Lăng Đồng Khánh – Sự trở lại đầy rực rỡ

31

Nhắc đến Huế là nhắc đến sự cổ kính của những cung điện, đền đài và lăng tẩm – đó là một điều không thể thay đổi. Dù cho Huế đang ngày một đổi mới, nhộn nhịp hơn, nhiều điểm check in mới lạ hơn, nhưng bây giờ hay nhiều năm về sau nữa, những dấu ấn của thời kì vàng son triều đại nhà Nguyễn vẫn sẽ luôn là điều làm nên sự khác biệt của Huế. Và đặc biệt nhất trong đó chính là hệ thống lăng tẩm đồ sộ mà không nơi nào có được.

Thời nhà Nguyễn có 13 vị vua tại vị nhưng chỉ có 7 khu lăng tẩm được xây dựng. Du khách đến Huế thường chỉ dành thời gian ghé qua lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức, lăng Khải Định bởi vẻ nguy nga, lộng lẫy, nhưng quên mất những còn có một lăng Đồng Khánh sở hữu lối kiến trúc giao thoa Á – Âu độc đáo, trải qua 4 đời vua nhà Nguyễn và kéo dài suốt 35 năm hình thành.

Lăng Đồng Khánh

Lăng vua Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh

Hồ bán nguyệt phía trước lăng vua Đồng Khánh

1. Giới thiệu chung lăng Đồng Khánh

Lăng vua Đồng Khánh được Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế trùng tu với kinh phí gần 30 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Sau gần 4 năm, đến cuối tháng 6/2022, việc trùng tu mới hoàn thành, lăng Đồng Khánh bắt đầu mở cửa đón khách tham quan trở lại.

Lăng Đồng Khánh

Bảng giới thiệu về lăng Đồng Khánh

2. Vị trí lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh hay còn gọi là Tư Lăng, nằm trên núi Cư Sĩ và đồi Hộ Thuận Sơn, phường Thủy Xuân, TP Huế, là nơi an nghỉ của vua Đồng Khánh (1864-1888). Vua Đồng Khánh là vị vua vua vắn số và có thời gian trị vì ngắn ngủi lại đầy biến động của triều Nguyễn, ông lên ngôi trong bối cảnh kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng quan đại thần Tôn Thất Thuyết rời Huế ra Tân Sở để kêu gọi phong trào Cần Vương chống Pháp.

Lăng Đồng Khánh nối liền và nằm chung trong khu vực lăng vua Tự Đức, tạo nên một quần thể lăng tẩm rộng hơn 220ha. Riêng trong khu vực này có nhiều khu lăng tẩm khác nhau: Tư Lăng của vua Đồng Khánh, Thiên Thành Cục của Kiên Thái Vương (thân sinh vua Đồng Khánh), Tư Minh Lăng của Phụ Thiên Thuần hoàng hậu (vợ vua Đồng Khánh), lăng của Đoan Huy hoàng thái hậu (bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Đại), tẩm mộ của Hoàng tử Cảnh và một số lăng mộ của các thành viên khác trong hoàng gia với thời gian xây dựng cũng rất khác nhau.

Lăng Đồng Khánh

Khu vực thờ chính của lăng Đồng Khánh

Lăng Đồng Khánh

Những khu vực vừa được trùng tu

Ban đầu, đây chỉ là nơi do vua Đồng Khánh chỉ định khởi công làm điện thờ cho phụ thân là Kiên Thái Vương, lấy tên là điện Truy Tư, nhưng đang thi công dang dở thì vua đột ngột qua đời. Sau đó vua Thành Thái lên ngôi nhưng lúc bấy giờ đất nước gặp nhiều khó khăn, không đủ khả năng xây dựng lăng mộ mới cho vua Đồng Khánh nên đã đổi tên điện Truy Tư thành điện Ngưng Hy để thờ. Cuối cùng đến đời vua Khải Định, khu lăng mộ mới được hoàn thiện, ông đã cho tu sửa lại lăng bao gồm: Bái Đình, hai hàng tượng văn, võ, quan viên và voi ngựa, lát gạch, xây lan can, dựng cửa Nghi Môn ở mặt trước lăng và xây các tấm bia đá ở Bi Đình, điện Ngưng Hy,…

3. Kiến trúc lăng Đồng Khánh

Tương tự như lăng mộ các vị vua Nguyễn khác, lăng Đồng Khánh gồm có 2 phần: khu điện thờ và khu lăng mộ.

