Huế “tươi mới” với những địa điểm du lịch hấp dẫn

61

 với nhiều công trình lịch sử và danh thắng đẹp từ lâu luôn là trung tâm du lịch ở dải đất miền Trung thân thương. Từ năm 2002, khi thương hiệu Festival Huế xuất hiện và ngày càng được khẳng định thì ngành du lịch – dịch vụ của cố đô cũng có nhiều đột phá quan trọng. Đặc biệt, nhiều địa điểm đậm chất văn hóa – lịch sử Huế đã được thi công, khánh thành và đa số đã được đưa vào chương trình du lịch phục vụ khách du lịch thập phương.

1. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã

Được xây dựng vào năm 2006, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đã trở thành một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế. Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm trong quần thể khu du lịch Bạch Mã, tọa lạc trên bán sơn đảo của xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Trúc Lâm Bạch Mã là thiền viện đầu tiên tại miền Trung do Hòa thượng thiền sư Thích Thanh Từ sáng lập.

Thiền viện gồm 3 khu vực: ngoại viện, tăng viện và ni viện với trên 20 hạng mục lớn nhỏ như chánh điện, tổ đường, cổng tam quan, lầu chuông, tháp trống…

Khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Phật Thích Ca làm bằng đá, cao 24m, nặng 1.500 tấn đặt trước chùa.

Để đến được Thiền viện, từ thành phố Huế du khách xuôi theo Quốc lộ I về phía Nam 30 km, qua cầu Truồi, rẽ phải, vào 9 km, đến gần đập Truồi 500m thì sẽ được đò đưa sang Thiền viện nằm giữa lòng hồ.

2. Trung tâm văn hóa Huyền Trân

Trung tâm văn hóa Huyền Trân thuộc vùng núi Ngũ Phong, cách trung tâm thành phố Huế 10km. Công trình rộng 28 ha này được khánh thành vào năm 2007 nhân kỷ niệm 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân.

Giữa rừng thông xanh mướt, bốn bề là đồi núi trùng điệp, du khách sẽ như dần lạc bước vào cõi tâm linh đầy huyền ảo. Ngoài Huyền Trân công chúa, ngôi đền cũng thờ Đoàn Nhữ Hài, người tương truyền đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông và là vị quan người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ và yên dân 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này về với Đại Việt.

Tiếp sau đền thờ Huyền Trân là đền thờ vua Trần Nhân Tông, người anh hùng chống Nguyên – Mông, là vị tổ của thiền phái Trúc Lâm. Trước ngôi đền uy nghi này còn có đôi rồng chầu đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam.

Dừng chân một chút, du khách hãy tìm lên đỉnh núi Ngũ Phong, nơi có tháp chuông Hòa Bình treo một quả chuông đồng nguyên chất nặng 1,6 tấn. Trên đường dẫn lên Tháp chuông Hòa Bình, du khách cũng sẽ gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn.

3. Tượng đài Quang Trung tại núi Bân

Tượng đài Quang Trung tọa lạc tại công trình tưởng niệm vị anh hùng dân tộc ở núi Bân. Công trình được khánh thành vào năm 2010 nhân kỷ niệm 221 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung.

Tượng cao 2,1m, được làm từ 8 khối đá Thanh Hóa với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10-60 tấn. Phía sau tượng đài là bức phù điêu dài gần 60m với các họa tiết miêu tả quá trình từ lúc khởi nghiệp của nghĩa quân Tây Sơn đến lúc Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh.

Ngoài tượng đài còn có sân hành lễ, nhà thờ hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng các quan văn võ; nhà trưng bày tư liệu hiện vật của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn; cùng hệ thống cây xanh và các công trình phụ trợ khác.

4. Nhà hàng nổi Sông Hương

Ra đời vào năm 2012, Nhà hàng nổi Sông Hương là nhà hàng duy nhất ở Huế tọa lạc trên dòng sông Hương êm đềm, lại nằm cạnh bên là cầu Trường Tiền thơ mộng.

Nhà hàng được xây dựng với kết cấu hiện đại, tổng tải trọng đến 774 tấn, phục vụ hơn 350 chỗ ngồi thoáng mát. Đến với nhà hàng nổi Sông Hương, ngoài các món ăn Âu – Á – Trung Hoa, du khách còn được thưởng thức các món ăn mang đậm nét đặc trưng xứ Huế.

5. Trung tâm du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay”

Cũng trong năm 2012, Trung tâm du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay”, một chiếc nón bài thơ khổng lồ tọa lạc trên cồn đất bồi tự nhiên bởi dòng chảy từ thượng nguồn sông Hương đổ ra biển, bên cạnh Đập Đá, Cồn Hến cũng đã được khánh thành.

Đến với Trung tâm du lịch trải nghiệm “Huế Xưa – Huế Nay”, du khách sẽ được sống trong không gian văn hóa làng nghề, xem biểu diễn võ thuật cổ truyền triều Nguyễn, thưởng thức Ca Huế cổ, được hướng dẫn tự chế biến và cảm thụ các món ăn dân gian trong kho tàng nghệ thuật ẩm thực xứ Huế.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn có chương trình “Chợ đầu mối” mang đến cho du khách một phong cách du lịch trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, độc đáo như “Một ngày sống trong vườn Huế”, “Một ngày sống trong chùa Huế”, “Một ngày làm nông dân Thừa Thiên – Huế”, “Một ngày với đầm phá Thừa Thiên – Huế”…

6. Phố đêm Huế

Huế không còn mang danh là thành phố đi ngủ sớm vì đã xuất hiện nhiều khu phố đêm như: phố đêm Nguyễn Đình Chiểu với hàng ngàn du khách đến chung vui hàng đêm, phố ẩm thực ở đường Hàn Thuyên, đường Mai Thúc Loan… để phục vụ cho những du khách thích du ngoạn cảnh Huế về đêm.

Các phố đêm hiện nay đã phần nào tạo nên sự sôi động, nhộn nhịp về đêm ở Huế khi lượng du khách thập phương đến thăm Huế ngày một đông đảo hơn.

7. Không gian văn hóa Trịnh

Trong tương lai, khu đất rộng 10ha tại khu vực đồi Bàu Hồ (thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, TP Huế) sẽ là không gian văn hóa Trịnh Công Sơn tại Huế. Theo dự kiến nơi đây sẽ là điểm hẹn đến của những “tín đồ” âm nhạc, thơ ca, hội họa… của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ, một con đường nằm bên dòng Hương giang cũng đã vinh dự được mang tên Trịnh Công Sơn. Con đường Trịnh Công Sơn nằm sát dòng sông Hương ở Huế, thuộc phường Phú Cát rất đẹp với những khúc quanh mềm mại, cây xanh, nhà cổ và mặt nước xanh trong. Một công viên kỷ niệm sắp hoàn thành gần đó cũng sẽ khiến du khách nhớ đến người nhạc sĩ của Hạ Trắng, Ướt mi, Một cõi đi về…

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU – Theo Doanhnhansaigon

Tham khảo thêm danh sách khách sạn Huế