Những hình ảnh bản đồ Long An, các điểm di tích lịch sử trọng điểm của tỉnh như tượng đài chiến thắng với 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” (TP Tân An), khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), khu di tích ngã tư Đức Hòa (huyện Đức Hòa) với tượng đài nhà cách mạng Võ Văn Tần… đã được tạo ra từ các drone phát sáng, nổi bật thu hút khán giả đến gần nửa đêm.
Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu cho quá trình phối hợp khai thác di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch mà Long An đã thực hiện trong hơn một năm qua, là nét riêng nổi bật trong ngành du lịch tỉnh này.
Điểm nhấn từ du lịch về nguồn
Ông Trương Văn Sang – giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Long An – cho biết Long An là địa phương có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng về nội dung, số lượng và loại hình, là nơi ghi dấu những cột mốc quan trọng trong quá trình chinh phục thiên nhiên, bảo vệ quê hương đất nước, xây dựng và phát triển đời sống vật chất, tinh thần, mang sắc thái riêng của cộng đồng cư dân nơi đây.
“Tỉnh có 127 di tích lịch sử – văn hóa, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử. Trong đó có 21 di tích cấp quốc gia, 106 di tích cấp tỉnh. Những năm qua, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng công tác quản lý, bảo tồn, tu bổ di tích để tạo thêm điểm nhấn, phát huy tiềm năng phát triển du lịch về nguồn tại các địa chỉ đỏ. Thu hút khách đến tham quan, tìm hiểu về cội nguồn lịch sử hào hùng của dân tộc”, ông Sang thông tin.
Từ tháng 11-2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch, cùng ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn về việc phối hợp thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa.
Tại hội thảo ký kết, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được đã đôn đốc thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa dành cho học sinh, sinh viên trong tỉnh với chủ trương “người Long An du lịch Long An”.
“Sở đã giới thiệu danh mục các di tích lịch sử, văn hóa, phối hợp với ngành giáo dục, Tỉnh Đoàn số hóa các tư liệu hiện vật, thông tin những địa chỉ đỏ trên địa bàn để triển khai rộng rãi trong đoàn viên thanh niên, sinh viên học sinh. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho các trường, cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động tìm hiểu, tham quan, học tập các giá trị lịch sử – văn hóa.
Từ chủ trương phối hợp, ngành giáo dục cũng đã đưa các di tích lịch sử, văn hóa địa phương vào các chương trình giáo dục học đường. Để các em không chỉ được giáo dục truyền thống, mà còn có những buổi sinh hoạt ngoại khóa có giá trị, phong phú về mặt tinh thần, tạo những ấn tượng tốt về quê hương, đất nước và giúp ích nhiều trong công tác học tập”, ông Sang nói thêm.
Nhờ việc “bắt tay” giữa ngành du lịch và giáo dục, Tỉnh Đoàn, trong năm 2024 Long An đã đón 340.000 lượt khách đến tham quan và tham gia lễ hội tại các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Long An tôn vinh lịch sử, kiến tạo tương lai
Riêng đối với bảo tàng và các di tích do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý đã đón 247 đoàn với 31.200 lượt khách đến tham quan, chủ yếu là đoàn viên thanh niên, sinh viên, học sinh.
Song song đó, có 4.195 lớp học của các trường trên địa bàn tỉnh với 126.755 học sinh đã tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo tồn, tôn tạo và phát triển các di tích.
Phát huy thêm giá trị
Bên cạnh các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích và kinh phí đầu tư, việc phát triển du lịch cũng đốc thúc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tiến hành trùng tu, tôn tạo lại nhiều di tích trọng điểm để thu hút khách.
Những khu du tích như ngã tư Đức Hòa, khu di tích lịch sử cách mạng Bình Thành, khu di tích ngã tư Rạch Kiến, khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến – Hành chính Nam Bộ, khu di tích Vàm Nhựt Tảo, khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ… và hàng loạt các di tích khác trên địa bàn tỉnh được trùng tu, tôn tạo, xây dựng bia đài đã trở nên khang trang, sạch đẹp.
Nhờ đó đã tạo nên một diện mạo mới, làm điểm nhấn để quảng bá hình ảnh của Long An nói chung và tạo sự hứng thú, thu hút đối với du khách cho ngành du lịch của tỉnh nói riêng.
Ông Sang nhận định thêm: “Di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn luôn là hình ảnh quan trọng trong các cuộc xúc tiến, quảng bá du lịch địa phương. Các di tích có thể xem như sản phẩm đặc trưng, từ đó tạo ra nét rất riêng trong du lịch nhân văn của tỉnh, tạo được điểm nhấn trong bản đồ du lịch chung”.
Chính nhờ những giải pháp kích cầu du lịch gắn với xây dựng, quảng bá hình ảnh tỉnh Long An với điểm nhấn riêng biệt là các di tích lịch sử, năm 2024 Long An đã lần đầu đạt mốc đón hơn 2 triệu lượt khách, trong đó có hơn 32.000 lượt khách quốc tế. Riêng Tuần văn hóa thể thao và du lịch của tỉnh vừa qua đã đón hơn 500.000 lượt khách.
Lượng khách này tăng gấp đôi so với cùng kỳ, vượt 54% so với kế hoạch. Doanh thu du lịch nhờ đó cũng đạt hơn 1.050 tỉ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ, vượt 50% so với kế hoạch.
Ngoài các dự án đang đầu tư, khai thác, Long An còn có nhiều dự án đang kêu gọi nhà đầu tư để tiếp tục phát triển, mở rộng thêm du lịch gắn với phát huy di tích lịch sử – văn hóa như điểm du lịch Đồn Rạch Cát, khu lâm viên Thanh Niên, khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, khu di tích lịch sử căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ, khu di tích lịch sử ngã tư Đức Hòa, khu công viên tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc.