Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh “du lịch đêm nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi lại bỏ”. Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian, sau đó du khách không đến nữa.
Tại Việt Nam, du lịch đêm được nhận định là “hướng đi đúng đắn”, song sản phẩm còn nghèo nàn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện Quyết định 1129 của Thủ tướng về phê duyệt đề án kinh tế đêm, Bộ đã chọn 12 tỉnh, thành phố phát triển một số sản phẩm du lịch đêm.
Các địa phương này phát triển kinh tế, sản phẩm du lịch đêm theo mô hình phát triển các khu phố đi bộ, chợ đêm, tổ hợp giải trí… với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy vậy, du lịch đêm vốn được xem là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được, bởi đây là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp nhiều ngành. Nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân du lịch đêm ở Việt Nam chưa thể bứt phá.
Du lịch đêm nhưng… đóng cửa sớm
Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội, nhận định du lịch đêm là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, nếu được tổ chức và khai thác tốt thì sẽ trở thành một trong những hoạt động chủ đạo mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế.
Trên thực tế, một số địa phương đã bắt đầu khai thác du lịch đêm từ nhiều năm qua như: Hà Nội, TPHCM, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Ninh Bình, Quảng Ninh…
Tại Hà Nội, du lịch đêm tập trung hầu hết tại các quận với những con phố đi bộ đặc trưng hồ Gươm, Trần Nhân Tông, Trịnh Công Sơn, thành cổ Sơn Tây hay phố ẩm thực Trúc Bạch…
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lữ hành, điểm đến du lịch, đặc biệt là những điểm đến di tích, di sản đã xây dựng được một số sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống như “tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; “tour Du lịch Đêm Thiêng Liêng” của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, “Tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám – tinh hoa đạo học”…
Các mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật đêm cũng được chú trọng phát triển như nhà hát chèo Hà Nội, nhà hát Cải lương Hà Nội, nhà hát Múa rối Thăng Long.
“Nhưng xét về hiệu quả du lịch đêm, các địa phương mới chỉ dừng lại thành công bước đầu. Chúng ta chưa định hình được đúng nghĩa “du lịch đêm” như một số quốc gia: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Anh…”, ông Tiến nói.
Theo chuyên gia, kinh tế đêm hay du lịch đêm phải kéo dài từ 18h đến 6h sáng hôm sau. Còn tại nhiều địa phương của Việt Nam, khoảng 11h đêm đã tương đối vắng du khách, chỉ mới thí điểm mở rộng hoạt động kinh doanh đến 2h sáng tại khu vực phố cổ vào những ngày cuối tuần.
Ngoài ra, hoạt động vui chơi, ẩm thực cũng “xung đột” với hoạt động an ninh, trật tự do các địa phương chưa quy hoạch các điểm chơi đêm rõ ràng; nhiều quán bar, nhà hàng nằm trong khu dân cư, khó hoạt động muộn, dễ ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của người dân.
Ông Tiến đề xuất các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đêm dựa theo Quyết định 1129 của Chính phủ, đa dạng sản phẩm, đặc biệt có những cơ chế dung hòa lợi ích giữa các bên, quy hoạch khu riêng biệt để tổ chức hoạt động du lịch đêm.
“Du lịch đêm cần khoanh vùng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng cuộc sống người dân địa phương”, ông Tiến cho hay.
Chính quyền các điểm đến cần chọn lọc các sản phẩm du lịch đêm mang tính đặc trưng và khác biệt về giá trị văn hóa.
Ông Tiến nhận định một trong những nguyên tắc của sản phẩm du lịch là phải có sự khác biệt giữa các quốc gia, giữa các vùng miền, song phải phù hợp thị hiếu của du khách, từ các chương trình biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, đến đồ lưu niệm.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội khuyến khích các địa phương “mạnh dạn” thí điểm tổ chức các hoạt động xuyên đêm, kéo dài đến 6h sáng.
Đồng thời, chính quyền nên có các chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch đêm thành sản phẩm chủ đạo của kinh tế đêm, thu hút khách đến chi tiêu nhiều hơn và kéo dài thời gian lưu trú.
“Khách Tây đi bộ rồi mang tiền về… ngủ”
Ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của Lux Group, nhận định Việt Nam “làm chưa tới” trong việc khai thác du lịch đêm. Ông cho rằng nhiều địa phương hiểu chưa đúng về “du lịch đêm”, nên chỉ dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ ẩm thực, đi chơi, bán vài món đặc sản…
Ông Hà nhấn mạnh du lịch đêm là tổng hợp toàn bộ trải nghiệm “tạo ra tiền”, lấy khách hàng làm trung tâm, các hoạt động tại các điểm đến đủ hấp dẫn, giàu cảm xúc, chứ không phải “du khách đi bộ lèo tèo rồi về ngủ”.
Du lịch đêm phải phục vụ du khách tối đa, để họ được “mệt rồi về nghỉ”, chi đến đồng tiền cuối cùng, khi rời địa phương sẽ “hẹn lần sau trở lại”.
Thời gian qua, Hà Nội và nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động du lịch để phát triển kinh tế đêm như: tour du lịch, các khu chợ cho khách vui chơi, các sản phẩm du lịch đêm…
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, các dịch vụ phát triển kinh tế đêm chưa thực sự phong phú, doanh thu từ khách du lịch còn thấp nhất là các dịch vụ sau 0h.
Theo ông Hà, du khách, đặc biệt là khách Tây, chưa chi tiêu nhiều là do các sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam không thú vị và không liên kết, không tạo ra được các trải nghiệm “thâu đêm, suốt sáng”.
“Chúng ta chủ yếu tổ chức các hoạt động ăn uống, đi bộ. Du khách đang vui thì phải đi về”, ông Hà nói.
