Làng nón Chuông – Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống Việt Nam

36

Nón là một phần trong cuộc sống của người Việt, là người bạn chung thủy một nắng hai sương với những người nông dân, người phụ nữ Việt. Và khi nhắc tới nón, không thể không nhắc tới nón làng Chuông. “Muốn ăn cơm trắng cá trê/Muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”, câu ca dao được lưu truyền bao đời nay về nghề làm nón lá ở làng Chuông là sự khẳng định cho một sản phẩm thủ công trứ danh khắp vùng Kinh Bắc của người làng Chuông.

Làng Chuông ở đâu?

Làng Chuông tọa lạc ở xã Phương Trung, cách trung tâm huyện Thanh Oai khoảng 3km, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km về phía Nam. Ngôi làng nằm bên bờ sông Đáy hiền hoà, với đặc sản nón lá đã nổi tiếng từ hơn ba thế kỷ trước.

Đê sông Đáy

Đê sông Đáy

Để tới làng nón Chuông, từ trung tâm Hà Nội, bạn di chuyển về Hà Đông, đến Ba La tiếp tục rẽ vào quốc lộ 21B để tới thị trấn Kim Bài của huyện Thanh Oai. Từ đây, bạn có thể rẽ vào đường xuống đê sông Đáy hoặc tiếp tục đi theo quốc lộ 21B, rẽ phải vào đường liên thôn để tới làng. Khi đi tới nhà thờ Phương Trung là bạn đã gần tới làng và chuẩn bị bắt đầu hành trình khám phá nghề làm nón của mình.

Nhà thờ giáo xứ Phương Trung - Làng nón Chuông

Nhà thờ giáo xứ Phương Trung – Làng nón Chuông

Lịch sử làng Chuông và nghề làm nón làng Chuông

Làng Chuông còn được biết đến với tên gọi khác là làng nón Chuông. Đây là một làng nghề lâu đời của tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Không ai biết chính xác làng nón Chuông có từ bao giờ, chỉ biết rằng ngôi làng đã có hơn ngàn năm lịch sử. Theo các bậc cao niên trong làng thì ban đầu làng Chuông có tên là Trang Thì Trung, về sau đông dân hơn nên được mở rộng thành làng.

Chiếc nón khổng lồ trong chợ nón Chuông

Chiếc nón khổng lồ trong chợ nón Chuông

Cũng theo các cụ cao niên trong làng kể lại, làng nghề nón Chuông có lịch sử hơn 300 năm, xuất phát từ đâu thì người làng Chuông hiện giờ không ai biết. Xưa kia, làng nón Chuông sản xuất nhiều loại nón, dùng cho nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội như nón ba vòng đấu, nón dấu, nón chóp dứa…. Lúc đầu, nón làm ra chỉ để dùng trong làng. Về sau, nón làng Chuông càng ngày càng nổi tiếng, vượt ranh giới làng xã, bán khắp nơi và còn là vật phẩm tiến dâng cho các hoàng hậu, công chúa trong cung.

Hàng trăm năm lịch sử đã đi qua, đến nay, ngôi làng nhỏ bé bên dòng sông Đáy vẫn giữ gìn được nét văn hoá làng nghề và nghề truyền thống của cha ông. Không chỉ giữ mà còn thay đổi, gắn với hình ảnh du lịch để thích ứng với chuyển biến của xã hội, thu hút được nhiều đoàn khách du lịch trong nước cũng như quốc tế đến tham quan làng nghề.

Khám phá vẻ đẹp của nghề làm nón

Chiếc nón với người Việt là một vật đã gắn liền với người Việt qua nhiều thế kỷ, đi đâu cũng thấy những chiếc nón xinh xắn. Chiếc nón không chỉ che nắng, che mưa, che những nhọc nhằn của các bà, các mẹ trên đồng ruộng, mà còn để làm duyên, làm dáng cho người phụ nữ Việt Nam. Vì quá đỗi thân thuộc nên có khi ta thấy nó khá “tầm thường”, và chỉ khi đến tận nơi làm ra những chiếc nón lá ta mới thấy sự kỳ công và công sức để làm ra được một chiếc nón hoàn toàn bằng thủ công.

