Kỳ thú Mũi Nghê Sơn Trà nhìn từ biển

9

Mũi Nghê là một mỏm đá chìa ra biển xa nhất về phía Đông tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Bờ biển bán đảo Sơn Trà có nhiều bãi, nhiều mũi, nhưng có lẽ Mũi Nghê là địa điểm kỳ thú bậc nhất, bởi vị trí và vẻ đẹp đặc biệt của nó.

Kỳ thú Mũi Nghê Sơn Trà

mũi nghê sơn trà

Mũi Nghê – khối đá hình con nghê từ biển chầu về bán đảo Sơn Trà

Đầu tiên phải nhắc đến là điểm đặc biệt của cái tên mũi đá này: mũi Nghê. Nghê là con vật thần thoại trong văn hóa Việt, thường xuất hiện nhiều ở khu vực làng quê miền Bắc và trong các kiến trúc cung đình Huế. Có thuyết cho rằng, con Nghê là linh thú bản địa do người Việt sáng tạo ra, có sự lai tạo, kết hợp giữa con Kỳ Lân trong Tứ linh (Long – Lân – Quy – Phụng) với con chó. Trong văn hóa Việt, Nghê là con vật canh giữ về mặt tinh thần, chống lại các loại tà ma, ác quỷ. Về mặt hình dáng, con Nghê vừa có nét giống con chó (ở các cổng đình, làng ở Bắc bộ), lại vừa có nét giống con sư tử (ở một số kiến trúc ở Huế).

mũi nghê sơn trà

Một góc thành phố Đà Nẵng, nhìn từ đường Hoàng Sa trên bán đảo Sơn Trà

Tại mũi Nghê ở Sơn Trà, phần cuối cùng của mỏm đá núi chồm ra biển, nhìn từ xa mang hình dáng của một con Nghê đang ngồi từ biển chầu vào đất liền giống như một linh thú bảo vệ Sơn Trà từ đại dương. Cái tên “mũi Nghê” có lẽ xuất phát từ hình dáng đặc biệt của khối đá ấy.

mũi nghê sơn trà

Tượng Quán Thế m chùa Linh Ứng nổi bật giữa màu xanh của trời, rừng, biển

Theo đường bộ, mũi Nghê cách trung tâm thành phố Đà Nẵng (tạm tính từ cầu sông Hàn) khoảng 18km, dọc theo trục đường Hoàng Sa, qua chùa Linh Ứng, qua bãi Nam, bãi Bắc, qua khỏi Ghềnh Bàng, rẽ xuống đường đi “Cây đa ngàn năm” và đi hết đường thì có đường mòn để đi bộ xuống mũi Nghê. Đi đường bộ, sẽ vất vả đoạn đi bộ cuối cùng băng rừng cây, dốc đá để xuống mũi Nghê, nhưng lại tiếp cận được tận mũi đá huyền thoại, và có thể được tắm trong “hồ bơi vô cực” thiên nhiên, được tạo bởi vách núi và những khối đá ngầm chạy dài xuống biển.

mũi nghê sơn trà

“Cây đa ngàn năm” ở đoạn gần cuối con đường bộ xuống mũi Nghê

Đường bộ ra mũi Nghê không phải quá khó, nhưng lại khó có góc nhìn đẹp về “con Nghê” đá – linh thú từ biển Đông ngồi chầu về Sơn Trà. Nhưng nếu tiếp cận mũi Nghê bằng đường biển thì sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh con Nghê chầu về phía Sơn Trà khá rõ và sống động.

Giong thuyền ra mũi Nghê

Ở Đà Nẵng, Lữ Phong có một vị bằng hữu đặc biệt – Tí, thợ săn cá biển – mà y vẫn gọi là “con rái cá vịnh Đà Nẵng” bởi khả năng bơi và lặn xuất sắc. Khi Lữ Phong đề cập đến mũi Nghê Sơn Trà với Tí, cậu bèn cam kết sẽ dẫn đi ngắm mũi Nghê theo cách đặc biệt bằng thuyền từ biển, để thấy được vẻ đẹp toàn cảnh của mỏm đá nổi tiếng này.

