Khám phá Đền Rắn Thật ở Penang Malaysia

82

Đền rắn Thần thì đã nghe nhiều rồi nhưng đền mà có rắn thật sống ở đền luôn thì có lẽ ở Penang Malaysia là duy nhất. Ở đây không chỉ có một hay hai con rắn đến sống một thời gian rồi đi, mà cả trăm con rắn sống và sinh sôi nảy nở trong đền này từ khi ngôi đền xây xong trong khoảng từ năm 1850. Và tất cả rắn này đều là rắn độc nhưng lại chưa có ghi nhận có người bị cắn, về mặt tâm linh thì nhiều người tin là do hương khói của Đền nhưng liệu có phải vậy không?

Thông tin về Penang – Malaysia

Penang, hay còn gọi là Pulau Pinang theo tiếng Mã Lai, là một bang ở vùng tây bắc của Malaysia, sát với eo biển Malacca. Bang Penang được chia làm 2 phần, 1 phần là đất liền và 1 phần là đảo Penang. Bang Penang là một trong những bang lớn và quan trọng của Malaysia nên bang Penang luôn là lựa chọn của khách du lịch sau khi đã đi Kuala Lumpur.

Khi đi du lịch Penang thì tất cả mọi người đều sẽ lựa chọn ở George Town trên đảo Penang vì đảo Penang không những kinh tế phát triển mà ẩm thực cũng như địa điểm du lịch nổi tiếng đều nằm trên hòn đảo này, bao gồm cả đền rắn.

Lịch sử đền rắn Penang Malaysia – The Snake Temple

Đền rắn có rất nhiều tên như Hock Kin Keong, Cheng Hoo Giam hay Fu-Xing-Gong và được xây dựng để thờ thần Cheng Chooi Chor Soo hay còn được biết đến với tên gọi là Chor Soo Kong, Master QingShui.

đền Rắn - Penang, Malay

Điện thờ chính từ bên ngoài.

Chor Soo Kong là một sư thầy theo đạo phật sống khoảng 1000 năm trước ở Phúc Kiến, Trung Quốc vào thời nhà Tống (900-1279). Ông là một sư thầy rất nổi tiếng ở Trung Quốc vì sự giác ngộ tâm linh của mình cũng như tính cách và kiến thức y học rộng lớn. Một việc khiến cho tên tuổi ông được đưa lên bậc thần là việc cầu mưa thành công để chấm dứt nạn hạn hán ở Phúc Kiến, Trung Quốc.

Bàn thờ Chor Soo Kong.

Bàn thờ Chor Soo Kong.

Với lịch sử di dân đến các vùng khác ở Đông Nam Á của người Phúc Kiến cùng với sự phát triển kinh tế một cách nhanh chóng của đảo Penang vào thế kỷ 18, đảo Penang đã là một trong nhưng địa điểm ưu tiên hàng đầu của người di dân Phúc kiến. Đến năm 1850, có một vị Sư Thầy từ Phúc Kiến đã đến đảo Penang của Malaysia và xây dựng lên ngôi đền thờ Chor Soo Kong. Do vị trí xây dựng lúc đó là rừng rậm cho nên ngay sau khi ngôi đền được xây xong thì một loài rắn độc đã đến đây tìm chỗ trú ngụ, các Sư Thầy ở đây đã không đuổi chúng đi mà còn cung cấp chỗ ở. Từ đó chúng sinh sôi nảy nở ở đây và ngôi đền dần được biết đến với tên “The Snake Temple”.

Nguồn gốc của loài rắn sống ở Đền

Loài rắn độc này có tên khoa học là Tropidolaemus Wagleri, hay còn gọi là Wagler’s pit viper, temple pit viper, và temple viper. Tên tiếng việt là Rắn Lục Hoa Cân. Đặc điểm nhận diện là thân hình màu xanh, đen, vàng, đan xen với sọc vàng và đầu tam giác. Rất nhiều người sẽ nhầm lẫn với một loài rắn rất phổ biến ở Việt Nam, đó là Rắn Cườm. Nếu để ý kỹ thì Rắn Cườm không có đầu tam giác và phần thân dưới ở Rắn Lục Hoa Cân cái sẽ có màu vàng đậm hơn, còn con đực sẽ có màu xanh và chấm vàng đỏ.

Loài Rắn Lục Hoa Cân này thường được tìm thấy ở Khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.

