Ngày 10-11, hàng chục ngàn người dân Bình Phước và các tỉnh lân cận tiếp tục ùn ùn đổ về khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) vui chơi, thưởng ngoạn.
Nằm cách quốc lộ 14 khoảng 5km, khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo lần đầu tiên chứng kiến cảnh dòng người rồng rắn nối đuôi nhau. Hàng chục ngàn du khách đổ về khiến tuyến đường dẫn vào khu bảo tồn ùn tắc nghiêm trọng.
Bên trong lễ hội, hầu hết các gian hàng ẩm thực, nơi biểu diễn đàn đá, thi đấu, trưng bày… đều chật kín người. Đặc biệt tại khu chợ ẩm thực, cả ngàn người chen chúc dọc con đường dài chỉ vài trăm mét.
“Đông cứ như chợ đêm Đà Lạt”, một người thốt lên.
Trong ngày thứ 3 diễn ra, lễ hội tiếp tục với hàng loạt chương trình sôi nổi như biểu diễn hòa tấu đàn đá, thi giã gạo, nấu cơm lam, lễ hội ẩm thực “Hương vị bên ánh đuốc lồ ô”…
Ngoài ra, ban tổ chức lần đầu phục dựng lễ hội kết bạn cộng đồng. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người S’tiêng cùng với các tộc người cộng cư từ cao nguyên Langbiang đến phía Đông của dãy núi Trường Sơn hùng vĩ.
Nổi bật trong đó là nghi thức đón khách. Từ chủ nhà đến khách mời đều giao tiếp với nhau thông qua ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng và hát kể. Tiếp đó là các nghi thức cúng tế thần linh, các thành viên trong cộng đồng kết bạn trao gửi cho nhau những sản vật đặc trưng do chính mình làm.
Lễ hội kết bạn cộng đồng kết thúc với hoạt động uống rượu cần, hát sử thi và thưởng thức những sản vật đã trao gửi cho nhau.
Ông Vũ Văn Mười – chủ tịch UBND huyện Bù Đăng – cho biết dù mới lần đầu tổ chức nhưng lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo bất ngờ thu hút hơn trăm ngàn người tham dự.
Theo ông Mười, lễ hội là cơ hội quý báu khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Ông Mười khẳng định sóc Bom Bo không chỉ là địa danh cách mạng hào hùng mà còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể vô cùng đặc sắc và phong phú, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo.
Có thể kể đến nghề chế biến rượu cần của người S’tiêng, nghề dệt thổ cẩm của người M’nông, nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng; các lễ hội cầu mưa, mừng lúa mới, kết bạn cộng đồng… Qua đó, góp phần tạo nên một kho tàng văn hóa vô cùng giá trị.
“Hy vọng thông qua những hoạt động này, không chỉ người dân địa phương mà cả du khách thập phương đều cảm nhận được sự chân thành, mộc mạc và gắn bó của địa danh huyền thoại sóc Bom Bo này”, ông Mười nói.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo không chỉ là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu mà còn là dịp để cùng nhau cam kết bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc.
Bình Phước sẽ nỗ lực hết mình để cùng cộng đồng bảo vệ, phát triển các giá trị văn hóa nói chung và lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng.