Hành trình du lịch Côn Đảo mùa xuân

45

Ra Giêng “ngày rộng tháng dài” (tháng 2 dương lịch) Lữ Phong cùng đám bạn – vốn gồm nhiều “con ma” đã sục sạo khá nhiều các vùng đất – rủ nhau đi Côn Đảo. Tối thứ Năm, kéo nhau ra Bến xe miền Tây đi xe đò đêm xuống cảng Trần Đề và lấy vé chuyến tàu sớm ra Côn Đảo. Biển yên sóng lặng, chiếc tàu SuperDong hếch mũi xé sóng hướng ra khơi và cặp cầu tàu Bến Đầm sau khoảng 2 giờ. Biển trời xanh ngắt một màu, nắng vàng và gió biển lồng lộng thật tuyệt.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Bến tàu cao tốc Trần Đề đi Côn Đảo

Từ cảng Bến Đầm về khu trung tâm Côn Đảo – nơi cả đám đã đặt chỗ ở nhà nghỉ Light House – khoảng 12km, có taxi, xe ôm và xe điện. Tuy nhiên vì thích vi vu xe máy theo đường ven biển, nên thống nhất: một nửa ngồi lại Bến Đầm uống nước … chờ. Một nửa ôm theo hành lý lên xe điện về nhà nghỉ để lấy xe máy (đã đặt thuê) quay lại chở đồng bọn. Thật là rảnh hết sức, nhưng … đi chơi mà.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Tấm biển dịch vụ tại Bến Đầm

Ngày thứ nhất, vi vu Côn Đảo

Sau khi lấy xe máy trở lại Bến Đầm, cả đám bắt đầu lên đường rong ruổi Côn Đảo dưới trời xanh, nắng và và gió biển lồng lộng. Con đường ven biển mang tên “Bến Đầm” ôm từ phía Tây đảo lớn, vòng qua Mũi Cá Mập uốn lên phía Đông Bắc để vào trung tâm thị trấn Côn Sơn.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Khúc ngoặt của đường Bến Đầm tại Mũi Cá Mập

du lịch Côn Đảo mùa xuân

“Điểm diện” tập thể tại một mũi đất bằng phẳng nhô ra biển, gần Mũi Cá Mập

Đi lòng vòng một hồi khắp thị trấn, trời cũng đã trưa. Cả đám tấp vào ăn đại mỗi đứa một tô bún cho nhẹ bụng, rồi về phòng tắm gội, ngủ thẳng cẳng giấc trưa. Đến giữa chiểu, khi nắng đã bớt gắt gao, tất cả lại dắt xe ra tiếp tục vi vu theo con đường đi lên phía Bắc đảo, đường Cỏ Ống – nối trung tâm đảo lên sân bay Cỏ Ống ở phía Bắc – dài cỡ 14-15km.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Bãi biển Đầm Trầu nằm ngay cuối đường băng sân bay Cỏ Ống

Cuối đường Cỏ Ống là sân bay Cỏ Ống (Cảng hàng không Côn Đảo). Đường băng sân bay nằm theo trục Đông – Tây, gần như chiếm hết bề ngang khúc eo phía Bắc đảo Côn Sơn, một đầu đường băng là bãi Dong (phía Đông) và đầu kia là bãi Đầm Trầu.

Bãi Đầm Trầu ngắn hơn bãi Dong phía bờ đảo bên kia, lại được hai mũi đá chìa ra biển ở hai bên che chắn, nên biển khá lặng, bãi cát phẳng lì, với một cây bàng được thảm một bãi lá rụng dưới gốc, cùng một ít lá đỏ rực còn sót trên cành.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Một vị trí tuyệt đẹp ở mũi đá nhô ra biển ở phía Nam bãi Đầm Trầu

Lữ Phong cùng đồng bọn không tắm biển ở bãi Đầm Trầu vì xa chỗ ở, lười mang đồ khô theo, lười mặc đồ ướt đi đường xa trở về, vả lại hôm sau đi các đảo, thế nào chả xuống biển.

Thế là lo leo trèo lên mũi đá chụp choẹt, ngồi hóng gió biển và canh máy bay lên/xuống đường băng ngay sát bãi Đầm Trầu, nhưng không gặp chiếc nào – có lẽ vì đã muộn. Khi ráng hoàng hôn buông xuống, tất cả lại lục tục lên ngựa trở về.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Hoàng hôn rực lên ở khu vực Mũi Chân Chim…

du lịch Côn Đảo mùa xuân

… lại dừng xe, sà xuống một mỏm đá chụp choẹt.

