Khám phá Nhà thờ Sở Kiện – Nơi hội tụ kiến trúc và tôn giáo

43

Nằm cách Hà Nội khoảng 70km về phía nam, Vương cung thánh đường Sở Kiện (hay còn gọi là nhà thờ Kẻ Sở) là một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hà Nam. Với lối kiến trúc Gothic đặc trưng, và cả một kho tàng lịch sử phong phú, nhà thờ Sở Kiện không chỉ là niềm tự hào của người dân Sở Kiện mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương.

Lịch sử hình thành nhà thờ Sở Kiện

Giáo xứ Sở Kiện nằm tọa lạc tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây là một giáo xứ cổ kính và to lớn của tổng giáo phận Hà Nội, có truyền thống đạo đức và đời sống đức tin mạnh mẽ. Giáo xứ nằm dọc theo sông Đáy hiền hoà, lại được bao bọc bởi dãy những dãy núi đá vôi, nơi đây là một nơi an toàn để các giáo sĩ, giáo dân tránh các cuộc bách hại của quân đội triều Nguyễn. Nên trong lịch sử, nơi đây đã được chọn làm trung tâm của giáo phận Tây Đàng Ngoài (Hà Nội) trong hơn 60 năm.

Là nơi trung tâm, Sở Kiện có nhiều công trình lớn để phục vụ cho các nhu cầu chung của giáo phận. Trong đó, phải kể đến nhà thờ chính tòa Sở Kiện.

Nhà thờ Sở Kiện

Nhà thờ Sở Kiện

Nhà thờ Sở Kiện (hay Kẻ Sở) mang tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm, được khởi công xây dựng vào ngày 25/10/1877, hoàn thành vào năm 1882 sau hơn 5 năm thi công và khánh thành vào tháng 01/1883, dưới sự chỉ đạo của Đức Cha Paul-Francois Puginier Phước (1835 – 1892).

Từ khi hoàn thành, đây là nhà thờ chính toà – trái tim của giáo phận Tây Đàng Ngoài cho tới năm 1936, sau khi toà giám mục được dời về Hà Nội.

Ngôi thánh đường Sở Kiện có một tầm quan trọng trong lịch sử giáo hội Công giáo Việt Nam, và không những thế, ngày nay, Sở Kiện là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nam với lối kiến trúc mang đậm phong cách Châu Âu, như nhiều người ví von là “Châu Âu thu nhỏ giữa lòng Hà Nam”.

Những sự kiện quan trọng trong lịch sử giáo xứ Sở Kiện

Những sự kiện quan trọng trong lịch sử giáo xứ Sở Kiện

Nhà thờ Sở Kiện – Lối kiến trúc Gothic độc đáo

Nhà thờ Sở Kiện được xây dựng theo lối kiến trúc Gothic, với những đường nét tinh xảo, tỉ mỉ. Kiến trúc Gothic là một phong cách kiến trúc phương Tây nổi tiếng với những vòm cửa hình cung, tháp nhọn và những họa tiết trang trí cầu kỳ.

Ngôi thánh đường có kích thước dài 67,2m, rộng 31,2m, cao 23,2m với 5 gian và 4 hàng cột. Toàn bộ nhà thờ được xây dựng bằng gạch đỏ, với những đường nét hoa văn trang trí tinh xảo. Sau khi hoàn thành, nhà thờ này được đánh giá là huy hoàng nhất tại khu vực Đông Dương lúc ấy.

Từ lối đường dẫn vào nhà thờ, ngôi thánh đường đã nổi bật với phần tiền đường đồ sộ, trầm mặc, hai tháp chuông cao vút được xây dựng đặc trưng theo phong cách Gothic. Các hoạt tiết đặc trưng của kiến trúc Gothic được tối giản và kết hợp với phong cách Á Đông.

nhà thờ Sở Kiện

Mặt tiền nhà thờ Sở Kiện

Chính giữa tiền đường là một cây thánh giá lớn, biểu tượng của niềm tin của người Công giáo. Ngay phía dưới là tượng Đức Mẹ. Bức tượng này đã được lắp đặt trong quá trình xây dựng nhà thờ, nghĩa là bức tượng đã có 140 tuổi.

Nếu để ý và so sánh một chút, du khách sẽ thấy nhà thờ Sở Kiện có nét tương đồng với nhà thờ Đức Bà Paris và nhà thờ chính tòa Milano (một trong những ngôi thánh đường lớn nhất thế giới). Và một chi tiết thú vị nữa là, nhà thờ Lớn Hà Nội được xây dựng ngay sau khi hoàn thành nhà thờ Sở Kiện, từ năm 1884 – 1888. Người có công lớn trong việc xây dựng nhà thờ Lớn Hà Nội – Đức Giám Mục Paul-Francois Puginier Phước, cũng là người đứng ra xây dựng nhà thờ Sở Kiện.

Hai ngọn tháp cao 27m, bên trong treo bốn quả chuông mang các sắc âm đố – mi – son – đồ. Quả lớn nhất nặng 2.461kg, quả nhỏ nhất là 318kg. Quả chuông lớn được người dân ở đây gọi là chuông “Bồng” (phiên âm từ tiếng Pháp là Bourdon). Trước đây, để đánh chuông, người ta phải cần khoảng 10 người để kéo bốn quả chuông này. Nay, hệ thống chuông đã được sử dụng điện để thay thế cho sức người.

