Một lần ghé Làng Lò và ngắm bình minh trên biển Đại Lãnh

156

Trong một chuyến đi chơi ngẫu hứng, trên hành trình khám phá cung đường biển tuyệt đẹp kéo dài từ Phú Yên tới Khánh Hòa, chúng tôi tình cờ chọn nghỉ lại ở Làng Lò để sáng hôm sau kịp đón bình minh trên biển Đại Lãnh. Sự tình cờ may mắn đã đem lại cho cả nhóm những trải nghiệm thú vị khi được biết thêm về một ngôi làng biển nhỏ nhắn xinh đẹp, lại ấm áp tình cảm của người dân miền biển.

Làng Lò

Làng Lò nằm kề bên biển.

Làng Lò nằm ở phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Ngôi làng với toàn những nếp nhà ngói nhỏ nhắn nằm kề bên biển. Bãi biển dài cát trắng và nước xanh biêng biếc tuyệt đẹp. Một dãy thuyền nằm ngơi nghỉ đợi buổi ra khơi mới. Khung cảnh thanh bình nên thơ mà gần gũi. Người dân kể lại rằng xưa kia mỗi khi bà con ra khơi về với những mẻ cá đầy họ thường dựng trại, mỗi trại có 3 lò hấp, sấy để bảo quản cá đưa về các vùng lân cận đổi lấy lúa gạo lương thực. Tên gọi Làng Lò bắt nguồn từ đó.

Làng Lò

Bãi biển Làng Lò khi chiều xuống, tàu đánh cá nghỉ ngơi trước chuyến đi biển.

Là một làng chài ven biển lâu đời, Làng Lò vẫn giữ nguyên dáng vẻ xưa cũ, mộc mạc. Người dân hiền hòa và xóm làng bình dị với những nếp nhà cổ trải bao mưa nắng. Chính những nét đơn sơ mộc mạc này đã chinh phục chúng tôi nhanh chóng. Cả nhóm đều rất thích thú và muốn tìm hiểu thêm về truyền thống của làng. Gặp ai chúng tôi cũng chào hỏi, bắt chuyện và được đáp lại rất nhiệt tình. Chúng tôi cũng lây theo cái hồn hậu bộc trực của các ngư dân. Cứ thế mà những câu chuyện kéo dài, chủ yếu là chúng tôi hỏi và nghe, các bác ngư dân kể chuyện đầy hào hứng. Bằng lòng hiếu khách, người dân ở đây rất sẵn lòng chỉ dẫn cho chúng tôi chỗ chơi, nơi ăn uống, đường đi lối lại trong làng. Họ không giấu ánh mắt lấp lánh niềm vui khi thấy những người trẻ chúng tôi ham thích tìm hiểu về ngôi làng thân yêu của họ. Làng hầu như ít thấy bóng dáng nhà cao tầng, những mái ngói đỏ nhấp nhô đều đặn như có nhịp điệu. Nhìn từ trên cao màu ngói đỏ xen lẫn những tán cây xanh, tổng thể ngôi làng mang vẻ đẹp hài hòa như một bức tranh.

Làng Lò

Làng Lò trong nắng sớm.

Làng Lò nằm kề bên biển, chỉ chạy vài bước chân là thấy biển trước mắt. Nắng chiều vừa xuống là chúng tôi cùng theo dân làng ra bãi biển chơi hóng mát. Chạy chơi chán rồi ào xuống tắm thỏa thích. Mặt trời trước khi lặn xuống để lại vệt sáng lung linh như dát vàng trên mặt nước. Chúng tôi hồn nhiên nô đùa như trẻ thơ trên bãi biển dài tuyệt đẹp, nước biển ngay gần bờ cũng luôn trong veo vì cát ở đây hạt to có nguồn gốc từ cát thạch anh núi lửa.

Làng Lò

Toàn cảnh Làng Lò trước bình minh.

Thêm một điều may mắn đặc biệt khi chúng tôi được giới thiệu lưu trú tại một ngôi nhà cổ mang nét kiến trúc vô cùng độc đáo. Từng chi tiết nhỏ đều gây bất ngờ và làm cả nhóm thích mê. Nào là bồn rửa mặt bằng đất nung, bồn tắm được làm từ những viên ngói cổ, tạo nên một không gian sinh hoạt vừa quen thân lại vừa mới mẻ. Nhờ bàn tay chăm chút khéo léo của chủ nhà mà ngôi nhà có vẻ đẹp rất riêng lại vẫn giữ gìn được nét cổ kính đặc trưng của những ngôi nhà cổ ở làng chài. Ngoài những phòng ở cho khách còn có khu sinh hoạt chung, hồ bơi và phòng ăn, bếp, quầy bar, tạo nên một không gian sống vừa trong lành vừa tiện nghi và thân thiện với môi trường.

Làng Lò

Ngôi nhà nơi chúng tôi lưu trú mang kiến trúc bản địa có sự điều chỉnh phù hợp với du lịch cộng đồng.

