Một ngày trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani, Nepal

10

Trong tour leo núi chinh phục Poon Hill thuộc dãy Annapurna, Nepal, tôi đi từ Birethanti đến Ulleri, Ghorepani rồi lên Poon Hill. Leo Poon Hill xong tôi trở về bằng một cung đường khác: từ Ghorepani chinh phục đồi Thapla, sau đó qua Tadapani, Ghandruk, Kimche rồi về lại điểm xuất phát ban đầu là Birethanti. Ngày đầu tiên trên cung đường trở về, đoạn trekking chinh phục đồi Thapla để lại rất nhiều ấn tượng về cảnh đẹp.

Làng Ghorepani

Ghorepani là một ngôi làng ở quận Myagdi trong khu bảo tồn Annapurna, Nepal. Trước đây rất lâu, các thương nhân cổ đại trong quá trình buôn bán đã dừng chân nơi này để tìm nước cho ngựa của họ, vì thế mà ngôi làng có tên là Ghorepani. Trong tiếng Nepal, “ghora” nghĩa là ngựa, còn “pani” nghĩa là nước. Ngày nay làng Ghorepani sống nhờ du lịch, là điểm dừng chân cho hầu hết du khách muốn chinh phục Poon Hill.

Sau khi ngắm bình minh ở Poon Hill trở về, nhóm chúng tôi có nhiều thời gian để ngắm Ghorepani. Ghorepani bé thôi, tất cả cơ sở hạ tầng dường như chỉ được xây dựng để phục vụ du lịch. Các ngôi nhà nổi bật nhất ở đây là các khách sạn, nhà nghỉ được xây kiên cố với 2 hoặc 3 tầng, mái lợp tôn xanh, tôn đỏ. Các lối đi quanh làng có dạng bậc thang, được xây bằng cách xếp các phiến đá lại với nhau. Nằm ở độ cao 2874m, Ghorepani không có lúc nào nóng, chỉ mát mẻ vào buổi trưa và rất lạnh vào chiều tối. Vì thế mà tại các nhà nghỉ, trong phòng ăn hay sảnh lớn ở tầng trệt cũng đều có 1 lò sưởi lớn. Các porter, hướng dẫn viên, du khách buổi tối thường ngồi quanh lò sưởi để trò chuyện, hát hò, đùa giỡn. Nơi đây cũng là chỗ mọi người hong khô quần áo sau khi giặt. Tôi cũng giặt giũ ít đồ rồi mang phơi ở đây, may mắn là sáng ra không ai lấy nhầm quần áo của ai.

Những mái nhà ở làng Ghorepani

Những mái nhà ở làng Ghorepani

Những mái nhà ở làng Ghorepani

Những mái nhà ở làng Ghorepani

Đường lát đá ở làng Ghorepani

Đường lát đá ở làng Ghorepani

Được bao quanh bởi núi non hùng vĩ, làng Ghorepani cho tầm nhìn tuyệt đẹp hướng về dãy Himalaya. Du khách chinh phục Poon Hill để ngắm bình minh, nhưng thật ra để ngắm những đỉnh núi tuyết trắng thì Ghorepani là quá đủ. Các nhà nghỉ ở Ghorepani đều có cửa sổ kính lớn, chỉ cần nằm trong phòng cũng đã nhìn thấy núi non sừng sững bên ngoài. Về chiều, mây kéo về phủ đầy những ngọn núi, đôi lúc là sương mù dày đặc đến mức không nhìn xa được bao nhiêu. Ẩm thực ở làng Ghorepani cũng giống như mọi nơi khác trên đường trekking của tôi: món dal bhat. Tuy thức ăn không có gì mới nhưng ăn vẫn thấy ngon, vì người đi trekking lúc nào cũng thấy đói.

