Khách Việt đi chợ rẻ nhất Việt Nam ở Phú Yên: Cầm 50.000 ăn đủ món ngon

50
Anh Lập đi hết một vòng chợ Giai Sơn ở Phú Yên, ăn no bụng với tô bún chả cá 10.000 đồng, thêm 2 chiếc bánh xèo 5.000 đồng, ly chè 3.000 đồng vẫn chưa tiêu hết 50.000 đồng.

Vài năm trở lại đây, được nhiều blogger du lịch tới trải nghiệm và đặt tên gọi “chợ dân sinh rẻ nhất Việt Nam”, chợ Giai Sơn thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, đã trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi du khách đến với xứ Nẫu.

Từ 5h sáng, chợ Giai Sơn đã mở cửa, bán nhiều món ăn địa phương (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sở dĩ có tên gọi “rẻ nhất Việt Nam” bởi các món ăn ở đây có mức giá chỉ từ 1.000 đồng, thậm chí có những món chỉ có giá 500 đồng. Nhiều du khách rỉ tai nhau, đến Phú Yên nhất định phải sắp xếp thời gian tới chợ, chuẩn bị sẵn “chiếc bụng đói” để bắt đầu hành trình “ăn sập” mà không sợ ảnh hưởng tới hầu bao.

Anh Võ Thành Lập, 31 tuổi, hiện sống và làm việc tại TPHCM, là một trong những du khách như vậy. Đã biết tới chợ Giai Sơn qua nhiều trang mạng xã hội nên nhân chuyến đi tới Phú Yên cùng nhóm bạn, anh Lập dành thời gian tới trải nghiệm xem thực hư mức giá tại đây có đúng như lời đồn.

Anh Lập thưởng thức món bánh xèo nhân hải sản với giá 10.000 đồng 4 chiếc (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Xuất phát từ TPHCM, anh cùng nhóm bạn hạ cánh xuống sân bay tại Tuy Hòa, dự kiến lưu trú trong 3 ngày 3 đêm. Từ sân bay, nhóm bạn di chuyển tới trung tâm thành phố ở Tuy Hòa.

Theo kinh nghiệm bản thân, anh Lập cho biết để tiện đi lại và đảm bảo an toàn, cả nhóm thuê xe du lịch bao trọn nguyên ngày với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng.

Với loại hình này, tài xế sẽ đưa du khách đi tham quan trọn gói nguyên cánh phía bắc của Phú Yên gồm nhiều địa danh nổi tiếng như Bãi Xép – thiên đường được lựa chọn làm bối cảnh chính để quay bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Hòn Yến, đầm Ô Loan, Ghềnh Đá Đĩa.

Chợ Giai Sơn cũng nằm trong cung đường này nên rất thuận lợi để khám phá.

Chợ còn bày bán nhiều món ăn lạ nhưng vị khách TPHCM đã no căng bụng chưa kịp thưởng thức (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Lần đầu tới chợ vào 9h sáng, anh Lập thấy các hàng quán gần như đã bán gần hết. Sau khi hỏi thăm một số người địa phương, anh mới biết chợ mở từ 5h sáng. Do đây là chợ ở thôn nên chỉ hơn 9h sáng là đồ ăn không còn nhiều.

Rút kinh nghiệm, lần thứ 2 cả nhóm đến chợ thời điểm 7h. Lúc này, các quầy đồ ăn rất phong phú, đủ mọi món ngon để thực khách thưởng thức. Và giá cả là điều khiến vị khách đến từ TPHCM đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.

Theo anh Lập, các món ăn ở đây “siêu rẻ” so với mặt bằng chung sinh hoạt ở những thành phố lớn tại Việt Nam. Đơn cử như bánh căn chỉ có 5.000 đồng/8 chiếc, bánh ướt 3.000 đồng/đĩa, bánh xèo 10.000 đồng/4 chiếc, chè trung bình từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/ly.  

Các món nước như bún chả cá, cháo lòng, bánh canh, bún riêu chỉ 10.000 đồng/bát đầy đủ thịt, chả, rau. Thậm chí, nếu khách gọi loại bát 7.000 đồng (ít bún và chả cá hơn), tiểu thương vẫn vui vẻ bán.

Anh Lập ăn thử một tô bún chả cá và nhận thấy hương vị tươi ngon. Tiếp đến, anh ăn thêm một ly chè với giá 3.000 đồng. Hàng chè giá rẻ nhưng không thiếu loại nào, từ chè đậu, chè rau câu cho tới sương sa hạt lựu. Hương vị chè ít ngọt, vị thanh hơn so với những hàng chè anh từng ăn ở thành phố.

Chuyến đi của vị khách kéo dài 3 ngày 3 đêm (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Riêng bánh xèo ở chợ Giai Sơn là loại bánh có nhân mực, tôm tươi, phủ lớp bột dày và mềm chứ không giòn rụm. Khi ăn, thực khách sẽ chấm cùng mắm nêm chứ không phải nước mắm chua ngọt.

“Ấn tượng lớn nhất với tôi là giá thành đồ ăn quá rẻ so với mức giá ở thành phố nơi tôi đang sinh sống. Tôi có hỏi thăm một số người dân thì được biết các chợ quê xung quanh đó cũng có giá tương tự. Nhưng chỉ duy nhất chợ Giai Sơn nằm trên cung đường tour du lịch cánh bắc của Phú Yên nên được nhiều người biết đến hơn cả”, anh Lập nhận xét.

Ghềnh Đá Đĩa là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Phú Yên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo kinh nghiệm của vị khách, nếu muốn ghé thăm chợ, du khách nên đi sớm và có mặt trước 7h sáng để được trải nghiệm tốt nhất.