Về nhà nghỉ tắm rửa xong xuôi, cả đám kéo nhau ra ăn ở quán Bánh xèo, cháo vịt Kiều Tâm trên đường Nguyễn An Ninh. Quán đông, món ngon, ai cũng đói vì di chuyển nhiều, trưa lại ăn qua loa, cho nên chẳng chụp được tấm ảnh nào đầy mâm cả – vì đồ ăn cứ đưa ra là … hết.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Đồ ăn quán đưa lên không kịp, nên chẳng chụp được đầy đủ

Sau đó cả đám về nghỉ, đợi khuya ra nghĩa trang Hàng Dương thắp nhang viếng mộ cô Sáu cùng các anh hùng liệt sĩ khác đã nằm xuống ở mảnh đất này.

Ngày thứ hai, Hòn Bảy Cạnh – Hòn Cau

Sáng hôm sau cả đoàn để bớt đồ đạc lại nhà nghỉ, chỉ mang theo lều trại, bàn ghế dã ngoại và thực phẩm, xuống cano (thuê luôn tại nhà nghỉ) ra các đảo nhỏ khác xung quanh: Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau. Vì chưa phải mùa rùa đẻ ở Côn Đảo, nên ra các đảo cũng chỉ … chơi, và chơi khá thoải mái.

Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ hai tại quần đảo này, chỉ sau đảo chính Côn Sơn. Trên đảo có ngọn hải đăng Bảy Cạnh. Đảo cách Mũi Chân Chim khá gần, nhưng đi từ cầu tàu du lịch ở trung tâm thị trấn thì cũng khá xa. Chiếc cano rẽ sóng chồm lên như bay trên vịnh biển phẳng lặng, vòng qua phía Hòn Bông Lan nhỏ bé, đưa cả nhóm tấp vào bãi cạn ở khúc eo thóp lại giữa Hòn Bảy Cạnh.

Hòn bảy cạnh du lịch Côn Đảo mùa xuân

Những chiếc cano đưa du khách từ đảo chính Côn Sơn sang Hòn Bảy Cạnh

Tại quần đảo Côn Đảo (gồm 16 đảo lớn nhỏ), cư dân gần như tập trung hết ở đảo chính Côn Sơn (chiếm tới hơn 2/3 diện tích quần đảo). Các hòn đảo xung quanh hầu như không có dân sinh sống, chỉ có một vài người thuộc các đơn vị ở lại trực mà thôi.

Lên Hòn Bảy Cạnh, cả đám tập kết đồ ăn trưa lại dưới một gốc cây đang mọc lá non xanh mơn mởn. Xung quanh bãi cát còn có vài cây bàng đang đỏ rực lá cũ, tuyệt đẹp.

Hòn bảy cạnh du lịch Côn Đảo mùa xuân

Một công trình trên Hòn Bảy Cạnh

Tập kết hành lý gọn gàng, những chiếc ghế du lịch gọn nhẹ được lắp lên, nhưng cuối cùng chẳng có mấy ai ngồi, chủ yếu lo chạy loăng quăng thám hiểm xung quanh hoặc đi chụp những bức ảnh bên những gốc bàng đỏ rực.

Hòn bảy cạnh du lịch Côn Đảo mùa xuân

Những cây bàng lá đỏ rực bên bờ biển

Hòn bảy cạnh du lịch Côn Đảo mùa xuân

Đi biển đảo là phải có màn chụp với đồ tắm. Mà đây là … tắm cát.

Ăn nhẹ bữa trưa với dưa leo, bánh mì, giò chả, cả đám đánh một giấc trưa dưới bóng cây, nghe gió lao xao và biển hát rì rào. Giữa chiều, chiếc cano trở lại, mang theo thực phẩm cho bữa tối và hốt cả đám sang Hòn Cau, cách Hòn Bảy Cạnh không xa.

Hòn Cau nhỏ hơn nhiều so với Hòn Bảy Cạnh, mặt hướng về Hòn Bảy Cạnh là một bãi cát hình vòng cung rất đẹp. Anh tài công thả cả đám cách bờ khoảng hơn trăm mét – sau khi bắt tất cả nai nịt áo phao thật kỹ càng và đeo kính ngắm san hô. Đáy biển chỗ này không sâu, san hô cũng có nhưng thực sự không xuất sắc gì lắm. Chẳng qua được quăng xuống biển thì ai cũng thích, vì ra đảo đến giờ đã là ngày thứ hai rồi, mới nhúng người xuống biển.

