Hội Làng đầu xuân Hà Nội – Lễ hội trên quên hương

10

Không khí lễ hội ngày xuân

Bên cạnh Tết, rất nhiều người đều thích, đặc biệt là những ai sống ở vùng nông thôn, vùng ngoại ô thành phố cũng thích không kém, đó chính là hội làng đầu xuân. Lễ hội ở mỗi địa phương mang một sắc màu riêng, từ thời gian tổ chức cho tới các hoạt động truyền thống, văn hóa giao lưu, cách thức tổ chức,…

hội làng đầu xuân Hà Nội

Lễ hội tưng bừng đầu xuân

Ở miền Bắc, không ai là không biết tới những lễ hội đầu xuân nổi tiếng như:

Tuy nhiên nếu bạn không muốn tới những lễ hội lớn, ngại chốn đông người, thì hãy theo chân chúng tôi về những làng quê nhỏ để tận hưởng trọn vẹn không khí của những lễ hội truyền thống.

hội làng đầu xuân Hà Nội

Cổng làng cổ kính với sắc hoa rực rỡ trong ngày xuân

hội làng đầu xuân Hà Nội

Người người, nhà nhà đổ ra xem hội làng

Hội làng mang ý nghĩa thiêng liêng không chỉ với người dân địa phương, mà với cả du khách thập phương. Hội làng đã có từ thời cha ông ta, là “hồn cốt của văn hóa Việt Nam”, không có làng quê nào là không có hội làng trong dịp xuân – khi tiết trời giao hòa, vạn vật nảy chồi, tươi tốt, lòng người hứng khởi, hân hoan. Mang một ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Việt, lễ hội là nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm, kết nối cộng đồng, người dân giữa các xóm, các làng, các thôn, các xã.

Theo các cụ xưa, "nhà có vàng không bằng làng có đình", hội thường được tổ chức ở đình làng với ước mong khởi đầu một năm bình an. Nếu người dân vùng biển có tục thờ ngư ông vì theo quan niệm và đặc trưng nghề nghiệp của họ, linh vật biển là cứu tinh của ngư dân, thì phần lớn đình làng của người dân Bắc thờ Thành Hoàng Làng, và vị thần hộ nước giúp dân ngay tại nơi đó. Việc thờ Thành Hoàng Làng có một ý nghĩa vô cùng to lớn, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, giá trị tín ngưỡng, mà còn giáo dục thế hệ trẻ lòng biết ơn Tổ Tiên, công lao trời bể của cha ông, từ đó giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

hội làng đầu xuân Hà Nội

Mọi thứ được chuẩn bị kỹ lưỡng trước giờ nghi lễ

hội làng đầu xuân Hà Nội

Ai cũng háo hức, đi trẩy hội

Mỗi làng nhỏ lại theo một lịch tổ chức lễ hội riêng, có làng tổ chức vào những ngày đầu năm, trùng với dịp Tết từ mùng 5 đến mùng 7 Tết. Có làng thì tổ chức từ mùng 9, 10, 11 tháng 2 âm lịch. Thông thường lễ hội kéo dài khoảng 3 đến 5 ngày, còn đối với mỗi gia đình không khí lễ hội có lẽ kéo dài hơn vài ngày, thậm chí hết cả mùa xuân.

Có lẽ sau khoảng thời gian dịch bệnh kéo dài, các hoạt động lớn, lễ hội, nơi có đông người tạm thời đóng cửa, ngừng tổ chức, là lúc mọi người ai cũng mong ngóng được đón Xuân, đón năm mới, được hòa mình vào không khí tưng bừng của ngày hội làng, hào hứng, phấn khởi chờ đón một năm thuận buồm xuôi gió, bình an, nhiều sức khỏe.

