Mì Quảng – món chưa ăn như chưa đến Đà Nẵng
Món mì Quảng có những nét đặc trưng riêng, từ nước dùng đến sợi mì. Khi gọi, bạn sẽ thấy đầu bếp cho một lớp rau sống vào bát rồi phủ một lớp mì xắt sẵn lên trên. Nước dùng chan xăm xắp, để nước thấm vào từng sợi mì, lẫn vào lớp rau sống, nước có màu vàng đỏ tạo sự ngon mắt, béo ngậy. Rắc một nhúm lạc rang giòn giã vừa nhỏ lên trên, cùng hành tươi xắt vụn, chanh, ớt… là những phần phụ làm tăng độ béo, chua, cay.
Để làm mì, người ta dùng gạo còn nguyên vỏ cám, đem ngâm rồi xay tay. Bột xay đem tráng thành bánh và cắt nhỏ bằng dao rất điệu nghệ. Hiện nay người ta dùng máy cắt bánh nhanh và vệ sinh hơn. Do gạo còn vỏ cám nên màu sợi mì đục chứ không phải ngâm nước tro. Trong quá trình tráng rồi chần mì, người ta bôi thêm dầu phụng để khỏi dính, vì vậy khi ăn có mùi rất béo. Lá mì không được dẻo quá hay tơi vì khi trộn lên, cọng mì bị gẫy thì món ăn sẽ không còn hấp dẫn.
Rau sống đúng kiểu mì Quảng, gồm 9 loại: cải non mới nụ, xà lách tươi, húng, quế, giá đỗ, rau răm, ngò rí với hành hoa thái nhỏ… trộn lẫn với bắp chuối xắt mỏng. Có lẽ vì thế mà mì Quảng ăn không bị ngán hay cảm giác khô dù ít nước dùng.
Ngày nay có nhiều biến tấu để món mì Quảng thêm tròn vị, đa dạng như mì gà, bò, sườn, ếch, tôm thịt chả sứa hay thập cẩm…
Ở Đà Nẵng, mì Quảng được bán buổi sáng ở rất nhiều nơi như vỉa hè, hàng quán, các chợ với giá 15.000 đồng một bát. Du khách đến Đà Nẵng thường chọn các quán lâu đời, bán cả ngày, giá từ 25.000 đồng một bát như:
Mì Quảng Bà Lữ: đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu.
Mì Quảng 1A: số 1A đường Hải Phòng, quận Hải Châu.
Mì Quảng Bà Vị: 166 Lê Đình Dương, quận Hải Châu.
Mì Quảng Bích: 1- 3 – 5 Đặng Dung, quận Liên Chiểu.
Mì Quảng Bà Mua: 19 – 21 Trần Bình Trọng và 231 Đống Đa, quận Hải Châu.
Mì quảng ếch Trang: 441 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu.
Theo Vnexpress
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com