Ninh Thuận hoang sơ và được thiên nhiên tặng ban nhiều cảnh đẹp hiếm có. Trong đó phải kể đến Vườn quốc gia Núi Chúa với vô số cảnh đẹp làm mê đắm những người yêu thiên nhiên, đặc biệt du lịch bụi. Từ lâu mình đã biết đến Công viên đá Ninh Thuận nhưng chưa có dịp ghé thăm. Trong một chuyến xuyên Việt, tuy công viên không nằm trong kế hoạch ban đầu của mình, nhưng trên đường đi qua, bước chân thôi thúc, mình đã dành một buổi để ghé thăm nơi này. Lần ghé thăm này lại làm mình yêu mảnh đất này hơn. Và giờ, cùng theo bước mình tới với Công viên tuyệt đẹp này nhé.
Thông tin về công viên đá Ninh Thuận
Công viên đá Ninh Thuận thuộc Vườn Quốc Gia Núi Chúa, nằm ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Công viên có diện tích khoảng 3ha, được phát hiện vào khoảng năm 2013. Công viên nằm sát bờ biển, được bao bọc bởi khu rừng lá gai thấp, có khả năng chịu hạn trong điều kiện khí hậu quanh năm khô nóng.
Vườn Quốc Gia Núi Chúa
Vào ngày 14/4/2022, Vườn Quốc Gia Núi Chúa đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, có tổng diện tích 106.646,45ha, hội tụ đầy đủ 3 không gian: rừng, biển và bán sa mạc, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Kể từ đó, Công viên đá cũng bắt đầu được đưa vào khai thác du lịch cho tới nay.
Đường tới công viên đá Ninh Thuận
Công viên cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 30km, nằm trên cung đường vịnh Vĩnh Hy nên rất thuận tiện để bạn kết hợp ghé thăm trong các chuyến đi của mình.
Đường ven biển Ninh Thuận
Để tới công viên, bạn di chuyển theo đường ven biển Ninh Thuận (đường 702) đến Trạm Kiểm lâm Vĩnh Hy, đối diện là đường đi vào công viên đá. Từ đây, bạn mua vé vào cổng và bắt đầu chuyến tham quan theo đường mòn dẫn vào công viên. Hoặc bạn có thể trekking một chút như hành trình mà mình đã trải nghiệm ngay dưới đây.
Hành trình trekking “nhẹ nhàng” tới công viên đá
Bình thường, để “nhanh, gọn, lẹ” nhiều người sẽ chọn đi theo đường chính để tới công viên. Nhưng lần này, dù chỉ là một chuyến ghé thăm “bất chợt”, mình lại quyết định đi con đường ít người đi.
Xem trên Google Map ở lớp dữ liệu vệ tinh, mình chọn con đường đi men theo bờ biển. Từ đường chính (đường ven biển), mình ghé vào quán nước cạnh Dinh Bà. Vào uống nước, trò chuyện với chú chủ quán và nhờ chú xác nhận xem con đường đó có thể đi được không, chú nhiệt tình chỉ đường và bảo hoàn toàn đi được. Ấn tượng vẫn còn y nguyên tới giờ trong tớ là người dân ở đây vô cùng thân thiện, mến khách, cởi mở và nhiệt tình.
Xác nhận xong, mình xin chú cho gửi xe ở quán, chuẩn bị đầy đủ nước uống và bắt đầu lên đường.
Đầu tiên, mình theo đường trong thôn đi ra con đường trước chùa Mỹ Sơn, đi thẳng, và tiếp tục đi phía sau khu nhà xưởng. Tới đây đã là chân núi và lộ trình của mình là đi men theo đường bờ biển. Từ đây, tầm mắt của mình đã được bao quát với không gian rộng lớn của biển cả và những khối đá với nhiều hình thù đủ sức níu chân bất kỳ ai.
Bắt đầu tới chân núi
Nếu so với khung cảnh trên đỉnh núi, cảnh dưới chân núi chưa “quá đã, quá phê”, nhưng con đường này cũng cho mình những góc nhìn mà “buộc” mình phải cầm máy lên để chụp sau khi đã ngắm no nê.
Bắt đầu xuất hiện những khối đá thú vị
Bắt đầu xuất hiện những khối đá thú vị
Tiếp tục hành trình và đi tới hết đường bờ biển cũng là lúc mình bắt đầu leo lên núi. Toàn bộ đoạn đường mình vừa đi qua hoàn toàn không khó đi, chỉ cần một chút chịu khó, hầu như ai cũng có thể đi được.
Khi bắt đầu qua sườn núi đầu tiên, cảnh đẹp đã làm mình thực sự xao xuyến. Mới chỉ tới đây thôi, công viên đá đã khiến mình phải Wow và chụp ảnh “trong vô thức” sau khi đã đi khắp khu vực để ngắm toàn cảnh. Đây cũng là một trong số ít nơi mà mình chỉ biết “cầm máy lên và chụp”, không cần căn góc nhiều, vì góc nào đi nữa thì cũng đã quá đẹp rồi!