Rời nhà đi dạo chơi một vòng quanh làng, hòa mình với nhịp sống người dân, chúng tôi nhận thấy người dân làng Lò vẫn giữ nếp sống bao đời nay gắn với hơi thở của biển và nghề đánh bắt cá, vẫn giữ nét hào sảng và hồn hậu của người dân miền biển. Làng biển đơn sơ với với tình người nồng đượm đã để lại trong chúng tôi thật nhiều ấn tượng đẹp.

Sáng hôm sau, tạm biệt Làng Lò chúng tôi dậy sớm chạy xe ra Đại Lãnh – một trong những địa điểm đón ánh nắng đầu tiên ở Việt Nam. Đại Lãnh cách làng Lò hơn 20km, men theo cung đường ven biển đẹp như mơ. Trên đường tới Đại Lãnh chúng tôi bị thu hút bởi quang cảnh những con tàu săn cá cơm đang đánh cá trên biển.

Làng Lò

Tàu đánh cá cơm trên biển, gần hải đăng Đại Lãnh. Từ trên vách đá bên đường có thể dễ dàng quan sát.

Mùa cá cơm tại Phú Yên thường bắt đầu từ khoảng tháng 2 đến tháng 9. Dừng lại ngay trên đường chúng tôi có thể dễ dàng quan sát hoạt động trên tàu. Không khí lao động lúc này rất khẩn trương, những hoạt động lao động trên biển luôn rất đẹp, đầy cảm xúc. Hình ảnh những ngư dân từ trên tàu quăng tấm lưới vây lớn trong ánh sáng đầu ngày làm chúng tôi thích thú và lòng đầy hứng khởi.

Làng Lò

Thu lưới vây trên tàu đánh cá cơm.

Làng Lò

Quốc lộ 29, đoạn từ Làng Lò đi hải đăng Đại Lãnh nhìn từ trên cao.

Và kia, điểm đến đã hiện ra trước mắt. Mũi Đại Lãnh tọa lạc trên một ghềnh đá nằm nhô ra biển thuộc dãy núi Trường Sơn, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa chừng 30km. Biển Đại Lãnh cát trắng mịn màng trong xanh quyến rũ với nguyên vẹn vẻ xinh đẹp hoang sơ. Chúng tôi vui sướng phóng tầm mắt ra xa, một vùng biển cả mênh mông và xanh biếc, lấp lánh đón nắng. Ngọn hải đăng Đại Lãnh tọa lạc ở vị trí tuyệt đẹp được người Pháp xây dựng vào năm 1890 với mục đích chỉ đường, định hướng hoạt động của tàu thuyền vào vịnh Vũng Rô.

Làng Lò

Toàn cảnh Hải đăng Đại Lãnh và bãi Môn (bên phải) nhìn từ trên cao hướng từ biển vào.

Làng Lò

Toàn cảnh Hải đăng Đại Lãnh và bãi Môn (bên trái) nhìn từ đất liền vào lúc bình minh.

Hải đăng Đại Lãnh là một trong những ngọn hải đăng đẹp nhất Việt Nam, cũng là một trong những ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á. Tháp hải đăng cao tới 26m nổi bật hiên ngang giữa biển trời bát ngát. Dàn đèn pha quay kép có thể phát tín hiệu ánh sáng xa tới 27 hải lý.

Làng Lò

Tháp hải đăng và nhà điều hành.

Làng Lò

Tháp hải đăng và nhà điều hành nhìn từ hướng khác.

Làng Lò

Cận cảnh ngọn tháp hải đăng Đại Lãnh hơn 100 năm tuổi.

Làng Lò

Cận cảnh đèn hải đăng có thể phát tín hiệu ánh sáng xa tới 27 hải lý.

Chúng tôi rất háo hức cùng nhau theo bậc thang lên tới ngọn hải đăng. Từ trên cao, trong tiếng gió ù ù lồng lộng cả nhóm thỏa thích nhìn ngắm cả một vùng trời bát ngát. Tầm nhìn từ hải đăng Đại Lãnh mở ra một khung cảnh thơ mộng với bầu trời rộng lớn và đại dương bao la cùng mây núi và bãi cát mềm mại, bức tranh thiên nhiên thật khoáng đạt và hùng vỹ. Nằm dưới chân ngọn hải đăng là bãi Môn cát trắng mịn màng, nước trong biêng biếc.

Làng Lò

Bãi Môn bên cạnh hải đăng Đại Lãnh, ta có thể đi xuống bãi từ hải đăng theo con đường đá nhỏ.

Đúng vào lúc ánh nắng đầu tiên chiếu soi mặt biển chúng tôi cùng vỡ òa vui sướng, đã từng đón bình minh biết bao lần mà vẫn xúc cảm như lần đầu, mãi thán phục vẻ đẹp ngoạn mục của biển trời bát ngát vào khoảnh khắc mặt trời lên, một ngày mới bắt đầu.

Làng Lò

Khung cảnh lý tưởng để chụp hình sống ảo.