Kinh nghiệm trekking Tà Năng Phan Dũng mùa cỏ cháy

49

kinh nghiệm trekking tà năng phan dũng

Những đồi cỏ cháy cuối mùa khô ở Tà Năng

Cảnh sắc của cung đường thay đổi theo các mùa trong năm ở khu vực, và được gọi là mùa cỏ xanh (mùa mưa) và mùa cỏ cháy (mùa khô). Tất nhiên là cung đường này Lữ Phong không những đã đi, mà đi nhiều lần đủ các mùa, đủ cả đường qua thác Yavly hay đường qua đồi Hai cây thông, từ việc đi theo tour ban đầu, cho đến tự một nhóm đi với nhau, hoàn toàn tự mang lều trại, thực phẩm.

Nhân dịp có anh bạn người Thái muốn được trải nghiệm Tà Năng – Phan Dũng mùa cỏ cháy, một nhóm nhỏ 5 người hẹn nhau lên đường. Vì đều là những kẻ quen với những chuyến đi, nên mọi thứ đều tự túc, xe 7 chỗ chở đến cửa rừng ở Tà Năng, rồi vòng xuống chờ ở Phan Dũng sẵn; lều, nước, thực phẩm tự chia nhau mang.

Những đồi cỏ Tà Năng khô cháy

Tà Năng

Bắt đầu tiến vào rừng, trang phục còn sạch đẹp lắm

Những vạt đồi thông nhỏ ở phía cửa rừng tỏa ít nhiều bóng mát xuống con đường buổi sớm, rồi cũng nhanh chóng ở lại phía sau, bắt đầu phải băng qua các trảng đất trống được người dân ở đây trồng cà chua. Cuối mùa khô, con đường bụi mù mịt, những cánh đồng trồng cà chua để trắng đất vì thiếu nước tưới.

Tà Năng

Hết bóng mát, nắng gắt và bụi cuộn lên dưới chân

Tà Năng

Một đoàn khách đi bộ qua những cánh đồng bỏ không giữa mùa khô vì thiếu nước

Từ cửa rừng vào đến khu đồi cỏ có đi ngang qua vài con suối nhỏ. Vào mùa mưa, những con suối này cũng đủ sâu và rộng khiến những người đi rừng phải làm những chiếc cầu bằng thân cây lót ván, hoặc ít ra cũng là một, hai thân cây gác qua để vượt suối. Nhưng vào cuối mùa khô nếu ai lần đầu qua đây vào mùa khô sẽ chỉ có thể đoán đó là những con suối nhờ những cây cầu tạm mà thôi.

Tà Năng

Một “con suối” với đường dẫn phủ dày một lớp bụi màu vàng

Qua khỏi vài km đường bằng, bắt đầu phải vượt qua những ngọn dốc cao và dài, trời nắng gắt, sức vóc mỗi người một khác nên không còn “dung dăng dung dẻ” như lúc đầu, ai khỏe thì cứ lên đỉnh dốc trước chờ đồng bọn mà thôi.

Tà Năng

Gò lưng vượt con dốc dài và … gặp nhau dưới chân con dốc kế tiếp

Cuối cùng rồi cả nhóm cũng chui ra khỏi tán rừng để tiến vào khu vực đồi cỏ – điểm nhấn của cung đường này. Vào mùa cỏ xanh, những quả đồi san sát như bát úp, xanh mướt màu cỏ xen lẫn những lằn đường mòn màu nâu đỏ của người đi rừng cũng như các phượt thủ đi qua.

Cuối mùa khô, các quả đồi đều trơ những gốc cỏ khô cháy màu nâu, còn những lằn đường mòn chằng chịt lại nổi bật lên như những con rắn màu vàng trườn đi khắp nơi.

Tà Năng

Nghỉ ngơi và ăn nhẹ buổi trưa dưới gốc thông lớn ở quả đồi đầu tiên

Nhóm của Lữ Phong đi trúng vào dịp cuối tuần rất ít đoàn khách, ngoài nhóm tự túc của chúng, chỉ có một đoàn khác đi cùng hành trình theo hướng đồi Hai cây thông (hướng đi qua thác Yavly thường mất 3 ngày 2 đêm, nên các nhóm đi hướng này thường sẽ xuất phát vào sáng thứ Sáu – sớm hơn 1 ngày so với hướng đồi Hai cây thông chỉ mất 2 ngày 1 đêm)

Tà Năng

Hai người porter thồ lều trại, thực phẩm chất đầy hai chiếc xe máy đã được “độ”

Tà Năng

Nơi ăn trưa khi nãy ở đỉnh con dốc phía sau.

