Kinh nghiệm du lịch Đôn Hoàng – nơi tự nhiên và lịch sử hòa quyện

10

Thời con đường tơ lụa cổ đại, Đôn Hoàng là thị trấn trọng yếu bậc nhất đối với Trung Nguyên trước khi tiến vào Tây Vực.

Đối với các thương nhân đi từ Trường An, Đôn Hoàng vừa là điểm dừng chân để buôn bán, thu gom hàng hóa, sản vật của Trung Hoa từ các tiểu quốc ở Tây Vực, vừa là nơi để họ chuẩn bị đầy đủ lạc đà, tiền bạc, những vật dụng cần thiết cho chuyến vượt qua sa mạc Taklamakan, núi cao, vực sâu để tới Kashgar, Trung Á, Ấn Độ, Địa Trung Hải…Các lái buôn từ Tây Vực sau cuộc rong ruổi đường dài gian khổ trên sa mạc đến Đôn Hoàng cũng phải nghỉ ngơi lấy lại sức, rồi tiếp tục thăm thú phong cảnh, mua sắm các sản vật của Trung Hoa. Đối với các thương nhân ngoại quốc, Đôn Hoàng là thị trấn thương mại bắt buộc phải đi qua để tiến về Trường An. Ba tuyến của con đường tơ lụa qua địa phận Tân Cương đều xuất phát từ Đôn Hoàng. Bất luận thương nhân, lữ khách đi về phía nào đều phải qua Đôn Hoàng.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Mọi con đường đều dẫn tới Đôn Hoàng

Thông qua con đường tơ lụa, các nhà truyền giáo, thương nhân, thợ thủ công, tín đồ Phật giáo hành hương từ khắp Ba Tư, Trung Á, Tây Á, Ấn Độ, châu Âu đã tiến vào Đôn Hoàng. Vì vậy, Đôn Hoàng đã trở thành điểm giao thoa tôn giáo, thành kho lưu trữ, trao đổi văn hóa – nghệ thuật, văn học của Trung Quốc, Trung Á và phương Tây. Hệ thống chùa hang đá ở Đôn Hoàng lớn nhất và vĩ đại nhất trong số các quần thể hang động Phật giáo trên con đường tơ lụa với lịch sử kéo dài cả nghìn năm. Đôn Hoàng là một tập hợp những kỳ quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là nơi Đường Huyền Trang rời khỏi đất Hán, tiến vào Tây Vực; có Ngọc Môn quan, Dương quan… Các di sản này đã chứng minh: Đôn Hoàng có thể được xem như là mô hình thu nhỏ hoàn hảo của văn hóa Trung Hoa cổ đại.

Hang Mạc Cao – Kho báu của nhân loại

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Mạc Cao là quần thể chùa Phật giáo được tạc thẳng vào núi đá

Nằm cách Đôn Hoàng 25km, hang Mạc Cao là quần thể chùa Phật giáo được tạc thẳng vào núi đá. Được xây dựng vào thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều và phát triển rực rỡ nhất trong giai đoạn thế kỷ 4–14. Vào thời nhà Đường, khi nền văn hóa phong kiến Trung Hoa đạt đến đỉnh cao, con đường tơ lụa cũng phát triển cực kỳ mạnh mẽ, Mạc Cao cũng phát triển cực thịnh với 492 hang động, 45.000 mét vuông bích họa và hơn 2.000 pho tượng. Mỗi triều đại đều xây dựng thêm hang động mới, hang sau lộng lẫy và công phu hơn hang trước.Đã có rất nhiều người bảo trợ giàu có quyên góp tiền cho Mạc Cao, người bảo trợ nổi tiếng nhất có lẽ là Hoàng hậu Võ Tắc Thiên, bà đã cho xây dựng tượng Phật ngồi lớn nhất ở Mạc Cao vào năm 695 – bức tượng cao 30m tạc thẳng vào núi đá. Năm 1987, hang Mạc Cao đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Mạc Cao là kho lưu trữ hoàn hảo các bức tranh tường và tượng điêu khắc trong suốt hơn 1000 năm (nguồn: Weibo Mạc Cao)

Mạc Cao là kho lưu trữ hoàn hảo các bức tranh tường và tượng điêu khắc thể hiện các chủ đề tôn giáo và lịch sử, cũng như các kỹ thuật, nghệ thuật trong suốt hơn 1.000 năm của nghệ thuật Trung Quốc. Bước chân vào Mạc Cao, bạn sẽ thấy hàng ngàn vị Phật tỏa sáng trên bức tường hang động, áo choàng của họ lấp lánh ánh mạ vàng. Phi thiên – các nhạc công thiên đình bay lơ lửng trên trần nhà trong bộ áo choàng màu xanh lam mỏng manh của ngọc lưu ly. Các thương nhân Trung Á đội mũ doppa, các nhà sư Ấn Độ mặc áo choàng trắng, những người nông dân đang làm việc trên đồng ruộng, hoàng tử, công chúa mặc triều phục màu sắc thướt tha.

