Khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

51
Sáng 9/8, tại xã Tân Thái (Thái Nguyên), Hội Nhà báo Việt Nam và tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khánh thành và bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Đây là công trình chào mừng hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng là sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động hướng tới 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Các đại biểu tham quan công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngày khánh thành (Ảnh: Thanh Thúy).

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh đây là công trình văn hóa, lịch sử quan trọng nhằm tôn vinh di sản báo chí to lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà báo cách mạng tiền bối đã để lại cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.

Năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn ác liệt. Để thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh và Đoàn Báo chí Kháng chiến đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền báo chí, cụ thể là xúc tiến thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Trường ra đời là dấu mốc đặc biệt gắn liền với những chặng đường làm báo vinh quang dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong vòng 3 tháng (4/4-6/7/1949), trường đã tổ chức thành công khóa đào tạo ngắn hạn đặc biệt. Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất khóa học này.

Nhà trưng bày – Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao (Ảnh: Thanh Thúy).

Khóa học có sự tham gia của hơn 40 học viên là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí trên cả nước, cùng đội ngũ giảng viên hơn 30 người. Đây đều là những người giàu kinh nghiệm chính trị, lý luận và thực tiễn, cũng như những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ, trí thức cách mạng nổi tiếng. 

Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành những cây bút trụ cột trong các cơ quan báo chí hoặc lĩnh vực văn hóa văn nghệ của đất nước.

“Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ.

Năm 1949, chúng ta có khoảng 10 tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì tính đến hết năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình và trên 40 nghìn người làm báo”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh, cho biết.

Năm 2019, trên cơ sở những hồ sơ, tài liệu, hiện vật do Bảo tàng Báo chí Việt Nam sưu tầm, với quyết tâm rất cao của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp ủy chính quyền, nhân dân tỉnh Thái Nguyên và ngành văn hóa, “địa chỉ đỏ” Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được khoanh vùng bảo vệ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng Di tích quốc gia, đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập trường.

Tròn 75 năm sau, cũng tại mảnh đất “địa chỉ đỏ” Thái Nguyên, công trình Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã được tu bổ, tôn tạo.

“Nhà sàn – Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954” (Ảnh: Thanh Thúy).

Với nỗ lực không chỉ tái hiện lịch sử mà còn đảm bảo tính mỹ thuật cao cũng như bổ sung các công năng cần thiết, ngoài Bia Di tích đã được dựng từ 2019, quá trình tu bổ, tôn tạo hiện có các cấu phần như sau:

Nhà trưng bày – Bảo tàng thu nhỏ về Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, dưới hình thức căn nhà cấp 4 rộng 80m2 xây trên đồi cao, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu để lại, xưa là nhà tre nứa, nay là nhà khung gỗ, mái lá nhân tạo chống cháy.

Nhà sàn – Bảo tàng thu nhỏ trưng bày về Báo chí Chiến khu Việt Bắc 1946-1954, rộng 80m2, phỏng dựng từ ngôi nhà sàn của Tổng bộ Việt Minh, nơi chỉ đạo trực tiếp các hoạt động báo chí kháng chiến và cũng là nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam năm 1950.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên sau khi nhận bàn giao di tích sẽ phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Hội Nhà báo Việt Nam triển khai những hoạt động hữu ích; khai thác, sử dụng hiệu quả công năng của những hạng mục đã được tu bổ, tôn tạo.

Tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của một di tích quốc gia có tầm vóc và ý nghĩa thiêng liêng. Đây sẽ là nơi kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu, tham quan, du lịch “về nguồn” của nhân dân.