Lạ miệng món bún thang lươn Hưng Yên, chế biến cầu kỳ từ 20 nguyên liệu

2
Bún thang lươn có hình thức bắt mắt, chế biến cầu kỳ, khéo léo từ 20 nguyên liệu, gia vị khác nhau như: Trứng, giò thái sợi, thịt ba chỉ chiên giòn, lươn…

Hà Nội có món bún thang nổi tiếng chế biến cầu kỳ từ thịt gà, tôm, nấm hương, giò lụa, trứng… Cách Hà Nội không xa, Hưng Yên cũng có món bún thang độc và lạ – bún thang lươn.

Món ăn được ví như một thang thuốc bổ với sự kết hợp của khoảng 20 nguyên liệu, gia vị thơm ngon, nhiều dưỡng chất.

Bún thang lươn Hưng Yên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Món bún này từng được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công bố công nhận là 1 trong 100 món ăn đặc sản Việt Nam.

Chị Nguyễn Lan, chủ một quán bún thang lươn khá có tiếng ở TP Hưng Yên (Hưng Yên), cho biết bún thang lươn là món ăn phổ biến từ ngày xưa của người dân Phố Hiến (khu vực 2 phường Lam Sơn và Hồng Châu).

Tiếp nối truyền thống và bí quyết riêng của gia đình, chị Lan mở quán kinh doanh món bún thang lươn.

Một số nguyên liệu của món bún lươn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Nữ chủ quán cho biết, bún thang lươn có hình thức bắt mắt nhờ được bài trí khéo léo từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: Trứng, giò thái sợi, thịt ba chỉ chiên giòn, lươn. Tô bún được ăn kèm với rau sống gồm hoa chuối, giá đỗ, xà lách, kinh giới…

Chị Lan chia sẻ: “Để làm được bát bún thang lươn ngon chuẩn vị, người nấu phải tỉ mỉ, cầu kỳ từng công đoạn. Khâu chọn nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo tươi ngon. Ví dụ, thịt ba chỉ mua về phải rửa sạch, luộc chín tới, thái nhỏ dạng sợi và tẩm ướp gia vị theo bí quyết riêng, sau đó mới đem chiên.

Lươn cũng phải chọn con to, còn sống, đem về sơ chế sạch rồi tách thịt khỏi xương sau đó tẩm ướp gia vị. Các nguyên liệu còn lại như trứng, giò cũng chọn loại ngon, chế biến tỉ mỉ, rau thơm phải tươi, không dập nát”.

Theo chị Lan, điểm nhấn giúp phân biệt bún thang lươn với bún thang Hà Nội là nước dùng đậm đà, ngọt thanh vị cua đồng ninh cùng xương ống và xương hom.

Nước dùng bún thang lươn thơm ngọt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Xương phải ninh đủ 24h để tiết ra hết chất ngọt bên trong, nêm nếm thêm sá sùng, tôm nõn khô, mắm tôm và một số gia vị. Nhờ đó, nước dùng ngọt thanh, dậy mùi thơm tự nhiên.

Bún thang lươn chế biến tỉ mỉ và tốn nhiều công sức. Điều này khiến chị Lan không khỏi trăn trở: “Món này khó làm nên kén người tiếp nối, duy trì. Tôi chỉ sợ món ăn bị mai một đi thì rất đáng tiếc”.

Đây là món bún được nhiều người Hưng Yên ưa chuộng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Món bún thang lươn được nhiều người dân Hưng Yên ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày, quán bún thang lươn của chị Lan bán được khoảng 200 bát. Cuối tuần khách đông hơn, quán phục vụ 300-400 bát/ngày.

Giá bán của một bát bún thang từ 40.000 đến 70.000 đồng tùy nhu cầu của thực khách.