Một ngày rong ruổi tới cung đường Bitoujiao ở Đài Loan

26

Có những ngày ta cảm thấy quá ngột ngạt với những due date cứ dí ta tưởng như không bao giờ hết, có những ngày ta ngụp lặn trong những đống báo cáo phải nộp mà tóc tai đã xù hết cả vẫn chưa làm xong, mệt mỏi quá thì hãy lắng nghe tiếng nói từ trái tim để rồi “xách ba lô lên và đi” thôi.

Và nếu trong cái hành trình để sạc lại năng lượng đó, ta tình cờ “lạc trôi” đến Đài Loan, và nếu muốn tận hưởng trời xanh mây trắng núi trải dài bên cạnh đại dương bao la, hãy đến Bitoujiao. Vitamin Sea ở đây bao fresh, bảo đảm đi xong về năng lượng lại được sạc đầy, đủ để… cày cuốc tiếp.

Nằm ở Ruifang (Thụy Phương) một khu của thành phố Tân Bắc, đây là tuyến đường đi bộ cực kỳ thơ mộng dọc theo các vách đá sát biển, có ngọn hải đăng, những bậc thang và vọng lâu để ngắm cảnh. Thế nên Bitoujiao từng được gọi là “con mắt của người Đài” hay một cái tên cũng khá là kêu khác: “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ”.

Cách đi đến Bitoujiao

Một ngày đầu tháng tư, khi mà ánh nắng vàng ươm trải dài trên những dãy nhà cao tầng san sát, trên những con phố tấp nập hai hàng xe qua lại, như cố làm tan đi chút không khí lạnh của mùa xuân vẫn còn phảng phất đâu đây, chúng tôi bắt đầu hành trình của mình bằng việc đi tàu điện ngầm đến ga Nangang (Nam Cảng) trước.

Ga MRT Nangang là một trong những ga lớn ở Đài Bắc, tại đây có kết nối với ga tàu địa phương lẫn tàu nhanh HSR (High Speed Rail) phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của hành khách. Từ đây chúng tôi bắt tàu địa phương để đi đến Ruifang Raiway Station (ga Thụy Phương).

Do khoảng cách không xa lắm (cỡ chừng gần 1 giờ đồng hồ) nên chỉ có vé Non-reserved, thành ra chúng tôi không mua vé mà dùng thẻ Easy Card luôn. Tuy nhiên, bất tiện là nếu tàu đông người thì sẽ không có chỗ ngồi. Cũng không có gì là ngạc nhiên vì hôm chúng tôi đi là dịp lễ Thanh Minh ở Đài nên người dân ở đây đi chơi rất đông.

Đến ga Ruifang, chúng tôi ra khỏi ga và rẽ về phía bên trái để tới Ruifang Train Station (District Square), một trạm xe buýt cách đó chừng vài chục mét để bắt chuyến xe bus 856 (Taiwan Tourist Shuttle Gold Fulong Line) đến Bitou. Đây cũng là trạm bà con bắt xe đi lên Jiufen (Cửu Phần) nên cũng khá là nhiều người đang đợi.

Lưu ý là ngày lễ thì xe buýt lại ít chuyến hơn ngày thường nên thời gian chờ đợi rất lâu. Có lẽ do tài xế cũng phải nghỉ lễ. Vừa tới được trạm bus thì một chuyến xe này cũng vừa đi mất, chuyến tiếp theo chỉ có sau hai giờ đồng hồ nữa. Hơi bực tí nhưng biết làm sao bây giờ.

Thế là trong lúc chờ đợi, hai đứa đi dạo quanh một khu chợ địa phương gần đấy rồi tranh thủ nạp năng lượng cho buổi trưa luôn. Mỏi mòn mãi rồi rốt cuộc xe cũng đã xuất hiện, và hàng người chờ xe cũng dài dằng dặc. Chuyến xe 856 hóa ra lại ghé ngang qua Cửu Phần trước, biết thế nãy chúng tôi nhảy lên một xe khác đi Cửu Phần rồi lên đó đi dạo tí cho rồi. Ai mà muốn đi Jinguashih, Golden Waterfall hay bảo tàng vàng thì tuyến xe này đi ngang qua hết nhé.

