Hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, nhưng đa phần ‘sân khấu hóa’

8
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, bình quân mỗi giờ có một lễ hội. Nhưng các lễ hội chủ yếu là trình diễn, sân khấu hóa?
Hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, nhưng đa phần 'sân khấu hoá' - Ảnh 1.

Du khách quốc tế thưởng thức bánh mì tại lễ hội ở TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lễ hội từ thôn ấp, phường xã đến tỉnh thành, trung ương và ai cũng bảo là sự kiện phục vụ du lịch. Nhưng các lễ hội du lịch có vẻ đang bị lạm phát và lạm dụng.

“Lễ” phải có nghi thức và vật cúng. Các sự kiện không có phần “Lễ”, gọi là festival hoặc “Những ngày hội…”.

Hiện một số địa phương đang từng bước chấn chỉnh tên gọi như Festival hoa Đà Lạt (Lâm Đồng); “Festival Huế” (Thừa Thiên Huế); “Festival muối” (Bạc Liêu); “Fetival Ninh Bình”; “Những ngày hội du lịch”, “Tuần lễ Ẩm thực và bánh dân gian Nam Bộ” (TP.HCM), “Tuần lễ Áo dài” (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam)…

Dưới góc nhìn du lịch, đó là những sự kiện kinh tế, là sản phẩm đặc trưng để quảng bá và xây dựng thương hiệu. Do vậy phải thay đổi cách nghĩ để có cách làm phù hợp, lấy du khách làm chủ thể, mời du khách chủ động tham gia. Các lễ hội mới hiện nay chủ yếu là trình diễn, sân khấu hóa thập cẩm hoành tráng, trực tiếp truyền hình, chỉ diễn một lần, du khách là khán giả; rất lãng phí.

  • Hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, nhưng đa phần 'sân khấu hóa' - Ảnh 2.

Lễ hội, sự kiện không có “tội” mà vấn đề khách có được tham gia hay không?

Các lễ hội truyền thống cần sàng lọc và phân loại theo tính chất, cấp độ. Các festival cần ổn định để du khách có kế hoạch tham dự. Có không gian và nội dung mời khách chủ động tham gia.

Ví dụ, với sự kiệnTuần lễ Áo dài, mời khách tham gia phần trình diễn và diễu hành. Du khách mặc áo dài được giảm giá dịch vụ.

Các sự kiện khác cũng tương tự như thế. Festival ẩm thực cần tổ chức thêm các Cooking Classes, hướng dẫn cách làm bánh và chế biến món ăn. Các cuộc thi, guinness ẩm thực chế biến công khai, mời khách ăn thử, mua làm quà. Hướng dẫn cách làm và thả đèn tự hủy (đèn trời, đèn hoa đăng) bảo vệ môi trường…

Chúng ta cũng cần nghĩ đến xã hội hóa các festival nhiều hơn. Nhà nước chỉ tạo điều kiện, hỗ trợ chính sách và thủ tục đấu thầu. Các doanh nghiêp hiểu rõ nhu cầu du khách, biết cách tận dụng hiệu quả chi phí đầu tư để tạo hiệu ứng PR và xây dựng thương hiệu. Sử dụng các trung tâm hội nghị, hội chợ và sân vận động để tổ chức sự kiện thay cho lòng đường và công viên như hiện nay.

Trừ các sự kiện đại chúng, chủ yếu phục vụ người dân, các festival có thu phí hợp lý như fetival pháo hoa, giải chạy marathon… phải xây dựng thêm nội dung và giá trị du khách được thụ hưởng.

Năm 2024, du lịch Việt Nam đón 17,6 lượt khách (dân số gần 102 triệu); xếp thứ 3 ASEAN sau Thái Lan 35 triệu khách (dân số 66 triệu), Malaysia 25 triệu khách (dân số gần 35 triệu). Singapore 16,5 triệu khách (dân số gần 6 triệu); Lào 8 triệu khách, vượt năm 2019 gần 3 triệu khách (dân số gần 9 triệu)…

Tiềm năng thu hút du khách của du lịch Việt Nam còn rất nhiều nếu chúng ta có cách tổ chức đúng và chiến dịch truyền thông, quảng bá phù hợp. Xã hội thay đổi và ngành du lịch cũng thế mới tạo được khác biệt tích cực. Nếu chần chừ là chậm chân, là lạc hậu.

Ngành nào cũng vậy, không riêng gì du lịch.