Lá được phơi khắp triền đê, sân vườn

Khi bắt đầu tới làng nón Chuông, đi dọc con đê sông Đáy, ta đã bắt gặp khung cảnh con đê được phủ một màu trắng sữa bởi những chiếc lá lụi. Triền đê được người làng Chuông tận dụng để phơi lá, và cả khắp sân nhà cũng là nơi phơi lá. Những chiếc lá này có nguồn gốc tận các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Phơi lá cũng là một trong những công đoạn đầu tiên để làm ra một chiếc nón lá. Để cho ra một chiếc nón mà chúng ta thường thấy và sử dụng, cần phải trải qua thêm chín công đoạn nữa. Và tất cả chúng đều được làm 100% thủ công bởi bàn tay của những người làng Chuông.

Càng đi sâu vào làng, đâu đâu cũng thấy nón, cứ ra khỏi nhà là có nón trên đầu từ các chị, các mẹ đội nón đi làm tới các bà, các mẹ, các chị làm nón trong các gia đình. Trong khuôn viên của từng gia đình, những cụ già, các mẹ, các chị cặm cụi ngồi trong nhà khâu từng chiếc nón.

Nón theo các cụ, các mẹ đi muôn nơi

Nón được làm trong các gia đình

Để tham quan và tìm hiểu nghề làm nón, tới làng nón Chuông, điều này rất dễ. Bởi, để tham quan một làng nghề, bạn cứ tới đình và chùa của ngôi làng đó, chắc chắn sẽ có điều hữu ích. Với làng nón Chuông, đình làng, chùa và cả chợ làng đều tập trung một nơi. Khi tới đây vào buổi sáng, bạn cứ vào khu vực này, không chỉ là nơi mua bán nón và các vật liệu khác để làm nón, mà ở đây còn là nơi người dân làng Chuông tranh thủ làm nón trong suốt thời gian ngồi chờ khách.

Chợ nón Chuông, lúc họp và lúc tan chợ

Người làng Chuông bắt đầu làm việc từ sớm tinh mơ. Khi nhiều người vẫn đang ngon giấc thì người làng Chuông đã dậy và đi chợ. Bởi vậy mà, chợ làng nón Chuông cũng họp từ rất sớm. Ở chợ, người thì đi bán nón, người thì đi mua nón, người thì đi mua nguyên vật liệu làm nón. Bên trong chợ, những chồng nón các loại xếp cao ngất cùng với các vật liệu và dụng cụ làm nón. Tất cả tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp từ sớm tinh sương.

Khung cảnh nhộn nhịp vào sáng sớm ở làng nón Chuông

Đến sáng, chợ càng tấp nập hơn với nhiều mặt hàng được bày bán, và cả các du khách trong và ngoài nước tới để tham quan làng nghề.

Các nguyên liệu làm nón gồm có lá, vòng, mo và các phụ kiện như kim, cước, guột… Trải qua 10 công đoạn: vò lá, phơi nắng, phơi sương, là lá, rẽ lá, bứt vòng, quay mo, khâu nón, lồng nhôi, nứt cạp và được lợp ba lớp lá. Dưới bàn tay tài hoa, tỉ mỉ, nhẫn nại và chính xác của người nghệ nhân, những chiếc nón làng Chuông chính hiệu được ra đời với các đặc điểm bền, chắc, khoẻ, đẹp và thanh. Nhờ đó nón làng Chuông trở thành sản phẩm thủ công nổi danh khắp vùng Kinh Bắc.

Tất cả mọi thứ liên quan tới nón đều có bán tại chợ

Làm nón đòi hỏi sự tỉ mẩn, không được vội vàng, có lẽ cũng vì thế mà các mẹ, các chị sẵn sàng đón tiếp và trò chuyện cùng du khách. Khi tới làng nón Chuông, bạn sẽ nhận được sự đón tiếp đậm tình vùng thôn quê, ai cũng mến khách, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn cho bạn những thông tin hữu ích về nghề làm nón.

Sự nhộn nhịp còn lan sang sân chùa

Tranh thủ làm nón lúc vãn khách

Tranh thủ làm nón lúc vãn khách

Nghề làm nón được người làng Chuông giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ sau. Về với làng nón Chuông, không khó để bắt gặp cảnh ba thế hệ cùng ngồi làm nón. Mỗi ngày, người lớn tuổi làm được khoảng một chiếc nón lá, người trẻ được khoảng hai chiếc. Với giá nón trên thị trường khoảng 25 – 40 ngàn đồng, thu nhập từ nghề làm nón không cao. Bời thế, người dân nơi đây chỉ xem nghề như một phần thu nhập để trang trải cuộc sống.