Điều tài tình của người cổ đại khi xây dựng Mạc Cao chính là việc tính toán chuẩn xác. Đôn Hoàng có địa hình chủ yếu là sa mạc, vậy phải xây dựng Mạc Cao như thế nào mới có thể tránh được việc cát xâm lấn, nhấn chìm tất cả? Người xưa đã lựa chọn xây dựng Mạc Cao trên sườn núi đá Minh Sa, địa thế hang động theo hướng “phía Tây nhìn về phía Đông”. Ở giữa là một con sông, và đối diện với Mạc Cao là dãy núi Tam Nguy. Không hang động nào ở Mạc Cao vượt quá 40m và được tạc san sát nhau như tổ ong. Mùa hè, khi gió thổi mạnh, núi Tam Nguy trở thành tấm lá chắn khiến gió cát không thể lọt vào hang. Mùa đông, gió mang theo cát từ phía Tây tới lại trượt qua đỉnh hang, không rơi được một hạt vào bên trong. Nhờ trí tuệ tài tình của người xưa mà đến tận bây giờ, chúng ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một Mạc Cao hoàn hảo tới như vậy.

Nguyệt Nha Tuyền – Ốc đảo giữa sa mạc

Giữa những đồi cát trùng điệp, tưởng rằng sẽ không có sự sống, không có có cây, hồ nước. Nhưng như một điều kỳ diệu, giữa sa mạc khô cằn ở Đôn Hoàng lại xuất hiện một ốc đảo xanh tươi và hồ nước ngọt hình trăng lưỡi liềm chưa bao giờ cạn gần 2.000 năm nay.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Ốc đảo Nguyệt nha tuyền giữa sa mạc

Nguyệt Nha Tuyền là điểm dừng chân chính của các thương nhân buôn bán trên con đường tơ lụa khi băng qua sa mạc. Để phục vụ nhu cầu của khách lữ hành, một ngôi chùa đã được xây dựng bên hồ từ thời nhà Hán, khiến cảnh quan ốc đảo trở nên huyền ảo và linh thiêng. Kiến trúc của ngôi chùa giống hệt như trong những phim cổ trang với cổng vòm cong cong, hai tầng mái ngói, bên dưới là một khoảng sân rộng với gian trong, gian ngoài. Bây giờ, ngoài việc thờ phụng, trưng bày hiện vật thì chùa còn bán đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Hán khiến cảnh quan ốc đảo trở nên huyền ảo và linh thiêng

Bao bọc xung quanh Nguyệt Nha Tuyền chính là đồi cát Minh Sa. Minh Sa nghĩa là “cát hát”. Khi gió thổi mạnh, bạn có thể nghe thấy những âm thanh lớn như tiếng gầm; khi gió lay nhẹ, bên tai bạn lại vang lên những tiếng thổi, tiếng cát reo như tiếng sáo nhẹ nhàng.Có lẽ vì đồi cát Minh Sa rất giống với khung cảnh thời cổ đại nên có dịch vụ cưỡi lạc đà vượt sa mạc, thả hồn theo từng nhịp bước chân, hóa thân thành một người lái buôn trên con đường tơ lụa. Ngoài ra bạn hãy thử cảm giác mạnh bằng trò chơi như đua xe trong sa mạc hay trượt từ đỉnh đồi cát xuống.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Cưỡi lạc đà là trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới Đôn Hoàng

