách du lịch người Ả Rập Xê Út ngoài 50 tuổi. Để tiến hành lễ cưới, vị khách trả cho gia đình cô dâu 850 USD. Nhưng sau đó người môi giới và người cử hành hôn lễ lấy một nửa số tiền đó. Gia đình cô dâu chỉ nhận nửa tiền còn lại.

5 ngày sau lễ cưới, vị khách rời Indonesia quay về nước và cuộc hôn nhân tan vỡ chóng vánh.

Cahaya cho biết, cô kiếm được từ 300 USD đến 500 USD (7,4-12 triệu đồng) cho mỗi cuộc hôn nhân siêu ngắn. Với số tiền này, cô dùng để trả tiền thuê nhà và chăm sóc ông bà ốm yếu của mình

Một người phụ nữ khác có tên Nisa cho biết đã kết hôn ít nhất 20 lần và xoay sở để từ bỏ công việc này. Sau đó, Nisa may mắn gặp một người đàn ông Indonesia làm việc ở phòng nhập cư rồi kết hôn chính thức cách đây 4 năm. Họ có với nhau 2 con trai. Người phụ nữ khẳng định sẽ không bao giờ quay lại cuộc hôn nhân tạm bợ như trước kia.  

Được biết, hành vi này cũng không được pháp luật Indonesia công nhận bởi nó trái ngược với mục đích cơ bản của hôn nhân là tạo ra mối quan hệ gia đình ổn định.

Xu hướng này cũng đang trở thành chủ đề gây nhiều tranh luận trên các diễn đàn mạng xã hội tại Trung Quốc. Nhiều quan điểm cho rằng, từ câu chuyện này khiến họ liên tưởng tới những cô gái sống tại các vùng quê nghèo ở Trung Quốc.

Để thay đổi số phận chính mình, những cô gái cần được trao quyền về giáo dục và kỹ năng tự nuôi sống bản thân.