Khám phá thiên nhiên và văn hóa ở Ghandruk và Kimche – Nepal

34

Đất nước Nepal không chỉ có thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà còn có nền văn hóa bản địa thú vị. Trong ngày cuối cùng của hành trình trekking trong khu vực Annapurna, tôi có dịp khám phá thêm thiên nhiên xinh đẹp và văn hóa đặc sắc nhờ hành trình đi bộ từ làng Ghandruk đến làng Kimche.

Làng Ghandruk xinh đẹp

Nghe cậu tour guide giới thiệu nhiều về sự xinh đẹp của làng Ghandruk nên tôi quyết tâm dậy thật sớm để ngắm trọn bình minh nơi này. Gần 6h00 sáng, tôi ra khỏi phòng nghỉ nằm trên tầng 2. Phía trước phòng là khoảng sân rộng nhìn xuống triền đồi. Phía dưới là những nhà nghỉ khác, be bé xinh xinh nằm rải rác giữa những khoảnh ruộng xanh rì và những lối đi lát đá có hoa trồng xung quanh. Vài người đang tập thể dục buổi sáng, vài du khách khác cũng đang chờ ngắm bình minh. Trước mặt tôi là một dãy đồi chắn ngang, phía sau là ngọn núi Machhapuchhre nổi tiếng với hình dáng vây cá phủ tuyết. Ở ngôi làng này, từ vị trí nào cũng có thể thấy dãy núi tuyết lù lù gần ngay tầm mắt. Bên phải ban công có một cầu thang xoắn sơn đen, dẫn lên sân thượng. Tôi kéo áo quần cho kín kẽ và leo vòng tròn theo lối cầu thang để lên đến một khoảng sân xi măng đầy cát, đá, sắt thép ngổn ngang, nhưng tầm nhìn thì không chê vào đâu được. Trời lại lạnh quá mức cho phép. Đứng trên sân thượng, có thể thấy luôn các nếp nhà ở triền đồi phía trên ngôi làng. Vẫn là những nhà nghỉ xây bằng đá, hoặc xi măng giả đá, lợp mái đỏ mái xanh, trước sân trồng vài hàng cây xinh xắn. Ngôi làng đẹp thật. Đến khoảng 6h10, những tia nắng đầu tiên đã rọi sáng chóp núi tuyết trước mặt. Bình minh tươi đẹp lại đến. Một trong những điều thú vị khi trekking ở Nepal là hầu như ngày nào bạn cũng có thể ngắm bình minh ngay tại chỗ nghỉ của mình.

 Bình minh ở làng Ghandruk

Bình minh ở làng Ghandruk

Nhà cửa ở làng Ghandruk

Nhà cửa ở làng Ghandruk

Khoảng 8h00 chúng tôi rời nhà nghỉ sau bữa ăn sáng và bắt đầu chuyến đi bộ cuối cùng trước khi trở về Pokhara. Chúng tôi đi vòng vèo quanh ngôi làng nhỏ xinh đẹp, mọi thứ thật rực rỡ dưới ánh nắng vàng. Dãy Himalaya gần trong tầm mắt, chóp núi cao phủ đầy tuyết, tiếp đến là phần đá nâu pha đỏ, nơi không một loài cây nào mọc được, rồi đến thảm thực vật thấp, và chạy dọc xuống tới thung lũng là cây cối rậm rạp. Người ta trồng cây lương thực trên những khoảnh ruộng bậc thang, trồng ngô, đậu bắp, đậu ve, su su trong những khu vườn nhỏ. Người ta chất củi dự trữ khắp nơi, rồi thả dê, cừu, bò vào những chuồng súc vật được rào bằng gỗ.

Trong lúc khách du lịch dạo quanh làng, người dân địa phương vẫn sống cuộc đời bình dị của họ. Họ gặp nhau, hỏi thăm nhau, mua bán trao đổi hàng hóa,…Nếu bạn chào họ, họ vui vẻ chào đáp lại. Có lẽ nhờ đi ngang ngôi làng này rất nhiều lần trong những hành trình dẫn khách leo núi, cậu tour guide đã quen biết hầu hết mọi người ở đây. Ngôi làng xinh đẹp và thân thiện này khiến tôi ước ao khi trở về già, mình được sống ở một nơi như thế.

