Dù chưa chính thức khai mạc, từ sáng 17-5, Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 diễn ra ở công viên Lê Văn Tám (Q.1) đã thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan các gian hàng, thưởng thức sự đa dạng của bánh mì Việt Nam.
Thưởng thức ổ bánh mì Tuấn 7 kẹo, chị Carmen, du khách New Zealand, cùng nhóm bạn cho hay cả đoàn đã trải qua hai tuần xuyên Việt. TP.HCM là điểm dừng chân cuối cùng. Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, món ăn cả đoàn được mọi hướng dẫn viên giới thiệu “phải thử” là bánh mì, nên đến Hà Nội hay Hội An ai cũng tranh thủ thưởng thức bánh mì.
“Tuy nhiên, vị bánh mì ở TP.HCM ngon nhất, trong nhóm ai cũng khen như vậy. Chúng tôi tình cờ biết lễ hội và bất ngờ trước sự đa dạng chủng loại bánh mì Việt Nam. Ẩm thực ở Việt Nam rất ấn tượng”, chị Carmen nói với Tuổi Trẻ Online.
Ngay từ những ngày đầu khởi động, Lễ hội Bánh mì lần 2 đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng bởi quy mô và sự đa dạng, mỗi thương hiệu đem đến một hương vị, cách ăn khác nhau từ bánh mì kem, bánh mì thịt, bánh mì chả, bánh mì muối ớt đến bánh mì bò xào… Một số thương hiệu tìm cách làm mới bánh mì qua vỏ bánh như bánh mì gấc, bánh mì làm từ rau Ngọc long biển (Saphire)…
Tại gian hàng của Vinamilk, món bánh mì chấm sữa Ông Thọ – món ăn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ – một lần nữa gây thương nhớ và trở thành món ăn “tạo cơn sốt” trong ngày đầu tiên của lễ hội. Ở đây, cũng tái hiện một “góc phố ẩm thực tuổi thơ” gắn với ký ức tươi đẹp và náo nhiệt của nhiều thế hệ.
Đến với lễ hội bánh mì mới có thể cảm nhận được sự yêu thích mà người dân, du khách dành cho món ăn Việt Nam nhiều như thế nào. Đại diện Vinamilk cho biết trong 3 ngày sự kiện, khu vực “góc phố ẩm thực tuổi thơ” của sữa Ông Thọ đặt mục tiêu đón tiếp hàng ngàn khách hàng đến trải nghiệm, với các hoạt động trình diễn khác như: chế biến món ăn làm từ sữa đặc cùng đầu bếp nổi tiếng, biểu diễn văn nghệ nhảy “Vũ điệu chấm sữa” hay trang trí lon sữa…
Một món ăn “tuổi thơ” khác cũng hút khách là bánh mì kẹp kem rưới sữa đặc gắn với tiếng leng keng của xe kem đầu ngõ. Chị Cúc, chủ gian hàng bánh mì kem, cho biết ở Lễ hội Bánh mì năm ngoái, gian hàng bán hơn 500 ổ/ngày. Nhiều người tìm lại được món ăn thân quen nên rất hào hứng.
Ngoài gian hàng thương mại, du khách còn được trải nghiệm bánh mì miễn phí từ các gian hàng. Đại diện gian hàng ABC Bakery cho biết các hoạt động làm bánh mì trực tiếp tại lò sẽ được giới thiệu liên tục, du khách tham quan quy trình làm bánh mì donut, mô phỏng dây chuyền sản xuất bánh mì hamburger và khách được thưởng thức miễn phí các loại bánh mì mini vào những khung giờ nhất định.
Sự đa dạng của bánh mì Việt Nam còn thể hiện qua mức giá. Với từ 20.000 đồng, khách có thể thưởng thức một ổ bánh mì thịt trứ danh của thương hiệu bánh mì Bảy Hổ, hay 68.000 đồng cho ổ bánh mì Huỳnh Hoa… Càng về chiều, lượng khách đổ về càng đông, nhân viên các gian hàng tất bật phục vụ bánh mì để khách tham quan dùng thử miễn phí hoặc mua với giá tốt.
Gia đình chị Quỳnh Mai (Q.1) cho biết đã tranh thủ thưởng thức 3 thương hiệu bánh mì, nhưng chưa đến 200.000 đồng. “Mỗi người thích một vị. Các con tôi rất thích ăn bánh mì, có thể ăn thay cơm, đặc biệt món bánh mì chấm sữa đặc”, chị Mai chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Khánh – chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, đơn vị tổ chức – cho biết ban tổ chức phối hợp chặt chẽ với Sở An toàn thực phẩm TP.HCM để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho tất cả các gian hàng khi tham gia lễ hội. Ngoài ra, công tác đảm bảo an ninh trật tự được chú trọng với sự phối hợp của các lực lượng chức năng, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.