Hành trình “khổ ải”
Chiang Mai là kinh đô của vương quốc cổ Lanna, tồn tại trong thời gian từ thế giữa kỷ XIII đến cuối thế kỷ XVIII ở khu vực phía Bắc của Thái Lan. Ngày nay, nó là thành phố có qui mô dân số lớn thứ hai ở Thái Lan, chỉ sau thủ đô Bangkok. Thành phố này mang theo một bề dày lịch sử – văn hóa của cư dân khu vực phía Bắc Thái Lan, với những công trình tôn giáo, lễ hội dân gian đặc sắc. Trong số đó, nổi bật là hai lễ hội Yi Peng và Loy Krathong, diễn ra vào thời điểm rằm tháng 12 lịch Thái, khoảng tháng 11 dương lịch.
Lễ hội thả đèn trời Yi Peng ở Chiang Mai
Yi Peng và Loy Krathong là hai lễ hội khác nhau, nhưng diễn ra vào cùng một thời điểm, khiến nhiều du khách có thể bị lầm lẫn về tên gọi. Loy Krathong là lễ hội thả hoa đăng trên sông, còn Yi Peng là lễ hội thả đèn trời, đây là lễ hội cổ của người Lanna ở khu vực phía Bắc Thái Lan. Loy Krathong được tổ chức trên toàn Thái Lan, còn Yi Peng chủ yếu chỉ được tổ chức ở khu vực phía Bắc.
Do quyết định đi xem lễ hội Loy Krathong – Yi Peng muộn, hết vé bay thẳng Chiang Mai, nên Lữ Phong đành phải bay Bangkok rồi đi đường bộ lên Chiang Mai và trở về cũng bằng cách ấy. Thời gian di chuyển đội lên rất nhiều, nhưng vì chủ ý chỉ đi xem hai lễ hội, nên cũng chấp nhận.
Ngày trước của lễ hội, lên chuyến bay Vietjet Air từ Tân Sơn Nhất lúc 18:30, tới Bangkok lúc 20g, sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh, Lữ Phong di chuyển tới nhà ga Bang Sue cạnh công viên Chatuchak, lên chuyến tàu đêm đi Chiang Mai xuất phát lúc 22g50.
Ngày thứ hai của hành trình, tới Chiang Mai lúc gần 13g, Lữ Phong về khách sạn đã đặt sẵn ở khu chợ đêm Night Bazaar, gần bờ sông Ping (cho tiện đi bộ ra xem hoa đăng ban đêm) và được nhận phòng ngay. Đã ngủ no mắt trên tàu, sau khi nhận phòng và tắm rửa sạch sẽ, y thuê xe máy chạy lòng vòng Chiang Mai để xem xét qua các tuyến phố sẽ tổ chức lễ hội vào buổi tối, vừa cũng để cho quen việc điều khiển xe máy đi bên trái đường – theo luật giao thông của Thái Lan.
Chợ đêm Night Bazaar
Lác đác một số nhà hàng đã lên đèn, y cất xe máy, bắt đầu dạo bộ sang khu chợ đêm Night Bazaar kiếm đồ ăn và hòa vào dòng người dần đông đúc để xem đêm thứ nhất của lễ hội Loy Krathong – Yi Peng ở Chiang Mai, thủ phủ xứ Lanna phía Bắc Thái Lan.
Khu ẩm thực Night Bazaar tương đối vắng, vì du khách đi xem lễ hội Loy Krathong
Giải quyết xong xuôi việc nạp năng lượng chuẩn bị cho một buổi tối cuốc bộ, Lữ Phong tranh thủ dạo một vòng khu chợ đêm Night Bazaar. Các gian hàng ở chợ đêm Night Bazaar khá phong phú, với đủ thứ hàng hóa, từ đồ trang sức, quần áo, đồng hồ, túi xách, đồ chơi, hàng điện tử… Nhưng chắc do hôm nay rơi vào ngày lễ Loy Krathong – Yi Peng nên du khách tập trung tới lễ hội nhiều hơn.
Một quầy bán các loại túi xách nhìn khá bắt mắt
Những chú voi bằng vải đủ màu sắc, vô cùng ngộ nghĩnh
Lễ hội Loy Krathong ở Chiang Mai
Rời chợ đêm Night Bazaar, y theo dòng người đi sang khu thành cổ Chiang Mai gần đó – nơi diễn ra các hoạt động của lễ hội Loy Krathong – Yi Peng. Bên trong thành cổ Chiang Mai được trang hoàng rất lung linh, rực rỡ với rất nhiều các lồng đèn đủ các kích cỡ, được treo trên mọi đường phố, vào từng con ngõ nhỏ.
