Khám phá Rạch Giá – Thành phố lớn nhất bờ Tây Nam với những điều thú vị

44

Nhiều lần đi biển đảo Tây Nam, Lữ Phong qua lại Rạch Giá nhiều lần mà không có khái niệm gì về thành phố này, bởi toàn xuống xe là chạy thẳng xuống tàu đi các đảo, lúc về lại từ tàu leo luôn lên xe về Sài Gòn. Nên lần này, y nhất định phải ở lại Rạch Giá một ngày để đi, để khám phá Rạch Giá cho nhiều nhiều một chút.

Lữ Phong chọn khách sạn Seaside trên đường Lý Thường Kiệt, cách cảng Rạch Giá chỉ 800 mét, ngay bên bờ biển, liên tục nhìn thấy tàu cao tốc rời bến và từ các đảo trở về vào bến. Khách sạn chỉ 2 sao nhưng mới xây nên phòng ốc, nội thất còn rất mới và đẹp, nhân viên lại rất hòa nhã, khách sạn vừa là quán cafe và có luôn cả quán cơm gà, rất tiện lợi. Cũng hơi tiếc, vì chỗ ở rất tốt nhưng Lữ Phong lại long nhong ngoài đường suốt.

Khu vực cổng Tam Quan

Cổng Tam Quan Rạch Giá

Cổng Tam Quan Rạch Giá – biểu tượng không chính thức của Rạch Giá – là công trình kiến trúc nổi tiếng của thành phố biển này, được xây dựng trên đường Nguyễn Trung Trực – con đường trục chính của thành phố – gần ngã tư với đường Lạc Hồng.

khám phá rạch giá

Cổng Tam Quan Rạch Giá – Khám phá Rạch Giá

Nhiều trang mạng copy của nhau rằng chiếc cổng độc đáo này “được xây dựng từ thời thuộc Pháp”, tuy nhiên tài liệu chính thức của Bảo tàng Kiên Giang cho biết cụ thể chiếc cổng được xây dựng và hoàn thành vào năm 1961. Ông Phó tỉnh trưởng Kiên Giang khi đó sau khi tham quan Huế, ấn tượng với công trình Ngọ Môn nên khi về Kiên Giang đã cho xây dựng cổng Tam Quan ở Rạch Giá.

Khi đó, Rạch Giá chưa phải là một đơn vị hành chính độc lập, mà vẫn nằm trong huyện Châu Thành, nên cổng Tam Quan Rạch Giá mang vai trò như một chiếc “cổng làng” của “làng” Rạch Giá. Điểm đặc biệt là cổng Tam Quan chỉ dùng mật mía, nhựa cây ô dước, cát, vôi nghiền nhỏ trộn lẫn làm chất kết dính để xây với gạch, hoàn toàn không sử dụng xi măng, sắt thép – kể cả việc tạo hình các vòm cổng. Khi mới khánh thành, giữa vòm cổng có đắp dòng chữ không dấu “Chau Thanh Rach Gia” nhưng đến nay sau hơn 60 năm với nhiều lần sơn lại, dòng chữ này đã bị mất, chỉ còn hai câu đối đắp ở hai bên trụ cổng chính.

Chùa sắc tứ Tam Bảo

Chùa Tam Bảo, số 03 đường Sư Thiên  n, phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá

Chùa Tam Bảo, số 03 đường Sư Thiên Ân, phường Vĩnh Lạc, Rạch Giá

Trong chuyến khám phá Rạch Giá, mình đã ghé thăm chùa cổ Tam Bảo. Chùa cổ nằm cách cổng Tam Quan không xa. Chùa được xây dựng từ cuối thế kỷ XVIII bằng tre, lá bởi một Phật tử là bà Dương Thị Oán. Tương truyền, bà Oán khi đó có giúp đỡ Nguyễn Phúc Ánh trong quá trình bôn tẩu chống Tây Sơn, nên sau này lên ngôi, vua Gia Long đã ban sắc tứ cho ngôi chùa này, tuy nhiên tờ sắc phong quý này đã bị thất lạc trong thời kỳ giặc Pháp đàn áp những năm 1930 – 1940.

