Người ta thường hay bảo rằng trước sân vườn của gia đình người H’Mông nếu có trồng hay phơi cây lanh thì chắc rằng gia đình đó có những người phụ nữ chăm chỉ, khéo tay, cần cù. Để dệt nên một tấm vải lanh cũng không hề đơn giản. Từ thu hoạch đến khi làm ra được tấm vải lanh cần phải trải qua khoảng 40 công đoạn. Cùng tìm hiểu về một nghề truyền thống từ cây lanh ở Hà Giang – một loài cây mang tín hiệu tộc người, nhắc nhở người H’Mông luôn luôn nhớ về cội nguồn.
Dệt lanh là nghề truyền thống của người H’Mông
Cây lanh trong quan niệm của người H’Mông
Người H'Mông có quan niệm "Hạt lanh có trước, con người có sau" hay “Ở đâu có cây lanh, ở đó có người H'Mông”. Đối với người phụ nữ H'Mông, khi sinh ra, lớn lên phải biết trồng lanh, dệt vải. Cây lanh ngoài mục đích chính lấy sợi dệt vải, còn là vật liệu được người H'Mông sử dụng trong hầu hết các phong tục, tín ngưỡng. Theo quan niệm của người H'Mông, cây lanh có sức sống vĩnh cửu, nên họ dùng lanh để buộc với ý nghĩa hy vọng ngôi nhà của mình sẽ được bền vững.
Cây lanh gắn liền với văn hóa tâm linh, tín người người H’Mông
Quy trình trồng và thu hoạch lanh, xử lý sợi
Từ việc thu hoạch cho đến xử lý sợi, dệt vải, xử lý vải… phải mất cả hàng tháng trời. Tạo nên một tấm vải thuần tự nhiên, bởi vậy, là cả một sự kỳ công và tỉ mỉ. Dưới đây là một số công đoạn quan trọng để tạo nên một tấm vải lanh:
Thu hoạch và phơi lanh
Mùa hè cũng là thời điểm để thu hoạch cây lanh. Mọi người sẽ cùng nhau ra đồng và phân chia công việc: thanh niên, các chị sẽ nhận phần chặt lanh, những đứa trẻ nhỏ hơn sẽ có nhiệm vụ thu gom cây, người già sẽ ngồi làm những công đoạn còn lại như tước lá, gom thành bó.
Thu hoạch lanh vào mùa hè
Thu hoạch lanh vào mùa hè
Sau khi thu hoạch, cây lanh được bó thành từng bó lớn đem về nhà để chuẩn bị cho việc phơi. Cây lanh thu hoạch về được phơi héo (phơi nắng và phơi sương) cho đến khi ngả màu vàng nâu.
Phơi lanh
Xử lý sợi: Tước sợi, nối sợi, xe sợi, lăn sợi
Sau khi lanh đã được phơi nắng phơi sương đủ độ sẽ đến công đoạn tước sợi. Nhưng công việc này phải làm xong trước khi có các đợt gió mùa đông bắc tràn về nếu không lanh sẽ bị khô sợi. Vì như vậy sẽ làm giảm độ bền của lanh, sợi sẽ bị nát và khó nối.
Nối sợi là một trong những công đoạn mất nhiều thời gian nhất Những sợi lanh sau khi đã tước tương đối đều nhau được nối với nhau. Khi nối sợi, người ta phải tuân thủ nguyên tắc nối đầu ngọn với đầu ngọn, nối đầu gốc với đầu gốc, các sợi phải đều với nhau thì khi lên vải các thớ sợi mới đều, vải dệt mới đạt độ phẳng, mịn. Việc nối sợi có thể làm ở bất cứ đâu lúc rảnh rỗi, lúc ở nhà trông em hay đi làm nương, lấy nước,… đều có thể tranh thủ làm.
Nếu đi chợ bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh những người chị, người bà quấn những búi lanh to trên người như ảnh này. Trong lúc ngồi chờ khách đến mua hàng, cứ rảnh tay thì mọi người sẽ tiếp tục làm công việc cuốn sợi để chuẩn bị cho ngày dệt.
Người phụ nữ H’Mông luôn mang theo một bó sợi bên mình khi đi chợ…
… hay khi đi làm nương
Sau khi xe và nối sợi bằng tay, sợi được đưa lên guồng xe tiếp một lần nữa. Để khỏi bị đứt, các cuộn sợi này được nhúng vào nước từ 15 đến 20 phút trước khi xe cho mềm, tăng độ dẻo dai.