Hai chiếc đèn lồng cỡ đại đặt tại sân khấu trong quảng trường thành cổ
Du khách đông nghẹt ở khu vực trưng bày đèn lồng trên quảng trường
Khoảng gần 21g, dòng người đổ dồn về khu vực gần bờ sông Ping, gần cầu Nawarat để xem Loy Krathong trên sông Ping. Những bè hoa đăng nho nhỏ được bày bán cho du khách và người dân dọc hai bên vỉa hè các con đường, đủ các kích cỡ, giá trong khoảng từ 30 – 70 bath.
Một tiệm làm hoa đăng trên phố Charoen Prathet, gần cầu Nawarat
Các bè hoa đăng được bày bán rất nhiều trên phố
Sông Ping mềm mại ôm lấy phía Đông của thành phố cũ Chiang Mai, ngày nay thành phố đã được mở rông ra nhiều về phía Đông, thành ra dòng sông ngoằn ngoèo chảy dọc qua giữa thành phố mới. Trên dòng sông đẹp đẽ này là địa điểm tiến hành lễ hội Loy Krathong, thả những bè hoa đăng xuôi theo dòng nước, tỏ lòng tôn kính, biết ơn vị thần nước Phra Mae Khongkha, mong thần luôn ở bên cạnh che chở và ban phước lành cho người dân.
Du khách thả hoa đăng từ một vị trí được thiết kế an toàn bên bờ sông Ping
Việc thả hoa đăng xuống dòng nước sông Ping cũng mang ý nghĩa nhờ dòng nước cuốn đi hết những điều xui rủi, không may mắn, để cuộc sống chỉ còn lại những điều tốt đẹp, bình an, những đôi lứa được hạnh phúc bền lâu.
Một vị trí thả hoa đăng được thiết kế sàn dẫn ra khá xa giữa dòng sông.
Đêm đã rất khuya, dòng người hai bên bờ sông Ping vẫn còn rất đông đúc, Lữ Phong rời khu vực bờ sông, rảo bước dạo theo các con phố đêm Chiang Mai. Đêm Loy Krathong – Yi Peng, mọi con phố Chiang Mai đều rất lung linh. Đèn lồng treo trên cao, những đĩa nến nhỏ lập lòe ánh lửa nhảy múa, được đặt khắp các dãy phố, tường thành.
Nến được thắp lung linh trên bờ tường thành cổ…
…và lung linh dọc vỉa hè các con phố Chiang Mai.
Về tới khách sạn đã quá nửa đêm, đôi chân khá mỏi vì cuốc bộ từ lúc chập tối, Lữ Phong tắm rửa cho sạch mồ hôi và bụi bặm rồi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ. Vì chiều hôm sau có công việc phải giải quyết (trực tuyến), nên y chỉ có được buổi sáng để loanh quanh Chiang Mai, và buổi tối đi xem thả đèn trời ở trường Đại học Maejo, cách trung tâm Chiang Mai gần 30km.
Tham quan Wat Chedi Luang
Thức dậy sau giấc ngủ dài, Lữ Phong ăn sáng nhanh chóng và chọn đến tham quan Wat Chedi Luang ở trung tâm thành cổ.
Chùa Chedi Luang ở khu vực trung tâm thành cổ Chiang Mai
Wat Chedi Luang là ngôi chùa cổ kính ở Chiang Mai, được xây dựng từ 1391 đến 1475, tuy không phải ngôi chùa cổ nhất ở Chiang Mai nhưng cũng là một kho báu văn hóa của vùng đất Lanna này.
Trước cổng chùa là một cội cây cao lớn, người Thái gọi tên là cây gôm. Truyền thuyết của người Lanna nói rằng nếu cây gôm này bị đổ, sẽ có tai họa khủng khiếp ập đến với dân Lanna, bởi vậy vị thần gác cổng của thành phố là Prueksa Thevada – thần thông thái, hiền triết của người Lanna – đã dựng ngôi nhà nhỏ của mình ngay bên cạnh để coi sóc cây, tới nay cây gôm to lớn vẫn vững chãi đứng sừng sững ở cổng chùa.