View từ nhà nghỉ tại làng Ghorepani

View từ nhà nghỉ tại làng Ghorepani

Món dal bhat truyền thống của Nepal

Món dal bhat truyền thống của Nepal

Dal bhat là món được phục vụ buổi tối hôm trước, còn sáng nay sau khi chinh phục Poon Hill xong chúng tôi được ăn sáng theo kiểu Tây tại sân nhà nghỉ dưới ánh nắng ban mai rực rỡ: bánh mì sandwich, mứt, trứng chiên và trà nóng. Thật ra vì trời lạnh quá nên phải ngồi dưới nắng thì mới chịu nổi. Ăn xong chúng tôi gom hết đồ đạc chuẩn bị lên đường, tour guide nói rằng chúng tôi phải vượt qua một ngọn đồi nữa với độ cao không kém Poon Hill là mấy, đồi Thapla cao 3165m.

Trekking chinh phục đồi Thapla và những khung cảnh kỳ lạ

Mới nghe độ cao 3165m thấy hơi sợ hãi nhưng nghĩ lại Ghorepani đã cao 2874m rồi, nên chỉ cần leo chưa đầy 300m nữa thôi, cũng không phải quá vất vả. 8h30 sáng chúng tôi rời Ghorepani, hướng đến đồi Thapla. Đường lên đồi là một lối đi hẹp được lát đá để tránh sình lầy mỗi khi có mưa. Tối hôm trước vừa mới có cơn mưa, nên sáng nay đường hơi ẩm ướt. Ban đầu, việc di chuyển khá dễ dàng qua một khu vực rộng lớn toàn cây bụi thấp. Nhìn phía trước, những nếp đồi xanh xen kẽ nhau, phía sau chúng lấp ló những dãy núi tuyết trắng xóa. Đi hết quãng đường trống này, chúng tôi vào một khu rừng rậm rạp, bước chầm chậm qua những rễ cây ngoằn ngoèo nổi trên mặt đất. Đôi lúc tôi phải ngồi xổm xuống để leo xuống hố rồi lại chống gậy để ì ạch leo lên dốc.

Hành trình hướng về đồi Thapla

Hành trình hướng về đồi Thapla

Rễ cây mọc trên đường

Rễ cây mọc trên đường

Qua hết khoảng rừng là con đường trống trải hướng lên đồi Thapla. Gần 1 tiếng sau khi khởi hành, chúng tôi đã có mặt tại đỉnh đồi ở độ cao 3165m. Đỉnh đồi nhỏ và không có cây cối, cho tầm nhìn tuyệt vời ra bốn bề xung quanh. Vẫn còn đó dãy núi tuyết vĩnh cửu, những dãy đồi nhấp nhô, những khoảng rừng xanh rậm rạp, những thung lũng sâu hun hút, bầu trời xanh thẳm và mây trắng lững lờ trôi. Một quán nước xiêu vẹo bị bỏ hoang bên cạnh cột mốc ghi tên và độ cao của ngọn đồi. Từ trên đồi nhìn xuống, du khách vẫn từ tốn nối nhau đi trên những con dốc ngoằn ngoèo. Khung cảnh ấn tượng nhất ở khu vực này chính là đồi cỏ xanh xanh đang dần ngả vàng, giống như ở Tà Năng nước mình, nhưng chỉ là một khoảng nhỏ thôi. Dù vậy đây là khung cảnh mà tôi rất thích, là chỗ tôi nán lại lâu nhất để chụp ảnh. Nếu trekking vào mùa đông, đồi Thapla sẽ bị tuyết trắng bao phủ trắng.