Chủ tịch Lux Group lấy ví dụ tại Thái Lan, du khách chi tiêu trung bình gấp 3 lần tại Việt Nam, phần lớn thời gian chi tiêu là sau 18h.
Để tạo điều kiện cho các sản phẩm về đêm, tháng 12/2023 Thái Lan cho phép các quán bar, câu lạc bộ đêm và các địa điểm giải trí khác mở cửa đến 4 giờ sáng. Việc kéo dài thời gian chỉ được phép thực hiện ở 5 địa điểm nổi tiếng về các hoạt động giải trí ban đêm như: Bangkok, Phuket, Kon Samui, Pattaya và Chiang Mai.
Quyết định nới lỏng này ngay lập tức đã tạo ra cú hích, khiến lượng khách đến Thái Lan tăng vọt. Chỉ trong tháng 12, chính phủ nước này đã thu được hơn 54,4 tỷ baht (1,6 tỷ USD) từ du lịch, tăng 44% so với một năm trước đó, phần lớn đến từ việc kéo dài thời gian về đêm và sự kiện đếm ngược mừng năm mới.
Cũng ở châu Á, Thượng Hải (Trung Quốc) vài năm nay bắt đầu quảng bá cho các rạp chiếu phim mở cửa 24/24. Để tăng thời gian lưu trú và số tiền chi tiêu của khách du lịch, Bắc Kinh đã kéo dài thời gian hoạt động của các tuyến tàu điện, bổ sung thêm các tuyến xe buýt đêm. Họ lên kế hoạch thiết lập một chuỗi nhà hàng, cửa hàng tiện lợi, rạp chiếu phim và cả… hiệu sách mở cửa 24/7 quanh các ga tàu. Thành phố cũng dự định xây 16 chợ đêm và biến 10 con phố thành phố ăn đêm chuyên biệt.
Du lịch đêm tại Việt Nam tạo cảm giác buồn và chán nản, du khách mang tiền đến rồi lại mang về, vì buổi tối không biết chi tiêu vào đâu, họ chỉ đi bộ rồi về ngủ.
Ông Hà cho rằng có nhiều rào cản phát triển du lịch đêm. Thứ nhất, chính quyền địa phương “chưa mặn mà” với du lịch đêm, không lấy du khách làm trung tâm.
Chính quyền còn lúng túng trong quản lý các hoạt động về đêm, sợ mất an ninh trật tự địa phương. Nhiều “sự cấm cản” đã khiến các nhà đầu tư nản lòng, du khách buồn chán bỏ sang các nước lân cận.
“Nhà đầu tư vui thì mới tạo ra những trải nghiệm cho khách hàng vui. Vui là cái quan trọng nhất của kinh tế đêm”, ông Hà nói.
Nhìn vào các thành phố ở các nước láng giềng đã thành công với mô hình kinh tế đêm, dễ nhận ra có một đặc điểm là họ quy hoạch phân khu tập trung, biến các tụ điểm giải trí và dịch vụ ban đêm trở thành một tổ hợp, nơi các hoạt động mua sắm, giải trí và ẩm thực diễn ra thâu đêm suốt sáng, nơi du khách có thể trải nghiệm trọn vẹn chuyến đi từ phút đầu đặt chân tới đến lúc rời đi.
Theo ông Hà, mỗi địa phương đều có những tiềm năng riêng để phát triển du lịch đêm. Lux Group đã khai thác tour du thuyền trên vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ, Nha Trang, sắp tới là trên sông Sài Gòn để khách trải nghiệm ngắm hoàng hôn, thưởng nhạc và ăn tối.
Nhưng tất cả chỉ diễn ra trong một số khung giờ cố định theo yêu cầu của chính quyền địa phương, dù du khách có nhu cầu ở lại lâu hơn.
Nhu cầu của từng dòng khách cũng khác nhau. Đơn cử như tại Hạ Long (Quảng Ninh) khách châu Âu thích những tour ngủ đêm trên vịnh để trải nghiệm sự tĩnh lặng, trong khi khách châu Á thích sự sôi động của những thành phố không ngủ, chơi thâu đêm để tiêu sạch tiền.
Thứ hai, một số địa phương có hoạt động ban đêm, nhưng dịch vụ còn hạn chế, đơn điệu, chủ yếu tập trung vào ăn uống. Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng để thu hút đầu tư.
Thứ ba, tâm lý e ngại các hoạt động dịch vụ về đêm của cộng đồng cư dân bản địa, sợ ồn ào, mệt mỏi ảnh hưởng đến công việc hôm sau của mình.
“Ngoài chính sách và cơ chế, chúng ta nên cởi mở về tư duy, đổi mới nhìn nhận để “lôi kéo” khách du lịch trở lại nhiều lần”, ông Hà nói.
Từng đi và trải nghiệm du lịch đêm tại nhiều quốc gia, ông Hà nhận định điểm mấu chốt của vấn đề là “khách muốn gì thì phải đáp ứng nhu cầu đó để họ sẵn sàng rút hầu bao”.
Thái Lan – đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam – thường xuyên thay đổi trải nghiệm cho du khách với những hoạt động về đêm “không thiếu gì, miễn là khách có tiền”. Các hoạt động mang tính liên kết như: đi du thuyền trên sông, các chương trình biểu diễn, cơ sở massage thậm chí cả phố… đèn đỏ.
“Những gì du khách mong muốn, đều có tại Thái Lan. Họ đổi mới và sáng tạo khiến du khách rút đến đồng tiền cuối cùng vẫn cảm thấy vui. Bởi họ thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tạo ra tiền”, ông Hà cho hay.
Cũng trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 5/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, thì các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm.
Cùng với đó, chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự…) và nghiên cứu phát triển thị trường.
Các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực…
Làm được những việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.