Nếu người ta chọn Ky Quan San vì độ khó cao, chọn Tà Xùa vì rừng rêu ma mị, chọn Nhìu Cồ San vì con thác hùng vĩ, thì người ta chọn Putaleng vì đơn giản nó có… tất cả. Một đỉnh núi hoàn hảo, chiều lòng mọi nhà leo núi khó tính nhất. Cùng khám phá kinh nghiệm trekking Putaleng ngay nhé!
Đu dây – thử thách chỉ có ở Putaleng
Trở về từ chuyến Ky Quan San đầu đời, mình đã có thêm cho bản thân một niềm đam mê mới. Tuy nhiên, lần đầu đã leo núi khó rồi, lần này nhất định phải khó hơn. Thế là sau chưa đầy 1 tháng, mình tự tìm một nhóm leo tự túc qua facebook, chứ không qua tour nữa. Đây là một cách để tự tăng độ khó cho bản thân.
Tuy nhiên, khó khăn đến ngay từ trước chuyến đi. Còn khoảng 2 tuần, dịch Covid lan rộng với tốc độ chóng mặt, và mình cũng không thoát khỏi làn sóng đó. Cũng may, còn khoảng 3 ngày thì mình âm tính. Mặc cho những khuyên ngăn của bản bè về di chứng hậu covid, chút ương bướng đưa mình ra bến xe Mỹ Đình để hội ngộ cùng những con người xa lạ nhưng cùng đam mê. Những tiếng ho “khụ khụ” trên xe cũng khiến không ít người kinh hãi.
Ngày 1: Hành trình gian nan thử thách mọi phượt thủ
Để đến được Putaleng, ta có thể bắt xe đi thành phố Lai Châu từ bến xe Mỹ Đình. Các bạn nhớ bảo anh tài xế dừng xe ở Tam Đường hoặc bất kỳ chỗ nào porter hẹn ra đón nhé. Xe giờ có rất nhiều khung giờ trong ngày, nhưng để tiết kiệm sức lực, chúng mình chọn chuyến 22h để có thể đáng một giấc ngon lành.
4h sáng, chiếc xe dừng lại ở Tam Đường (Lai Châu). Không có khách sạn hay bữa buffet nào, tất cả những gì mà chúng mình được chào đón là từ ánh đèn léo lắt trên con xe máy của anh porter. Trong chuyến đi này, bọn mình được đồng hành với anh porter A Páo. (Trên này nhiều anh Páo lắm, tuy nhiên trong quá trình trek mình có nói chuyện với cả Páo Lù lẫn Páo Phàn, anh nào cũng ok hết nha). Ngoài ra các bạn có thể đặt lịch với A Dơ hay vợ chồng “Đánh-Gôn”, cũng nhẹ nhàng tình cảm lắm ấy. Mùa hoa đỗ quyên là mua cao điểm, nếu không đặt trước thì chắc chắn là “cháy lán”, chỉ có nước dựng lều mà ngủ qua đêm thôi. Kinh nghiệm đi Putaleng mọi người truyền tai nhau là book porter trước tầm 1 tháng, vừa có lán vừa có mức giá phải chăng. Tranh thủ ăn nhẹ một chút chờ trời sáng, những bước chân trợ lực bởi chiếc gậy đơn xơ được bót từ cành cây khô.
Putelang có tới 4 lối chinh phục: Hồ Thầu, Tả Lèng, Sì Thầu Chải, Giang Ma. Chúng mình chọn leo Hồ Thầu và xuống Sì Thầu Chải, vì nghe tin hướng đó có nhiều hoa đỗ quyên nhất. Hãy đi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 để được tận mắt chứng kiến một Putaleng lộng lẫy nhất nhé!
“Anh vào đời bằng lối nhỏ”
Quãng đầu di chuyển khá đơn giản, khi ta chỉ phải men theo lối dẫn nước được xây dựng bằng bê tông. Nhìn ra xung quanh, ta có thể thấy bà con đang canh tác trên những thửa ruộng bậc thang. Khi những khóm ngô, khoai xa dần, con đường chinh phục Putaleng chính thức bắt đầu với con suối Hồ Thầu trong vắt. Như những chú cá hồi, đoàn người vượt thác leo lên thượng nguồn. Suối ở đây rất đẹp, tuy nhiên hãy lưu ý vì có thể có nhiều vắt đấy nhé!
