Một ngày với các công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

53

Tây Ninh xa xưa là vùng đất thuộc vương quốc cổ Phù Nam, từ khoảng thế kỷ VIII thuộc Thủy Chân Lạp, bởi vậy trên đất Tây Ninh còn có những dấu tích của các nền văn hóa cổ xưa từng tồn tại ở đây. Trong đó không thể không nhắc đến 2 cụm di tích kiến trúc đền tháp cổ xưa, có thể đã được xây dựng từ thời văn hóa Óc Eo thuộc vương quốc cổ Phù Nam, đó là tháp cổ Bình Thạnh và tháp cổ Chót Mạt.

Tháp cổ Bình Thạnh

Tháp cổ Bình Thạnh tọa lạc tại ấp Bình Phú, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, nằm ven tỉnh lộ ĐT786, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70km. Từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tháp Bình Thạnh theo QL22 (đi Tây Ninh) tới thị xã Trảng Bàng, có hai cách đi tiếp: băng qua Khu công nghiệp Thành Thành Công; hoặc theo QL22 đến thị trấn Gò Dầu, tiếp tục đi về phía cửa khẩu Mộc Bài cho tới khi gặp đường ĐT 786 thì rẽ trái vài km là tới.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Tháp cổ Bình Thạnh nằm trong một khuôn viên xanh mát bóng cây

Theo hướng từ cửa khẩu Mộc Bài đi vào, trên đường ĐT786 sẽ gặp tấm biển báo “Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bình Thạnh” đặt ngay bên phải đường. Tháp cách đường khoảng hơn 100m, qua một khoảng ruộng. Trong khuôn viên còn có ngôi đình Bình Thạnh.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Đình Bình Thạnh cùng nằm trong khuôn viên khu tháp.

Tháp Bình Thạnh được các nhà khoa học xác định có biên đại khoảng thế kỷ VIII, được người Pháp tìm thấy lại vào cuối thế kỷ XIX (năm 1866). Ngôi tháp được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1993, sau đó được trùng tu trên quy mô lớn vào thời gian 1998 – 1999.

Tháp cổ Bình Thạnh là một cụm gồm 3 ngôi tháp gạch nằm trên trục Bắc – Nam, được cho là các công trình cuối thời kỳ văn hóa Óc Eo. Ngay từ khi được phát hiện trở lại vào cuối thế kỷ XIX, chỉ còn 1 ngôi tháp đang đứng vững, một ngôi tháp đã sụp đổ hết và ngôi tháp còn lại gần như biến mất hoàn toàn, chỉ còn lại dấu vết hố gạch dưới lòng tháp.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Phế tích ngôi tháp thứ hai được bảo quản trong mái che. Ngôi tháp thứ 3 đã không còn dấu tích.

Là một công trình tôn giáo của người Chân Lạp xưa, ngày nay nằm lọt trong những đồng lúa, vườn cây ở một tỉnh biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, khu tháp ngày thường khá vắng vẻ. Chỉ thỉnh thoảng có những đoàn du khách ở các vùng lân cận ghé qua chụp ảnh một lúc rồi đi.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Những nét điêu khắc cổ xưa in dấu thời gian, bên cạnh những mảng mới phục chế.

Tháp cổ Chót Mạt

Tháp cổ Chót Mạt tọa lạc tại ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 130km, cách thành phố Tây Ninh khoảng hơn 20km trên QL22B về hướng cửa khẩu Xa Mát. Tháp Chót Mạt được người Pháp tìm thấy trở lại cùng thời gian với tháp cổ Bình Thạnh, và cũng được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa vào năm 1993.

Tháp nằm giữa một vùng đồng lúa, cách QL22 khoảng 1.5km. Tìm vào tháp rất dễ, bởi các biển chỉ đường vào di tích này được dựng khá đầy đủ. Tuy nhiên vì nằm giữa cánh đồng nên nếu đến tháp vào mùa mưa sẽ khá vất vả với khoảng vài trăm met đường đất cuối cùng với xe máy.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Tháp Chót Mạt nằm giữa ruộng đồng, trong khuôn viên được trồng nhiều cây xanh.

Tháp Chót Mạt là một cụm gồm 2 ngôi tháp. Khi được tìm thấy vào cuối thế kỷ XIX, một tháp đã sụp đổ và bị vùi lấp, ngôi tháp còn lại trên mặt đất cũng bị sạt lở khá nhiều ở các vách tường, và không còn phần nóc. Các nhà khảo cổ đã tiến hành đào khảo sát và khai quật lại được ngôi tháp đổ nát bên cạnh, họ cũng mất rất nhiều công phu để phục dựng các phần bị sụp của ngôi tháp còn lại, để được diện mạo như ngày nay.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Tháp Chót Mạt khi được tìm thấy đã tương đối đổ nát, được phục dựng lại khá nhiều.