Dạo quanh làng Ghandruk

Dạo quanh làng Ghandruk

Cuộc sống người dân ở làng Ghandruk

Cuộc sống người dân ở làng Ghandruk

View tuyệt đẹp ở làng Ghandruk

View tuyệt đẹp ở làng Ghandruk

Dãy Himalaya nhìn từ làng Ghandruk

Dãy Himalaya nhìn từ làng Ghandruk

Bảo tàng Old Gurung

Đi lang thang một hồi chúng tôi đến Old Gurung Museum, một ngôi làng của người Gurung. Gurung là tên một nhóm người dân tộc Nepal sống ở chân núi Himalaya. Người ta không chắc chắn về nguồn gốc của người Gurung, nhưng ngôn ngữ của họ cho thấy họ là nhóm người đã di cư từ Tây Tạng sang Nepal khoảng 2000 năm trước.

Bảo tàng Old Gurung nằm khiêm tốn sau một khoảng sân nhỏ có để một bộ bàn ghế bằng gỗ. Ngay trước bậc tam cấp có bày vài thứ đồ lưu niệm để bán cho du khách, có thảm, hàng dệt thủ công và chủ yếu là các bưu thiếp; hai bên lối vào là vài khóm cúc soi nhái chưa ra hoa. Chữ ENTRANCE màu vàng đồng được viết thẳng lên cây đà màu đen của mái hiên thấp. Phía trên mái là 4 ô cửa sổ màu nâu tím đang đóng, một hàng bắp khô và cờ lungta. Trên những cột trụ đỡ mái hiên có nhiều cặp sừng trâu bò, khắp hiên là các sản phẩm đan lát thủ công.

Vé vào cổng là 75 Rupee ~ 22.000 VND. Bên trong bảo tàng là không gian nhỏ, khá tối và ấm thấp, trưng bày những hiện vật gắn liền với đời sống người dân vùng núi ở đây. Giường ngủ có trải nệm dệt, thảm, đồ đồng dùng đựng thức ăn, vũ khí săn bắn, giỏ gùi,… nhưng ấn tượng nhất vẫn là những ổ khóa ngoại cỡ mà người xưa hay dùng.

  Lối vào bảo tàng Old Gurung

Lối vào bảo tàng Old Gurung

Bên trong bảo tàng Old Gurung

Bên trong bảo tàng Old Gurung

Bảng thông tin bên ngoài bảo tàng Old Gurung

Bảng thông tin bên ngoài bảo tàng Old Gurung

Cuộc sống ở làng Kimche

Tham quan bảo tàng Old Gurung xong chúng tôi men theo đường bậc thang ở sườn núi rời khỏi làng Ghandruk để vào địa phận Kimche. Vừa ra khỏi Ghandruk, chúng tôi gặp một ngã ba: lối đi thẳng là về Birethanti, còn lối rẽ cong cong xuống thung lũng sâu hoắm bên dưới là lối qua làng Landruk.

Ngay tại ngã ba này, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng hết sức hoành tráng. Nắng sớm đang cố vượt qua dãy núi cao để tràn xuống thung lũng bên dưới. Ngọn núi không nhọn mà bằng phẳng, nên một hàng dài những tia nắng cứ dập dìu chiếu xuống, trông như dòng suối đang tràn qua gờ đá, một cảnh tượng mà tôi chưa thấy bao giờ. Xa xa bên sườn đồi bên kia, có một ngôi làng be bé nằm lẫn trong những ruộng bậc xanh xanh. Lại một lần nữa tôi cứ muốn ngồi mãi ở đây mà không muốn đi đâu, nhưng đã 9 giờ rồi và chúng tôi còn cả hành trình về Pokhara phía trước.

Khung cảnh ở lối ra khỏi làng Ghandruk

Khung cảnh ở lối ra khỏi làng Ghandruk

Nắng chiếu xuống từ dãy đồi cao

Nắng chiếu xuống từ dãy đồi cao

Làng Landruk nằm trên sườn đồi xa xa

Làng Landruk nằm trên sườn đồi xa xa

Theo lối mũi tên hướng về Birethanti, chúng tôi dần đi vào Kimche với độ cao giảm đáng kể.Đường đi giờ bằng phẳng và rộng rãi. Vì chân vẫn còn đau sau nhiều ngày trek liên tục, chúng tôi đi khá chậm, nhưng nhờ đi chậm mà tôi có nhiều thời gian quan sát cuộc sống của người dân ở Kimche. Ở những vùng núi non như thế này, người dân chủ yếu là đi bộ, còn hàng hóa thì được chuyên chở bằng lừa. Lừa thồ tất cả mọi thứ, từ gạch đá, xi măng để xây nhà, đến lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, và cả những bình ga nặng trịch. Để đi qua được những con suối sâu hay các thung lũng, người ta xây dựng những cầu treo khá chắc chắn. Cầu treo thường hẹp, chỉ vừa 1 hoặc 2 người đi, nên khi thấy một đàn lừa chở đồ đạc ở phía bên kia cầu, mọi người đều dừng lại chờ chúng đi qua xong thì mới đến lượt mình.