Ba thế hệ cùng làm nón - Làng nón Chuông

Ba thế hệ cùng làm nón – Làng nón Chuông

Để duy trì và sống được với nghề, người làng Chuông cố gắng thích nghi với thị trường và đã tìm được hướng đi mới. Ngoài sản xuất nón phục vụ cho nhu cầu truyền thống, nhiều mẫu mã nón mới với đủ kích thước, phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau đã được đưa vào sản xuất. Nổi bật trong số đó phải kể đến nón lụa, một loại nón rất đẹp và đòi hỏi nhiều công phu hơn để làm ra được một chiếc nón.

Những chiếc nón lụa với độ hoàn thiện và thẩm mỹ rất cao

Về với làng nón Chuông, ngoài được tận mắt xem một chiếc nón được “ra lò” ra sao, bạn còn có cơ hội cảm nhận rõ nét hơn khung cảnh vùng thôn quê Bắc bộ với nhịp sống nhộn nhịp nhưng không ồn ào, gấp gáp hay sôi động và cả những nét đẹp vừa cổ kính, vừa thơ mộng của các công trình kiến trúc cổ. Những nếp nhà cổ kính, nhuốm màu thời gian hiện lên khắp nơi. Một bầu khí mát lành, an yên bao trùm cả ngôi làng. Tất cả tạo nên một chuyến đi mà ở đó, những ấn tượng đẹp sẽ rất khó phai lòng trong bạn.

Chùa làng Chuông và những nếp nhà cổ còn sót lại

Kinh nghiệm tham quan làng nón Chuông

Để có thể tham quan trọn vẹn nhất nghề làm nón, từ quy trình làm tới không khí mua bán đậm nét văn hoá thôn quê, bạn nên tới làng nón Chuông vào các ngày phiên chợ. Chợ nón làng Chuông một tháng họp sáu phiên vào các ngày (4, 10, 14, 20, 24, 30 âm lịch). Nếu không thuận tiện về thời gian, bạn cũng nên tới làng Chuông vào sáng sớm vào những ngày có nắng đẹp.

Chợ làng Chuông họp rất sớm, từ khoảng 4h sáng và tới khoảng 9h sáng đã vơi người. Tới giờ trưa, mọi người cũng nghỉ ngơi để chuẩn bị cơm nước. Tới làng vào sáng sớm sẽ là cơ hội tuyệt vời để bạn hoà vào không khí của chợ quê làng Chuông. Còn vào ngày nắng đẹp, đây sẽ là cơ hội để bạn có thể thấy đâu đâu cũng phơi lá.

Sau họp chợ, mọi thứ trở lại với khung cảnh êm đềm, bình dị

Nón làng Chuông trứ danh vùng Kinh Bắc

Nón làng Chuông trứ danh vùng Kinh Bắc

Trên các diễn đàn du lịch, nhiều người muốn liên hệ trực tiếp với người làng Chuông để lên sẵn các chương trình trải nghiệm. Tuy nhiên, để trải nghiệm nghề làm nón tại làng Chuông, bạn không cần quá lo lắng. Vì về tới làng nón Chuông, chỉ cần hỏi là mọi người sẽ chỉ cho bạn cách tận tình nhất có thể. Bạn sẽ như khách quý của làng đấy!

Nằm không xa trung tâm Hà Nội, làng Chuông là một địa điểm lý tưởng để bạn tìm hiểu về nghề truyền thống với sản phẩm là một trong những hình ảnh biểu trưng của đất nước.

Tới làng nón Chuông, không những bạn có được những trải nghiệm đáng giá về du lịch, mà còn nhận được tình cảm nồng ấm từ con người nơi đây. Và hơn hết, chuyến ghé thăm của bạn còn mang ý nghĩa giúp làng Chuông giữ gìn được nghề truyền thống của chính họ. Và nếu thuận tiện, đừng quên mua một chiếc nón làng Chuông mang về làm quà tặng người thân nhé.