Đất Bình Định (xứ Vijaya xưa), kinh đô một thời của Chăm pa (thế kỷ X – XV) với những khu đền tháp Chăm nổi tiếng: tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, tháp Cánh Tiên, tháp Phú Lốc, tháp Dương Long, tháp Thủ Thiện, tháp Hòn Chuông.
Ngoài tháp Hòn Chuông nằm ở một vị trí quá sức hiểm trở, giới khảo cổ cũng chưa nghiên cứu được bao nhiêu, còn những ngôi tháp khác trên đất Bình Định, Lữ Phong đã đến nhiều lần, gần như lần nào đi Quy Nhơn y cũng dành thời gian ghé thăm chúng. Giữa tháng 4/2021 y lại tranh thủ dịp cuối tuần, ra Quy Nhơn chơi.
Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng, thì chỗ để đi chơi nhiều vô kể, đi mãi không hết, bạn bè lại đông, đã ra tới Quy Nhơn cũng khó mà “trốn” được các bằng hữu, nên Lữ công tử cũng chỉ dành được 1 ngày để đi thăm mấy ngôi tháp Chăm mà thôi. Khác với mọi khi, lần này y có “đồng bọn” đi cùng, cũng vui hơn là lầm lũi một mình.
Tháp Đôi – Tháp Bánh Ít: những cụm tháp ở Quy Nhơn và ngoại ô
Tháp Đôi nằm ngay trong nội đô thành phố Qui Nhơn
Tháp Đôi ở ngay nội đô Quy Nhơn, là cụm tháp Chăm mang ảnh hưởng của phong cách kiến trúc Khmer, bởi nó được xây dựng trong khoảng thời gian giữa Champa và Chân Lạp xảy ra chiến tranh liên miên kéo dài trong giai đoạn cuối thế kỷ XII đến thế kỷ XIII. Phần mái của cụm tháp này khác hẳn so với các tháp Chăm truyền thống.
Từ cổng tháp Đôi trở ra, rẽ phải theo đường Trần Hưng Đạo và tiếp tục theo hướng Đào Tấn, Nguyễn Huệ đi miết ra khỏi thành phố khoảng 20km thì cặp sát một nhánh sông Kôn, từ đây đã thấy cụm tháp Bánh Ít nổi bật trên đỉnh ngọn đồi cao bên kia sông.
Cụm tháp Bánh Ít nổi bật trên đồi cao
Nhiều năm trước, có con đường lát đá vòng ra mé trái ngọn đồi để đi lên cụm tháp, sau này di tích được đầu tư trùng tu, làm lại hệ thống bậc thang lên khu tháp theo đúng trục chính: đi qua tháp cổng (ngôi tháp thấp nhất bên phải bức ảnh) rồi dẫn trực tiếp lên tháp chính ở đỉnh đồi. Đây là cụm tháp Chăm lớn nhất còn tồn tại ở đất Bình Định.
Đường lên tháp theo trục chính của khu tháp
Tháp Bình Lâm – Tháp Cánh Tiên: những ngôi tháp ở khu vực trung tâm Vijay xưa
Tháp Bình Lâm nằm tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, cách tháp Bánh Ít chỉ khoảng 7km đường vòng vèo qua các xóm làng và cánh đồng. Đây là ngôi tháp được cho là cân đối, đẹp nhất trong số các tháp Chăm còn lại ở Bình Định, ngôi tháp cổ hiện tại nằm ngay giữa khu dân cư, sát bên đường làng.
Tháp Bình Lâm nằm giữa xóm làng
Rời tháp Bình Lâm, Lữ Phong cùng “đồng bọn” xuôi đường 636B để ra thị xã An Nhơn, rồi rẽ phải theo QL1A để ghé vào tháp Cánh Tiên. Ngôi tháp nằm trên một gò cao ở vị trí ngày xưa là trung tâm thành Đồ Bàn – kinh đô Champa xưa, nay thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định.
Tháp Cánh Tiên bề thế, đứng trên một gò cao giữa kinh đô Đồ Bàn xưa.
Tháp Dương Long – Tháp Thủ Thiện: cầu tre qua sông Kôn
Rời tháp Cánh Tiên trở ra QL1A còn 3 cụm tháp quanh khu vực thị xã An Nhơn. Tháp Phú Lốc ở phường Nhơn Thành, cụm tháp Dương Long và tháp Thủ Thiện thì xa hơn khoảng hơn 20km về phía Tây, trên đất huyện Tây Sơn. Lữ Phong ưu tiên hai cụm tháp ở xa trên đất Tây Sơn trước, phần cũng vì để dành cuối chiều trở lại ngắm tháp Phú Lốc trong hoàng hôn.