Đặc trưng của đường Hồ Thầu là suối và… dốc
Không giống như Ky Quan San, địa hình Putaleng khó ngay từ ngày đầu, như không cho người ta có thời gian rô-đa nóng máy. Những con dốc gắt đến liên tục ngay sau khi kết thúc ngọn thác. Không chỉ là dốc, mà còn là những tảng đá được xếp chồng lên nhau, để chinh phục cần rất nhiều năng lượng để bước một bước dài. Việc chọn chất liệu vải cho chiếc quần cũng hết sức quan trọng, vì nó quyết định cơ đùi bạn sẽ mỏi nhanh hay chậm.
Putaleng không có quá nhiều nơi bằng phẳng để cắm trại nghỉ ngơi, nên những bữa trưa vắt vẻo trên vách đá là một điều không hiếm gặp. Nhiều suối lợi thật đấy, nhưng hại cái là gần như không thể đốt lửa để sửa ấm hay nấu thức ăn. Do đó cách duy nhất là mang thức ăn sẵn từ chân núi lên. Những lát bánh mì nguội, trứng luộc ung, pate hẩm… du không có giá trị nhiều về dinh dưỡng, nhưng nó là đủ để duy trì lý trí và sức bền cho mỗi người.
Lội ngược thác lên lán, mệt nhưng đẹp mê hồn
Đến đây, anh porter thông báo “còn khoảng 3 tiếng nữa lên đến lán”. Tuy nhiên, 3 tiếng đó là 3 tiếng leo liên tục không nghỉ ngơi. Phần khó nhất của Putaleng có lẽ nằm ở đây. Không có dốc Hai Giờ của Bạch Mộc, cũng không có dốc Ba Giờ của Pờ Ma Lung, nhưng kiểu địa hình lên lên xuống xuống của Putaleng mới là kẻ bào sức lớn nhất cho các trekkers. Qua những đoạn leo không ngẩng được mặt lên là một đoạn hở sáng đổ dốc sâu, để mà tiếp tục bò lên bằng cả 4 chi. Mình là trai tráng còn đuối thế này, không biết phía sau chị em với cô chú leo thế nào đây? Nhiều lần định dừng lại để chờ mọi người lên cùng, nhưng mỗi 10 giây nghỉ ngơi là chân lại bắt đầu đau nhức. Người ta nói ”Cách duy nhất để không ngã khi đạp xe là tiếp tục đạp.”, vì thế không còn cách nào khác, mình tiếp tục bước đi.
May mà vừa khỏi covid xong vẫn đủ khỏe dẫn đoàn
Đến khoảng 2h chiều, mình lên được đến lán Hồ Thầu. Lán ở đây khá lớn, chứa được khoảng 60 người, cùng đầy đủ bếp núc hay phòng tắm. Ai thích cảm giác mạnh thì ra xa xa có suối, tuy nhiên mình không khuyến khích lắm vì dễ bị hạ thân nhiệt đó nha. Các anh porter kể tháng trước từng đón đoàn đại biểu “khủng” của tỉnh Lai Châu, trên dưới 70 đồng chí. Anh em porter đem phải trải bạt ra “khách sạn ngàn sao ngủ”, may mà không mưa. Các anh không chỉ thân thiện mà nấu ăn ngon nha, mình đánh giá làn này là nơi có ẩm thực tốt nhất trong các lán mình đã đi.
Ông anh porter (phải) làm mồi nhắm ngon quá mức nên ông anh bên trái …uống hơi nhiều.
Ngày 2: Đỉnh Putaleng và những bông hoa đỗ quyên
Cây cổ thụ trên đường lên đỉnh
Sáng hôm sau, 6h cả đoàn lúc túc leo lên đỉnh. Tuy nhiên là đoàn ghép nên nhanh chóng tách tốp như thường lệ. Tuy nhiên, lần này mình đã có đối thủ, đối là anh Khiêm, một trekker bán chuyên đã có kinh nghiệm leo núi từ Nepal đến Indonesia. Dường như đọc được suy nghĩ mình, anh cứ đi trước vì sợ bị thằng em bắt kịp. một cuộc đua song mã một mạch từ lán đến đỉnh. Quãng đường hôm nay khá đơn giản với những tán cây rậm rạp của rừng nguyên sinh, chỉ mất 1h30 cho quãng đường 3h, hai anh em răng đánh cầm cập khi đợi cả đoàn leo lên đến đỉnh. Dù khi leo khá nóng, bạn vẫn nên mang theo một chiếc áo khoác vì trên đỉnh gió rất to bất chấp những lúc trời nắng gắt.