Đỉnh đồi Thapla 3165m

Đỉnh đồi Thapla 3165m

Từ đỉnh đồi Thapla nhìn xuống

Từ đỉnh đồi Thapla nhìn xuống

Đồi cỏ sắp ngả vàng

Đồi cỏ sắp ngả vàng

Rời đồi Thapla, chúng tôi bắt đầu cuộc chiến xuống dốc liên tục: tuy ít mệt nhưng rất đau đầu gối và đầu ngón chân. Ban đầu là xuyên qua những lối đi hẹp ẩm ướt nằm giữa 2 sườn dốc, sau đến là những bậc thang trơn trượt lượn thẳng xuống dòng suối dưới thung lũng. Có đoạn đi qua những vách đá hình dáng tuyệt đẹp, giống như tác phẩm của một nghệ nhân khổng lồ. Cao tít trên những vách đá đó, những tổ ong khổng lồ được xây vắt vẻo trên cành cây. Hướng dẫn viên leo núi nói với chúng tôi rằng ở những vùng hẻo lánh của Nepal có loài mật ong có dược tính mạnh, được mua với giá cao dùng để trị bệnh, bồi bổ sức khỏe. Để lấy được mật, người ta phải dùng dây thừng và sào tre để trèo qua các khe núi nguy hiểm và tiếp cận cái tổ giữa sự giận dữ của đàn ong. Những người muốn làm việc này phải thấy được một giấc mơ đặc biệt trước khi dấn thân vào nghề, và số người mơ thấy giấc mơ ấy ngày càng hiếm. Có người phụ việc đã nhiều năm, nhưng không thể làm thợ chính vì chưa thấy được giấc mơ đó.

Vách đá trên đường trekking

Vách đá trên đường trekking

Những cây cổ thụ mọc trên cao, nơi có các tổ ong khổng lồ

Những cây cổ thụ mọc trên cao, nơi có các tổ ong khổng lồ

Đến gần trưa thì đến một đoạn suối rộng, nơi có hàng trăm tác phẩm xếp đá chồng lên nhau của những người leo núi. Khi suối dâng cao, một số sẽ bị đổ xuống, nhưng những cái mới cứ được dựng lên. Việc xếp chồng các viên đá lên nhau có nguồn gốc xa xưa từ nhiều vùng. Có nơi họ chồng các viên đá lớn làm nơi trú ẩn, đánh dấu đường đi, nơi chôn cất, tưởng niệm. Đối với một số nền văn hóa, xếp đá chồng lên nhau sẽ mang lại may mắn.

Bãi đá xếp chồng trên đường trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani

Bãi đá xếp chồng trên đường trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani

Bãi đá xếp chồng trên đường trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani

Bãi đá xếp chồng trên đường trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani

Con suối nhỏ trước tiệm ăn trưa

Con suối nhỏ trước tiệm ăn trưa

Khoảng 12h00 chúng tôi đến chỗ ăn trưa, là một tiệm ăn nhỏ ngay bên bờ suối. Sân nhà dưới nắng đang chật kín khách nên chúng tôi được xếp ngồi ở gian. Tôi gọi một trà sữa nóng trong lúc chờ phần ăn dọn ra. Hôm nay vẫn là dal bhat nhưng không có cà ri mà là rau củ, xem ra không đủ protein cho hành trình vất vả từ sáng tới giờ.

Ngang qua làng Tadapani hướng về Ghandruk

Gần 1h00 thì chúng tôi tiếp tục lên đường. Sau vài đoạn dốc đi xuống, chúng tôi bước vào một khu rừng kỳ lạ. Ở đây, những thân cây to chừng một vòng tay ôm cứ ngoằn nghèo vươn lên, thân cây, cành và nhánh của chúng cứ ngả về một bên. Lá chỉ xuất hiện ở tầng cây cao nhất, nơi đón ánh mặt trời. Dưới gốc, rễ cây cuộn lên từng đợt rồi rong rêu cứ vô tư bám vào. Lối đi giữa rừng cây là đường mòn hẹp, lâu lâu có vài bậc thang bằng đá, tổng thể như một khu rừng bí mật, nơi mà cuối lối đi có thể là một lâu đài bí ẩn nào đó. Qua hết khu rừng này, chúng tôi thấy mình đang đứng trên đỉnh một ngọn đồi thấp, nhìn xuống thung lũng hẹp giữa những triền đồi phủ rừng nguyên sinh. Mây đen bắt đầu sà thấp xuống, trời sắp mưa.

