Khi ghé thăm Myanmar, tôi chợt nhận thấy một nỗi cô đơn phủ lên nền trời, con sông, cánh chim, đền đài và cả những con người nơi đây. Nỗi cô đơn bất chợt không thể cắt nghĩa bằng ý nghĩ ngay lúc đó. Nhưng trong mỗi khoảnh khắc được chụp lại, trong những bức ảnh đen trắng là sự rời rạc và lặng yên của cả một vùng đất bị thời gian bỏ quên. Nhưng Burma cô độc chứ không hề cô đơn. Cô đơn là cảm xúc cá nhân khi tôi đặt chân đến quốc gia này. Burma tự mình chọn cuộc sống bình yên, chọn thích Burma thay vì cái tên quốc tế Myanmar, chọn đi sau văn minh nhân loại vài thập kỷ và giữ lại hàng nghìn ngôi đền cổ để làm nơi trú mát trong những trưa hè gay gắt… Tất cả những lựa chọn đó, dẫn đến sự cô độc cho cả một quốc gia.
Burma dưới cái nắng oi ả của Bagan
Vừa đặt chân đến sân bay Yangon, cái nắng đã phả vào người du khách như tôi một cái nóng bỏng rát cả da mặt. Thật vậy, có thể gọi nắng gắt là đặc sản của nơi đây, khi vào các mùa trong năm, cơn nắng nóng vẫn bám riết bạn từ lúc sáng trời cho đến lúc tối mịt, cơn nắng nóng dai dẳng vừa là bất lợi nhưng cũng coi như là một điểm đặc trưng nhất của Burma và nhìn thấy rõ nhất ở Bagan, cái nắng như đổ lửa đổ xuống một vùng đất cằn cỗi, những cái cây xác xơ vừa qua mùa hạ, khẳng khiu mà chẳng còn vương chút lá, người dân ai nấy đều mặc những trang phục dài tay, phú kín tới chân, không phải họ đang cố bảo vệ làn da không sạm màu đi mà nó giúp cho cơ thể họ mát mẻ hơn dưới cái nắng nóng cháy da thịt này.
Một cái cây cô đơn bên cạnh một ngôi đền cổ ở Bagan.
Những ngày hanh khô, bầu trời Bagan như muốn phá tan những đám mây.
Chiếc xe ngựa mãi không rời bến, từ lúc nắng chiều vừa tan cho đến khi Bagan khoác chiếc chăn đêm.
Một địa điểm mà người dân địa phương hay lui tới nhất trong ngày chính là các khu đền cổ, không chỉ là thói quen của những người ngoan đạo, đến các ngôi đền còn là phương pháp hạ nhiệt hiệu quả, thật bất ngờ khi vào những ngày nắng đỉnh điểm, các ngôi đền ở Bagan lại mát dịu đến lạ kỳ, đã nhiều lần tôi tự hỏi không biết họ đã xây dựng theo kiểu kiến trúc nào? Mục đích thực sự của việc xây hàng loạt ngôi đền lớn nhỏ có phải để nghỉ ngơi vào những trưa hè nóng nực hay không? Mà ngoài trời cơn nắng càng gắt gỏng thì nhiệt độ trong ngôi đền càng hiền hòa, khiến cho nhiều người dân tụ tập lại đây vào mỗi buổi trưa, chỉ để nằm bên dưới những tán cây và mái hiên, nghỉ giải lao giữa những giờ làm việc vội vã.
Bồ câu và quạ luôn hiện hữu trong những ngôi đền, chúng xây tổ và phóng uế nhưng người dân chưa một lần xua đuổi.
Người dân ngoan đạo đến thăm các ngôi đền.
Tưởng chừng như dưới cái nắng thiêu đốt, du khách sẽ bị vắt kiệt sức, sẽ bức bối vì không thể đi đâu hay làm gì, thì ngược lại, khi ánh sáng mặt trời cháy rực cũng là lúc cảnh quang ở Burma bừng tỉnh. Các ngôi đền dát vàng chưa bao giờ chói lòa đến thế nếu thiếu đi ánh sáng gay gắt đó. Các bức tranh màu vừa tô sẽ chẳng nên hình chuẩn nét nếu không được phơi dưới ánh mặt trời, rồi còn các ngôi đền, có kiến trúc lạ kỳ, lạ kỳ ở chỗ chỉ có độc vài ba ô cửa để hắt sáng, để ánh sáng mặt trời len lỏi vào trong. Ấy vậy mà bên trong đền lại sáng trưng mà chẳng cần dùng đến chút điện năng nào, làm tôi cứ tò mò rồi hoang mang, men theo từng dấu chân, say sưa tìm hiểu. Để rồi nhận ra, à thì ra, nắng không phải là một bất lợi, mà còn là một chất kết dính, hơn cả xi măng hay bất kỳ vật liệu xây dựng nào, đem đến dáng hình và sức sống cho mọi thứ.