Cả đám chạy xe máy từ Đà Nẵng theo đường Hoàng Sa lên bán đảo Sơn Trà hơn 10km, tới khu vực Bãi Nam thì rẽ phải, rời đường Hoàng Sa theo đường nhỏ đi tới Bãi Đá ở cuối con đường, sát mép biển. Một con tàu gỗ đã dập dềnh thả neo cách bờ cát mấy chục mét đợi sẵn – chiếc tàu thường chở nhóm săn cá của Tí rà tới các vách đá dưới chân Sơn Trà để thả các “thợ săn cá” xuống biển làm việc. Chiếc thuyền thúng nhanh chóng tăng bo mấy khách lên tàu, và tàu nhổ neo hếch mũi tiến ra biển.

mũi nghê sơn trà

Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng, nhìn từ khu vực Bãi Đá

Tiếng máy tàu “pạch pạch” giòn giã, con tàu gỗ bồng bềnh đè sóng, chạy vòng qua khu vực Mũi Súng – một mỏm núi Sơn Trà khác nhô ra biển, tạo ra một vũng biển nhỏ với các bãi cát đẹp cùng các khu du lịch xinh xắn: Bãi Rạng, Bãi Nam, Bãi Đá, Sơn Trà Resort & Spa, Quán Vườn Tôi – Bãi Nam, …

Con tàu gỗ vừa vượt qua mỏm Mũi Súng, cả bọn ồ lên ngay, bởi phía trước xa xa, bên trái mạn tàu Mũi Nghê đã hiện ra trên mặt biển mù mờ hơi nước. Quả thật, từ góc nhìn trên mặt biển, khối đá cực Đông của bán đảo Sơn Trà nhìn rất giống dáng một chú chó (hoặc sư tử, tùy hình dung của mỗi người) đang nằm trên mặt biển nghếch đầu hướng vào đất liền. Hình ảnh rất sống động theo sự dập dềnh của con tàu trên ngọn sóng.

mũi nghê sơn trà

Mũi Nghê xa xa, nhìn từ mỏm Mũi Súng

mũi nghê sơn trà

Một con tàu lớn đang chạy xéo qua khu vực Mũi Nghê

Con tàu gỗ chạy cắt qua vòng cung tạo bởi Mũi Súng và Mũi Nghê, phía trong là bãi Ghềnh Bàng – một bãi biển nhỏ, gồ ghề nhiều đá và thường có đàn khỉ xuất hiện, gần với lối rẽ từ đường Hoàng Sa đi xuống chỗ Cây đa ngàn năm ở sườn núi bên trên.

mũi nghê sơn trà

Con tàu lớn đã vượt qua Mũi Nghê một đoạn, Cù lao Chàm mờ mờ phía xa.

Trên mặt biển trống, không vướng tầm nhìn thì tưởng là gần, thực tế khoảng cách đường chim bay từ mỏm Mũi Súng đến Mũi Nghê cũng phải khoảng trên dưới 4km. Con tàu cứ cần mẫn chạy trên mặt biển lăn tăn sóng. Lữ Phong cùng đồng bọn mải mê ngắm và chụp Mũi Nghê.

Thực sự với góc nhìn từ mặt biển thì hình ảnh con Nghê chầu vào Sơn Trà rõ nét và sinh động hơn rất nhiều so với những hình ảnh Lữ Phong nhìn thấy được chụp bởi những người ra Mũi Nghê bằng đường bộ. Bởi đi đường bộ thì phải lại rất gần mới thấy được khối đá, và thường được chụp từ trên cao xuống, khó hình dung ra hình ảnh mà Lữ Phong đang được mục sở thị từ trên mặt biển.

mũi nghê sơn trà

Tàu đã chạy đến khá gần Mũi Nghê, sóng tung bọt trắng mép đá.

Tàu càng lại gần, lớp mù biển đã tan, Mũi Nghê hiện ra thật rõ nét trên nền trời xanh, biển xanh. Ở khoảng giữa vách đá Sơn Trà với khối đá hình con nghê là một hồ nước nhỏ – một chiếc hồ bơi vô cực thiên nhiên – tuyệt đẹp, mà những bạn đến Mũi Nghê bằng đường bộ sẽ có được những kiểu ảnh đẹp.