3.1. Điện Ngưng Hy

Khu điện thờ tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, trước mặt có hồ nước hình bán nguyệt. Cửa hậu và hai cửa bên đều làm theo lối cửa vòm cuốn, có mái đúc giả ngói, còn cửa chính phía trước, mang tên Cung Môn làm bằng gỗ, kiểu 3 gian, 2 tầng.

Lăng Đồng Khánh

Cận cảnh phía trước điện Ngưng Hy

Lăng Đồng Khánh

Những họa tiết chạm trổ tinh xảo

Điện Ngưng Hy là ngôi điện chính của khu điện thờ, cấu trúc kiểu nhà kép trùng thiềm điệp ốc. Bên ngoài khu điện thờ có điểm nhấn là những bức phù điêu bằng đất nung cùng với đó là những hình trang trí như ngư ông đắc lợi, gà chọi, hoa quả, động vật,… Bên trong chính điện được trang trí bằng nghệ thuật sơn mài, sơn son thếp vàng; khiến ngôi điện không còn cảm giác như điện thờ mà lộng lẫy hoành tráng như các cung điện chính. Trong điện Ngưng Hy cũng có 24 bản vẽ các bức tranh của điển tích “Nhị thập tứ hiếu”, thể hiện lòng hiếu thảo của Khải Định với Đồng Khánh. Bên cạnh bài vị vua Đồng Khánh, 2 bên tả, hữu còn thờ bài vị 2 hoàng hậu Thánh cung, Tiên cung.

Lăng Đồng Khánh

Những ô cửa bên trong điện Ngưng Hy

Lăng Đồng Khánh

Vẻ đẹp lộng lẫy

Lăng Đồng Khánh

Sơn mài ghép khảm và chạm nổi

Lăng Đồng Khánh

Những bức chạm tuyệt đẹp

Lăng Đồng Khánh

Bàn thờ vua Đồng Khánh

Điểm đặc biệt đó là cửa ra vào chính điện Ngưng Hy được đóng khép bằng hệ thống cửa bảng khoa gắn hình nhiều màu theo phong cách Tây phương, tạo nên sự khác biệt với các lăng vua triều Nguyễn khác.

Lăng Đồng Khánh

Hệ thống cửa nhiều màu

Lăng Đồng Khánh

Điểm khác biệt so với các lăng khác

Lăng Đồng Khánh

Những ô cửa vòm cung

Lăng Đồng Khánh

Phía sau điện

3.2. Khu lăng mộ

Khu lăng mộ nằm trên một ngọn đồi cao, cấu trúc chung khu lăng Đồng Khánh không khác mấy với các lăng khác. Nhưng từ kiến trúc, trang trí đến vật liệu xây dựng hầu như đều có sự ảnh hưởng của kiến trúc Âu: tượng quan viên cao gầy bằng xi măng và gạch thay cho tượng đá, Bi đình (nơi dựng bia đá) có lối kiến trúc Tân cổ điển Tây phương pha trộn phong cách Á Đông truyền thống.

Lăng Đồng Khánh

Những ô cửa nối liền các khu vực

Lăng Đồng Khánh

Lối dẫn ra khu vực lăng mộ

Lăng Đồng Khánh

Con đường ngập tràn thông rất “thơ”

Mộ vua Đồng Khánh hình vuông, cao 1,6 m, được bao bọc bởi ba vòng thành xây bằng gạch trát vữa. Trên nóc chạm hình mặt trời, bốn góc chạm hình rồng và chữ Thọ. Phía trước là 3 tầng sân tế rộng, lát gạch ca rô và gạch Bát Tràng. Phía trước là nhà bia hình tứ giác xây gạch, lòng bia khắc bài văn ca ngợi công đức vua cha do vua Khải Định viết năm 1916. Sân bái đình nằm phía trước nhà bia, hai bên sân có hàng tượng gồm quan văn, quan võ, ngựa, voi, mỗi bên 6 bức. Khác với tượng đá Thanh ở các lăng mộ vua Nguyễn trước đó, tượng ở đây đắp bằng gạch và vôi vữa, hình thức tượng khá thanh mảnh.

Lăng Đồng Khánh

Khu vực lăng mộ

Lăng Đồng Khánh

Hàng tượng phía trước bia

Lăng Đồng Khánh

Nghi môn

Giá vé tham quan lăng Đồng Khánh là 100.000 VND/ vé.

Lăng Đồng Khánh chính là sự đánh dấu sự ảnh hưởng của kiến trúc hiện đại vào kiến trúc truyền thống, mở ra thời kỳ kết hợp độc đáo giữa hai nền kiến trúc này. Hãy ghé thăm lăng Đồng Khánh trong một buổi chiều hoàng hôn, để cảm nhận vẻ đẹp rực rỡ mà lại rất trữ tình.