Khách phàn nàn vịnh Hạ Long đầy rác, thu phí tới 600.000 đồng là đắt đỏ?

48
Chuyên gia cho rằng vịnh Hạ Long dù là di sản thiên nhiên nhưng rác thải nổi lềnh bềnh khiến du khách không dám tắm. Liệu mức giá đề xuất tới 600.000 đồng/người có tương xứng chất lượng dịch vụ?

Mức phí 600.000 đồng có tương xứng chất lượng dịch vụ?

Những ngày qua, du khách xôn xao trước thông tin Quảng Ninh đề xuất thu phí cao nhất lên tới 600.000 đồng/người đi vịnh Hạ Long. Mức giá này tăng gấp đôi mức phí hiện tại (310.000 đồng/người).

Đề án được đánh giá “đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản vịnh Hạ Long, gia tăng sản phẩm du lịch phát triển kinh tế đêm tăng nguồn thu phí tham quan”.

Dù mới là đề xuất, đề án này đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân và du khách.

Quảng Ninh đề xuất thu phí 600.000 đồng/người tham quan vịnh Hạ Long (Ảnh: Sơn Nguyễn).

“Với mức giá quá đắt này, khách du lịch không còn muốn tham quan vịnh Hạ Long nữa. Địa phương không nên thấy khách đông mà tăng giá để… mất khách”, độc giả Trần Hữu Lân nêu quan điểm.

“Tăng giá vé thì lượt khách sẽ giảm, kéo theo nhiều ngành nghề thất thu, lúc đó được thì ít mà mất thì nhiều. Khách đến Hạ Long không chỉ tham quan vịnh, mà còn vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống”, người dùng Phan Phương bình luận.

Theo du khách, chính quyền nên tìm cách tăng lượng khách thay vì tăng giá vé tham quan. Nhiều du khách vốn bị sốc về giá mặt hàng ăn uống, giờ lại còn tăng giá vé tham quan vịnh.

Độc giả Nguyễn Nam cho hay tăng mức phí, nhưng vịnh Hạ Long bị ô nhiễm, rác thải nổi lềnh bềnh, du khách không dám tắm, thì liệu mức giá 600.000 đồng có tương ứng chất lượng dịch vụ?

“Phí thì muốn thu nhiều, trong khi mặt nước ô nhiễm, rác trôi nổi đầy vịnh, không có ý thức bảo tồn… Tôi nghĩ chính quyền cần xem xét lại đề xuất này”, anh Nam nói.

Vịnh Hạ Long là một điểm đến đắt đỏ và ô nhiễm?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Hà, Chủ tịch kiêm CEO của Lux Group, nhận định dù mới là đề xuất, nhưng mức phí 600.000 đồng được xem là quá cao so với mặt bằng chung. Điều này khiến vịnh Hạ Long trở nên “kén” khách du lịch trong và ngoài nước.

“Ban Quản lý vịnh nên tăng thêm nhiều trải nghiệm, dịch vụ mới cho du khách, thay vì đề xuất tăng giá đột ngột như vậy. Giá tăng gấp đôi có tương xứng những gì Hạ Long mang đến cho du khách?”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị địa chất, địa mạo, nhưng tồn tại nhiều bất cập, chưa được quản lý tốt. 

Rác nổi lềnh bềnh trên mặt vịnh, hạ tầng kém, du khách như “mất tích” khi ra vịnh vì không có sóng điện thoại… đã khiến điểm đến chưa thực sự phát triển bền vững. Nếu mức phí thu gấp đôi, thì hạ tầng phải được nâng cấp gấp đôi, cam kết giảm thiểu rác thải.

Khách Tây đến vịnh Hạ Long không dám bơi vì rác ngập trên biển (Ảnh: Patricia Mayerhofer).

Mức giá đề xuất cũng khiến các đơn vị lữ hành gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, tổng chi phí bao gồm mức phí, di chuyển, ăn ở… sẽ đẩy giá tour lên cao, khách dễ dàng “quay xe”, chọn những điểm đến khác như vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), để “né” Hạ Long.