Tuy đổ nát khi được tìm thấy, nhưng tháp Chót Mạt may mắn còn giữ được khá nhiều hoa văn, tượng thần được điêu khắc trên thân tháp, đây là những tư liệu rất quý giá để giới khoa học có thể nghiên cứu về nghệ thuật điêu khắc của giai đoạn tháp được xây, và cũng làm căn cứ để có thể phục dựng các hoa văn, tượng thần trên các mảng tường được bổ sung lại trong quá trình trùng tu sau này.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Tuy đổ nát về hình dạng, nhưng tháp Chót Mạt còn giữ được nhiều nét điêu khắc cổ.

Tháp cổ Bình Thạnh và tháp cổ Chót Mạt đều là các công trình kiến trúc tôn giáo của nền văn hóa cổ xưa trên vùng đất Tây Ninh, ngày nay việc thờ cúng trong hai cụm tháp này đều theo kiểu của người Việt hiện đại, với bàn thờ, nhang đèn, hoa cúng (ở tháp Chót Mạt) hoặc sử dụng chính bệ Yoni trong tháp Bình Thạnh làm bàn thờ, và cũng sử dụng nhang, đèn, hoa.

Tòa Thánh Tây Ninh

Khác với những ngôi tháp cổ nói trên – những công trình tôn giáo đã không còn được sử dụng – Tây Ninh còn có một quần thể kiến trúc tôn giáo nổi tiếng đang hoạt động: Tòa Thánh Tây Ninh, tọa lạc tại phường Long Hoa, thị xã Hòa Thành, chỉ cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 5km về phía Đông Nam.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Chánh môn của Tòa thánh Tây Ninh

Nội ô Tòa Thánh là một khu vực rộng lớn với diện tích khoảng 1km2 được xây tường bao xung quanh. Bên trong tường bao khoảng hơn 100 công trình lớn nhỏ và nhiều khoảnh rừng xanh mát. Đền Thánh – công trình trọng yếu trong nội ô Tòa Thánh – là Tổ đình, nơi đặt các cơ quan trung ương của giáo phái Cao Đài (Hội thánh Đại đạo Tam kỳ Phổ độ).

Từ ngoài vào, qua khỏi Chánh Môn là 3 tòa tháp lớn chứa tro cốt của ba vị lãnh đạo cao cấp, cũng là những người khai đạo, gồm Đức Hộ Pháp ở giữa, Đức Thượng Thẩm và Đức Thượng Sanh ở hai bên, tiếp theo là Cửu Trùng Thiên – khối bát quái 9 tầng thu nhỏ dần lên, được sơn 3 màu Xanh – Đỏ – Vàng, rồi đến một khoảng sân rộng lớn, là Đại Đồng xã. Cuối sân, phía trước Đền Thánh là cây cột tiết diện tam giác, cao 20m treo một lá phướn lớn 3 màu tượng trưng của đạo: Xanh – Đỏ – Vàng.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Sân Đại Đồng xã và Chánh Môn, nhìn từ Đền Thánh ra.

Đền Thánh là một công trình kiến trúc lớn, với kích thước mặt bằng 97.5m x 22m. Phía trước (hướng Tây) có hai tòa lầu Bạch Ngọc Chung Đài (lầu chuông) và Lôi Phong Cổ Đài (lầu trống) cao 25m. Đền Thánh từ trước ra sau gồm 3 khu vực: Hiệp Thiên Đài – Cửu Trùng Đài – Bát Quái Đài, nền Đền Thánh giật cấp cao dần lên về phía sau.

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Đền Thánh, Tổ đình của Hội thánh Đại đạo Tam kỳ Phổ độ

công trình kiến trúc tôn giáo Tây Ninh

Bên trong Đền Thánh Cao Đài

Bên trong thánh đường, khu vực Hiệp Thiên Đài đặt tượng ba vị lãnh đạo cao nhất của đài này, gồm Đức Hộ Pháp ở giữa, hai bên là Đức Thượng Thẩm (bên trái ảnh) và Đức Thượng Sanh. Cửu Trùng Đài nối tiếp Hiệp Thiên Đài với nền giật cấp 9 bậc và 2 hàng cột gồm 18 cột chạm rồng ở hai bên, cuối cùng là Bát Quái Đài, với 8 cột rồng xung quanh quả Càn Khôn đường kính 3.3m, tượng trưng cho vũ trụ với Thiên nhãn và 3.072 vì sao xung quanh (tượng trưng 72 quả địa cầu và 3.000 thế giới).

Lưu ý nội quy của Đền Thánh: du khách được chụp ảnh bên trong Đền Thánh, nhưng tuyệt đối cấm để lọt người vào khuôn ảnh (trừ những người trong giáo phái). Nếu vi phạm và bị phát hiện, sẽ bị xóa ảnh và đuổi ra khỏi thánh đường.

Giáo lý của giáo phái cũng như lịch sử hình thành và lịch sử xây dựng Đền Thánh có rất nhiều điều thú vị. Nếu có thời gian nghiên cứu trước khi đến viếng Tòa Thánh, du khách sẽ hiểu được nhiều hơn về Tòa Thánh cũng như đạo Cao Đài.