Cận cảnh các chi tiết khu vực tiền đường nhà thờ

Dọc hai bên nhà thờ là các tháp phụ, được thiết kế cân đối, trang trí hoa văn đậm chất mỹ thuật Pháp. Trên mỗi đỉnh đều có thánh giá, tăng thêm sự trang nghiêm và thánh thiêng cho không gian nhà thờ. Toàn bộ mặt ngoài của nhà thờ vẫn giữ y như lúc mới xây dựng xong, toát lên vẻ cổ kính với những rêu phong in dấu thời gian.

Mặt bên nhà thờ Sở Kiện

Điều đặc biệt, ngôi thánh đường được xây trên một cái đầm, nhưng tới nay đã 140 năm vẫn chưa có bất kỳ vết nứt nào. Để đạt được điều này, người ta đã lót gỗ lim toàn bộ nền nhà thờ. Tới nay nhà thờ đã lún nhưng lún đều.

Tất cả yếu tố kiến trúc và trang trí bên trong nhà thờ là sự kết hợp giữa kiến trúc châu Âu và nét văn hoá Á Đông, vừa mang đến sự uy nghiêm vừa rất gần gũi với văn hoá Việt Nam.

Bên trong nhà thờ

Bên trong nhà thờ

Bên trong nhà thờ Sở Kiện là không gian rộng lớn với sức chứa lên đến 4.000 – 5.000 người cùng lúc. Các đường nét kiến trúc vẫn đậm chất Gothic đặc trưng với các mái vòm uốn cong, tạo sự thanh thoát, lộng lẫy và nghệ thuật cho nhà thờ. Hai bên, các ô cửa được trang trí bằng các ô kính màu, với tranh ảnh các vị thánh và các sự kiện nổi bật trong Kinh Thánh, mang lại cho nhà thờ một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo dưới ánh sáng tự nhiên.

Khu vực cung thánh được làm bằng gỗ chạm trổ tinh xảo, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy theo phong cách truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, phần bàn thờ phụ, toà giảng ngày xưa và một số chi tiết khác cũng được sơn son thiếp vàng, giúp tăng tính thẩm mỹ và gần gũi với văn hoá Việt Nam.

Tất cả các yếu tố từ kiến trúc tới trang trí tổng hoà với nhau, tạo tính liền mạch từ trong ra ngoài đã tạo nên một ngôi thánh đường lộng lẫy, tráng lệ và đứng vững cho tới ngày nay.

Cận cảnh khu vực cung thánh

Cận cảnh khu vực cung thánh

Nhà thờ Sở Kiện – Điểm đến không thể bỏ qua của du khách

Sở Kiện xưa kia không những là thủ phủ hành chính về mặt tôn giáo cho giáo phận Tây Đàng Ngoài, mà còn là một trung tâm văn hóa công giáo cho cả giáo phận. Và để đáp ứng nhu cầu cho toàn khu vực tôn giáo rộng lớn này, nhiều công trình đã được xây dựng tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo. Ngày nay, khi tới với Sở Kiện, du khách sẽ có cơ hội tham quan một khu vực rộng lớn có diện tích 12ha với các tòa nhà mang kiến trúc châu Âu.

Quần thể Sở Kiện xưa có 4 khu vực chính gồm khu vực nhà thờ chính toà, khu vực Tòa Giám Mục, khu vực Đại Chủng Viện (xây dựng năm 1897) và khu vực nhà in Kẻ Sở. Trong các công trình kiến trúc này, chỉ có nhà in Kẻ Sở là không còn, các công trình kiến trúc còn lại đã được trùng tu và sử dụng cho các mục đích khác nhau tới ngày nay.

Nhà in Kẻ Sở hay nhà in Ninh Phú là một trong ba nhà in chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, gồm nhà in Tân Định (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú và nhà in Làng Sông (Bình Định).

Trong suốt thời gian hoạt động, nhà in đã xuất bản trên 100 đầu sách thuộc đủ loại bao gồm cả chữ quốc ngữ và chữ nôm như sách học tiếng Pháp, học tiếng Latin, triết học, thần học, giáo sử, sách kinh, phụng vụ, Kinh Thánh… Ngoài ra nhà in còn xuất bản các loại sách giáo khoa dùng cho các trường học liên quan đến các bộ môn như vật lý học, văn chương, văn phạm, toán học, địa lý.

Vết tích còn lại của nhà in Kẻ Sở

Vết tích còn lại của nhà in Kẻ Sở

Vào năm 1939, sau khi toà giám mục Tây Đàng Ngoài chuyển về Hà Nội, nhà in cũng được chuyển theo về đó. Ngày nay, vết tích còn lại của nhà in là nền móng nằm phía bên trái nhà thờ Sở Kiện.

