Một ngày với Nha Trang – không biển đảo

30

Những kẻ ưa lang thang thường có bằng hữu ở khắp nơi, Lữ Phong cũng không phải ngoại lệ. Khi chiếc bus đường dài mang tên Xe Nhà thả y xuống ngã ba Cầu Lùng ở cửa ngõ phía Nam của Nha Trang, thì vị thổ địa bằng hữu đã chờ sẵn với chú cào cào nhỏ gọn ở bên đường.

Cả hai chở nhau chạy vào Diên Khánh ăn sáng, rồi kéo nhau sang quán cà phê hàn huyên đủ chuyện trên trời dưới biển, từ chuyện công việc tới chuyện dịch bệnh, tới chuyện đi chơi bù lại thời gian bó chân vì dịch, … Tới khi giật mình vì đã sắp 10g sáng, nắng đã gắt gao ngoài đường, Lữ Phong vội trả vị bằng hữu về với gia đình ngày cuối tuần, rồi y leo lên chiếc cào cào, nhắm vào nội thành Nha Trang vút ga.

Tháp Bà Po Nagar – thánh địa phía Nam của vương quốc Champa cổ

Người Champa xưa sinh sống ở dải đất miền Trung, mang nặng ảnh hưởng của văn hóa, tôn giáo Ấn Độ. Họ xây những ngôi tháp gạch thờ các vị thần Ấn giáo trên khắp lãnh thổ của mình, trong đó có hai khu vực được xây dựng tập trung rất nhiều các đền đài tráng lệ, được coi như “thánh địa” tôn giáo của họ: Khu đền tháp Mỹ Sơn ở Quảng Nam và khu đền tháp Po Nagar ở Nha Trang – khi xưa thuộc xứ Kauthara – phía Nam của vương quốc Champa.

Tháp Bà Po Nagar

Tháp Bà Po Nagar nhìn từ cầu Trần Phú, Nha Trang

Khu đền tháp Po Nagar là một quần thể các ngôi tháp gạch được người Champa xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ ở cửa sông Cái. Cụm đền tháp bắt đầu được xây dựng từ thế kỷ VIII, và liên tục được sửa sang, xây mới, tu bổ trong suốt một khoảng thời gian dài do ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh với người Java từ ngoài biển và người Khmer từ phía Tây.

du lịch Nha Trang

Ngày nay khu đền tháp còn lại 5 khối kiến trúc cổ

Tháp Bà Po Nagar

Toàn cảnh 4 ngôi tháp gạch trên đỉnh đồi

Ngày nay khu đền tháp Po Nagar còn lại 5 khối kiến trúc cổ bằng gạch, gồm 4 ngôi tháp trên đỉnh đồi và những cột gạch của một công trình ở dưới chân đổi, thẳng phía trước ngôi tháp trung tâm. Khi Lữ Phong đến đây, cả nước vừa chập chững bước ra khỏi cơn đại dịch Covid-19, lại vào dịp cuối năm nên Nha Trang rất vắng du khách, bởi vậy y tha hồ chụp các góc cạnh của từng ngôi tháp mà không phải mất thời gian chờ “sạch phông”.

du lịch Nha Trang

Được xây dựng ở các thời điểm khác nhau, các ngôi tháp có hình dạng phong phú và được trang trí khác biệt với nhau

Người Champa tu bổ, thờ phụng thường xuyên tại khu đền tháp Po Nagar cho tới cuối thế kỷ XVIII. Người Việt đến, họ dần Việt hóa những yếu tố tôn giáo nơi đây cho phù hợp với tín ngưỡng tôn giáo của mình và tiếp quản, biến khu đền thờ thành nơi thờ phụng của mình, khu đền tháp từ đó được gọi là Tháp Bà Po Nagar.