Chào mừng bạn tới với thiên đường của đá
Những vệt nắng vàng bắt đầu ngả bóng trên công viên
Những vệt nắng vàng bắt đầu ngả bóng trên công viên
Không chỉ có các khối đá vàng hay nâu, ở đây còn có cả những hòn đá rời màu tối
Một chi tiết thú vị ở khu vực này là Mũi Thị. Nếu bạn đã từng nghe tới điểm cắm trại Mũi Thị và đang tìm xem nó ở đâu thì khi leo tới đây, cũng là lúc bạn đã đặt chân tới Mũi Thị rồi đó!
Toàn cảnh Mũi Thị
Vì thời gian không có nhiều, nên dù muốn hay không, mình vẫn phải tiếp tục hành trình leo tới đỉnh. Và ở đây, với người yêu thiên nhiên, đó là cả một “thiên đường”.
Một chú Voi đã níu chân mình khá lâu
Chỉ cần leo một chút, bạn sẽ tới được nơi “đáng để tới một lần trong đời”
Đúng như tên gọi, khắp công viên, đâu đâu cũng là đá. Các khối đá đủ kích thước được hình thành qua hàng triệu năm. Trải qua quá trình phong hoá, theo thời gian chúng bị bào mòn, tạo thành vô số hình thù đầy sức sống. Tới đây, tuỳ khả năng quan sát và liên tưởng, bạn sẽ hình dung được rất nhiều hình ảnh thú vị từ các khối đá.
Chỉ cần nhìn khung cảnh này thôi, mọi mệt mỏi đều tan biế
Ai rồi cũng sẽ không quên khối đá này của công viên
Một bức tranh hoàn hảo của thiên nhiên
Và khi cái nóng đã dịu, ánh nắng từ hướng tây chiếu xuống công viên còn tăng thêm sự tương phản và càng làm nổi bật sắc vàng, cam của đá.
Với chất liệu là vô vàn những khối đá, bụi cây thấp, biển với nước xanh rì và sóng biển rì rào ngay dưới chân núi, những cơn gió lồng lộng, ánh nắng chiều vàng óng, cảnh đồi núi trùng điệp xa xa và những khu vực địa hình bằng phẳng, thiên nhiên đã vẽ nên một bức tranh với sự hoà quyện mọi yếu tố đến mức hoàn hảo.
Nắng vàng đổ trên khối đá càng điểm tô thêm cho vẻ đẹp của công viên
Là người yêu thiên nhiên, đừng bỏ lỡ công viên đá nhé
Tiếng sóng rì rào, những con sóng xanh vỗ bờ ngay dưới chân núi
Rất nhiều khu vực thuận lợi để bạn camping
Mải mê ngắm cảnh và lưu giữ những hình ảnh thiên nhiên đến quên thời gian. Nhưng cuối cùng những ánh nắng hoàng hôn cũng “đánh thức”, nhắc mình đã đến lúc phải xuống núi vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn, và mình không mang theo bất kỳ vật dụng nào để cắm trại.
Khung cảnh trên hành trình “mò đường” để về
Vẫn là cách cũ, mở lớp vệ tinh của bản đồ, đi theo đường mòn để tới được đường bê tông, từ đó ra được đường chính. Nếu để ý một chút, bạn sẽ nhận ra con đường bê tông là con đường dẫn bạn tới hòn đá “Thần quyền” và tới Khu Bảo tồn Rùa biển của Vườn Quốc Gia Núi Chúa.
Thiên nhiên thật biết níu chân người lữ khách
Đường đi thực sự không quá khó đi, chỉ là đường mòn và đi khi trời đã xế chiều nên mình gặp chút khó khăn để lần mò đúng đường mòn mà mọi người thường đi. Mình thầm nhủ, sẽ không ngắm cảnh và chụp ảnh nữa, trời muộn rồi. Nhưng trên đường về, hoàng hôn đổ bóng lại là lúc làm cho người “lữ khách” như mình phải nán lại một chút để ngắm hoàng hôn. Biết sao được, “không ngắm cảnh đẹp thế này lại có tội với Tạo Hoá”, mình nhủ lòng!
Hoàng hôn rực rỡ trên đường về
Tới đường bê tông là mình đã tự tin có thể xuống núi mà không lạc
Cuối cùng, mình cũng ra được tới đường chính, mình theo đường chính tiếp tục cuốc bộ về lại quán nước. Tới quán nước, trời cũng đã tối. Nghỉ ngơi một chút, chào và cảm ơn chú chủ quán. Mình lại tiếp tục hành trình còn dang dở.
Tạm biệt công viên đá, lên đường, nhưng lòng vẫn còn đọng nguyên những cảm xúc khi tới mảnh đất xinh đẹp này và tự nhủ, nhất định mình sẽ quay lại để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp nơi đây.
Đá Thần Quyền và Khu Bảo tồn Rùa biển là hai điểm nằm ngay cạnh công viên, bạn có thể kết hợp ghé thăm nếu đủ thời gian
Kinh nghiệm trong chuyến đi của mình
Sơ đồ hành trình của mình
Một vài lưu ý và gợi ý để chuyến đi trọn vẹn nhất