Một nhà nguyện cổ trong khuôn viên Sở Kiện, giờ chỉ còn lại di tích

Một nhà nguyện cổ trong khuôn viên Sở Kiện, giờ chỉ còn lại di tích

Sở Kiện còn là nơi lưu giữ nhiều di tích và hài cốt nhất của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Đây cũng chính là Trung tâm Hành hương các Thánh Tử Đạo của Tổng Giáo Phận Hà Nội.

Hài cốt các Thánh Tử Đạo được lưu giữ tại Sở Kiện

Hài cốt các Thánh Tử Đạo được lưu giữ tại Sở Kiện

Để có được trung tâm hành hương như ngày nay, phải kể đến công sức to lớn của Đức giám mục Pierre-Jean-Marie Gendreau Đông. Trong vòng 10 năm, ngài đã cho điều tra và sưu tâm cách kỳ công, khôn khéo các di tích, hài cốt của các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam và quy tụ về tại Sở Kiện. Ngài cũng chính là người có công rất lớn trong việc xin toà thánh Vatican phong Chân Phước cho 117 vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam.

Một thông tin thêm cho bạn là, Sở Kiện cũng là quê hương của hai Thánh Tử Đạo trong số 117 vị đã được tuyên phong năm 1988, gồm thánh Phêrô Trương Văn Thi và Phêrô Trương Văn Đường.

Các di tích và hài cốt hiện nay được đặt trong các tòa nhà trong khu vực trung tâm hành hương. Vào các dịp quan trọng trong năm, hoặc mỗi khi có đoàn hành hương đăng ký trước, khu vực này mới mở cửa để mọi người thăm viếng. Vì thế trong những ngày thường, bạn sẽ hiếm khi có cơ hội được vào khu vực này.

Trung tâm Hành hương còn lưu giữ các di tích như dây trói, gông cùm… liên quan tới các Thánh Tử Đạo

Ngoài hài cốt, Trung tâm Hành hương còn lưu giữ các di tích như dây trói, gông cùm… liên quan tới các Thánh Tử Đạo

Tượng Đức Mẹ lưu giữ trong Trung tâm Hành hương, nguồn gốc từ Pháp và có từ thời các Thánh Tử Đạo

Tượng Đức Mẹ lưu giữ trong Trung tâm Hành hương, nguồn gốc từ Phápvà có từ thời các Thánh Tử Đạo

Các toà nhà và khu vực khác trong quần thể Sở Kiện

Khuôn viên trong Trung tâm Hành hương

Dòng Mến Thánh Giá cạnh nhà thờ Sở Kiện

Dòng Mến Thánh Giá cạnh nhà thờ Sở Kiện

Những góc rất đẹp quanh nhà thờ Sở Kiện

Những góc rất đẹp quanh nhà thờ Sở Kiện

Vào những năm 1934 – 1936, nhà thờ chính tòa được chuyển lên Hà Nội, nên nhà thờ Sở Kiện không còn là nhà thờ chính toà và sau đó chỉ còn là nhà thờ của giáo xứ Sở Kiện. Đại Chủng Viện, Tòa Giám Mục và nhà in cũng dời về Hà Nội.

Theo thời gian, nhà thờ xuống cấp. Sau này, nhà thờ Sở Kiện đã được trùng tu lần đầu vào năm 1990 và trùng tu lần hai vào năm 2011.

Các cột mốc lịch sử quan trọng

Các cột mốc lịch sử quan trọng

Dù không còn đóng vai trò là trung tâm của Tổng Giáo Phận Hà Nội nữa, nhưng Sở Kiện vẫn có vị trí và vai trò rất quan trọng trong lịch sử Công giáo Việt Nam, các sự kiện lớn cũng thường được tổ chức tại đây.

Những đặc ân của Vương cung thánh đường

Những đặc ân của Vương cung thánh đường

Năm 2008, Sở Kiện được nâng lên làm Trung tâm Hành hương các Thánh Tử Đạo của Tổng Giáo Phận Hà Nội. Và năm 2010, nhà thờ Sở Kiện được nâng lên bậc Vương cung thánh đường. Tại Việt Nam, chỉ có 4 Vương cung thánh đường là Sở Kiện, Phú Nhai, La Vang và nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Việc được nâng lên thành Vương cung thánh đường khẳng định tầm quan trọng về ý nghĩa lịch sử, tâm linh cũng như kiến trúc to lớn, cổ kính của nhà thờ Sở Kiện.

bánh đa Kiện Khê, đặc sản vùng đất Thanh Liêm

Đến với Sở Kiện, bạn còn có cơ hội thưởng thức và tìm hiểu vềbánh đa Kiện Khê, đặc sản vùng đất Thanh Liêm

Check-in Sở Kiện

Check-in Sở Kiện

Sở Kiện ngày nay là điểm hành hương nổi tiếng của Việt Nam và là điểm du lịch nổi tiếng thu hút khách thập phương. Đến đây, du khách không chỉ có cơ hội tham quan một quần thể kiến trúc đậm chất châu Âu, mà còn có cơ hội tìm hiểu về một giai đoạn lịch sử quan trọng của giáo hội Công Giáo Việt Nam. Và chắc chắn một điều, bạn sẽ có rất nhiều bức ảnh đẹp khi tới với nhà thờ Sở Kiện.