Kỳ lạ món ăn từ đất ở Vĩnh Phúc
Ở thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có ngôi làng rất kỳ lạ bởi có tục ăn đất. Dù hiện nay người làng không còn ăn đất phổ biến như trước, nhưng vẫn nhiều người cao niên xem đất ngói là món ăn khoái khẩu, không thể thiếu trong cuộc sống. Đất ngói là đất có màu trắng xanh như phấn và có vân xung quanh.
Món đá này như miếng trầu “đầu câu chuyện” của người dân Lập Thạch. Nhiều phụ nữ thai nghén cũng có xu hướng thèm ăn món ăn này, nhất là vào thời kỳ thiếu thốn, nghèo đói trong quá khứ. Những người khách xa tò mò về món ăn kỳ lạ này nhưng không phải ai cũng dám thử ngay từ lần đầu.
Món đất ngói ở Vĩnh Phúc này có thể ăn sống ngay sau khi đào lên nhưng để có được mùi vị hấp dẫn thì cần trải qua những giai đoạn sơ chế khá kỳ công. Để đào được đất, người ta phải đào xuống lòng đất từ 3 đến 4 mét. Đất ngói sau đó được sơ chế gạt bỏ cát bẩn, chẻ thành những miếng nhỏ vừa ăn.
Quan trọng nhất trong giai đoạn chế biến là tìm kiếm nguyên liệu để chuẩn bị cho giai đoạn hun khói. Người dân sẽ lên rừng hái lá sim, đặc biệt là lá sim bánh tẻ, thứ nguyên liệu sẽ làm nên mùi thơm của món ăn. Sau đó, họ đốt lá lên và hun đất vào trong khói có mùi thơm nồng.
Để có được miếng đất ngói vừa ý, khi hun phải chú ý không để lửa cháy to mà chỉ để lửa vừa đủ cho khói bay lên. Một tay cầm rổ, tay kia phải điều chỉnh đống lá sim tạo nhiều khói cho tới khi những miếng đất ngả màu, mùi thơm lan tỏa.
Đất ngói để ăn có hai màu là màu trắng sữa như bánh khảo và màu xanh như chè lam. Người trẻ răng khỏe có thể ăn được ngói xanh lam, người già chỉ ăn ngói trắng sữa. Ngói xanh mùi vị ngậy hơn nhưng cứng.
Khoảng 20-30 năm trước, đất được bày bán tràn lan ở chợ như bán rau, bán thịt để phục vụ những người ghiền ăn. Vì thế Lập Thạch từng là đầu mối cung cấp đất cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Nghe chuyện lịch sử ở bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc
Tam Đảo – Thị trấn du lịch đẹp tựa trời Âu ở Vĩnh Phúc
Tháp gốm men chùa Trò – Bảo vật quốc gia độc đáo ở Vĩnh Phúc