Mặt trước cụm tháp Dương Long
Cụm tháp Dương Long gồm 3 ngôi tháp thuộc loại cao nhất trong số các tháp Chăm còn lại ở miền Trung, với ngôi tháp giữa cao gần 40 mét. Đây cũng là cụm tháp mang ảnh hưởng của kiến trúc Khmer, với hình dáng các ngôi tháp khác hẳn với các tháp Chăm truyền thống. Tại cụm tháp này, người ta khai quật và thu nhặt được rất nhiều các mảnh vỡ bằng đá có chạm khắc trang trí rất phong phú. Hiện các mảnh đá vỡ còn được chất thành tường rào xung quanh 3 ngôi tháp gạch.
Những mảng đá trang trí được chất thành hàng rào phía sau 3 ngôi tháp
Gần đối diện với cụm tháp Dương Long ở phía hữu ngạn sông Kôn, tháp Thủ Thiện đứng một mình giữa ruộng nương bên sông. Tháp bắt đầu được trùng tu vào giữa năm 2020, dự kiến dịp 30/4/2021 sẽ hoàn thành, nhưng do nhiều yếu tố chắc chắn tiến độ công việc sẽ bị chậm lại nhiều. Lữ Phong biết vậy, nhưng vẫn muốn ghé qua xem hình trạng ngôi tháp cổ được trùng tu đến nay ra sao, vả lại, từ Dương Long sang Thủ Thiện đường không xa, và đặc biệt thú vị khi xe máy vượt sông Kôn trên cây cầu tre nứa dài ngút ngát, nối xã Tây Bình (nơi có tháp Dương Long) sang xã Bình Nghi (nơi có tháp Thủ Thiện)
Cầu tre An Chánh bắc qua sông Kôn, tháp Thủ Thiện bên bờ phía dãy núi xa
Bóng người và xe in xuống lòng sông cạn trong chiều vàng lộng gió
Tháp Thủ Thiện nằm ngay giữa nương sắn xanh ngát ven bờ sông. Giữa tháng 4/2021, quả nhiên ngôi tháp đang bị vây kín bởi các giàn giáo, còn công nhân trùng tu tháp thì không thấy bóng một ai. Lán bỏ không, dường như đã từ rất lâu rồi.
Tháp Thủ Thiện nằm giữa ruộng nương xanh ngắt, việc trùng tu đang dang dở.
Tháp Phú Lốc tuyệt đẹp trong hoàng hôn
Trời đã ngả chiều muộn, Lữ Phong cùng đồng bọn quay trở lại bên kia sông ngược về thị xã An Nhơn để canh ngắm tháp Phú Lốc trong hoàng hôn. Xe chạy trong chiều mát lộng trên QL19B – mà trước đây là đường ĐT636 – qua sân bay Phù Cát vào thị xã An Nhơn. Ánh hoàng hôn tháng Tư chiếu lên ngôi tháp Phú Lốc đứng trên đồi cao, khiến ngôi tháp cổ bằng gạch đỏ rực lên trên nền trời chiều, thật là một hình ảnh tuyệt đẹp.
Những lần trước đây, Lữ Phong đã leo bộ lên đỉnh đồi để ngắm và chạm vào ngôi tháp cổ, nhưng lần này, y dành để chỉ cho đồng bọn xem vẻ đẹp của ngôi tháp dưới ánh hoàng hôn, chứ không đủ thời gian leo lên tháp nữa.
Tháp Phú Lốc trên đồi cao, đỏ rực trong hoàng hôn tháng Tư
Lữ Phong cùng bạn đồng hành kiếm một bãi cỏ ngay bên lề đường QL19B, ngồi hóng gió uống nước và ngắm ngôi tháp cổ mờ dần khi màn đêm buông xuống. Trăng bàng bạc lên cao dần trên nền trời xanh sẫm, ngay cả khi nắng chưa tắt hẳn. Đồng bọn của Lữ Phong tỏ ra rất thích trước khung cảnh này, khiến y cũng thấy đỡ áy náy khi lôi “con nhà người ta” đi rong ruổi chang nắng cả ngày trời.
Màn đêm dần buông, kết thúc một ngày với các tháp Chăm cổ
Quy Nhơn còn nhiều cảnh đẹp và nhiều bằng hữu đang chờ. Tạm biệt các ngọn tháp cổ kính. Hẹn những lần sau.