Khách Tây thích thú trải nghiệm "leo núi rồi thả mình xuống biển" ở Cát Bà

60
Được xếp vào một trong những hình thức leo núi được ưa chuộng tại nước ngoài, Deep water soloing đang dần trở thành xu hướng của những du khách ưa thích các bộ môn mạo hiểm tại quần đảo Cát Bà.

Để trải nghiệm thú chơi Deep water soloing (leo vách đá tự do rồi thả mình xuống nước), người chơi phải tự mình leo lên những vách đá thẳng đứng, đến khi mỏi sẽ buông tay để bản thân rơi tự do xuống vùng nước sâu.

Đây là thú chơi được xem là một môn thể thao tự nhiên nhất trong các loại hình leo núi, vì xét tính an toàn chỉ cần nước đủ sâu là ổn. Người tham gia không cần quá nhiều dụng cụ như dây bảo vệ thắt lưng, dây thừng, móc, hay tấm nệm, mà chỉ cần mang theo đôi giày leo núi và đặc biệt là… lòng dũng cảm.

Vịnh Lan Hạ – Cát Bà được coi là “thiên đường” của những người muốn thử sức với bộ môn này, bởi sự đa dạng của các vách đá, độ sâu của nước cũng như địa hình rất phù hợp cho Deep water soloing (Ảnh: Cat Ba Climbing)
Ngoài việc yêu cầu người tham gia phải biết bơi, để đảm bảo an toàn khi nhảy xuống, bên dưới phải có nước và độ sâu lớn để người chơi không gặp nguy hiểm (Ảnh: Cat Ba Climbing)
Người chơi có thể tự trang bị giày, chèo thuyền kayak ra núi đá, hoặc liên hệ để thuê các đơn vị chuyên kinh doanh hỗ trợ về bộ môn này ở Cát Bà (Ảnh: Cat Ba Climbing)

Các đơn vị sẽ hỗ trợ đưa người chơi ra sát vách đá và cung cấp giày leo núi, bột magie bôi tay giúp tay ma sát hơn trong quá trình bám và một “bản đồ” các con đường leo với mức độ từ dễ đến khó, giá cho một lần thuê dao động 500.000-600.000 đồng (Ảnh: Cat Ba Climbing)

“Bản đồ” các đường leo và chỗ nhảy từ mức độ dễ đến khó, ký hiệu 4-5C là dễ nhất, dành cho người mới tập chơi, 6A-6B cho dân bán chuyên nghiệp và 6B-7A cho đến 8 và 9 là dành cho dân chuyên nghiệp (Ảnh: Cat Ba Climbing)

Các đơn vị hỗ trợ đưa người chơi ra sát vách đá và chỉ đường leo. Đại diện CLB Cat Ba Climbing cho biết, lượng du khách nước người tham gia nhiều hơn khách Việt Nam. “Khoảng 2-3 tháng gần đây, khách Việt Nam có tăng hơn so với nửa năm trước. Tôi hy vọng bộ môn này sẽ phổ biến hơn với người Việt”, anh Quang Hùng – đại diện CLB – chia sẻ (Ảnh: Cat Ba Climbing)

Anh Nguyễn Đình Văn cho biết rất đam mê bộ môn này chỉ sau một lần chơi thử: “Khi bản thân dùng toàn bộ sức lực để leo lên cao nhất, từ hồi hộp, đấu tranh với chính mình trước khi nhảy và cảm giác được giải tỏa, thoải mái khi tiếp nước khiến tôi không thể quên” (Ảnh: NVCC)

Deep water soloing là bộ môn đòi hỏi sự dẻo dai của đôi tay, khéo léo của chân và cần biết phân phối sức, phối hợp nhịp nhàng giữa chân và tay, đặc biệt là sự tỉnh táo và vận dụng trí não (Ảnh: Cat Ba Climbing).

Ngoài ra, người chơi còn phải học cách tiếp nước sao cho an toàn và tránh gây đau, rát cơ thể (Ảnh: Cat Ba Climbing).

Nhiều du khách là trẻ em nước ngoài cũng thử sức với Deep water soloing. Bộ môn yêu cầu người chơi phải biết bơi, đủ 18 tuổi hoặc nếu dưới 18 tuổi cần có phụ huynh đi kèm (Ảnh: Cat Ba Climbing).

Phillippe Stacker (30 tuổi, du khách người Pháp) cho biết, Cát Bà là điểm đến tuyệt vời cho những người đam mê Deep water soloing. “Cao nhất tôi đã từng leo là 30m, khi nhảy xuống tôi cảm giác được giải phóng cơ thể, vượt qua giới hạn của bản thân” (Ảnh: Cat Ba Climbing).

Ngoài mực nước lý tưởng và những vách núi cao dựng đứng, các mỏm đá đều vươn ra ngoài, giúp người chơi có thể an toàn tiếp nước trong trường hợp tuột tay khi leo (Ảnh: Cat Ba Climbing).

Có thể nói, Deep water soloing là bộ môn thú vị nhưng cũng đầy mạo hiểm. Ngoài khả năng bơi lội, người chơi cần phải đảm bảo đủ sức khỏe, kỹ năng và kiến thức trước khi quyết định thử sức với “thú chơi” này.

Deep water soloing là môn thể thao mạo hiểm, đòi hỏi các du khách khi tham gia buộc phải đảm bảo các tiêu chí về sức khỏe, không mắc các bệnh huyết áp, tim mạch, phải biết bơi, có kỹ năng leo núi. 

Xuyên suốt hành trình, sẽ có người bố trí để theo dõi, hỗ trợ du khách. 

Khách tuyệt đối không tự ý thực hiện trải nghiệm này.

Kiều Minh