Bethlehem là một thành phố rất đặc biệt, có tuổi đời hơn 3000 năm. Đây chính là nơi chúa Jesus được sinh ra nên không chỉ có khách du lịch mà có lẽ bất cứ tín đồ Thiên chúa giáo nào cũng đều muốn tới Bethlehem ít nhất một lần trong đời.
Bethlehem là một thành phố rất đặc biệt, có tuổi đời hơn 3000 năm
Bethlehem ở quốc gia nào? Nó ở Israel hay Palestine?
Hiện nay, Bethlehem ở lãnh thổ Bờ Tây sông Jordan, thuộc chính quyền tự trị Palestine từ năm 1995, song Israel giữ quyền kiểm soát người ra vào Bethelehem. Công dân Israel không thể vào Bờ Tây, và việc nhập cảnh vào Israel đối với công dân Palestine rất hạn chế. Khách nước ngoài vẫn được tới Bethlehem và nó chỉ cách Jerusalem 40 phút đi xe bus nên bạn hoàn toàn có thể tới thăm Bethlehem và quay về trong ngày.
Palestine sử dụng loại tiền nào?
Các loại tiền tệ phổ biến nhất được chấp nhận ở Bethlehem là Shekel của Israel, USD và Euro. Các nhà hàng, quán cafe, cửa hàng lưu niệm đều chấp nhận thẻ tín dụng. Giá thường được niêm yết bằng USD, nhưng bạn có thể dễ dàng thanh toán bằng đồng Shekel.
Đến thăm Bethlehem có an toàn không?
Rất an toàn. Cảnh sát thường xuyên có mặt trên các đường phố, gần nhà thờ và các điểm tham quan khác. Cuộc sống ở đây như mọi nơi khác, đường phố tấp nập khách du lịch đến thăm Bethlehem, người dân thân thiện và rất mến khách.
Bethlehem cách Jerusalem bao xa?
Bethlehem chỉ cách Jerusalem khoảng 10km, nhưng việc đi lại giữa hai thành phố có thể mất hơn một giờ đồng hồ do giao thông và các chốt kiểm tra ở hai bên biên giới. Thời gian di chuyển cũng có thể thay đổi tùy thuộc vào việc bạn di chuyển bằng xe bus công cộng, taxi hay đi theo tour.
Phương tiện di chuyển
Bethlehem do chính quyền Palestine quản lý nhưng quân đội Israel sẽ kiểm tra an ninh trên các con đường tới nơi này. Lưu ý, bất kì lúc nào quân đội cũng có thể kiểm tra hành lý, tư trang và hỏi bạn một số thông tin nếu cần thiết.
Di chuyển trong Bethlehem
Bethlehem là một thành phố nhỏ nên đi taxi khá rẻ, một xe taxi 4 chỗ chở được 4 người đi các điểm thánh tích quan trọng giá khoảng 200NIS (tương đương 1.400.000VND). Nếu bạn muốn đi những điểm xa hơn vùng ngoại ô Bethlehem như tu viện Mar Saba, Jericho….thì hãy thương lượng với tài xế taxi. Họ sẵn sàng đưa bạn đến một địa điểm, đợi ở đó trong khi bạn tham quan và sau đó đưa bạn trở lại Bethlehem với một mức giá thỏa thuận.
Luôn mang theo hộ chiếu bên mình
Khi tới Bethlehem bạn cần lưu ý phải luôn mang theo hộ chiếu bên mình. Khi vào địa phận Palestine bạn không cần phải trình diện hộ chiếu nhưng khi từ Palestine về lại Jerusalem, bất cứ lúc nào cảnh sát cũng có thể lên xe kiểm tra hộ chiếu của bạn để đảm bảo an toàn.
Những điểm tham quan chính ở Bethlehem
Bức tường ngăn cách
Bức tường ngăn cách giữa Israel và Palestine
Những hình vẽ graffiti đầy cảm hứng
Những hình vẽ graffiti đầy cảm hứng 2
Ngoài những thánh tích liên quan đến Thiên chúa giáo, Bethlehem còn có một bức tường đánh dấu biên giới giữa Israel và Palestine. Bức tường gây ấn tượng khá mạnh đối với mỗi người bởi nó như một lời nhắc nhở rằng thế giới của chúng ta vẫn còn tồn tại những bức tường như vậy. Bức tường màu xám, rất cao, có dây thép gai và tháp canh nhưng nó được trang trí bởi những bức vẽ graffiti đầy hy vọng, đầy cảm hứng. Có khá nhiều bức vẽ của nghệ sĩ đường phố nổi tiếng Banksy. Cạnh đó là một vài cửa hàng các hộp sơn để khách du lịch có thể vẽ các thông điệp lên bức tường.