Đầu tam giác là một đặc điểm để phân biệt với rắn cườm.

Đầu tam giác là một đặc điểm để phân biệt với rắn cườm.

Đền rắn ngày nay

Từ một ngôi đền với mục đích ban đầu là để phục vụ mục đích tâm linh thì ngôi đền này ngày nay được biết đến như một địa điểm thu hút khách du lịch. Ngay khi bước đến ngôi đền rắn sẽ thấy biểu tượng và hình ảnh rắn ở khắp nơi. Khi bước vào bên trong nếu không để ý kỹ thì sẽ chỉ nghĩ đây chỉ là một ngôi đền bình thường không có điều gì đặc biệt. Bạn có khả năng đi lướt qua một con rắn hoặc đứng dưới một con rắn mà không hay biết gì.

đền Rắn - Penang, Malay

Bên ngoài ngôi đền đâu đâu cũng dán hình rắn.

Khi mới đi vào đền rắn, mình đã vào sảnh phụ trước, thoạt đầu thì nghĩ có gì đâu vì không thấy một con rắn nào mà chỉ thấy mấy con trăn trong lồng kính cho khách chụp ảnh, ngoài ra thì còn có cả nhện lông và một số loài rắn độc khác. Khi mình cúi người xuống để nhìn mấy con nhện độc, xem chúng nó có còn sống hay không thì có người mới bảo rắn trên đầu kìa, thì mình mới giật nảy mình và nhìn lên thì mới thấy 5-6 con rắn đang nằm trên một cái cây sắt. Màu của cây sắt là màu đỏ, còn rắn lục hoa cân là màu xanh vàng, mà không hiểu sao mình không thể nhìn ra được khi bước vào. Vào lúc này mình muốn bước ra khỏi đền ngay lập tức vì trong tất cả các con vật thì mình sợ nhất là con rắn. Để bước vào được đây mình đã lấy hết can đảm, niệm nam mô a di đà phật cả buổi. Từ khoảnh khắc thấy những con rắn đó, tóc gáy mình dựng hết lên, bao nhiêu da gà trên cơ thể nổi lên hết. Và cũng từ đây cũng xuất những ánh mặt thất thần, những nụ cười ngờ nghệch.

Khi vừa bước vào sảnh phụ và chưa thấy những con rắn trên cây.

Khi vừa bước vào sảnh phụ và chưa thấy những con rắn trên cây.

Ở đây có trăn cho khách chụp ảnh và một số loài rắn khác.

Ở đây có trăn cho khách chụp ảnh và một số loài rắn khác.

Những con rắn Lục Hoa Cân nằm ngủ trên cây.

Những con rắn Lục Hoa Cân nằm ngủ trên cây.

Nằm bất động tưởng như rắn giả.

Nằm bất động tưởng như rắn giả.

Vì tất cả rắn đang nằm bất động nên rất nhiều người hoài nghi đây có phải rắn thật hay không? Để xua tan đi sự ngờ vực thì một người ở chùa đã chọc cho một con rắn tỉnh giấc, nó tỉnh dậy, cựa cái đầu, lè cái lưỡi xong lại nằm bất động tiếp. Sau đó, có người nghi ngờ là rắn không có độc, thì người ở chùa nói: 有毒的, nghĩa là có độc. Và ở trong chùa đâu đâu cũng dán biển cảnh báo rắn độc, đụng vào bị cắn tự chịu.

Một em rắn được chọc cho tỉnh ngủ để xác nhận là Rắn Thật.

Một em rắn được chọc cho tỉnh ngủ để xác nhận là Rắn Thật.

Biển cảnh cáo không nên đụng vào rắn độc.

Biển cảnh cáo không nên đụng vào rắn độc.

Từ lúc bị giật mình bởi mấy con rắn đó, mình đã chủ động quan sát kỹ hơn cho mỗi bước đi, khi đi qua một gian nhỏ ở giữa, mình đã chú ý rất kỹ và phát hiện được một con nữa ở đây. Nhưng khi đi vào sảnh chính, mình lại không thể nào thấy được những con rắn trên những cái cây sắt đỏ ở trên bàn thờ và đã đưa

điện thoại rất sát để quay. Đến khi xem lại video mới biết tay mình vừa lướt qua trước mặt những con rắn trên điện thờ với khoảng cách rất gần, khoảng 10cm.