Khe sáng hiếm hoi trong ngôi đền Ananda.
Những bức tranh Phật được phơi trước hiên một ngôi đền.
Nắng đã gắn liền với một phần cuộc sống con người nơi đây mà không có cách nào để tách rời, nắng rọi trên mọi lãnh thổ hoang vu khi trời vừa sáng, đánh thức hàng trăm con người lao động đang say giấc, bắt đầu một ngày mới một chút vội vã nhưng cũng lắm bình yên. Nắng còn là chiếc đồng hồ hữu hiệu, khi nó lên đỉnh đầu thì người ta biết phải tìm một bóng mát nghỉ giữa những giờ làm việc mệt mỏi, để tìm chút bình yên trong những ngôi đền. Rồi khi nắng không còn ló dạng, một ngày của người dân Burma lại kết thúc, họ về nhà nghỉ ngơi, tựa đầu lên gối tìm đến giấc ngủ thảnh thơi nhất. Cuộc sống về đêm tưởng chừng yên ắng đó, nhường lại sự sôi động cho những du khách phương xa, khi những hộp đêm hay nhà hàng mở muộn sẽ là nơi ồn ào nhất, với những câu chuyện rôm rả từ bốn phương tám hướng, viết lên những kỷ niệm đẹp dưới bầu trời đêm đầy sao của Burma.
Khung cảnh ngắm khinh khí cầu không mong đợi.
Burma và sự tĩnh lặng của mặt hồ Inle
Có thể nói đến Burma là đến xứ sở của bình yên, khi nền văn hóa ở đất nước này còn chập chững so với thế giới, từ những bình minh tinh khôi cho đến những vùng đất hoang sơ, cảm giác như nó vẫn còn đó sau chừng ấy thời gian, mà dù con người có đi mòn gót chân, đặt chân đến đây hàng vạn lần, cũng không thể nào xóa nhòa dấu vết thiên nhiên nguyên thủy đó. Điển hình là mặt hồ Inle trầm mặc, luôn khoác cho mình chiếc áo sáng như gương để phản chiếu lại mọi điều sặc sỡ của thế giới ngoài kia. Nhưng chờ đợi nó chỉ có trời xanh vô tận, lấp lánh cùng với mặt hồ tạo nên một đường chân trời không có điểm kết.
Bầy hải âu “săn” du khách trên sông.
Đàn hải âu kiếm ăn bằng cách đua theo những chiếc thuyền chở đầy du khách, chúng biết họ có sẵn một bịch thức ăn đầy ắp vụn bánh mì và hạt.
Tuy nhiên điểm trên bức tranh sơn thủy trầm mặc này lại là các hoạt động náo nhiệt của người dân trên sông, họ sinh sống và nương nhờ trên con nước hiền hòa này, hấp thụ dinh dưỡng phù sa của Inle mà lớn lên, truyền qua biết bao nhiêu thế hệ. Đó là một mối quan hệ cộng sinh phổ biến của con người với thiên nhiên thường thấy. Các ngư dân đánh bắt cá và thu hoạch rong rêu, họ có thể nuôi trồng hoặc để chúng phát triển tự nhiên. Với số cá bắt được, đó có thể là bữa ăn chính hoặc thu nhập chính của họ, còn với rong và rêu, rất nhiều thứ từ đây đem đến cho họ cuộc sống ấm no, như dùng làm phân bón cho vườn rau thủy canh, nuôi cá,…
Ngư dân thi nhau vớt rêu trên sông mỗi sáng, đây là chất hữu cơ chính để họ chăm những khu vườn cà tím, mướp, cà chua,… nổi trên sông.
Giấc ngủ vội trên sông đợi những mẻ cá đầu tiên của ngư dân Inle.
Men theo mặt hồ dài vô định, lâu lâu ta lại bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà gỗ trên sông, chúng có thể rời rạc, nằm chơi vơi trên mặt hồ, hoặc tụm lại thành một ngôi làng nhỏ mà ta có thể len lỏi vào bên trong từng con ngõ nhỏ, để thấy cách người ta đi trên sông bằng con thuyền truyền thống, hay nghe tiếng máy dầu ồn ào của những chiếc ca nô đang rẽ mặt nước băng băng, phá tan bầu yên tĩnh của cả một ngôi làng. Ta thậm chí có thể len lỏi vào cuộc sống thường ngày của họ, từ giặt giũ đến nấu ăn và làm việc, mọi thứ đều được phơi bày ra trên mặt hồ tĩnh lặng, không cần phải dấu diếm hay tỏ vẻ điềm nhiên vì nó là điều người dân Inle luôn làm bao đời nay, đem đến cho Inle một sức sống , đỡ chơi vơi hơn trên hành tinh xanh này.