Nhà thờ Mục đồng (Shepherds’ Field)
Nhà thờ Mục đồng
Bức tranh mô tả lại sự kiện thiên sứ hiện ra thông báo rằng đấng Cứu thế đã ra đời
Theo truyền thuyết, khi những người chăn cừu đang trông coi đàn cừu trên cánh đồng rộng lớn thì có một thiên sứ hiện ra thông báo rằng đấng Cứu thế đã ra đời, các người hãy theo sự chỉ dẫn để tìm thấy đứa trẻ được quấn khăn đang nằm trong một máng cỏ.
Vị trí chính xác của sự xuất hiện của các thiên thần và những người chăn cừu rất khó để xác định chính xác hoàn toàn. Đã có rất nhiều nơi mà các các tín đồ Cơ đốc giáo tôn kính cho tới năm 1953, các tu sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng Antonio Barluzzi đã xây dựng nên nhà thờ như hiện tại với hình dáng giống như chiếc lều của những người chăn cừu du mục với mái vòm và thánh giá trên đỉnh.
Lối vào là cánh cổng đá hình vòng cung với dòng chữ được cho là những lời của thiên thần bằng tiếng Latin: gloria in excelsis deo/Vinh quang của Đức Chúa Trời. Phía trên lối vào chính là bức tượng đồng mô tả một thiên thần đang hạ xuống, thông báo tin tốt lành về sự ra đời của Chúa. Bên trong mái vòm được trang trí bằng hình chạm khắc của 10 thiên thần và dòng chữ mạ vàng được trích từ kinh thánh: gloria in altis simis deo etin terra pax hominibvs bonae volvn tatis (Vinh quang Đức Chúa Trời ở nơi cao nhất và hòa bình trên trái đất).
Trong số bốn bàn thờ, bàn thờ ở trung tâm của nhà nguyện được cung hiến vào năm 1954 được chạm khắc hình chiếc lá phong của Canada để tưởng nhớ những người Canada đã đóng góp vào việc xây dựng nên nhà thờ. Trên các bức tường là những bức tranh mô tả lại cuộc sống của những người chăn cứu, khung cảnh thiên thần hiện ra và thông báo Chúa ra đời.
Nhà thờ Chúa Giáng Sinh (Church of Nativity)
Cửa Khiêm hạ ở Nhà thờ chúa Giáng Sinh
Nhà thờ Chúa Giáng sinh là một trong những nhà thờ Kitô giáo lâu đời nhất thế giới, được xây dựng vào năm 339 sau khi Đại đế Constantine và thái hậu Helena đến thăm nơi Chúa ra đời vào năm 327. Nhà thờ bị cháy rụi bởi cuộc nổi dậy Samaritan vào đầu thế kỷ 6 và được hoàng đế Byzantine phục hồi vào năm 565. Cánh cửa vào nhà thờ rất nhỏ, bạn phải khom người mới có thể đi vào được bên trong. Cửa vào nhà thờ trước kia đã từng khá rộng rãi, tuy nhiên quân Thập tự chinh đã cho bịt lại, chỉ để một ô cửa rất nhỏ. Họ cho rằng Chúa đã sống trong một gia đình nghèo khổ, chịu khổ nhục trên thập giá, thì mọi người khi bước vào nơi thiêng liêng này đều phải cúi người, hạ thấp mình xuống. Vì thế cửa này có tên là cửa Khiêm Hạ.
Thánh đường nhà thờ được trang trí với nhiều đèn, nến, hình ảnh thiên Chúa trang nghiêm, thâm trầm khiến du khách cảm thấy không khí thiêng liêng, thành kính. Bên dưới nhà thờ chính là nơi linh thiêng nhất: nơi Chúa ra đời. Thái hậu Helena đã xác định nơi đây là máng cỏ mà Chúa Jesus đã nằm và lập bàn thờ ở đó. Hiện nay, nơi này được đánh dấu bằng một bàn thờ chính, dưới bàn thờ là hang đá nằm sâu trong lòng đất là nơi Chúa Jesus sinh ra. Bên trên là một ngôi sao bạc 14 cánh trên nền đá cẩm thạch. Các tín đồ Cơ đốc giáo và khách du lịch thường quỳ xuống cầu nguyện, áp tay hoặc hôn lên ngôi sao đầy thành kính để tỏ lòng biết ơn. Khu vực này luôn luôn đông đúc, mọi người phải xếp hàng chờ đến lượt mình. Nhà thờ Giáng sinh đượcUNESCO công nhận là mộtdi sản văn hóa thế giới và là di sản thế giới đầu tiên thuộcPalestineđược công nhận.
