Hành trình phiêu lưu ở “thành phố vĩ đại” Angkor Thom

10

Tháng mười hai, ngày mình đến Angkor Thom – “Thành phố vĩ đại” và là thủ đô tồn tại lâu nhất của Đế quốc Khmer cổ đại thì trời đã bắt đầu lạnh hơn. Con đường tiến vào sâu trong Angkor Thom được bao quanh bởi những tán rừng xanh rậm rạp, mỗi khi có một cơn gió thổi ngang qua, các tán lá xào xạc va vào nhau như đang chào đón mình đến với vương quốc kì vĩ của họ. Chẳng phải đền Angkor Wat nổi tiếng trên những tấm bưu thiếp, hôm nay mình muốn dắt bạn đến cụm đền Angkor Thom – công trình kiến trúc khổng lồ và tuyệt đẹp nằm trong quần thể Angkor.

đền Bayon

Một mặt của đền Bayon hùng vĩ

Những điều bạn chưa biết về Angkor Thom

Mình đã từng nghĩ rằng Angkor Thom là “ngôi đền khác” ngoài khu đền Angkor Wat. Cho đến khi đi đến đây, cầm tấm bản đồ trên tay, thì đó là cả một thành phố. Trong tiếng Khmer, “Angkor” có nghĩa là “thành phố” và “Thom” có nghĩa là to lớn. Vì vậy, Angkor Thom là từ đề cập đến nơi từng là một thành phố Khmer vĩ đại của vua Jayavarman VII (thế kỷ 9-15).

Angkor Thom ám chỉ những tham vọng lớn lao của người bảo trợ nó. Khi lên ngôi, Jayavarman VII nhanh chóng bắt tay vào quá trình xây dựng hoàng thành mới (Angkor Thom) và đền thờ quốc gia (Bayon) vào cuối thế kỷ 12 vì ông cho rằng thủ đô sẽ đóng vai trò là trung tâm chính trị và tôn giáo của vương quốc ông.

Angkor Thom có diện tích 9 km2. Thành phố cuối cùng đã bị bỏ hoang vào thế kỷ 16. Nhìn từ bản đồ, bạn có thể thấy Angkor Thom rộng hơn rất nhiều lần so với Angkor Wat. Đó là lý do, đi xong hết nơi này, mình “lếch” suốt quãng đường còn lại cho đến khi về Việt Nam.

Bản đồ về quần thể Angkor

Bản đồ về quần thể Angkor này bạn có thể lấy từ quầy bán vé

Thành phố Angkor Thom có hình vuông và được bao bọc bởi những bức tường thành cao và dài. Xung quanh được bảo vệ thêm bởi một con hào. Theo mình tìm hiểu thì kiến trúc của công trình này được tổ chức như một “mandala”. Trong tiếng Phạn cổ dùng để chỉ một biểu tượng hình tròn đại diện cho vũ trụ và thường được dùng cho các nghi lễ. Bởi mới thấm thía giả thuyết, khu Angkor này có kết nối với thế giới tâm linh và bên ngoài vũ trụ.

Để vào thành phố, bạn phải đi qua một trong năm năm cánh cổng xuyên qua các bức tường của thành phố, bao gồm: Cổng Nam, Cổng Bắc, Cổng Đông, Cổng Tây và Cổng Chiến thắng. Mỗi cổng sẽ có đặc trưng riêng, ví dụ như

Cổng phía Bắc của Angkor Thom

Cổng phía Bắc của Angkor Thom

Danh sách những điểm trong Angkor Thom mà bạn nên ghé thăm

Sau khi được anh tuktuk dẫn vào ăn trưa tại một quán ăn trong khu quần thể Angkor, mình và mọi người trong nhóm cũng đánh một giấc trưa ngon lành dưới tán cây cổ thụ xanh mát để nạp lại năng lượng chuẩn bị cho một chuyến cuốc bộ dài quanh các đền đại sắp tới. Và những điểm sau là hành trình khám phá của mình theo thứ tự đi từ cổng phía Bắc nhé.

