Khách Việt đổ xô đi nước ngoài, du lịch nội địa lo thất thu?

11
Vé máy bay tăng giá, thị trường du lịch nước ngoài hút khách, khiến nhiều đơn vị lữ hành lo lắng du lịch nội địa tại Việt Nam dịp hè này không đạt như kỳ vọng.

Mùa hè luôn được xem là mùa cao điểm của du lịch. Tuy nhiên, theo ghi nhận của một số đơn vị lữ hành, hè năm nay, số lượng khách Việt chọn tour trong nước không có sự khởi sắc. Đáng nói, nhiều du khách có xu hướng chọn tour nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, không ít khách Việt thừa nhận họ vẫn chưa có dịp du lịch nhiều nơi tại Việt Nam và cũng rất muốn khám phá quê hương của mình nhiều hơn trước khi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, xét về chi phí ở thời điểm này, du lịch nước ngoài, cụ thể là Thái Lan, lại phù hợp túi tiền hơn.

Tại đơn vị lữ hành Vigotour, các tour Thái Lan (giá khoảng 7,5 triệu đồng/người) trong tháng 6 và tháng 7 đã kín chỗ, cần mở thêm tour mới.

Các đơn vị lữ hành khác, tour du lịch Thái Lan 5 ngày 4 đêm có giá chỉ từ 6,8 triệu đồng. Trong khi đó, tour Phú Quốc 3 ngày 2 đêm đã có giá khoảng 4 triệu đồng; tour Đà Nẵng – Hội An 3 ngày 2 đêm có giá khoảng 5,4 triệu đồng.

Anh Hoài Ân (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, ban đầu anh cùng bạn bè lên kế hoạch cho chuyến du lịch Đà Nẵng – Hội An – Huế dịp hè. Thế nhưng, sau khi tìm hiểu về giá cả, anh Ân cùng bạn bè quyết định chọn du lịch Thái Lan trong tháng 7.

“Nếu đi nội địa 3 ngày 2 đêm như dự định ban đầu, chúng tôi sẽ mất chi phí khoảng 6 triệu đồng/người, trong đó vé máy bay khoảng 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu đi Thái Lan, chúng tôi chỉ cần chi khoảng 7 triệu đồng cho tour 5 ngày 4 đêm. Thời gian du lịch nhiều hơn nhưng chi phí chỉ chênh lệch chưa đến 2 triệu đồng”, anh Ân chia sẻ.

Thành phố biển Nha Trang hiện là một trong những điểm đến hút khách tại Việt Nam (Ảnh: MK).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Minh Mẫn – Giám đốc Truyền thông đơn vị lữ hành TSTtourist – cho biết, khách Việt chọn du lịch nước ngoài chiếm tỷ lệ cao hơn so với các tour trong nước giai đoạn cao điểm hè 2024 vì nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến xu hướng du lịch nước ngoài tự túc ngày càng tăng cao đối với các nhóm gia đình.

Giám đốc Truyền thông đơn vị lữ hành TSTtourist cũng cho rằng, khách Việt chuộng du lịch nước ngoài còn xuất phát từ nhu cầu của du khách cũng như các chính sách tăng cường hợp tác quảng bá điểm đến mới, cùng các chính sách ưu đãi các nước dành cho du khách tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, việc giá tour nước ngoài đang có xu hướng tiệm cận giá tour trong nước cũng chính là một trong những yếu tố khiến khách Việt chọn du lịch nước ngoài thay vì tour trong nước.

“Những điểm đến phổ biến và thuận tiện được du khách quan tâm thường tập trung vào khu vực các quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Thái Lan là điểm đến được chọn nhiều nhất vì có nhiều điểm tham quan để du khách chọn lựa, kế đến là Singapore, Malaysia, Bali (Indonesia), Trung Quốc”, ông Mẫn cho hay.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Đặng Văn Sơn – Đại diện đơn vị lữ hành Đất Việt Tour – cho biết, du lịch nội địa năm nay có khởi sắc, nhưng không “bùng nổ”. Các điểm đến trong nước được khách Việt ưa chuộng đều là những địa điểm du lịch có thể “né” đường bay như Bình Thuận, Hồ Tràm, Nha Trang… 

Ông Sơn cũng chia sẻ thêm, các điểm đến tại miền Bắc và miền Trung, điển hình như Quy Nhơn (Bình Định), có lượng khách sụt giảm so với cùng kỳ mọi năm, do ảnh hưởng nhiều từ việc giá vé máy bay tăng cao. Điều này khiến du lịch nội địa đứng trước nỗi lo thất thu.

Đại diện đơn vị lữ hành Đất Việt cho biết hè này, lượng khách đến Quy Nhơn sụt giảm (Ảnh: Doãn Công).

Ông Sơn cho rằng, ngoại trừ vấn đề vé máy bay nội địa tăng cao thì vấn đề du lịch nước ngoài hút khách Việt, cũng khiến du lịch nội địa có phần “lép vế”.

“Thời điểm này, lượng du khách đi nước ngoài, nhất là Thái Lan, đột nhiên tăng vọt trở lại, nên cũng ảnh hưởng phần nào đến tình hình du lịch trong nước. Nếu so với mọi năm, thời điểm này là lúc du lịch Việt “bùng nổ”, nhưng đến hiện tại, con số này vẫn chưa thật sự ấn tượng”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng, một trong những yếu tố khiến các tour trong nước “ế ẩm”, là do các điểm du lịch trọng điểm tại Việt Nam chưa có sự đổi mới qua nhiều năm, khó lòng khiến du khách quay trở lại lần 2, lần 3.

“Bên cạnh đó, chính sách kết nối, cung cấp dịch vụ tại các địa phương chưa thật sự hợp lý. Có điểm du lịch vào cổng chỉ mất 15.000-20.000 đồng, nhưng có nơi lại mất hơn 100.000 đồng. Dù biết có những nơi đầu tư nhiều thì giá vé phải cao, nhưng sự chênh lệch này cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của du khách”, ông Sơn nhận định.