Gác chuông chùa Tam Bảo - Khám phá Rạch Giá

Gác chuông chùa Tam Bảo – Khám phá Rạch Giá

Chùa Tam Bảo được Hòa thượng Thích Trí Thiền tiến hành đại trùng tu từ năm 1915 đến 1917 thì hoàn thiện và mang dáng vẻ như ngày nay. Chùa từng là nơi cất giấu tài liệu, truyền đơn và các vũ khí tự tạo để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.

Các ban thờ trong chính điện

Chùa Tam Bảo có ba tầng mái, lợp ngói ống, trên các bờ nóc có đắp trang trí hình rộng, phượng. Chánh điện được chia làm ba gian, có bài trí các ban thờ; các bao lam gỗ được chạm trổ chim thú, hoa lá, cùng nhiều pho tượng được điêu khắc tinh xảo.

Chùa có 3 tầng mái, lợp ngói ống

Chùa có 3 tầng mái, lợp ngói ống

Chùa Tao Bảo Rạch Giá được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1988 và từ rất lâu đã giữ vị thế là trung tâm Phật giáo tỉnh Kiên Giang và có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của Phật giáo Kiên Giang.

Đình thần Nguyễn Trung Trực

Về Kiên Giang, không thể không nhắc đến người anh hùng dân tộc chống Pháp nổi tiếng: Nguyễn Trung Trực. Một trong số những chiến công hiển hách nhất, vang dội nhất của Nguyễn Trung Trực là vụ đánh chiếm và làm chủ đồn Kiên Giang (khu vực trung tâm Rạch Giá ngày nay) trong 5 ngày trong tháng 6/1868, trước khi bị Pháp huy động lực lượng tổng phản công. Kiên Giang cũng là mảnh đất người anh hùng dân tộc ngã xuống đền nợ nước, với câu nói nổi tiếng để lại: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”

Tam quan Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá - Khám phá Rạch Giá

Tam quan Đình thần Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá – Khám phá Rạch Giá

Đình thần Nguyễn Trung Trực là đền thờ lớn nhất do nhân dân Kiên Giang lập nên (cùng nhiều đền thờ của nhân dân dựng lên ở khắp nơi) để thờ ông, tọa lạc tại 14 Nguyễn Công Trứ, phường Vĩnh Thanh, Rạch Giá. Ngay sau khi ông ngã xuống, nhân dân đã bí mật đưa ông vào thờ ở đền thờ Nam Hải đại tướng quân – một ngôi đền thờ cá voi nhỏ bằng gỗ, lợp lá ngay cửa sông Kiên, sát biển. Sau nhiều cuộc nâng cấp, trùng tu – mà các lần lớn nhất vào năm 1881 và giai đoạn từ 1964 đến 1970 – mà ngôi đình thờ có diện mạo như ngày hôm nay.

Cổng đình dạng tam quan có trang trí hình lưỡng long tranh châu, hai bên đắp nổi hai câu đối kể về hai chiến công rực rỡ nhất của Nguyễn Trung Trực trong quá trình chống Pháp:
Hỏa hồng Nhự Tảo oanh thiên địa

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần

Tượng đồng Nguyễn Trung Trực ngoài sân đình

Tượng đồng Nguyễn Trung Trực ngoài sân đình

Tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng được đặt trước sân, sau cổng tam quan và một lư hương lớn bằng đá. Phía sau bức tượng là điện thờ chính của đình thần Nguyễn Trung Trực. Sau đợt trùng tu lớn từ năm 1964 đến năm 1970, ngôi điện thờ rộng lớn khang trang được lợp ngói âm dương ba lớp, các góc mái uốn cong.

