1. Phở bò
Dẫu nhắc tới phở, nhiều người vẫn quen nhớ gọi tên Hà Nội nhưng ít ai biết nguồn gốc của phở ở Hà thành hay Nam Định. Cho tới nay đây vẫn còn là đề tài tranh cãi. Nếu phở Hà Nội phong phú, đa dạng nguyên liệu cũng như cách thưởng thức thì phở Nam Định chỉ là các biến tấu từ phở và thịt bò.
Phở bò Nam Định được nấu theo công thức bí truyền của mỗi gia đình nhưng vẫn có nét đặc trưng ở nước dùng ngậy thơm đậm đà, bánh phở nhỏ sợi và thịt bò ngọt, mềm. Ngày nay, với bảng hiệu quảng cáo “Phở bò Nam Định” có mặt ở các đô thị lớn Hà Nội, TP.HCM, hay ra cả nước ngoài, nhưng muốn ăn món phở bò ngon như danh tiếng lưu truyền, thì hãy một lần thưởng thức tại chính mảnh đất Nam Định.
2. Nem nắm Giao Thủy
Nem nắm là món ăn gần gũi với nhiều người, đặc biệt là cánh mày râu. Nem nắm được dùng làm mồi nhậu quen thuộc trong các cuộc vui dân dã. Nem Giao thủy là đặc sản đáng tự hào của huyện Giao Thủy, Nam Định. Nem nắm được chế biến từ thịt, bì lợn thái mỏng, trộn với thính gạo và các gia vị.
Sợi nem Giao Thủy được thái mỏng bằng tay, không dùng máy như nhiều nơi, nên sợi nem mềm mà vẫn giòn và thấm gia vị. Khi ăn nem gói trong lá sung, lá đinh lăng, chấm với nước mắm Sa Châu (huyện Xuân Thủy) thì dậy lên hương vị đặc trưng, béo ngậy và ngọt.
3. Kẹo sìu châu
Đặc sản Nam Định trong trí nhớ của nhiều người có khi lại là vị ngọt ngào, giòn tan, bùi ngậy của những viên kẹo lạc sìu châu. Chỉ từ những hạt lạc, hạt vừng, qua bàn tay khéo léo của người dân xứ thành Nam đã tạo nên thứ quà quê đậm đà mà tinh khiết.
Kẹo sìu châu gần giống với kẹo lạc, nguyên liệu làm kẹo Sìu châu cũng tương tự gồm lạc, vừng, đường, mạch nha nhưng đặc sản Nam Định thường dùng nhiều lạc ít nha nên thơm và ngon hơn. Kẹo sìu châu được ưa chuộng đặc biệt mỗi dịp Tết đến xuân về. Ăn miếng kẹo Sìu châu giòn tan, thơm bùi và ngọt thanh mà không dính răng. Thưởng thức kẹo cùng một chén trà nóng trong không khí se lạnh và lất phất mưa xuân thì ngon không gì bằng.
4. Kẹo dồi
Kẹo dồi có xuất xứ từ tỉnh Nam Định, ban đầu chỉ được bán trong các chợ ở một số làng quê trong tỉnh. Dần dần, nó đã trở thành một món quà quê, một đặc sản của vùng, tiến đến thành phố và tỏa đi nhiều nơi. Sở dĩ kẹo có cái tên thú vị như vậy bởi nó mang hình dạng giống như món dồi rất được ưa chuộng tại khu vực miền Bắc – Việt Nam.
Kẹo có lớp vỏ màu trắng đục, giòn tan, bao tròn lấy nhân lạc rang bùi thơm, ăn không bị quá ngọt hay ngấy. Cùng với kẹo lạc, kẹo dồi là thứ quà nhâm nhi với nước chè xanh được nhiều người ưa chuộng.
5. Bánh nhãn Hải Hậu
Bánh nhãn không phải được làm từ long nhãn hay có hương thơm của nhãn mà chỉ đơn giản vì nó tròn và có màu giống quả nhãn. Bánh được làm từ một trong những sản phẩm nông sản của vùng đất nông nghiệp giàu có – loại gạo nếp hương hay nếp cái hoa vàng Hải Hậu từng nổi tiếng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Nguyên liệu làm bánh cũng như các khâu chế biến đều được chọn lựa, thực hiện kĩ càng công phu. Gạo nếp, trứng gà, đường kính, mỡ lợn đều phải lựa loại ngon để bánh rán xong tròn trịa, màu giống quả nhãn và đều nhau nhìn bề ngoài có độ bóng. Khi ăn có độ giòn và có vị mát. Ai đã từng thưởng thức bánh nhãn hẳn không quên hương vị thơm giòn, béo ngậy của bánh. Ngày nay bánh nhãn có mặt khắp nơi trong tỉnh Nam Định, góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực của địa phương.
6. Bánh xíu páo
Bánh xíu páo là một trong những thức quà ngon, dân dã của người Hoa trước đây sống trên phố Khách (nay là phố Hoàng Văn Thụ, Lê Hồng Phong) thuộc tỉnh Nam Định. Bánh xíu páo có vỏ bóc được ra thành từng lớp như vỏ bánh pía, nhưng nhân bánh là nhân mặn gồm thịt xá xíu, mộc nhĩ, mỡ lợn, trứng gà….Chiếc bánh xíu páo chiên vàng ruộm từ lâu đã là món ăn vặt quen thuộc của nhiều thế hệ học sinh nơi đây.
7. Bánh gai
Nam Định là mảnh đất sinh ra những chiếc bánh gai thơm ngon, dẻo ngọt và nó là thứ đặc sản tiêu biểu của đất Thành Nam này. Bánh gai Nam Định nổi tiếng nhất là Bánh gai Bà Thi. Đây là món bánh gai truyền thống giữ được hương vị nguyên bản của lá gai và gạo nếp. Cùng với nhân bánh là sự tổng hợp của nhiều nguyên liệu như đỗ xanh bỏ vỏ, thịt mỡ, lạc, sen, dừa… mỗi loại một chút nhưng những nguyên liệu đó đủ để hòa quyện vào nhau và tôn lên một mùi vị khác biệt, thơm ngậy và ngọt bùi.
8. Cá nướng úp chậu
Cá nướng úp chậu chế biến cầu kỳ, thường chỉ được chuẩn bị trong những dịp lễ Tết đầu năm nhưng không vì thế mà mất đi tính đặc trưng của vùng đất Nam Định. Những ngày đầu xuân, vào bất cứ gia đình nào tại Nam Định, bên cạnh những món ăn truyền thống, bạn sẽ được chủ nhà mời một món cá nướng độc đáo này.
Cá có phần da cá vàng ươm, giòn dai như mực nướng, phần thịt chắc nịch, thơm phức. Cá lựa con ngon, tươi rói đem úp trong một chiếc chậu chuyên dụng rồi được đốt rơm, om trấu trong khoảng 5 tiếng mới có thành phẩm. Cá hấp thụ nhiệt qua chậu nên không cháy, không chảy nước mà săn chắc tự nhiên rất thơm ngon.
Theo depplus
Xem thêm bài viết:
10 đặc sản ‘nhắc là thèm’ của thành phố Nam Định
Du lịch Nam Định ghé thăm 10 nhà thờ đẹp khó cưỡng
7 đặc sản ngon ngất ngây của đảo Cát Bà