Guồng quay gỡ rối sợi
Lúc này, sợi đã chuyển từ dạng dẹt và mỏng của vỏ cây sang dạng tròn và xoắn bện của sợi, người H'Mông sẽ tiến hành công đoạn lăn sợi để làm cho sợi mềm, bóng, các đầu nối sợi mỏng ra và phẳng, không lộ ra các mối nối.
Sợi lanh thô
Sợi lanh đã được xử lý
Dệt vải
Dệt vải là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Nhiều người đánh giá rằng người H'Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang có kỹ thuật se lanh dệt vải khó nơi nào sánh bằng. Những người dệt vải thường là những người mẹ, người bà bởi họ có nhiều kinh nghiệm nhất.
Người H'Mông dệt vải trên khung cửi đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ tiết diện tích 12 cm x 12 cm, dài 60 cm đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ này có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, con thoi để dệt khá to. Khi dệt người ta buộc chúng dựa vào cột nhà, người dệt ngồi trên ghế đẩu.
Việc dệt vải thường do người bà, người mẹ – những người có kinh nghiệm nhất làm
Nhuộm vải
Tấm vải sau khi dệt xong sẽ có màu mộc trầm, hơi nâu. Vải dệt xong muốn được đẹp, trắng thì phải tẩy trắng bằng tro bếp nhiều lần như tẩy sợi. Tùy theo nhu cầu của sản phẩm mà sẽ có các mức độ tẩy trắng vải khác nhau.
Vải lanh thô có màu nâu nhạt đặc trưng
Những màu sắc của vải lanh đều là những màu nhuộm tự nhiên. Màu vàng của củ nghệ, màu xanh của lá chàm, màu tím của lá cẩm, màu nâu trầm của củ nâu, màu hồng đỏ của tô mộc, màu của những cái lá ổi lá chuối, lá dứa hay mấy cái lá lạ lạ ở trong rừng, của những mảnh vỏ gỗ… tất cả được bàn tay của những người thợ khéo léo pha trộn, nhuộm và phơi vào những ngày nắng đẹp ở vùng đất Hà Giang.
Nhuộm vải từ các loại cây, củ, lá…
Nhuộm chàm là một trong những kỹ thuật nhuộm vải đặc biệt của người H’Mông
Vẽ sáp ong
Để tạo được những hoa văn in trên tấm vải, người H'Mông đã nghĩ ra cách dùng sáp ong để vẽ. Sáp ong được nung chảy trên than hồng, rồi vẽ lên vải trắng tạo những đường hoa văn theo motip hình khối của những hình thoi, hình vuông đối xứng. Những đường nét có sáp ong khi đem đi nhuộm sẽ không bị ngấm màu, tạo ra những nét hoa văn nổi trông rất đẹp mắt.
Nghệ nhân bên tấm vải vẽ sáp song
Vải vẽ sáp ong, không cần khuôn, hoàn toàn thủ công
Từ văn hóa truyền thống đến nghề thủ công đặc sắc
Từ cây lanh, cây chàm, sáp ong và các kỹ thuật giản đơn, người H'Mông đã tạo nên một nghề thủ công mỹ nghệ vô cùng đặc sắc. Nghề dệt vải được phát huy đến tầm cao của nghệ thuật hội họa và kỹ thuật may vá. Ngày nay, người H'Mông vẫn duy trì nghề dệt vải không phải vì kinh tế, vì quy trình tạo ra một tấm vải tốn rất nhiều thời gian nhưng lại khó đem lại giá trị thương mại cao. Bạn có thể nhìn thấy những công đoạn tuyệt vời này nếu đến làng dệt lanh Lùng Tám thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đồng thời có thể ngắm các sản phẩm thủ công làm từ cây lanh của đồng bào H’Mông tại đây.
Sản phẩm làm từ cây lanh
Sản phẩm làm từ cây lanh
Đó là vào một ngày Hà Giang thật đẹp, mình nhìn thấy một cô gái người H’Mông đang phơi vải lanh nhuộm từ tro bếp. Mình đã nghĩ rằng, làm thế nào để nhiều người biết rằng ở Hà Giang luôn luôn rất đẹp, không chỉ về phong cảnh, mà còn là con người và những giá trị truyền thống họ đang lưu giữ? Vì vậy, hy vọng qua bài viết trên sẽ mang đến một góc nhìn khác về Hà Giang, để thêm yêu đất và người nơi đây.