Trong gian thờ chính này thì có ba bàn thờ, hai bàn thờ nhỏ bên cạnh chỉ có một con rắn, riêng bàn thờ ở giữa, thờ Chor Soo Kong thì có 2 cây sắt cho rắn nằm, mỗi cây khoảng 2 đến 3 con rắn. Nếu để ý kỹ mọi người sẽ thấy Chor Soo Kong được có làn da đen như người châu phi nhưng lại sinh ra ở Phúc Kiến Trung Quốc vào thế kỷ thứ 9. Ông không phải con lai, mà thực ra mặt Ông bị đen được lý giải là do tai nạn sau một lần thử thuốc. Một lý giải khác lại cho rằng Ông bị quỷ làm cho cho đen mặt. Với bất kỳ lý do gì thì gương mặt đen cũng đã trở thành biểu tượng của Ông.

đền Rắn - Penang, Malay

Chor Soo Kong với gương mặt đen biểu tượng của mình.

Ngoài phòng thờ chính và phòng nuôi rắn bên cạnh, Đền rắn này còn có nguyên một khu phía sau với hàng chục con rắn được thả trong một khu vườn nhỏ trước một điện thờ lớn. Nhiều lời đồn thổi là phía sau này còn có một con rắn Lục Hoa Cân khổng lồ nhưng chưa ai thấy. Tất cả rắn mình nhìn thấy được trong khu vườn này đều không quá to.

Điện thờ lớn phía sau.

Điện thờ lớn phía sau.

Ban đầu, khi mới ra vườn cây, ấn tượng đầu tiên là một vườn cây trĩu quả và tự hỏi là tại sao không ai trong đền này hái quả để ăn. Do màu của Rắn Lục Hoa Cân khá giống với màu lá cây nên sau một lúc thì mình mới nhìn ra được một con rắn đầu tiên, và khi đã quen mắt rồi thì mình đã hiểu tại sao không ai hái quả ăn vì đâu đâu cũng là rắn, lên đến mấy chục con rắn, có chỗ chúng nó quấn lại với nhau nhìn rợn hết cả người. Tuy quen mắt và nhận biết được rắn khá dễ dàng nhưng mình vẫn không dám đụng vào bất kỳ cành cây nào vì vẫn rén, sợ có một con rắn ẩn nấp sau tán lá nào đó và tấn công bất ngờ.

Rất khó nhận biết rắn nếu chưa quen mắt.

Rất khó nhận biết rắn nếu chưa quen mắt.

Khi đã quen mắt sẽ thấy rất nhiều rắn.

Khi đã quen mắt sẽ thấy rất nhiều rắn.

Tại sao chưa có ai bị cắn?

Một lý do được đưa ra cho việc chưa có ai bị cắn là do hương khói ở đền khiến loài rắn cực độc này trở nên hiền dịu, nhưng trên thực tế thì đền này không cho thắp hương ở bên trong vì hương khói sẽ ảnh hưởng và kích thích rắn. Phía trước điện thờ sẽ có một nơi riêng để thắp nhang.

đền Rắn - Penang, Malay

Nơi thắp nhang bên ngoài.

Một lý do khác là tất cả rắn ở đây đều được loại bỏ độc rồi nên có cắn cũng không bị ảnh hưởng gì, nhưng thực tế ở đây đâu đâu cũng dán biển “rắn độc, đụng vào bị cắn tự chịu”, kể cả một người ở chùa cũng nói rắn có độc – 有毒的.

Có thể rắn đã được loại bỏ độc hoặc chưa nhưng thực tế thì loài rắn này bản chất không hung dữ và chủ động tấn công. Khi đã ăn no thường nằm một chỗ bất động và sẽ đi kiếm ăn vào ban đêm.

Cách di chuyển đến Đền Rắn

Đền rắn nằm trên đường Jalan Tokong Ular ngay đoạn giao với đường Jalan Sultan Azlan Shah, cách thị trấn George Town, Penang 14km.

Đọc và xem qua hình ảnh thì đây sẽ là một trải nghiệm đáng sợ đối với những người sợ rắn, còn đối với những người ưa mạo hiểm thì lại cảm thấy kích thích và muốn tận mắt chứng kiến. Dù ở phía nào thì bạn cũng hoàn toàn có thể đến tham quan đền rắn và đứng ở khoảng cách mà bản thân cảm thấy an toàn nha.