Nếm thử món ngon Quảng Nam

37

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mỗi miền đất đều lưu giữ những giá trị văn hóa, ẩm thực riêng. Về mảnh đất Quảng Nam, du khách được thưởng thức những đặc sản ẩm thực mang hương vị rất riêng, ai nếm thử một lần thì nhớ mãi.

Đến làng Bình Định, Thăng Bình (Quảng Nam), du khách có lẽ khó cầm lòng với đặc sản dân dã có từ bao đời nay: cháo lươn xanh (ăn với cải xanh) hay còn gọi là cháo lươn gạo si. Gạo si (từ giống lúa cổ của địa phương) nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ trong một nồi riêng. Lươn đồng cũng đem làm sạch, chặt từng khúc nhỏ bằng lóng tay, trộn đều với gia vị rồi um lên bằng nồi đất đậy lá chuối non.

Khi tô cháo nóng hổi với lươn om thơm phức được bưng lên, người xứ Quảng có thể bỏ luôn một lần cải và các lọai rau, bánh tráng bẻ nhỏ vào tô cháo để vừa thổi vừa xuýt xoa ngon miệng; hoặc thong thả bỏ vài cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy vị cay cay của cải xanh, vị béo mà thơm nồng của lươn, vị ngọt dịu thoang thoảng mùi hương của cây lúa quê nhà.

Một bát cháo lươn gạo si chỉ tâm 15.000 – 20.000 VND. Cháo lươn làng Bình Định ngon nhất là ở quán của chị Trương Thị Cẩm ở thôn 4, cách đập Phước Hà gần 5km.

2. Bánh tổ – hương vị Tết Quảng Nam

Bánh có màu trắng, ngà, cà phê sữa, hay “đen như cục đường bát” tùy vào loại và lượng đường dùng làm nguyên liệu chế biến, bên trên phủ một lớp mè (vừng). Cầm ổ bánh tổ lên, khứu giác còn cảm nhận được mùi gừng thơm lừng quện trong hương vị bánh.

Cái hay của bánh tổ là có thể để được lâu, ăn dần dà cả tháng. Bánh tổ vừa dẻo vừa ngọt, nên không chỉ bày trên các mâm lễ dâng gia tiên ngày tết Nguyên đán, mà cả trong mâm lễ tiễn ông Táo về trời. Bánh tổ bỏ vào chảo dầu phụng chiên giòn lại có hương vị đặc trưng khác, không chỉ ngọt, dẻo, thơm lừng mùi gừng, mùi vừng mà còn hơi beo béo, chỉ làm thèm, không hề gây ngán.

Ra các chợ ở Quảng Nam ngày giáp Tết, bạn sẽ thấy bánh tổ được bày bán rất nhiều.

3. Bánh bột lọc

Bánh bột lọc tuy mộc mạc, dân dã nhưng lại rất ngon, ai đã từng đến với Tam Kỳ – Quảng Nam thực sự không thể quên được hương vị tuyệt vời của loại bánh này.

4. Mì Quảng

Mì Quảng được làm từ lá bánh tráng gạo thái thành sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… Nhưng là nhân gì đi nữa thì mì Quảng cũng không thể thiếu cái bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, vài hạt đậu phộng và đĩa rau sống đi kèm. Ăn mì Quảng phải ăn ngay từ khi còn nóng.

Đến Quảng Nam bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán ăn mì Quảng nằm dọc Quốc lộ 1A: quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thị xã Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thị xã Hội An)… Một tô mì cũng không quá đắt với giá trên dưới 20.000 VND.

Các quán mì Quảng ngon ở phố cổ Hội An: Buổi sáng và trưa: ăn mì gà đường Lý Thường Kiệt; Buổi trưa: mì gà và mì thịt heo, trứng ở Cẩm Hà, đường lên làng gốm Thanh Hà; Tối, sau 7 giờ: ăn mì gà ông Hai, trước kia ông bán ở chợ vải, nay dời về nhà đường Nguyễn Duy Hiệu.

5. Cá chuồn Núi Thành

Cá chuồn ở Núi Thành chế biến được nhiều món ngon: cá chuồn nướng, cá chuồn áp nén chiên giòn, cá chuồn nấu canh với rau ranh, rau muống, nấu cháo gạo, kho, luộc… nhưng không món nào có thể thiếu gia vị là củ nén.

Tầm tháng Ba đến tháng Năm âm lịch, nếu bạn có dịp về biển Rạng (Núi Thành – Quảng Nam) giữa mùa rộ cá chuồn, nhưng hiếm, đắt và ngon nhất vẫn là cá chuồn xanh. Cá chuồn xanh nướng có mùi vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loại cá nào. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cũng không cầu kỳ, cứ cầm hẳn trên tay, bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh thì không gì thú vị bằng, vừa ăn vừa xuýt xoa, mằn mặn đầu môi vị muối của đại dương… Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu cá chuồn nướng quấn trong bánh tráng lề (bánh tráng cuốn) kèm rau sống, chấm nước mắm ớt.

Cá chuồn nướng mỗi con giá từ 15.000 VND/2 con trở lên, bán nhiều tại các nhà hàng hoặc ven bờ biển.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU – Theo Vietnamnet