Không gian thờ cúng trong các ngôi tháp ở Tháp Bà Po Nagar hiện đều có sự pha trộn phong cách tín ngưỡng của người Chăm và người Việt, qua các tượng thờ của người Chăm xưa kết hợp với các vật thờ của người Việt.

du lịch Nha Trang

Tượng nữ thần Po Nagar của người Chăm xưa được người Việt thờ cúng “Bà” theo phong cách Việt tại tháp trung tâm khu Tháp Bà Po Nagar

Tháp Bà Po Nagar

Tượng nữ thần Po Nagar của người Chăm xưa được người Việt thờ cúng “Bà” theo phong cách Việt tại tháp trung tâm khu Tháp Bà Po Nagar

Thăm mộ Bác sĩ Alexandre Yersin

Lữ Phong cặm cụi trên khu Tháp Bà Po Nagar thoáng cái đã mất hơn 2 tiếng, giờ đã sắp 13h00. Y bèn cưỡi cào cào quay lại trung tâm thành phố, ghé quán bún cá Nguyên Loan làm một tô tú hụ, chậm rãi ngồi thưởng thức vị ngon trong cơn đói đã được để ngấu. 14h00, Lữ Phong ngồi café với một vị huynh đệ khác, giải quyết chút việc theo hẹn, rồi gần 16g, y lại leo lên chiếc cào cào, chạy xuôi về ngoại ô phía Nam thành phố để đi viếng mộ bác sĩ Yersin, một bậc danh nhân đáng kính có nhiều thành tựu về y học.

Mộ bác sĩ Alexandre Yersin nằm tại một ngọn đồi nhỏ gần trại chăn nuôi Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 20km về phía Nam, cách QL1A vài trăm mét về bên phải, theo hướng từ Nha Trang vào Nam.

du lịch Nha Trang

Chiếc cào cào đợi chủ bên ngoài cổng khu mộ bác sĩ Yersin

Nắng cuối chiều rực rỡ cũng không xuyên qua hết được tán lá xanh rì nơi quả đồi mà vị bác sĩ khả kính yên nghỉ. Từ chân đồi, có một con đường bậc thang bằng đá dẫn lên đỉnh đồi, uống cong nhè nhẹ đi dưới tán lá cây rừng xanh mát. Không khí nơi đây vô cùng mát mẻ và yên tĩnh, dù cách vài trăm mét phía ngoài là QL1A luôn ồn ào âm thanh của xe cộ ngược xuôi.

Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 – 1943) là một nhà khoa học lừng danh thế giới, nhưng lại rất khiêm tốn và bình dị. Ông dừng chân, sống và làm việc tại mảnh đất Nha Trang gần 50 năm, cho tới khi trút hơi thở cuối cùng tại đây, và trong di chúc, ông yêu cầu được yên nghỉ tại Suối Dầu, ngoại ô Nha Trang: Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác… Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn” – trích di chúc của bác sĩ A. Yersin.

du lịch Nha Trang

Ngôi mộ vô cùng giản dị của bậc vĩ nhân thế giới, trên đỉnh một ngọn đồi vô danh ở ngoại ô thành phố Nha Trang.

A. Yersin là người tìm ra tác nhân gây bệnh dịch hạch và đã chế ra thuốc chữa hiệu quả, cứu sống hàng triệu người. Ông sống giữa một làng chài ở Nha Trang và vô cùng chan hòa với bà con người Việt bản địa, với họ, ông là vị cứu tinh, là “ông Năm” hiền từ, tốt bụng và khiêm tốn. Ngọn đồi nơi ông yên nghỉ nằm trong một trang trại (thuộc Viện Pasteur do ông sáng lập) nuôi ngựa để lấy huyết thanh dùng cho y khoa. Những năm tháng cuối cùng ông làm việc tại đây, và khi nằm xuống, cũng muốn được yên nghỉ tại nơi mình làm việc.

