Mùa nước nổi An Giang

13

An Giang nằm ở phía Tây Nam Bộ là vùng đất đầu nguồn nơi sông Mekong chảy vào đất Việt, lại thêm một phần giáp với Campuchia cũng chính là nơi những con nước mùa lũ đầu tiên đổ về. Cũng giống như các địa phương khác ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long, An Giang chịu nhiều tác động rõ rệt của dòng sông qua các mùa với nhiều biến động, đặc biệt là mùa nước lũ.

mùa nước nổi An Giang

Mùa nước nổi ở An Giang, một lượng phù sa lớn đọng lại khi con nước qua đi làm đất đai thêm màu mỡ

Mùa lũ thường vào tháng 8 đến tháng 11 hàng năm khi những cơn bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa ở thượng nguồn làm mực nước lên nhanh. Sau đó nước đổ vào biển hồ Tonle sap ở Campuchia rồi phần lớn dòng nước nhập vào Việt Nam qua sông Tiền ở tỉnh Đồng Tháp và sông Hậu trước khi đổ ra biển qua các nhánh sông. Mùa nước lũ, mùa nước lên, mùa nước lớn hay còn gọi là mùa nước nổi là những tên gọi thân thương mà người dân miền Tây thường gọi mùa này. Tùy theo thời tiết mà mùa nước có sớm hoặc kết thúc muộn vào những thời điểm khác nhau. Nước lên nước xuống từ từ vận hành có quy luật nên thường được gọi là “mùa nước nổi“. Mùa nước nổi mang lại nhiều lợi ích trong đời sống. Nước ngập làm rửa trôi các tồn dư trong sản xuất nông nghiệp, một lượng phù sa lớn đọng lại khi con nước qua đi làm đất thêm màu mỡ. Nguồn thủy sản phong phú với những con cá lớn lên theo con nước như cá linh, cá hô, cá lòng tong, cá bông lau, lươn, rắn, ếch…

Kênh Vĩnh Tế

Kênh Vĩnh Tế được đào từ tháng 12 âm lịch năm 1819 từ bờ tây sông Châu Đốc dọc theo biên giới Campuchia và kết thúc ở Hà Tiên tỉnh Kiên Giang dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu cùng một số thủ lĩnh khác. Đến năm 1824 thì kênh được hoàn thành.

mùa nước nổi An Giang

Kênh Vĩnh Tế, kênh đào lớn nhất và có vị trí quan trọng ở các tỉnh miền Tây, chạy qua tỉnh An Giang.

mùa nước nổi An Giang

Quang cảnh ngày thường trên kênh Vĩnh Tế.

Kênh Vĩnh Tế được đặt theo tên của bà Châu Thị Vĩnh Tế là vợ cả của Thoại Ngọc Hầu. Bà Vĩnh Tế nổi tiếng là người vợ đảm đang góp phần không nhỏ trong việc thay chồng quản thúc việc đào kênh những lúc ông bận việc công cán. Đầu mùa nước nổi, nước lên tràn bờ, những đàn cá linh non đua nhau về theo. Những con cá linh bé bằng ngón tay út được mua về làm những món ăn ngon đặc trưng mùa nước như cá linh tẩm bột chiên giòn hay cá linh kho. Cá linh còn được dùng làm mắm với mùi thơm nồng lắng đọng dễ kết hợp với nhiều loại thực phẩm và được người dân nhiều địa phương đón nhận nồng nhiệt.

mùa nước nổi An Giang

Đầu mùa nước nổi, những đàn cá linh non được đánh bắt về làm đặc sản được nhiều người ưa thích.

mùa nước nổi An Giang

Người dân đánh bắt cá trên kênh Vĩnh Tế vào mùa nước lên.

Ở mùa nước nổi, kênh Vĩnh Tế náo nhiệt cả ngày, những đứa trẻ chèo lên cây nhảy ùm xuống sông bơi lội. Người dân đứng bên bờ quăng chài, hoặc chèo xuồng thả lưới hoặc kéo vó. Lại có người hái bông súng, bông điên điển để bán về các chợ thành phố. Những món ăn đặc trưng theo chân bà con đưa mùa nước nổi đến mọi nhà.

mùa nước nổi An Giang

Quăng lưới là một hoạt động thường gặp mùa nước nổi.

mùa nước nổi An Giang

Quang cảnh đánh cá thật đẹp vào buổi bình minh trên kênh Vĩnh Tế.

Đầu mùa nước nổi còn có một sản vật không kém phần đặc biệt chính là những con cá kết. Cá kết thường được đánh bắt từ tháng 6 hàng năm đến đầu mùa nước nổi khi nước đã tràn đồng. Cá kết là cá da trơn có chất lượng thịt rất ngon chủ yếu phân bố ở Thái Lan, Lào, Campuchia và một số ít đoạn sông ở Việt Nam. Có một món ăn rất ngon mà bạn chỉ cấn ăn một lần sẽ nhớ mãi là cá kết chiên ăn với nước mắm và xoài xanh bào sợi mỏng. Những món ăn dân dã đậm đà mà chỉ miền quê sông nước mới có.

mùa nước nổi An Giang

Cá linh, món ăn đặc sản rất được ưa thích thường xuất hiện vào mùa nước lên.

mùa nước nổi An Giang

Cá kết, món ăn đặc sản mùa nước nổi.