ên trong Đình thần Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá

ên trong Đình thần Nguyễn Trung Trực, Rạch Giá

Bên trong điện thờ gồm chánh điện và Đông lang, Tây lang ở hai bên với rất nhiều các ban thờ các vị anh hùng, nghĩa quân liệt sĩ, Tiền hiền, Hậu hiền, Thủy long, … Gian cuối của chính điện đặt ba ngai thờ chính. Ngai thờ chính giữa thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực; ngai thờ bên trái thờ chung hai vị: Phó cơ Nguyễn Hiền Điều (Phó cơ Điều) và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; ngai thờ bên phải thờ thần Nam Hải đại tướng quân.

Ban thờ chính ở gian cuối của chính điện, ban giữa thờ Nguyễn Trung Trực

Ban thờ chính ở gian cuối của chính điện, ban giữa thờ Nguyễn Trung Trực

Di cốt của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực sau một thời gian dài tìm kiếm, đã được đưa về và lập một ngôi mộ đơn sơ trong khuôn viên đình thờ, do cố thủ tướng Võ Văn Kiệt tham gia đặt viên gạch đầu tiên xây mộ.

Mộ anh hùng Nguyễn Trung Trực đơn giản, trong khuôn viên Đình thần

Mộ anh hùng Nguyễn Trung Trực đơn giản, trong khuôn viên Đình thần

Lễ hội chính nơi đây diễn ra vào các ngày 26,27,28 tháng Tám âm lịch (kỷ niệm ngày hy sinh của Nguyễn Trung Trực) thu hút rất đông đảo du khách và nhân dân địa phương.

Một vài hình ảnh về Rạch Giá

Trung tâm Rạch Giá có hai nhánh sông đổ ra biển (thực chất là hai cửa của kênh Long Xuyên – Rạch Giá chia nước từ sông Hậu ra biển Tây). Nhánh nhỏ được gọi là sông Kiên, chảy ngang phía mặt đình thần Nguyễn Trung Trực và đổ ra biển nơi cảng Rạch Giá. Ngay cửa sông có cống sông Kiên với hệ 6 trụ vòm của 5 cửa cống ngăn nước. Lui vào trong sông hơn trăm mét là cây cầu đi bộ sông Kiên bên hông phải đình thần Nguyễn Trung Trực.

Cầu đi bộ sông Kiên - Khám phá Rạch Giá

Cầu đi bộ sông Kiên – Khám phá Rạch Giá

Cống sông Kiên, vừa là một chiếc cầu trên đường Ba tháng Hai

Cống sông Kiên, vừa là một chiếc cầu trên đường Ba tháng Hai

Lui xuống phía Nam vài trăm mét là nhánh chính của kênh Long Xuyên – Rạch Giá đổ ra biển, nơi đây có cây cầu Ba tháng Hai lớn bằng bê tông bắc qua cửa sông với các nhịp có kết cấu vòm cuốn đẹp mắt.

Cầu Ba tháng Hai bắc qua cửa nhánh chính kênh Long Xuyên – Rạch Giá ra biển

Cầu Ba tháng Hai bắc qua cửa nhánh chính kênh Long Xuyên – Rạch Giá ra biển

Ngoài ra cũng phải kể tới các khu đô thị lấn biển ở Rạch Giá, mà khu Tây Bắc ngay gần cảng Rạch Giá, nơi khách sạn Seaside tọa lạc, còn khu Phú Cường lui xuống phía Nam thành phố, với các khu biệt thự, nhà liên kế hiện đại, cùng các con đường rộng rãi, thẳng tắp rợp bóng cây xanh.

Khu đô thị lấn biển Phú Cường ở phía Nam thành phố

Khu đô thị lấn biển Phú Cường ở phía Nam thành phố

Một ngày trôi vèo qua trong chớp mắt như vậy. Rạch Giá vẫn còn nhiều điều để khám phá, khi có thời gian nhất định Lữ Phong sẽ còn trở lại nơi này. Các bạn cũng đừng bỏ lỡ điểm đến thú vị này trong hành trình du lịch nhé.