Ngọc môn quan và Hán trường thành

Thời cổ đại, các nước nhỏ ở phía Tây của Trung Quốc như Vu Điền, Cao Xương, Đột Quyết…được gọi là Tây Vực. Để phòng thủ cũng như kiểm soát chặt chẽ về an ninh, kinh tế, chính quyền đã xây dựng rất nhiều cửa ải từ kinh thành tới miền biên giới. Ngọc Môn Quan chính là thành lũy cuối cùng ngăn cách giữa Trung Nguyên và Tây Vực. Chỉ cần bước qua Ngọc Môn Quan là tiến vào một vùng đất hoang vu, khắc nghiệt và đầy rẫy hiểm nguy. Thời đại con đường tơ lụa còn hưng thịnh, Ngọc Môn Quan đã từng rất đông đúc và náo nhiệt khi hàng ngàn người Tây Vực và Trung Nguyên tới đây để trao đổi buôn bán hàng hóa. Dưới sự tàn phá của nắng gió, cát sa mạc và thời gian, Ngọc Môn Quan ngày nay chỉ còn lại một góc tường thành đứng cô đơn giữa biển cát. Gần Ngọc Môn Quan là một đoạn trường thành thời nhà Hán còn sót lại. Những phế tích này lặng lẽ đứng đó cùng sương gió, cùng trải qua bao nhiêu triều đại biến đổi cũng là minh chứng cho lịch sử huy hoàng hàng ngàn năm.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Ngọc môn quan là thành lũy cuối cùng ngăn cách giữa Trung Nguyên và Tây Vực

Thành phố ma Yardang

Công viên địa chất quốc gia Yardang nằm cách Đôn Hoàng 200km trên biên giới giữa tỉnh Cam Túc và khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở cực tây bắc của Trung Quốc. Từ “yardang” có nguồn gốc từ người Duy Ngô Nhĩ, có nghĩa là “một ngọn đồi nhỏ với những bức tường dốc”. Địa hình yardang được hình thành do sự xói mòn của gió ở các vùng khô hạn, yardang Đôn Hoàng chính là những ngọn núi đá sa thạch màu đỏ nhạt, trải qua bao nhiêu nghìn năm bị uốn cong hay tạo thành những hình thù kỳ lạ bởi những cơn gió.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Địa hình yardang được hình thành do sự xói mòn của gió ở các vùng khô hạn

Đại sư Huyền Trang đã viết trong cuốn sách “Đại Đường Tây Vực ký” rằng ở vùng sa mạc này, du khách thường nghe thấy tiếng hát, tiếng la hét và khóc lóc. Họ sẽ đi lang thang, lạc đường và chết khát. Thế kỷ 13, Marco Polo cũng mô tả hiện tượng tương tự. Thực ra chỉ là tiếng gió khi thổi qua những ngọn núi có âm thanh nỉ non, nơi này lại không hề có con người sinh sống nên mới được mệnh danh là thành phố ma.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Yardang Đôn Hoàng là những ngọn núi đá sa thạch màu đỏ nhạt hình thù kỳ lạ

Thông tin du lịch

Thời gian đẹp nhất

Đôn Hoàng có khí hậu khô hạn, ít mưa, không khí khô, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm rất lớn. Tháng 7 là tháng nóng nhất khi nhiệt độ có thể lên tới 38 độ, tháng 1 là thời kỳ lạnh nhất khi nhiệt độ xuống -1 đến -15 độ. Mùa đông có tuyết và mùa xuân có thể có bão cát.

Từ tháng 5 đến tháng 11 là khoảng thời gian đẹp nhất để đến Đôn Hoàng vì nhiệt độ lúc đó không quá nóng, cũng không quá lạnh, trời trong xanh, cảnh sắc thiên nhiên vào độ đẹp nhất. Đặc biệt vào mùa thu, khi lá cây chuyển thành màu vàng, cả Đôn Hoàng như một bức tranh lãng mạn và rực rỡ.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Từ tháng 5 đến tháng 11 là khoảng thời gian đẹp nhất để đến Đôn Hoàng

Phương tiện di chuyển

Bạn có thể bay tới Đôn Hoàng từ Lan Châu, Tây An, Tây Ninh, Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô, Urumqi… Tuy nhiên, vào mùa đông, một số chuyến bay có thể bị cắt giảm. Vì vậy, nếu tới Đôn Hoàng vào mùa đông bằng đường bay, bạn hãy kiểm tra thông tin thật kỹ.

Ở Đôn Hoàng có hai ga tàu chính, gồm ga Đôn Hoàng nằm ngay gần trung tâm thành phố dành cho tàu thường và ga Liễu Nguyên dành cho tàu cao tốc, cách Đôn Hoàng 130km. Lưu ý, trên vé tàu sẽ ghi hạn mức hành lý là 20kg, tới ga Liễu Nguyên, nhân viên soát vé sẽ đem hành lý lên cân. Nếu bạn mang hành lý nhiều hơn mức quy định thì sẽ phải đóng tiền, mỗi 1kg dư ra có giá 1 tệ.