Người đàn ông trên đường trở về nhà bằng thuyền – phương tiện di chuyển chính ở Inle.
Con chợ trên sông Inle tấp nập không chỉ du khách, mà còn là nơi những người phụ nữ đi chợ mỗi sáng tụ họp.
Còn có những làng nghề truyền thống lâu năm ở Inle tôi nghĩ bạn nên thử ghé một lần như làng nghề làm bạc, nơi có hàng trăm nhân công trẻ tuổi đang miệt mài đun bạc thành từng khối, hóa lỏng nó rồi lại tạo hình thành những bộ trang sức có hình dạng tuyệt đẹp. Làng dệt vải cũng chỉ là một hai ngôi nhà sàn nhưng những mét vải như một vườn hoa thơm cỏ lạ được dệt từ tâm huyết, sức lực của những người phụ nữ lành nghề và làng người cổ dài, được biết đến với cách làm đẹp từ những chiếc vòng cổ đủ mọi kích thước xếp chồng lên nhau, khiến cho chiếc cổ của họ cao hiên ngang… Dù chỉ là những nơi làm thương mại, khi chỉ còn vài hộ dân làm nghề này cho du khách xem nhưng tôi cũng lấy làm trân trọng những cố gắng đó, của người dân và chính phủ, vì họ muốn bảo tồn và gìn giữ những văn hóa đặc trưng đó trong lòng họ và những du khách như tôi nữa. Dù đã cũ nhưng cũng không thể nào lãng quên, để mà đánh mất bản sắc văn hóa dễ dàng đến thế.
Những đứa trẻ lành nghề ở làng bạc.
Và rồi một lần nữa tôi chị choáng ngợp bởi thứ ánh sáng diệu kỳ của Burma, khi không còn thứ đặc sản gắt gỏng kia chiếu trên mặt hồ. Inle hiện ra một dáng hình khác dịu dàng hơn, như muốn níu kéo thời gian ánh sáng còn vương trên mặt hồ, một màu đỏ cam ngọt lịm vấn vương đến lạ. Mọi hoạt động lúc này như bị làm chậm đi bởi ánh sáng hiền hòa kia, mặt hồ không gợn sóng, bác ngư dân trầm mặc và những con cá ăn đêm, tất cả đều bận rộn nhưng không nóng vội, đợi chờ mặt hồ biểu diễn cho xong, phô diễn cho hết những điều rực rỡ nhất rồi vụt tắt, một buổi trình diễn thị giác mãn nhãn vừa kết thúc, báo hiệu một ngày mới khép lại, nhường chỗ cho ánh sáng của các vì sao đêm viết tiếp câu chuyện kia.
Buổi chiều trên con sông là nơi tụ tập của lũ trẻ dân địa phương và là thời gian ngư dân lang thang đánh bắt.
Mặt hồ Inle tĩnh lặng trước khi ngư dân phá vỡ nó bằng những đợt sóng rẽ.
Ngày tạm biệt Burma, dù ghé nhiều tỉnh và vùng miền trên khắp quốc gia cô độc này thì Bagan và Inle vẫn là những nơi có dấu ấn rất riêng in đậm trong tâm trí tôi những kỷ niệm bình yên và rực rỡ nhất, về vùng đất của ánh nắng của hoàng hôn và bình minh, về mặt hồ tĩnh lặng nhưng không dễ quên lãng bởi những nét văn hóa đặc trưng vốn có. Hai điều đối nghịch đó tưởng chừng dễ xáo trộn sau khi tôi trở về cuộc sống nhiều bề bộn, nhưng thực ra, nó vẫn luôn đâu đây sâu trong ký ức, mà khi ngồi viết những dòng này, những ký ức đó lại tỏa sáng và bình yên một lần nữa, khiến tôi nhớ mãi không thôi…
#BURMACODOC là project ảnh đen trắng đầu tiên của Nhụ, là suy nghĩ thoáng qua khi mình chụp một vài bức ảnh đầu tiên ở đất nước này. Bộ ảnh còn là sự tương phản gay gắt giữa sáng và tối, giữa 3 gam màu trắng, xám, đen chen nhau len lỏi trong một khung hình. Nếu nó đem đến cho bạn sự cô đơn, mình tin rằng, chúng ta, bằng một cách nào đó, có cùng một nỗi buồn không tên luôn ẩn sâu trong tim…