Sau khi nghỉ ngơi và ăn trưa cho nhẹ bớt balo, cả nhóm tiếp tục lên đường, tiến sang quả đồi cao nhất ở khu đồi cỏ, nơi đặt chiếc chóp inox ghi danh cung đường “Tà Năng – Phan Dũng”

Tà Năng

Ngọn dốc trơ trọi dưới nắng trưa cỏ cháy

Thường các phượt thủ đi cung đường này đều cố gắng chụp một vài tấm ảnh với cái chóp inox trên đỉnh đồi, nhưng nhóm này thì đều đã đi và đều đã có ảnh với chóp. Anh bạn người Thái cũng chỉ quan tâm đến trải nghiệm trên đường, nên chiếc chóp trên đỉnh đồi hết sức ngạc nhiên nhìn 5 người tỉnh bơ, phớt lờ khi đi qua nó.

Tà Năng

Một tấm đơn giản khi đã vượt qua đỉnh đồi cao nhất

Lữ Phong cùng đồng bọn có thể bỏ qua chóp inox, có thể thích những tấm ảnh đơn giản chỉ có đồi trơ cỏ khô và mây trắng trời xanh, nhưng khi đổ xuống sườn dốc bên kia của ngọn đồi, không gian tuyệt đẹp hiện ra trước mắt mở ra khiến cả đám phải dừng bước để … chụp hình.

Tà Năng

Hướng thác Yavly phía quả đồi bên trái, hướng đồi Hai cây thông chếch bên phải

Qua khu đồi cỏ khô Tà Năng là được già nửa hành trình ngày thứ nhất, tiếp tục xuống dốc và … lên dốc theo các triền đồi của rừng Phan Dũng. Một con dốc nổi tiếng của hướng đi về đồi Hai cây thông là dốc Dầu. Theo hướng di chuyển thì đây là một con dốc cắm xuống, vào mùa mưa, đường đất trơn như mỡ nên cần rất nhiều thời gian để vượt qua. Lúc này cuối mùa khô, đường khô ráo, lại có bóng cây che mát nên dốc Dầu trở nên rất đơn giản với 5 người.

Tà Năng

Dốc Dầu vào mùa khô trở nên rất đơn giản

Thoát được sự khó khăn của dốc Dầu nhờ … thời tiết, thì vẫn còn một con dốc lên dựng đứng ở gần cuối hành trình ngày đầu. Đây là con dốc áp chót trước khi tới điểm cắm trại tại đồi Hai cây thông. Con dốc này rất dựng, mùa khô hay mùa mưa đều “hành hạ” và bào sức của các phượt thủ như nhau. Tại con dốc ngày, nhóm Lữ Phong bắt kịp đoàn khách duy nhất đi cùng.

Tà Năng

Thử thách lớn cuối cùng của ngày đầu tiên, trước khi đến điểm cắm trại

Đồi Hai cây thông

Điểm dừng chân nghỉ đêm của hướng đi này là một ngọn đồi nhỏ mang tên “đồi Hai cây thông”, bởi có hai cây thông nhỏ đứng cạnh nhau ngay bên đường mòn gần đỉnh đồi. Tuy nhiên do những người đi rừng và người cắm trại thường xuyên dùng dao tước thân cây lấy ngo nhóm lửa, nên dần dần cả hai cây thông đều đã gãy ngang ở vị trí hay bị tước thân nhất.

Hiện tại nơi đây lực lượng kiểm lâm Phan Dũng đã dựng lán để trực rừng. Nơi vị trí hai cây thông cũ được dựng một chiếc lán tre với tường, mái bạt rất lớn, đủ chỗ ngủ cho vài chục người vào những đêm mưa.

Tà Năng

Vị trí hai cây thông ngày xưa, nay được dựng một chiếc lán rộng lớn.