Bến xe Đôn Hoàng có các chuyến xe bus khởi hành trực tiếp từ Đôn Hoàng đến một số thành phố ở các tỉnh lân cận như Cam Túc, Tân Cương, Thanh Hải… Di chuyển giữa các điểm vui chơi trong Đôn Hoàng bằng phương tiện công cộng chỉ thật sự dễ dàng nếu bạn biết tiếng Trung và đi ít người. Nếu bạn đi một mình, hãy chuẩn bị sẵn tên tiếng Trung Quốc và hình ảnh của địa điểm mà bạn muốn tới, hoặc hỏi người dân xe bus nào sẽ chạy tới điểm đó.

Tham quan xung quanh Đôn Hoàng bạn có thể thuê taxi, bạn hãy thỏa thuận giá cả trong một ngày đi những điểm nào với tài xế. Nếu bạn đi nhóm đông hãy thuê xe ô tô riêng có tài xế từ các công ty du lịch, họ có dịch vụ đưa đón tại bến tàu, các điểm tham quan và hướng dẫn trọn gói. Bạn có thể nhờ lễ tân khách sạn, nhà nghỉ nơi bạn ở liên hệ thuê xe. Do ngôn ngữ là rào cản lớn nhất khi đi thăm thú Trung Quốc nên bạn hãy thuê một người hướng dẫn biết tiếng Anh để tiện liên lạc và có thể hiểu thêm về lịch sử, kiến trúc ở những địa điểm du lịch.

Lưu trú

Đôn Hoàng là một trong những điểm đến được yêu thích nhất dọc theo con đường tơ lụa. Nơi đây có rất nhiều các khách sạn, nhà nghỉ với các mức giá và tiện nghi tương ứng để bạn lựa chọn. Đa số khách du lịch lựa chọn đặt khách sạn ở trong khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt là gần chợ đêm Shazhou Night Market, xung quanh khu vực Nguyệt nha tuyền hoặc gần sân bay hay ga xe lửa Đôn Hoàng.

Ẩm thực

Là một thành phố sầm suất bậc nhất dọc theo con đường tơ lụa, nơi giao lưu văn hóa nên ẩm thực Đôn Hoàng rất phong phú, nhiều món ăn đặc trưng của vùng Tây Bắc Trung Quốc.

đặc sản không thể bỏ qua ở Đôn Hoàng, món ăn này có ở hầu hết các quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng. Sợi mì màu vàng, mỏng nhưng dai, ăn kèm với thịt lừa, đậu hầm và nước sốt thơm ngon.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Mì vàng với thịt lừa là đặc sản không thể bỏ qua ở Đôn Hoàng

món ăn được làm từ bột hấp trong khoảng 5 phút, sau đó được cắt thành sợi to, trộn với mù tạt, tỏi băm, dầu mè, dầu ớt, giấm và nước tương có vị chua chua cay cay. Đây là món ăn nhẹ đặc trưng của người Hồi, ăn vào mùa hè nóng bức rất hợp.

được làm từ những quả mơ ở Đôn Hoàng, có vị chua chua, ngọt ngọt, mùi thơm của quả mơ. Đây là thức uống phổ biến ở Đôn Hoàng và hầu như gia đình nào cũng có thể làm thức uống này. Bạn cũng có thể mua trà đóng chai ở cửa hàng tạp hóa, siêu thị, chợ đêm…

là món súp truyền thống và là bữa sáng phổ biến của người dân Đôn Hoàng. Súp được nấu với thịt cừu thái mỏng, gia vị cùng tỏi tây, hành tây, ớt bột. Súp ăn kèm với bánh mì dẹt, bạn có thể xé bánh mì thành từng miếng nhỏ và ngâm chúng trong súp cho mềm.

Đôn Hoàng gần Tân Cương, có nhiều ánh nắng mặt trời và nhiệt độ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm, do có lợi thế về nhiệt độ nên từ xa xưa, nơi đây đã có nhiều loại trái cây như nho, mơ, chà là, dưa, lê… Có rất nhiều loại trái cây sấy khô được bày bán trên thị trường với chất lượng tốt và giá rẻ. Bạn có thể mua về làm quà cho gia đình và bạn bè.

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Trái cây sấy bán rất nhiều ở Đôn Hoàng

Một số thông tin khác

Con đường tơ lụa - Đôn Hoàng

Tái kiến Đôn Hoàng là show diễn rất thú vị ở Đôn Hoàng

Khi đi chơi ở sa mạc bạn lưu ý hãy mặc quần áo dài tay và thấm hút mồ hôi, kem chống nắng và mũ rộng vành. Tránh vui chơi ở sa mạc vào buổi trưa, thay vào đó hãy chọn những buổi sáng sớm hoặc buổi tối mát mẻ hơn. Cảnh bình minh và hoàng hôn trên các cồn cát thật tuyệt vời.