Sau Cửu Phần và một số điểm dừng ở trên thì cái phần hay ho nhất đã tới. Xe bắt đầu xuống núi. Trời ơi là trời, đường xuống núi toàn những khúc cua ngặt đến nỗi cứ như là cùi chỏ đang khép lại ấy.

Mỗi lúc đến khúc cua gắt là các xe chạy ngược chiều phải dừng lại để chờ xe đối diện đi trước. Mà khổ nỗi có phải chỉ có một “cùi chỏ” không đâu, cả chục cái như thế theo hình zíc zắc, một bên là núi, một bên là vực, xa xa là biển xanh vẫy gọi. Mọi người trên xe thấy biển thì ồ lên thích thú, chỉ có hai chúng tôi mong mong xuống cái đèo này lẹ lẹ cho rồi.

Khoảng chừng 15 phút thì cuối cùng cũng được “tiếp đất”, cả hai thở phào nhẹ nhõm (nãy giờ sợ quá nên không dám thở ☺). Tới đây thì xe bắt đầu chạy dọc bờ biển, gió thổi vào lồng lộng mát rượi. Tôi để ý xe đi qua một đoạn biển có 2 màu sắc nên đoán là biển Yinyang (biển Âm Dương) nhưng không kịp chụp hình lại.

Cung đường đi bộ Bitoujiao

Trạm xe buýt Bitoujiao nằm đối diện của Bitou Fishery Port. Có hai lối vào (Entrance), lối thứ nhất thì nằm ngay trạm xe buýt luôn, lối thứ hai nằm gần Xinxing temple, trên đường đi tới Bitou Seashore Park. Chúng tôi đi theo lối thứ nhất, đi được một đoạn thì gặp trường tiểu học Bitou.

Bản đồ của Bitoujiao

Bitou Elementary School

Bitou Elementary School.. Hôm đấy là ngày lễ, học sinh được nghỉ học nên ngôi trường hoàn toàn im ắng.

Lối đi lên Bitoujiao nằm ngay cạnh trường.

Lối đi lên Bitoujiao nằm ngay cạnh trường.

Trường học nhìn từ vọng lâu ngắm cảnh

Đây có lẽ là một trong những ngôi trường hạnh phúc nhất Đài Loan. Ngày ngày ngồi học bên cạnh tiếng sóng biển rì rào thế này thì chắc ai cũng thành nhà thơ cả thôi. Tự nhiên ước gì mình được trở về cái “thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường, yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ…” của ngày xưa cũ ghê ta ơi.

Tới đây thì đại dương đã bắt đầu hiện ra trong tầm mắt của hai cô gái, những mệt mỏi trong phút chốc như bị bỏ quên lại đằng sau. Phía dưới là công viên biển Longdong với những bãi đá cạn nhìn khá lạ mắt.

Đại dương xa xăm, nơi đâu mới là chân trời..?

Đại dương xa xăm, nơi đâu mới là chân trời..?

Tôi còn thấy một vài người đi bộ xuống Longdong Ocean Park để câu cá

Tôi còn thấy một vài người đi bộ xuống Longdong Ocean Park để câu cá

Hoa nở bên đường

Hoa nở bên đường

Con đường được thiết kế các bậc thang với tay vịn giúp người đi di chuyển dễ dàng

Con đường được thiết kế các bậc thang với tay vịn giúp người đi di chuyển dễ dàng

Đi một lúc thì đến gần khu vực xung quanh Bitou Cape Lighthouse. Ngọn hải đăng được xây dựng vào năm 1897 khi người Nhật chiếm đóng Đài Loan và đã từng được sửa chữa vào năm 1971 do hư hại gây ra bởi Thế Chiến thứ hai.

Tuy nhiên, hiện tại thì con đường vào nơi đây đã bị đóng, do đó chúng tôi đã không có cơ hội tham quan công trình lịch sử này. Cạnh hải đăng là khu quân sự (Military camp), đương nhiên, cũng không cho phép ai vào dòm ngó rồi.