Ngôi sao bạc đánh dấu nơi Chúa Jesus ra đời
Không khí thiêng liêng ở nhà thờ Chúa Giáng Sinh
Nhà nguyện Hang Sữa (Milk Grotto)
Nhà nguyện Hang Sữa có tên là Magharet Sitti Mariam
Nhà nguyện Hang Sữa có tên là Magharet Sitti Mariam/ Grotto of Our Lady được các tu sĩ dòng Franciscan xây dựng từ năm 1872 trên nền của một nhà thờ Byzantine cũ có từ thế kỷ thứ V. Hang Sữa được xây dựng khá đặc biệt khi được gọt đẽo từ đá vôi. Tương truyền đây là nơi Đức mẹ Maria đã trốn vào đây để cho Chúa Jesus bú trong khi ngài và thánh Giuse chạy trốn sự truy đuổi của quân lính của Đại đế Herod trước khi tới Ai Cập. Một giọt sữa của Đức mẹ Maria đã rơi xuống đất trong Chúa Jesus đang bú và những bức tường đá màu đỏ nâu của hang thành màu kem trắng. Hiện nay Hang Sữa là điểm đến yêu thích của những cặp vợ chồng hiếm muộn từ nhiều tôn giáo khác nhau ở mọi nơi trên thế giới.
Bên trong nhà nguyện Hang Sữa
Khu khảo cổ Herodium
Khu khảo cổ Herodium
Herodium chỉ cách Bethlehem 5 km về phía đông nam, địa điểm này đã từng là cung điện của Herod Đại đế được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 23 đến năm 15 TCN. Từ trên cao, Herodium trông rất giống một ngọn núi lửa với đỉnh đã tắt lửa. Herod Đại đế đã cắt bỏ đỉnh của một quả đồi, đào hết đất và xây dựng cung điện theo hình tròn của quả núi, xung quanh cung điện là các bức tường, tháp đồ sộ. Đứng từ Herodium bạn có thể nhìn thấy phong cảnh mênh mông kéo dài tới tận Biển Chết và núi Oliu (Mount of Olives).
Lăng mộ Rachel
Thánh Rachel là người vợ của thánh Jacob và là mẹ của thánh Joseph và Benjamin. Vì vậy lăng mộ của bà là di tích lịch sử quan trọng ở Bethlehem. Nơi này cũng là thánh địa của đạo Do Thái, đạo Thiên chúa và đạo Hồi. Do tình hình an ninh, lăng mộ đã được bao quanh bởi một pháo đài, ngăn cách nó với Bethlehem.
Tu viện Mar Saba
Tu viện Mar Saba nằm biệt lập nằm giữa sa mạc và những vách núi thẳng đứng
Cách Bethlehem 18km là Mar Saba – tu viện Chính thống giáo Hy Lạp nằm biệt lập nằm giữa sa mạc và những vách núi thẳng đứng, phóng tầm mắt ra thung lũng Kidron.
Thánh Sabas (sinh năm 439) là người gốc Cappadocia, năm 437 ông đã tới thung lũng Kidron để tu hành và truyền bá tư tưởng. Tu viện Mar Saba được ông thành lập vào năm 492 trên sườn của hẻm núi đối diện với hang động nơi ông từng ở. Danh tiếng của thánh Sabas không chỉ vang dội ở Palestine mà còn ở thủ đô của Đế chế Constantinople (Istanbul ngày nay). Sau khi ông qua đời vào năm 532, Mar Saba đã trở thành một nơi hành hương nổi tiếng. Vào thế kỷ thứ 8, tu viện càng nổi tiếng hơn nữa khi trở thành quê hương của nhà thần học vĩ đại. Bên trong tu viện bạn là lăng mộ của Thánh Sabas và các bức tranh tường lộng lẫy.
Tu viện Mar Saba hiện nay có 15 nhà sư, rất tiếc là chỉ có nam giới mới được vào tham quan toàn bộ tu viện, phụ nữ chỉ có thể leo lên ngọn đồi bên phải của tu viện lên đến ngọn tháp Phụ nữ (Women’s Tower) mà thôi.
Quảng trường Máng cỏ (Manger Square)
Quảng trường Máng cỏ
Quảng trường nằm ở trung tâm thành phố Bethlehem và được lấy tên từ Máng Cỏ, nơi Chúa Jesus được sinh ra. Trong thời kỳ Ottoman, quảng trường chỉ là một khu chợ bán rau quả và gia súc. Ngay chính giữa quảng trường là Thánh đường Hồi giáo Omar, Trung tâm Hòa bình Palestine và nhà thờ Chúa giáng sinh. Những con phố nhỏ xung quanh quảng trường đều được đặt tên liên quan đến Kito giáo như phố Ngôi sao và phố Giáng sinh. Các lễ hội, buổi hòa nhạc, sự kiện, chợ Giáng sinh đều được tổ chức tại đây. Vào mỗi dịp Giáng sinh, quảng trường được trang trí vô cùng lộng lẫy, đèn rực rỡ, các máng gỗ được xếp dọc theo các phố nhỏ
Quà lưu niệm
Quà lưu niệm phổ biến nhất ở Bethlehem là các tác phẩm chạm khắc về chúa, các truyền thuyết bằng gỗ ô liu được thực hiện bởi thợ thủ công địa phương. Ngoài ra còn có đồ gốm được trang trí tinh xảo, màu sắc hay các sản phẩm từ biển Chết như xà phòng, kem dưỡng…
Menorah – chân đèn Do Thái cổ có bảy ngọn đèn là quà lưu niệm phổ biến ở Bethlehem