Thăm chùa Linh Sơn Pháp Ấn và nhà lưu niệm bác sĩ A. Yersin

Chếch về phía Tây Bắc khu mộ bác sĩ Yersin khoảng hơn 1km là chùa Linh Sơn Pháp Ấn, nơi có một căn nhà lưu niệm của bác sĩ A. Yersin. Chạy từ khu mộ bác sĩ ngược về Nha Trang, ngôi chùa nằm trên sườn núi ngay ven QL1A, vượt qua đường sắt là vào ngay cổng chùa.

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn nằm ngay bên QL1A và đường sắt Bắc Nam

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn

Cổng chùa sát ngay đường tàu hỏa

Từ cổng chùa theo con đường cong cong đi lên sườn núi, qua một vườn tượng giữa bóng cây xanh, tới một căn nhà mái ngói với các ô vòm, tường sơn vàng nhạt – nhà lưu niệm bác sĩ A. Yersin.

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn

Những ô vòm thấp thoáng, phía sau là chính điện Linh Sơn Pháp Ấn

Ngôi nhà nhỏ khang trang, tràn ngập ánh sáng bởi hàng hiên với những ô vòm cao, rộng. Đây là một trong số những nơi bác sĩ A. Yersin ngồi làm việc khi về trại nuôi ngựa Suối Dầu của Viện Pasteur ngày xưa. Trong nhà, ngoài ban thờ Phật, có đặt tượng và ban thờ của ông A. Yersin. Tại đây, Lữ Phong mới kính cẩn thắp được nén nhang cho ông, bởi ở khu mộ, y sơ sót không mang theo nhang, tưởng ở đó sẽ có nhang.

Nhà bác sĩ Yersin

Tượng và ban thờ bác sĩ Yersin tại nhà lưu niệm ông

Chính điện chùa Linh Sơn Pháp Ấn xây ngay bên cạnh nhà lưu niệm bác sĩ A. Yersin. Ngôi chính điện to, rộng xây 3 tầng trên sườn núi, hoàn thành ngày 29/12/2016. Tầng trệt có sảnh rộng, mát để Phật tử và khách thập phương nghỉ ngơi, chính điện ở tầng thứ hai, và tượng Phật đặt trên sân trước của tầng cao nhất.

du lịch Nha Trang

Khu sảnh ở tầng trệt thoáng đãng, tràn đầy nắng

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn

Ban thờ trong chính điện ở tầng giữa

Chùa Linh Sơn Pháp Ấn

Tượng Bồ Tát trước sân tầng giữa và tượng Phật trên sân tầng cao nhất

Nhà lưu niệm bác sĩ Yersin

Nhà lưu niệm bác sĩ Yersin, nhìn từ chính điện Linh Sơn Pháp Ấn

Rời Linh Sơn Pháp Ấn, trong lòng Lữ Phong cứ thấy bâng khuâng, cảm phục cuộc đời vĩ đại mài bình dị của bác sĩ Yersin. Nha Trang thật may mắn được ông chọn dừng chân sống quá nửa cuộc đời, và trở thành một người con nổi tiếng của thành phố biển xinh đẹp này.

Vị bằng hữu chủ chiếc cào cào còn gù y ở lại để hôm sau hắn tìm cách đưa y lên một khu tưởng niệm nổi tiếng khác của bác sĩ Yersin: căn nhà gỗ trên đỉnh Hòn Bà và ngày hôm sau, còn tối hôm đó leo núi Cô Tiên ngắm phố biển lung linh về đêm. Nhưng chuyến này Lữ Phong đi đột xuất chẳng chuẩn bị gì ngoài cái máy ảnh và cái căn cước đem theo, nên y đánh cám ơn bằng hữu, hẹn một ngày khác trở lại Nha Trang lên núi Hoàng Ngưu Sơn cắm trại ngắm hoàng hôn và lên Hòn Bà thăm nhà gỗ sau. Chập tối, Lữ Phong lại lên Xe Nhà nằm ngủ, hôm sau đi làm như chưa từng “biến” khỏi Sài Gòn.