Ăng ten hay thiết bị gì đấy của quân sự

Ăng ten hay thiết bị gì đấy của quân sự

Gần đấy là quán cà phê Tingtao, đây là 1 điểm quân sự cũ, để không sử dụng trên hai mươi năm và sau đó được chuyển đổi thành một quán phục vụ cà phê, trà, đồ ăn vặt và tráng miệng. Vừa thưởng thức cà phê vừa ngắm đại dương xanh thì còn gì bằng nữa nhỉ.

Cà phê Tingtao

Cà phê Tingtao

Nếu chỉ muốn nhìn ngắm một tí rồi đi tiếp thay vì dừng lại uống cà phê thì có một quán kem nằm ngay đấy sẵn sàng phục vụ cho bạn đủ các thể loại kem mát lạnh trong cái nắng biển hơi bị chói chang này.

Đoạn đường đến vọng lâu ngắm cảnh tiếp theo

Đoạn đường đến vọng lâu ngắm cảnh tiếp theo

Chúng tôi đang ở độ cao 105m so với mực nước biển

Chúng tôi đang ở độ cao 105m so với mực nước biển

Đến đây thì trời đã bớt nắng, gió thổi mát rười rượi

Đoạn đường đi đến vọng lâu cuối cùng trên cung đường Bitoujiao…

Đoạn đường đi đến vọng lâu cuối cùng trên cung đường Bitoujiao…

Tạo cho chúng tôi cảm giác như đang đi trên lưng của một chú khủng long khổng lồ đang ngoan ngoãn nằm ngủ trên mặt nước.

… tạo cho chúng tôi cảm giác như đang đi trên lưng của một chú khủng long khổng lồ đang ngoan ngoãn nằm ngủ trên mặt nước.

Lễ Thanh Minh năm nay cộng thêm cuối tuần thì được nghỉ tổng cộng bốn ngày nên rất nhiều người Đài đi du lịch nội địa. Chúng tôi gặp một đoàn khách đi tour được dẫn đến thăm nơi đây.

Sau khi vượt “Vạn Lý Trường Thành”, chúng tôi đã đến vọng lâu cuối, để rồi bị “đốn tim” hoàn toàn với khung cảnh nơi đây. Xoay đúng một vòng 360 độ, đảo Keelung, núi Keelung, núi Chahu và Bitou Fishery Port, lần lượt hiện ra trong ánh nắng vàng rực rỡ và đại dương xanh thẳm. Toàn bộ góc đông bắc của bờ biển tuyệt đẹp đều nằm trong tầm mắt của ta.

Bitou Fishery Port nhìn từ trên cao bên cạnh những dãy núi trập trùng và đại dương xanh

Bitou Fishery Port nhìn từ trên cao bên cạnh những dãy núi trập trùng và đại dương xanh

Núi xanh ngút ngàn… một trong những “đặc sản” của đảo ngọc Đài Loan

Núi xanh ngút ngàn… một trong những “đặc sản” của đảo ngọc Đài Loan

Họa sĩ thiên nhiên chỉ sử dụng hai màu xanh, màu xanh biếc của bầu trời và màu xanh tươi của cây cối núi rừng, để họa nên một bức tranh cực kỳ hoàn hảo.

Một vọng lâu ngắm cảnh nhìn từ xa, nằm lọt thỏm trên triền núi

Con đường lát gỗ dẫn tới vọng lâu ngắm toàn cảnh Bitou

Con đường lát gỗ dẫn tới vọng lâu ngắm toàn cảnh Bitou

Chúng tôi dành thời gian ở vọng lâu cuối lâu hơn tí một phần vì muốn nghỉ ngơi, một phần vì trong lòng không nỡ rời nơi đây sớm. Từ đây, một số người sẽ đi một con đường men theo triền núi để đi xuống và đến đền Xinxing, đây là một lối vào khác của Bitoujiao mà tôi đã kể ở trên. Thế nhưng cô bạn tôi tha thiết muốn ngắm lại vẻ đẹp của Bitoujiao thêm một lần nữa nên chúng tôi đã quay lại theo con đường mà chúng tôi vừa mới đi.