“Về lâu dài, không phải cứ tăng phí là tốt, mà tăng phải có lộ trình, tăng trải nghiệm, có biện pháp giảm rác thải, thì du khách mới cảm thấy mức tăng xứng đáng. Đừng khiến du khách nghĩ Hạ Long là một điểm đến đắt đỏ và ô nhiễm”, ông Hà nhấn mạnh.

Việt Nam không còn là “điểm đến giá rẻ”?

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc AZA Travel, nói mức tăng giá này là “quá sốc”, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đón khách du lịch trên vịnh Hạ Long.

“Giá vé cao, du khách không đến nữa. Tưởng thu thêm tiền nhưng hóa ra là mất khách, thậm chí mất nhiều hơn”, ông Đạt nói, cho hay đề xuất này sẽ ảnh hưởng đến các công ty du lịch, đơn vị lữ hành, nhà tàu và các chủ thể làm du lịch khác tại Hạ Long (khách sạn, nhà hàng…).

Theo ông Đạt, AZA Travel đã bắt đầu nhận những đoàn khách cho dịp cao điểm du lịch trong nước vào cuối năm. Nhiều đoàn chọn đến vịnh Hạ Long, đã ký hợp đồng với công ty dựa trên mức giá cũ. Khi nghe đến đề xuất mới, ông Đạt lo ngại công ty sẽ phải đền bù chi phí.

Trong khi đó, nhiều đoàn khách khi nghe đến đề xuất tăng giá tham quan vịnh Hạ Long, cho hay sẽ cân nhắc lại điểm đến này.

Ông Đạt cho biết thời gian qua vịnh Hạ Long nhận nhiều ý kiến phản ánh chất lượng dịch vụ. Nhiều du khách chụp ảnh mặt vịnh trắng xóa rác thải, vô tình làm mất cảm hứng du lịch, trong khi vịnh Hạ Long được xem là “bộ mặt của du lịch Việt Nam”.

Đoàn khách đi du thuyền, tham quan vịnh Lan Hạ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chuyên gia đề xuất mức phí tăng không quá 20%, có lộ trình áp dụng và thông báo trước ít nhất 6 tháng để các đơn vị chuẩn bị kế hoạch, thông báo điều chỉnh với đối tác và khách hàng. 

“Tăng nhiều và đột ngột sẽ gây sốc với khách hàng”, ông Đạt nói. 

Nếu không chấp nhận mức phí mới, du khách có thể sẽ thay đổi lịch trình. Thay vì tham quan vịnh Hạ Long với tổng chi phí lớn, họ sẽ chọn Ninh Bình, Sa Pa, Đông Tây Bắc, miền Trung với lịch trình thú vị, hoặc gần nhất là vịnh Lan Hạ.

Vịnh Lan Hạ không quá đông đúc như vịnh Hạ Long, mang vẻ đẹp thiên nhiên được nhiều khách Tây ưa thích. Dịch vụ hai vịnh tương đương nhau, đương nhiên khách sẽ chọn bên có mức giá rẻ hơn.

Khách Tây thậm chí sẽ chọn quốc gia khác, khiến du lịch Việt Nam bị kém sức cạnh tranh.

Trước đây, Việt Nam được gọi là “điểm đến giá rẻ”, nhưng bây giờ so với các nước khác, điển hình là Thái Lan, thì Việt Nam không còn là giá rẻ.

Tại Thái Lan, từ chi phí khách sạn, vé máy bay, đến các dịch vụ đều rẻ hơn Việt Nam. Họ cũng có bãi biển, các điểm đến nổi tiếng hút khách du lịch, chất lượng được đánh giá “tuyệt vời” và “sạch đẹp”.

“Hạ Long có lợi thế về thiên nhiên, nhưng không nên lợi dụng thiên nhiên để tận thu, trong khi không làm sạch môi trường, trở nên kém hấp dẫn hơn rất nhiều”, ông Đạt nói.