Rừng Tràm Trà Sư

Rừng Tràm Trà Sư là một điểm nhấn đặc biệt mà bạn không thể bỏ qua khi đến với mùa nước nổi An Giang. Rừng Tràm Trà Sư là rừng cây tràm bạt ngàn ở phía tây sông Hậu thuộc xã Văn Giáo và Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Nơi đây cách biên giới Campuchia khoảng 10km.

mùa nước nổi An Giang

Rừng Tràm Trà Sư xanh biếc.

Nhiều năm về trước, khi công cuộc kè bờ lắp cống ngăn lũ chưa được đầu tư như bây giờ, lâm trường Tịnh Biên trồng tràm thử nghiệm vừa ngăn lũ đầu nguồn vừa cải tạo đất. Công cuộc thử nghiệm gặp rất nhiều khó khăn vì khi đó vùng đất này đang nhiễm phèn nặng, bị bỏ hoang như vùng đất chết. Từ mục đích ban đầu là trồng thử nghiệm, giờ đây Trà Sư nổi bật lên giữa vùng Tứ Giác Long Xuyên như là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho sông nước miền Tây và đã trở thành ngôi nhà cho rất nhiều loại động thực vật quý hiếm. Rừng là nơi cư trú của nhiều loài chim thú trong đó có những loài thuộc sách đỏ Việt Nam như chim Giang Sen và Điêng Điểng. Nhiều loại thực vật cũng như các loại cá, bò sát ếch nhái, các loại thú, nhiều loại dược liệu quý hiếm cũng có mặt.

mùa nước nổi An Giang

Rừng Tràm Trà Sư có không khí mát mẻ, cảnh vật cây cỏ mang màu sắc tươi xanh mơn mởn.

mùa nước nổi An Giang

Chèo thuyền lướt nhẹ trên thảm bèo xanh mát ở Rừng Tràm.

Mỗi khi tới mùa nước nổi rừng Trà Sư có không khí mát mẻ, cảnh vật cây cỏ mang màu sắc tươi mới mơn mởn. Vào buổi sáng sớm là lúc nhộn nhịp ồn ào nhất bởi những đàn chim bủa đi kiếm ăn từng bầy lại từng bầy tiếp nối. Cò, diệc bay thành hình mũi tên vừa bay vừa gọi nhau trên cao vang cả cánh rừng. Rất dễ để bạn bắt gặp cảnh những chú chim mẹ mớm mồi cho chim non trên tổ. Mặt nước trong rừng mùa lũ nhiều bèo tấm phủ kín cả mặt nước tạo thành thành lớp thảm dày xanh thẫm. Ở vùng lõi của rừng chỉ được di chuyển bằng xuồng ba lá chèo tay, tốc độ di chuyển rất chậm đủ để có thể quan sát quang cảnh mà không làm xáo động môi trường sống của các loài sinh vật.

Cánh Đồng Thốt Nốt

An Giang được xem là xứ sở của những cánh đồng thốt nốt trải rộng miên man. Ngắm cảnh mùa nước nổi không thể không kể đến những cánh đồng ngập nước in bóng những cây thốt nốt trong ánh bình minh rực rỡ. Những cây thốt nốt thẳng đứng mảnh dẻ mà vững chãi vươn thẳng lên bầu trời, in bóng xuống mặt nước. Cả cánh đồng ngập nước mênh mang, một vẻ đẹp đến xao lòng.

mùa nước nổi An Giang

Những cây thốt nốt thẳng đứng mảnh dẻ mà vững chãi vươn thẳng lên bầu trời, in bóng xuống mặt nước.

mùa nước nổi An Giang

Cánh đồng thốt nốt rực lên trong buổi bình minh tuyệt đẹp.

Đến hẹn lại lên, khi con nước ở thượng nguồn đổ về các ao hồ kênh rạch ruộng vườn làm mực nước dâng lên. Bên cạnh những trở ngại cho đời sống sinh hoạt hàng ngày thì mùa nước cũng đem đến các nguồn lợi khác như đánh bắt thủy sản, thu hoạch bông súng bông điên điển…Đồng thời tạo nên những cảnh đẹp đặc trưng rất riêng của miền sông nước, tô điểm cho cuộc sống thêm những sắc màu thú vị. Bởi vậy mà mùa nước nổi càng ngày càng thu hút nhiều du khách đến với An Giang, không chỉ ngắm cảnh đẹp mà còn thưởng thức những món ăn ngon. Năm nào cũng vậy, ta lại hẹn nhau vào mùa nước nổi An Giang.