Nhìn thế này thì ví von Bitoujiao như một “Vạn Lý Trường Thành” thu nhỏ quả không ngoa tí nào

Nhìn thế này thì ví von Bitoujiao như một “Vạn Lý Trường Thành” thu nhỏ quả không ngoa tí nào

Quay trở lại trạm xe buýt thì vẫn còn khá sớm mới có chuyến xe 856 nên chúng tôi ngồi ở trạm vừa tán dóc, vừa xem lại những hình ảnh hết sức bắt mắt của “show chụp hình” hôm nay. Thế nhưng đợi dài cổ, cũng sắp hết chuyện để mà tám mà bóng dáng chiếc xe buýt cần lên mãi vẫn không thấy đâu. Thế là chúng tôi quyết định ăn tối ở đây luôn rồi sẽ bắt xe buýt 791 về Keelung Station thay vì quay trở lại Ruifang Station.

Cuốc bộ chỉ vài bước chân, một dãy quán ăn thơm lừng mùi hải sản hiện ra trước mắt. Chúng tôi chọn đại một quán cũng bự bự và trước cửa quán có rất nhiều hải sản tươi rói. Dù chỉ là xào và hấp đơn giản nhưng ngon hết biết. Có lẽ một phần là do đi bộ nhiều đói quá nên cảm thấy ngon hơn nhỉ.

Ăn xong rồi thì xe cuối cùng cũng tới. Lúc này trời đã nhá nhem tối, hàng người chờ xe lúc nãy đã không còn nữa, chỉ còn sót lại vài người tới Bitoujiaovào lúc chiều muộn.

Cả nhóm lên xe 791 hướng về thành phố Keelung. Khác với chuyến xe “trèo đèo vượt núi” lúc trước, xe bus 791 chạy dọc theo cung đường biển từ đó về đến ga tàu Keelung Station (Cơ Long). Tuy nhiên, trời tối quá nên nhìn ra ngoài cũng chỉ thấy sóng biển mờ mờ trong màn đêm đen. Đến Keelung Station chúng tôi lại bắt tàu địa phương để quay về Nangang Station của Đài Bắc.

Một số lưu ý khi ghé thăm Bitoujiao

Tổng hợp lại một chút thì có hai cách đi Bitoujiao, một là đến Ruifang, hai là đi Keelung. Đường nào cũng “đến La Mã” thôi. Đi hướng từ Keelung có thể xa hơn một tí nhưng “nhẹ nhàng” hơn, còn ai thích “cảm giác mạnh” và tranh thủ ghé Cửu Phần thì có thể chọn hướng từ Ruifang.

Chú ý đem theo:

Một nghiên cứu năm 2019 công bố trên tạp chí khoa học Nature cho thấy dành ít nhất 120 phút trong môi trường tự nhiên như công viên, rừng cây và bãi biển sẽ giúp bạn có sức khỏe tốt, đặc biệt là những người sống ở khu vực thành thị. Quả thật nạp đầy vitamin sea xong thấy refresh hẳn ra.

Các fan của ngôn tình Trung Quốc chắc có lẽ đã từng xem qua bộ phim “Bí mật bị thời gian vùi lấp” do diễn viên Trương Quân Ninh của Đài Loan và Chung Hán Lương đóng chính. Bộ phim này đã ra mắt cũng khá lâu rồi.

Trong phim ấy, nhân vật nam của Chung Hán Lương có nói một câu mà tôi rất thích và muốn mượn câu nói này thay cho lời kết: “Ở thành phố này lâu dần tầm mắt của chúng ta sẽ bị mấy dãy nhà cao tầng này che khuất, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng đủ để suy sụp rồi. Về lại với thiên nhiên, tâm hồn sẽ trở nên cởi mở giúp ta nghĩ thông suốt hơn căn nguyên của mọi điều phiền muộn, sau này nhìn lại sẽ thấy mọi thứ không đáng là gì.”