Di tích đền Luang
Ngôi chùa cổ cao 80 mét, trên mặt bằng hình vuông mỗi chiều 45 mét, được vua Lanna khi đó là Tilokarat dâng làm ngôi nhà của Phật Ngọc, trước khi pho tượng Phật Ngọc nổi tiếng bị cướp đi trong chiến tranh vào giữa thế kỷ XVI. Trận động đất năm 1545 đã làm ngôi chùa hư hại rất nặng nề, những gì ngày nay du khách được chiêm ngưỡng là do công sức lâu dài của người Thái trong nhiều năm kiên trì trùng tu, phục dựng lại.
Những nhà sư ở Wat Chedi Luang với những công việc thường ngày
Sau khi tham quan kỹ lưỡng ngôi chùa cổ, Lữ Phong trở về khách sạn ăn trưa và giải quyết công việc ở nhà qua mạng. Cuối chiều y ăn cơm sớm và lên xe máy chạy ra ngoại ô, về phía trường đại học Maejo cách đó gần 30km để xem lễ hội thả đèn trời Yi Peng.
Lễ hội đèn trời Yi Peng ở khu Lanna Dhutanka
Khu Lanna Dhutanka nổi tiếng tổ chức thả đèn trời ở trường đại học Maejo, có sức chứa tới hàng ngàn người, đã đông nghịt từ trước khi trời tối. Các bãi giữ xe máy gần đó cũng chật kín xe. Gửi xe xong, y phải đi bộ khá xa theo dòng người để vào bãi thả đèn trời.
Bãi thả đèn trời đông nghịt người, các ngọn đèn trời đã được đốt lên…
…và nhiều chiếc đèn trời đã bay lên.
Vé vào trong Lanna Dhutanka khá đắt và thường đã được bán hết từ trước ngày diễn ra lễ hội rất lâu, nhưng du khách hoàn toàn có thể được chiêm ngưỡng lễ hội và thả đèn trời từ khu đất trống rộng mênh mông phía sau trường đại học.
Đèn trời bắt đầu bay lên dày trên bầu trời
Đèn trời được làm bằng bột gạo cán mỏng quấn quanh bộ khung bằng nan tre (để dễ phân hủy, ít tác hại môi trường), đĩa đặt nến được gắn ở giữa khung đèn. Khi nến cháy, không khí nóng và nhẹ sinh ra bên trong lồng đèn, tạo ra lực nâng chiếc đèn trời bay lên cao.
Du khách tập trung phía sau trường đại học Maejo, háo hức thả đèn trời
Giống như ở lễ Loy Krathong, người Thái quan niệm rằng khi đèn trời bay lên, sẽ mang đi những điều xấu, khiến những điều ước tốt đẹp trở thành hiện thực. Bởi vậy người ta thường ghi những điều ước lên đèn trời, và thường thành kính cầu khấn trong thả đèn. Khoảng 20g30, thời khắc chính của đêm hội, hàng chục nghìn chiếc đèn trời được đồng loạt thả lên. Nền trời đêm lung linh như vạn vì sao lấp lánh, thật là một cảnh tượng kỳ vĩ, ấn tượng. Sau thời điểm này, cổng khu Lanna Dhutanka được mở tự do. Vẫn còn hàng ngàn lượt đèn trời được du khách tiếp tục thả lên sau đó.
Đến thời khắc chính, hàng ngàn chiếc đèn trời đồng loạt bay lên trời cao
Suốt trên chặng đường trở về Chiang Mai, và ngay tại thành phố, Lữ Phong vẫn thấy rất nhiều ngọn đèn trời lập lòe ánh nến bay lên trời cao, dưới ánh trăng rằm (tháng 12 lịch Thái) sáng vàng vặc.
Sáng ngày thứ tư của chuyến đi, 7g30 Lữ Phong lên chuyến xe bus tốc hành VIP Sombat Tour rời Chiang Mai về Bangkok. Xe chạy nhanh hơn tàu hỏa, chỉ mất 10 tiếng. 17g15 y xuống Bangkok, lập tức di chuyển đến sân bay, làm thủ tục lên chuyến bay cuối ngày về Sài Gòn cất cánh lúc 20g, kết thúc 4 ngày di chuyển liên tục nhưng tham dự đủ hai lễ hội Loy Krathong – Yi Peng ở Chiang Mai, đóa hồng phương Bắc của Thái Lan.