Những cuối tuần cao điểm, lều của du khách được dựng trải dài vài trăm mét vắt qua đỉnh đồi Hai cây thông, nhưng bữa nay chỉ có nhóm khách nọ và 5 người bọn Lữ Phong, nên nhóm Lữ Phong dựng 2 lều trên bãi đất trống đỉnh đồi, nhóm kia dựng lều ở bãi đất thấp hơn một chút về phía Đông. Tình cờ nhiều thành viên của hai nhóm lại quen nhau, nên trong một đêm gió hú cực mạnh trên đồi Hai cây thông, cả bọn tụm lại với nhau quanh đống than hồng, cùng ăn đồ nướng, uống chút rượu nồng, thật vô cùng vui vẻ.

Tà Năng

Chuẩn bị ăn sáng khi bình minh đang lên

Tà Năng

Toàn cảnh đồi Hai cây thông lúc bình minh

Ăn sáng, thu dọn lều trại, tập kết và xử lý rác xong xuôi, cả hai nhóm tiếp tục hành trình ngày thứ hai khi ánh nắng đã chói chang, dù trời còn đang sớm. Hành trình sẽ chủ yếu là đổ dốc băng qua những cánh rừng thưa để về đích nơi thị trấn Phan Dũng.

Đoàn bạn tuy đông hơn, nhưng do đặt tour nên hành lý cá nhân có phần gọn nhẹ hơn, chẳng mấy chốc đã bứt đi trước. Nhóm Lữ Phong vẫn phải xách theo lều trại nên tụt dần lại. Nhưng đâu có sao, vẫn vừa đi vừa diễn nơi những đồi cỏ cuối cùng.

Tà Năng

Xuất phát về Phan Dũng dưới ánh nắng đã chói chang dù còn sớm

Cả nhóm dừng lại ăn trưa bằng các loại bánh, đồ khô đã chuẩn bị sẵn tại nơi mà mùa mưa là con suối duy nhất trên hành trình ngày thứ hai – sau khi xuôi hết con dốc rất dài từ đồi Hai cây thông. Sau đó bắt đầu tiếp tục đi xuyên qua khu vực đồng cỏ tranh khô cháy và những vạt rừng bằng phẳng của xã Phan Dũng.

Rừng thưa Phan Dũng mùa khô

Phan Dũng

Cỏ tranh khô cháy, lá vàng thảm đầy đường mòn trong rừng

Phan Dũng

Một khu rừng tre khô đét cuối mùa khô

Đi trên những con đường mòn xuyên những cánh rừng thưa với những thân cây vươn cành khẳng khiu trên nền trời xanh cũng có sự thú vị riêng. Sức sống của rừng thật mãnh liệt, tuy đất khô nứt nẻ, thân cành trơ trụi như vậy, chỉ cần vài cơn mưa đầu mùa là rừng lại mơn mởn màu xanh đầy sức sống. Phải được ngắm rừng cả lúc xanh tươi lẫn khi khô nẻ, mới thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên.

Phan Dũng

Lằn đường mòn băng qua những cánh rừng thưa khô trụi

Phan Dũng

Dốc Đá – con dốc cuối cùng của hành trình

Hơn 14g, nhóm người về tới đỉnh dốc Đá – con dốc cuối cùng của hành trình – đã thấy thấp thoáng hồ thủy lợi Phan Dũng bên dưới. Rừng thưa giữa chiều nắng chỉ nghe lảnh lót tiếng chim hót vang lừng dưới trời xanh, nắng vàng.

Phan Dũng

Hai thiếu niên địa phương đi rừng về trên chiếc xe “đặc chủng”

Xuôi hết dốc Đá là còn cách thị trấn vài km, lúc này lực lượng xe ôm địa phương đã chờ sẵn rất đông để “thồ” những vị khách về Phan Dũng, bởi thực sự đoạn cuối cùng này gần như đi trên đường làng.

Những lần đi vào mùa mưa, trời mát, Lữ Phong đều tự cuốc bộ về tận Phan Dũng, nhưng lần này rừng khô nóng, nước uống vừa cạn, nên cả đám lên xe ôm về thị trấn sớm để tắm gội, nghỉ ngơi chút rồi lên xe trở về nhà, kết thúc hành trình đi bộ băng rừng Tà Năng – Phan Dũng mùa cỏ cháy.