Đi bằng tàu trên biển thì được ngắm Mũi Nghê sinh động và đẹp, nhưng lại không được check-in “hồ bơi vô cực” ở Mũi Nghê, bởi chỗ ấy nhiều đá ngầm, tàu nhỏ và sóng lớn khó tiếp cận.

mũi nghê sơn trà

Mũi Nghê nhìn từ phía Bắc xuống, lại thấy Ngũ Hành Sơn và Đà Nẵng xa xa

Không cặp tàu vào Mũi Nghê được, bác tài công đánh lái cho tàu vượt qua Mũi Nghê lên phía Bắc rồi chạy vòng trở lại để về Bãi Đá. Khi con tàu vòng quay đầu lại, Lữ Phong lại được ngắm Mũi Nghê dưới một góc nhìn khác hẳn, vẫn rất giống, rất sinh động hình ảnh một chú chó đang nằm trên biển nghếch đầu nhìn vào bờ. Hơn nữa, xa tí phía sau là Ngũ Hành Sơn và một góc thành phố Đà Nẵng với những tòa nhà cao tầng cũng được nhìn thấy rõ.

Săn cá, ngắm san hô ở Sơn Trà

Tàu vòng trở về, ghé vào sát Gềnh Bàng để “rái cá” lặn xuống biển săn ít cá làm bữa trưa. Tí mặc đồ lặn, mang chiếc thắt lưng gắn những cục chì nặng trịch, xách cây ná thun lao ùm xuống biển, mắt tăm mất dạng. Đám còn lại mặc áo phao rời tàu bơi vào bờ, kiếm chỗ râm mát trốn nắng và … kiếm củi chờ nướng cá.

mũi nghê sơn trà

Tàu thả neo gần Ghềnh Bàng, người mang áo phao nhào xuống tắm biển và vào bờ

Tí trồi lên hụp xuống ở những hốc đá quanh đó, chẳng ai để ý thấy được. Nhưng khoảng nửa tiếng sau, nghe tiếng anh chàng rộn ràng phía xa, mọi người ngoái nhìn mới thấy “rái cá” tươi rói xách theo một xâu cá đứng trên tảng đá sát mép nước, đang tìm cách di chuyển lại nơi mọi người đang tránh nắng.

mũi nghê sơn trà

Thành quả của “thợ săn cá”

Tí săn được 6-7 con cá dìa to hơn bàn chân. Lửa được nhen lên bởi đám củi khô bên một hốc đá để nướng cá. Bởi nướng mọi trực tiếp trên lửa nên kết quả là lớp da cá bị cháy đen thui, nhưng không hề gì, bên dưới lớp da là thịt cá trắng nõn rất thơm ngon. Mấy người không khách khí, gỡ cá chấm với mấy gói bột canh mì tôm, trong chốc lát chỉ còn mấy bộ xương cá.

mũi nghê sơn trà

Bữa trưa đơn giản ở Ghềnh Bàng

Ăn trưa và nghỉ ngơi xong, cả bọn được bác tài chèo thúng vào chở ra tàu. Con tàu lại nhổ neo, chạy vòng qua mỏm Mũi Súng về khu vực Bãi Đá, Bãi Nam để thả các vị khách xuống ngắm san hô.

Thực ra khu vực dáy biển xung quanh chân núi Sơn Trà trước đây có khá nhiều san hô, nhưng do ảnh hưởng của nhiều yếu tố nên san hô chết nhiều, chỉ mới gần đây mới có sự phục hồi dần lại một cách ít ỏi ở một vài địa điểm.

Lữ Phong cùng đồng bọn chủ yếu mặc áo phao, đeo kính ngắm san hô và úp mặt xuống biển để quan sát san hô dưới đáy biển. Tiếc rằng phần lớn là xác san hô, có rất ít những bụi san hô sống. Tuy nhiên cảnh những đàn cá sặc sỡ len lỏi giữa rạng san hô dưới đáy biển thì thật là đẹp.

mũi nghê sơn trà

Những đàn cá biển sặc sỡ giữa rặng san hô dưới đáy biển

Chỉ với gần 1 ngày, Lữ Phong cùng đồng bọn được thổ địa Đà thành “chiêu đãi” một chuyến khám phá đặc sắc ở Sơn Trà như thế.

Tranh thủ thời gian còn ở lại Đà Nẵng, hôm sau Tí còn dẫn Lũ Phong cùng đồng bọn lên rừng tắm suối và cắm trại. Đà Nẵng còn có nhiều điểm thú vị mà còn ít người biết đến. Nhất định Lũ Phong sẽ kể cho các bạn trong những bài viết khác nhé.