Đền Preah Palilay

Do ngủ trưa tại đền Preah Palilay nên mình khám phá luôn nơi này. Đây là một công trình kiến trúc nhỏ nằm ở phía bắc đền Phimeanakas ở Angkor Thom. Nơi đây chứa đựng các yếu tố từ cả Ấn Độ giáo và Phật giáo vì ngoài những ngôi đền Hindu cổ thì người ta còn đặt các bức tượng Phật lớn ở đây.

Đền Preah Palilay

Đền Preah Palilay

Dù nằm bên trong Angkor Thom nhưng Preah Palilay thường bị nhiều du khách bỏ qua. Một điều mình thấy thú vị ở Preah Palilay là có rất nhiều người dân địa phương đến đây chụp ảnh cưới, ảnh gia đình. Trong số các ngôi đền mình đã đi, thì đây là nơi duy nhất mình bắt gặp mấy cảnh đó.

Preah Palilay có cấu trúc độc đáo được khu rừng rậm, nó có một khoảng sân bằng đá sa cổ hình chữ thập với lan can hình rắn Naga bảy đầu có hình Dvarapala (những người bảo vệ) và các bức tượng sư tử ở lối vào. Sân cũng có hình tượng Phật lớn đang ngồi. Đền khá nhỏ nên bạn dễ dàng tham quan nhanh chóng.

Đền Bayon

Nhìn từ bản đồ của Angkor Thom thì mọi cánh cổng đều dẫn đến Bayon – trung tâm của thành phố vĩ đại. Bayon là một ngôi đền Khmer nổi tiếng với lối chạm khắc đạt đến độ tinh xảo xuất sắc bậc nhất trong các ngôi đền. Nó được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 hoặc đầu thế kỷ 13 với chức năng là ngôi đền chính của Vua Jayavarman VII. Đền Bayon không giống bất cứ nơi nào khác ở quần thể Angkor vì đây là nơi bạn sẽ nhìn thấy 216 khuôn mặt tươi cười đang nhìn xuống bạn từ 54 tòa tháp. Có lẽ vì thế mà Bayon được xem là ngôi đền nổi tiếng thứ hai chỉ sau Angkor Wat.

đền Bayon

Khuôn mặt cười thân thiện đang chào đón du khách của đền Bayon

Nhìn bên ngoài, Bayon như một công trình hỗn độn nhưng khi tiến vào bên trong, mình đã vô cùng sửng sốt trước sự sắp đặt tài tình của các nghệ nhân Khmer xưa. Bản thân khu phức hợp đền Bayon này được xây dựng trên ba tầng nhằm tạo ra một cấu trúc giống như ngọn núi. Tầng một và tầng hai bao gồm các phòng trưng bày và đền thờ có mái che. Ở trung tâm của khu phức hợp (tầng ba) là bệ hình chữ thập được nâng cao làm nền tảng cho cấu trúc ngôi đền chính. Khu bao quanh bên ngoài (tầng một) bao gồm cuộc sống hàng ngày vào đầu của người Khmer xưa như mô tả cảnh một khu chợ, cảnh đánh bắt cá, cảnh cũng một người phụ nữ đi xem bói…

đền Bayon

Phía trong đền Bayon

Khung cảnh đánh bắt cá

Khung cảnh đánh bắt cá cũng được khắc họa rõ nét trên tường

Dấu tích của những kẻ trộm tượng ở Bayon

Dấu tích của những kẻ trộm tượng ở Bayon

Đền Baphuon

Từ đền Bayon, anh tuktuk kêu mình đi bộ xuyên qua công viên kia để khám phá đền Baphuon cũng nằm bên trong Angkor Thom. Baphuon gây ấn tượng mạnh mẽ đối với mình bởi hình ảnh một ngôi đền lớn, có hồ nước xanh bao quanh. Mặt trời phủ lên ngôi đền một màu vàng rực, khiến cho màu đen huyền của ngôi đền trở nên nổi bật hơn. Lúc này, mọi ngôn từ đều bất lực để diễn tả cảm xúc này.