Khu rừng với cây cối kỳ lạ - làngTadapani

Khu rừng với cây cối kỳ lạ – làngTadapani

Khu rừng với cây cối kỳ lạ - làngTadapani

Khu rừng với cây cối kỳ lạ – làngTadapani

Mây mưa phủ kín những ngọn đồi - làng Tadapani

Mây mưa phủ kín những ngọn đồi – làng Tadapani

Bắt đầu xuống con đồi này là vào khu vực rừng rậm, dây leo chằng chịt. Những bờ đá cao và trơn cứ nối nhau, leo xuống rất vất vả, đau đầu ngón chân và bắp chân. Dọc đường đi, các porter hết leo rồi lại nghỉ với mấy chục ký hành lý trên vai, họ quấn thêm một dải băng lên đầu để chia đều sức nặng của đống hành lý. Tuy vất vả nhưng họ rất lạc quan, cứ hát vang cả núi rừng. Ban đầu chúng tôi định nghỉ tại Tadapani, ngôi làng cho view tuyệt đẹp về phía dãy Himalaya, đặc biệt là ngọn Machhapuchhre (Fishtail). Tadapani nghĩa đen là 'Nước xa' trong ngôn ngữ địa phương. Ngày xưa ngôi làng này hẻo lánh đến mức muốn tìm được nguồn nước thì phải đi quãng đường rất xa. Ngày nay, ngôi làng là nơi tuyệt vời để cắm trại và ngắm hoàng hôn.

Nhà vệ sinh ven đường trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani

Nhà vệ sinh ven đường trekking từ làng Ghorepani đến làng Tadapani

Lối đi dọc các con suối làng Ghorepani, làng Tadapani

Lối đi dọc các con suối làng Ghorepani, làng Tadapani

Rừng nguyên sinh dây leo chằng chịt

Rừng nguyên sinh dây leo chằng chịt

Khi chúng tôi đến Tadapani thì mưa trút xuống, bầu trời toàn mây xám nên không thấy bất kỳ cảnh quan núi non nào. Bây giờ là khoảng 4h00 chiều, hướng dẫn viên đề nghị chúng tôi đi tiếp hơn 2 giờ nữa để tới Ghandruk, một ngôi làng tương tự Tadapani. Sáng mai chúng tôi sẽ có nhiều thời gian thăm thú Ghandruk.

Trời mưa, đường đi ẩm ướt và trơn trượt. Chúng tôi đi rất chậm bên dưới những tán rừng nguyên sinh dày đặc, thỉnh thoảng lại có một vài con vắt nằm trên mặt đất ẩm sẵn sàng bám vào chân chúng tôi. Đi khoảng gần 2 tiếng rưỡi là chúng tôi đến làng Ghandruk. Trời đã tối và mây vẫn phủ kín khắp nơi. Cậu hướng dẫn viên nói với chúng tôi một cách chắc chắn rằng sáng mai mọi thứ sẽ rất tuyệt.

Chúng tôi vào một nhà nghỉ 2 tầng, bên trên có 1 sân thượng nhỏ. Ăn bữa tối xong tôi lên sân thượng thử ngắm sao nhưng vô vọng, trời quá nhiều mây. Thế là tôi đi ngủ sớm sau một ngày đi bộ từ 4h30 sáng tới 6h30 chiều.

Nepal không hào nhoáng nhưng mọi chặng đường trên đất nước này đều để lại những kỉ niệm khó quên. Quãng đường từ Ghorepani đến Tadapani rồi đến Ghandruk là một hành trình đầy cảm xúc. Tôi đã lên núi, xuống đèo, đi dọc những con suối, len lỏi dưới những cây, đi xuyên qua những khu rừng kỳ lạ. Đi cùng với hướng dẫn viên người Nepal cũng là cơ hội để tôi hiểu thêm về cuộc sống của người dân nơi đây. Nếu có đến Nepal, đừng quên hoàn thành một cung trek dù ngắn hay dài với hướng dẫn viên người địa phương nhé.