Trước khi đến Việt Nam, bà Alison (du khách Úc) bị thu hút bởi những hình ảnh sôi động, nhộn nhịp của chợ nổi Long Xuyên (An Giang) – một trong những điểm đến đặc trưng của miền Tây Nam bộ.
Trong tưởng tượng, bà kỳ vọng có cơ hội được trò chuyện, tiếp cận những thương hồ (người lấy ghe làm nhà, bám các chợ nổi để mưu sinh), tiểu thương trên chợ nổi. Tuy nhiên, khi được trải nghiệm thực tế, vị khách Tây bày tỏ sự thất vọng vì chợ nổi này khá đìu hiu, thưa thớt người.
Chợ nổi Long Xuyên tọa lạc tại bến phà Ô Môi (phường Mỹ Long, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang). Chợ nổi cách TP Long Xuyên khoảng 2km và được hình thành từ lâu đời. Nơi đây từng được biết đến là trung tâm chợ đầu mối kinh doanh các loại nông sản, trái cây của tỉnh An Giang.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khoảng 8h30, quang cảnh ở chợ nổi Long Xuyên khá vắng vẻ. Các ghe xuồng neo đậu ở đây chủ yếu chứa nông sản, trái cây như dưa hấu, thơm, củ sắn… với số lượng lớn.
Mặc dù được biết đến là chợ nổi lớn thứ 2 của Đồng bằng sông Cửu Long (sau chợ nổi Cái Răng) nhưng chợ nổi Long Xuyên gần như không có cảnh nấp nập người mua, kẻ bán. Việc tìm kiếm các ghe thuyền bán đồ ăn hay các món đặc sản cũng vô cùng khó khăn với du khách.
Nhiều khách tham quan bày tỏ, họ gần như không cảm nhận được không khí của chợ nổi, thay vào đó chỉ là vài chiếc ghe neo đậu thưa thớt cùng một số cảnh sinh hoạt của người dân miền sông nước.
Thực tế, khách du lịch cũng khó có được những bức ảnh chèo xuồng hay thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm việc mua bán trên sông…
Anh Phạm Hữu Nghĩa – Giám đốc điều hành của du thuyền trên sông Mekong, người từng khảo sát các điểm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long – cho biết chợ nổi Long Xuyên từng là một nơi buôn bán sôi động, nhộn nhịp của miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, theo thời gian, nơi này đã mất dần không khí buôn bán tấp nập do sự phát triển của giao thông đường bộ.
Anh Nghĩa nói thêm: “Để tiết kiệm thời gian, người dân thường chọn vận chuyển hàng hóa bằng xe tải hoặc xe ba gác thay vì bằng xuồng ghe như trước. Ở miền Tây hiện chỉ còn 2 chợ nổi lớn là Cái Răng và Long Xuyên, nhưng chợ nổi Long Xuyên đang có nguy cơ bị mai một vì vắng bóng thương hồ”.
Theo anh Nghĩa, chợ nổi thường nhộn nhịp theo mùa, đặc biệt là mùa trái cây vào dịp cận Tết. Riêng chợ nổi Long Xuyên giờ cũng ít còn các hoạt động mua bán vào sáng sớm như xưa, chỉ có những chiếc ghe lớn neo lại để giao trái cây cho tiểu thương trong chợ.
Anh Tùng (36 tuổi), người lái ghe chở khách du lịch tham quan chợ nổi Long Xuyên, cho biết so với 8 năm trước, lượng khách đến tham quan nơi này tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, số lượng người dân sống và buôn bán trên chợ nổi lại ngày càng ít.
Một trong những điểm đặc trưng của những chiếc ghe trên chợ nổi là hình ảnh “cây bẹo” được cắm ở đầu mũi. Cây bẹo được xem là phương thức quảng cáo, chào hàng ở chợ nổi.
Người bán sẽ dùng một cây sào dài bằng gỗ chống trước mũi ghe để treo những mặt hàng mà họ bán. Người mua có thể nhìn vào cây bẹo để chọn sản phẩm cần mua.
Bà Vàng (62 tuổi) cho biết bà bán cà phê ở chợ nổi đã được 40 năm. Dù đã có tuổi, tai không nghe rõ nhưng bà vẫn duy trì công việc này vì “miếng cơm manh áo”. Hằng ngày, bà lái chiếc ghe nhỏ quanh khu chợ nổi để bán cà phê, nước ngọt cho các thương hồ, khách du lịch.
Chợ nổi ngày càng vắng bóng người, doanh thu từ “ghe cà phê” của bà chỉ hơn 100.000 đồng/ngày nhưng bà vui vì số tiền này đủ lo cơm ngày 3 bữa cho bản thân.
Tuy hoạt động mua bán ở chợ nổi khá đìu hiu nhưng các ghe lớn chở hàng hóa, vật liệu xây dựng vẫn thường xuyên di chuyển ngang khu vực này.
Để đáp ứng nhu cầu di chuyển cho các phương tiện giao thông đường thủy, người dân sống hai bên bờ dựng lên các trạm bán lẻ xăng dầu trên bè.
Ngoài ra, hai bên bờ của chợ nổi Long Xuyên vẫn còn lác đác một số nhà bè. Theo lời một người lái ghe ở đây, người dân vì không có đất để an cư nên họ chọn xây nhà trên bè, chấp nhận cảnh sống lênh đênh trên sông nước.