Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi lưu giữ, trưng bày 9 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Đặc biệt các cổ vật này đều có niên đại cả ngàn năm tuổi.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng (quận Hải Châu) là nơi lưu giữ và trưng bày hơn 3.000 hiện vật, trong đó có 9 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Đây là bảo tàng có lịch sử lâu đời nhất ở nước ta được xây dựng từ năm 1915 và mở cửa cho khách tham quan từ năm 1919.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến khoảng thế kỷ XIV – XV của nền văn hóa Chăm.
Trong đó có 9 cổ vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.
Năm 2012, bảo tàng này có 3 trong tổng số 30 hiện vật trên cả nước lần đầu tiên được công nhận bảo vật quốc gia. Các cổ vật này gồm đài thờ Trà Kiệu, đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara.
Năm 2018, đài thờ Đồng Dương được công nhận bảo vật quốc gia và trở thành hiện vật thứ 4 ở đây được công nhận.
Năm 2021, bảo tàng này có 2 cổ vật được công nhận bảo vật quốc gia là tượng Ganesha và tượng Gajasimha.
Đầu năm 2024 nơi đây có thêm 3 cổ vật được công nhận là bảo vật quốc gia gồm phù điêu Apsara, tượng Thần Shiva, phù điêu Đản sinh Brahma.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là nơi từng đón nhiều nguyên thủ quốc gia tới thăm. Đây cũng là điểm tham quan đóng góp lớn vào các chương trình quảng bá văn hóa và phát triển du lịch Đà Nẵng. Năm 2019 doanh thu bán vé của bảo tàng này đạt khoảng 17 tỉ đồng.
Hiện công trình Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố.
Nhiều bảo vật quốc gia “xuất ngoại” triển lãm
Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng có nhiều cổ vật, trong đó có một số bảo vật quốc gia từng được “xuất ngoại” đến những bảo tàng lớn nhất thế giới để trưng bày.
Các triển lãm kéo dài nhiều tháng trời ở các bảo tàng lớn nhất thế giới tại Pháp, Mỹ.
Bảo vật được mang đi triển lãm thường được đổi lại bằng các chương trình hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị di sản.