hội làng đầu xuân Hà Nội

Cái lạnh se se đậm vị không khí lễ hội

Rước kiệu

Lễ hội được chia thành hai phần rõ rệt bao gồm: Phần lễ và phần hội. Trong phần nghi lễ có hoạt động rước kiệu được coi là linh hồn của lễ hội làng. Theo phần lớn các địa phương có tục thờ Thành Hoàng Làng thế nên lễ Rước Thành Hoàng Làng được cử hành vào ngày khai hội và ngày kết thúc hội. Các nghi thức diễn ra trong lễ rước kiệu được các cụ già làng chuẩn bị và điều hành rất kỹ càng và cẩn thận. Cỗ kiệu có 2 loại chính: 4 người khiêng, và 8 người khiêng (được gọi là kiệu bát cống để rước thần vị còn có tên gọi khác là kiệu thần). Kiệu được các thanh niên trai tráng trong làng khiêng trên vai đưa đi quanh làng, với tiếng hò hò, dô, lúc chạy dồn dập, lúc kiệu quay tại chỗ, tạo không khí sôi động trong lễ hội. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều nô nức, phấn khởi trong lễ hội làng.

hội làng đầu xuân Hà Nội

Cỗ kiệu 4 người khiêng

hội làng đầu xuân Hà Nội

Kiệu Bát Cống hay còn có tên gọi là Kiệu Thần

hội làng đầu xuân Hà Nội

Kiệu rước Thánh

Các trò chơi dân gian

Không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn cũng rất háo hức cứ mỗi khi mùa lễ hội đến. Đây là dịp bà con dân làng cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian, vui vẻ, và gần gũi với nhau hơn. Các trò chơi được tổ chức rất phong phú, không chỉ đơn thuần là những trò chơi vui, mà nó còn mang đậm bản sắc văn hóa và nét đẹp truyền thống của người Việt Nam. Người lớn thì tham gia các trò chơi đánh đu, bắt vịt, chọi gà, cờ người, tổ tôm… Trẻ em thì chơi nhảy dây, chơi chuyền, bịt mắt đập niêu…

hội làng đầu xuân Hà Nội

Trò chơi Cờ tướng

hội làng đầu xuân Hà Nội

Hội tổ tôm điếm

hội làng đầu xuân Hà Nội

Đội khiêng trống, đỡ lễ rất trang nghiêm

Hát quan họ

Nhắc đến hát quan họ giao duyên, mọi người cứ tưởng rằng chỉ có ở Bắc Ninh, nhưng không, ngày nay, các câu lạc bộ quan họ bao gồm những người yêu loại hình văn hóa này đã được hình thành ở nhiều làng quê khác nhau. Hát quan họ đã trở thành một sự kiện không thể thiếu trong các lễ hội, là nơi các liền anh liền chị giữa các thôn, các xã, các câu lạc bộ giao lưu qua tiếng hát, thể hiện cho bà con cô bác cùng nghe.

hội làng đầu xuân Hà Nội

“Chị cả, chị hai” trên thuyền hát Giao duyên

hội làng đầu xuân Hà Nội

Các chị vừa hát hay lại còn duyên dáng.

hội làng đầu xuân Hà Nội

Những giai điệu Quan họ ngọt ngào, tình tứ trên thuyền rồng

Lễ hội là dịp lũ trẻ mong đợi nhiều nhất, bởi chúng được vui chơi thỏa thích, được tự do bay nhảy, được sống đúng với tuổi thơ của mình. Bởi nơi ấy có những quán hàng rong, những chiếc kẹo hồ lô, kem bông siêu to khổng lồ, các trò chơi tô tượng, nặn tò he, nhà phao… dành riêng cho bọn trẻ, mà ngày thường có lẽ ít khi được thấy.

hội làng đầu xuân Hà Nội

Đi muôn phương vẫn muốn về nơi ấy – Quê Hương

Đầu xuân, đầu năm mới là dịp nhà nhà người người sum vầy, tụ họp đông đủ. Còn gì vui hơn là mọi người được cùng nhau tham gia những hoạt động cộng đồng, ý nghĩa, quan trọng như trong các lễ hội làng. Mỗi một lễ hội đều mang một biểu tượng riêng cho nền văn hóa Việt, mang ý nghĩa tâm linh thiêng liêng trong mỗi người Việt. Lễ hội còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, nhắc nhở những người trẻ phải luôn biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha ta. Mong bạn và những người thân yêu có những ngày đầu xuân thật ý nghĩa nhé.