Lối đi hướng về làng Kimche

Lối đi hướng về làng Kimche

Thiên nhiên ở làng Kimche

Thiên nhiên ở làng Kimche

Lừa chở hàng ở làng Kimche

Lừa chở hàng ở làng Kimche

Lừa chở hàng ở Kimche

Lừa chở hàng ở Kimche

Cầu treo ở làng Kimche

Cầu treo ở làng Kimche

Dòng suối phía dưới cầu treo

Dòng suối phía dưới cầu treo

Có một trường học ở gần đường đi của chúng tôi, nên tôi có dịp thấy những em gái nhỏ Nepal mặc đồng phục đi học vào buổi sáng. Bộ đồng phục rất lịch sự, gồm váy màu đậm, tất dày, sơ mi trắng, cà-vạt và áo len chui đầu. Tôi từng thấy đồng phục học sinh ở thủ đô Kathmandu, rất đẹp rất chỉnh chu. Nay gặp các em học sinh ở miền núi xa xôi, mà trang phục của các em vẫn để lại ấn tượng tốt.

Học sinh đi bộ đến trường

Học sinh đi bộ đến trường

Những giờ trekking thong thả ở Kimche

Những giờ trekking thong thả ở Kimche

Bây giờ nắng đã lên cao, trời rất ấm. Chúng tôi chậm rãi di chuyển thêm khoảng 1 giờ nữa để đến Syauli Bazar.

Đi xe từ Syauli Bazar về Birethanti

Khoảng 10h00 sáng tại Syauli Bazar, một chiếc xe 7 chỗ đang chờ để chở chúng tôi về lại thành phố Pokhara. Xe có ngoại hình giống như những chiếc 7 chỗ bình thường, nhưng không máy lạnh, cửa sổ luôn được mở, động cơ cực khỏe để có thể chạy được trên những con dốc thất thường. Những tưởng các thể loại cảnh đẹp đã kết thúc, nhưng tôi đã lầm. Đoạn đường từ Syauli Bazar đến Birethanti là một cung tuyệt đẹp ôm quanh các ngọn đồi, chẳng thua gì cung đường Lào Cai – Sapa. Những dòng suối lớn lâu lâu lại cắt ngang đường rồi đổ xuống con sông xanh ngọc dưới thung lũng. Những ruộng bậc thang ngả vàng gần sát ngay trước mắt, xa xa vẫn là những nếp đồi.

Đường rất dằn xóc và ngoằn ngoèo, chúng tôi phải lo vịn thật chặt để không bị văng khỏi xe nên cũng không thể chụp ảnh cho đàng hoàng. Thấy thế, bác tài dễ thương đã dừng lại ở những nơi có cảnh đẹp để chúng tôi thoải mái chụp hình. Ven đường, rất nhiều khách du lịch và người địa phương vẫn đi bộ miệt mài. Với cảnh vật xung quanh đẹp đẽ thế này, tôi có thể đi bộ cả ngày cũng không sao.

Ruộng bậc thang tuyệt đẹp trên đường về Birethanti

Ruộng bậc thang tuyệt đẹp trên đường về Birethanti

Xe dừng để khách chụp ảnh

Xe dừng để khách chụp ảnh

Ruộng bậc thang tuyệt đẹp

Ruộng bậc thang tuyệt đẹp

Dòng suối màu xanh lơ dưới chân đồi

Dòng suối màu xanh lơ dưới chân đồi

Ruộng lúa xanh

Ruộng lúa xanh

Một vách núi thẳng đứng

Một vách núi thẳng đứng

Nơi xuất trình giấy phép leo núi

Nơi xuất trình giấy phép leo núi

Gần 11 giờ trưa thì chúng tôi đến Birethanti. Đây là nơi mà bạn phải xuất trình giấy phép leo núi trước khi bắt đầu hành trình, và “báo cáo” khi kết thúc hành trình. Cậu tour guide đi trình báo các thứ, sau đó giao lại cho tôi TIMS card (giấy phép leo núi) để làm kỷ niệm. Ăn trưa và rời Birethanti, chúng tôi về đến Pokhara khoảng 3h00 chiều.

Chuyến trekking ngang qua làng Ghandruk và Kimche là đoạn trek cuối cùng trong hành trình của tôi ở Nepal. Đất nước còn hoang sơ này có một sức hút kỳ lạ. Dù kinh tế còn khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn khá nghèo nàn, nhưng ai đã từng đi trekking ở Nepal đều muốn quay trở lại. Tôi cũng là một trong số đó. Hi vọng mình sẽ được trở lại đây để khám phá thêm thiên nhiên và văn hóa của các khu vực khác ở Nepal.