Con đường dẫn vào ngôi đền rợp bóng cây xanh

Con đường dẫn vào ngôi đền rợp bóng cây xanh

Baphuon được xây dựng theo kiểu giống ngọn núi với chiều cao ba tầng với lối vào hoành tráng, hai bên con đường dẫn vào đền là hai hồ nước to. Baphuon được dành để làm đền thờ quốc gia cho vua Udayadityavarman II. Điểm nổi bật của đền là đài quan sát khổng lồ phía tầng trên, giúp bạn có được tầm nhìn tuyệt vời ra khung cảnh xung quanh. Từ phía tây của đền, có một con đường có biển chỉ dẫn dẫn đến lối vào bên của Cung điện Hoàng gia và đền Phimeanakas.

Nhấc thang siêu cao để lên chỗ đài quan sát

Nhấc thang siêu cao để lên chỗ đài quan sát

Đền Phimeanakas

Phimeanakas là một ngôi đền Hindu thế kỷ thứ 10 được xây dựng theo phong cách Khleang. kiểu kim tự tháp ba tầng được dùng làm nơi thờ cúng các vị thần. Từ đền Baphuon, bạn đi bộ vài trăm mét nữa, xuyên qua những tán rừng là tới là tới đền. Mặc dù nhỏ hơn các ngôi chùa khác trong khu vực nhưng nó vẫn cao khoảng 40m.

Cánh cổng nối liền đền Baphuon với đền Phimeanakas

Cánh cổng nối liền đền Baphuon với đền Phimeanakas

Đền Phimeanakas được xây dựng bằng đá tổ ong, ở giữa trung tâm có một thánh đường vì trên thực tế đền này là một nhà nguyện hoàng gia. Đã đi mỗi cả chân ở các đền khác từ lúc sáng rồi nên giờ mình cũng đã thấm mệt. Vì thế, với Phimeanakas, mình chỉ tham quan ít hơn các đền khác.

Đền này rất ít người tham quan

Đền này rất ít người tham quan

Terrace of the Elephants

Sân Voi là một trong những địa điểm dễ ghé thăm nhất trong Angkor Thom. Đó là một bục cao 2,5m và dài 300m được vua Jayavarman VII sử dụng để xem đoàn quân chiến thắng trở về của ông. Từ đây, bạn có thể phóng tầm ngắm nhìn ra một bãi cỏ xanh mướt và các ngôi đền khác.

Sân Voi

Sân Voi

Terrace of the Leper King

Cùng với Sân Voi, Sân Vua Cùi là một trong những địa điểm được ghé thăm nhiều nhất trong Công viên Khảo cổ Angkor. Theo lời anh tuktuk thì sở dĩ nó có tên là Sân Vua Cùi vì người dân địa phương cho rằng nó giống người mắc bệnh phong. Ngoài ra còn có truyền thuyết về Vua Yasovarman I, người dường như mắc bệnh phong. Do đã thấm mệt sau khi lội mấy km vòng quanh khu Angkor Thom, đến điểm cuối này, chân mình có dấu hiệu đi hết nổi nên chẳng có nổi tấm hình nào ở chỗ này.

Tạm biệt Angkor Thom trong chiều nắng vàng ươm, mình lên xe tuktuk tiếp tục đến hai ngôi đền còn lại trong lịch trình trong sự “đuối”. Dẫu vậy, mình và mọi người cũng ráng vực dậy tinh thần của nhau để đi tiếp. Đi rồi, mới biết xưa giờ mình đã sai lầm như thế nào khi nghĩ Angkor Thom chỉ là một ngôi đền. Trong ký ức hiện tại của mình khi viết những dòng này, Angkor Thom là thành phố vĩ đại, nơi mình có thể ngủ dưới bóng cây cổ thụ ở Preah Palilay và mơ về những vũ nữ Apsara đang nhảy múa trên những bức tường ở Bayon.