Đỉnh núi cao thứ 3 Việt Nam, trên này lạnh và gió to lắm đó.
Xuống đến lán lúc 11h giờ, hai anh em quyết định ăn trước để dành cả buổi chiều chụp hình bên lối Sì Thầu Chải. Cũng may, do là xuống núi nên dù dài và hiểm trở nhưng cũng không quá khó nhằn, chứ leo lên lối này còn ghê gớm hơn cả bên Hồ Thầu. Nhiều đoạn cầu thang không đủ dài, các anh porter bản địa phải lắp sẵn dây thừng để mọi người đu xuống từ độ cao 5m. Cảm giác mạnh là thế, nhưng xuống đến nơi là cả một bầu trời hoa đỗ quyên hiện ra, sáng rực một màu hồng trên những cánh rừng. Nhiều bà chị mê hoa quá, leo hẳn lên ngọn cây để chụp hình đến mức rơi mất cặp kính Dior gần 20 triệu. Nhưng các anh porter cũng vô cùng nhiệt tình, sẵn sàng mạo hiểm cả tính mạng để nhặt đồ cho khách. Nhìn ông anh chầm chậm leo lên mà tây chân đổ hết cả mồ hôi.
Đến Putaleng cuối tháng 3 – đầu tháng 4 để có cơ hội ngắm hoa đỗ quyên bạn nhé.
Đang là cao điểm mùa hoa nên lán Sì Thầu Chải rất đông, chen chúc nhau nằm ngủ. Nhưng cũng vì thế mà mình may mắn được giao lưu với nhiều anh em bên đoàn khác. Biết là rượu bia cũng không tốt, nhưng nếu nó mở ra cả một cơ hội nghề nghiệp, thì giao lưu tí cũng đáng đấy nhỉ.
Hoàng hôn bên lán này đẹp cực ấy.
Ngày 3: Bản Sì Thầu Chải – điểm đến mới nổi của Lai Châu
Vì quãng đường xuống bản cũng khá xa, bọn mình di chuyển từ 6h sáng. Nhiệt độ tăng dần lên, nắng cũng vàng hơn khi ta xuống thấp dần. Băng qua vô số những con suối, bản Sì Thầu Chải dần dần hiện ra trong tầm mắt. Nằm lẩn khuất trong thung lũng Tam Đường, cộng đồng người Dao như đổi đời với sự quan tâm đầu tư của chính quyền tỉnh. Hàng loạt homestay được mở ra để phục vụ khách leo núi, đi cùng với dịch vụ tắm suối nước nóng để giãn gân cốt sau một hành trình dài. Ở độ cao 1500m, du khách có thể dễ dàng chiêm ngưỡng được thị trấn Tam Đường cách đó 6km qua một bãi dù lượn với view “triệu đô”.
Sì Thầu Chải – nơi được chọn để thí điểm du lịch cộng đồng của Lai Châu.
Đi qua từng lối nhỏ, du khách được hòa mình vào đời sống yên bình của bà con đồng bào. Không có club hay bar, cũng không có karaoke hay massage, tất cả những gì Sì Thầu Chải ghi điểm là một loại hình du lịch cộng đồng yên tĩnh, khi ta được “ngắt kết nối” khỏi thế giới thành thị xô bồ ngoài kia.
Hoàng hôn dưới bản cũng tuyệt không kém gì trên lưng chừng núi
Buổi tối cuối cùng trên núi, mình được chỉ leader team cùng lán đêm qua mời sang nhậu để… mai mối.
Dưới ánh lửa le lói bập bùng, hình ảnh cô bé tóc vàng e thẹn khép nép khi được giới thiệu lâu lâu vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong tâm trí mình. Thôi mỗi đứa một nơi, hẹn em nếu còn có duyên mình sẽ lại leo núi cùng nhau qua những cánh cung của cảm xúc…
Thành phố Lai Châu, khi thời gian phân chia 2 mảng sáng tối
Chia tay ngọn núi cao thứ 3 Việt Nam, chia tay đồng bào người Dao hiếu khách, trên chuyến xe khách trở về Hà Nội, hình ảnh đất và người Lai Châu sẽ luôn được mình cất giữ trân trọng ở một góc riêng. Từ một nơi mà mình không có ý định đến thăm quan, Lai Châu và Putaleng, chắc chắn tôi sẽ quay trở lại!