Hòn cao du lịch Côn Đảo mùa xuân

Dãy nhà ở của các cán bộ Vườn Quốc gia Côn Đảo trên đảo Hòn Cau

Hòn Cau cũng là một trong số những nơi bọn rùa lên đẻ trứng vào mùa sinh sản. Trên Hòn Cau luôn có cán bộ của Vườn Quốc gia Côn Đảo túc trực. Ở đây họ có hệ thống tủ cấp đông để bảo quản thực phẩm, nên mọi người vào tới đảo liền sà vào … xem các anh có những đồ gì. Buổi tối cả nhóm sẽ dựng lều ngủ lại Hòn Cau, tổ chức nấu ăn và giao lưu với mấy anh cán bộ VQG đang trực trên đảo.

Có một sự nhầm lẫn không nhẹ của Lữ Phong và Tí – anh chàng rái cá vịnh Đà Nẵng – rằng điểm A5 (trên đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải của lục địa Việt Nam) nằm trên đảo Hòn Cau. Vì vậy khi mấy người còn lại chuẩn bị lo nổi lửa chế biến thực phẩm, hai anh em chúng xung phong … đi kiếm củi, nhưng thực ra là chuồn ra mũi đá phía Đông hòn đảo ở cuối bãi cát, nơi có một cái cột mốc khi nãy tia thấy từ ngoài biển.

Hòn cao du lịch Côn Đảo mùa xuân

Leo ghềnh đá một hồi thì buộc phải bơi qua một vùng biển khoảng vài chục mét

Hòn cao du lịch Côn Đảo mùa xuân

Rồi lại tiếp tục leo ghềnh đá để ra “điểm A5”

Bày đặt chụp ảnh “hành trình ra mốc” chán chê, khi ra tới mới thấy không phải “Điểm A5”, mà chỉ là một cột mốc tọa độ bình thường. Điểm A5 thực ra nằm ở rìa Hòn Bảy Cạnh bên kia, còn Điểm A4 nằm trên Hòn Bông Lan – cả hai điểm mốc này, cano đều chạy ngang qua mà không biết.

Chán, nhưng còn phải nhặt ít củi khô mang về, như đã hứa lúc lỉnh đi nữa. Cay mũi thật.

Hòn cao du lịch Côn Đảo mùa xuân

Chiều buông, hải đăng Bảy Cạnh nhô lên trên đỉnh núi bên Hòn Bảy Cạnh.

Dạo Côn Đảo trước khi trở về

Sáng sớm ngày cuối, tất cả thu lều, lên cano trở về đảo chính từ sáng sớm, tranh thủ dạo đảo trước khi lên tàu về lúc 13g.

Miếu An Sơn thờ bà Phi Yến nổi tiếng với truyền thuyết gắn với vị vua sáng lập triều Nguyễn khi còn lênh đênh bôn tẩu trốn quân Tây Sơn, nay đã chính thức được xác nhận là truyền thuyết ấy … chỉ mang tính dân gian.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

An Sơn miếu, cách trung tâm đảo khoảng 2km về phía Tây Nam

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Các ban thờ trong chính điện An Sơn miếu

Thắp nhang ở An Sơn miếu xong, cả bọn lượn xe máy một vòng trên sườn núi, lên xem cầu Ma Thiên Lãnh, rồi lại vòng trở về thị trấn, ghé thăm di tích Dinh chúa đảo, ngay gần nhà nghỉ.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Di tích Dinh chúa đảo

Di tích Dinh chúa đảo nhìn ngay ra di tích Cầu tàu 914 nổi tiếng ở đảo lớn Côn Sơn, nơi có 914 người tù khổ sai ở Côn Đảo đã bỏ mạng khi thực dân Pháp ép buộc họ xây dựng một cầu tàu vươn ra biển vào năm 1873.

Xung quanh khuôn viên Dinh chúa đảo là những con đường nhỏ vắng lặng với những hàng cây cổ thụ đang thay lá – thật là một khung cảnh tuyệt vời để những cô gái thu xếp những bức ảnh.

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Những cô gái nhí nhảnh, và cảnh hậu trường để có những bức ảnh đẹp

du lịch Côn Đảo mùa xuân

Sở Cò – nhà lưu niệm chị Võ Thị Sáu – một di tích bên cạnh Dinh chúa đảo

Trưa, cả đám lại tấp vào một quán bún gần chợ Côn Đảo, ăn vội tô bún riêu, mua ít hạt bàng trong chợ làm quà Côn Đảo mang về, rồi lại vội vàng quơ hành lý lên xe trở ra Bến Đầm cho kịp chuyến tàu 13g xuất phát trở về cảng Trần Đề.

Rồi 17g, chúng lục tục lên chuyến xe Phương Trang ở Trần Đề để trở lại Sài Gòn vào lúc vừa quá nửa đêm. Vẫn kịp ngủ thêm một giấc ở nhà, rồi tỉnh queo đi làm sáng thứ Hai, như chưa từng biến mất khỏi Sài Gòn mấy ngày cuối tuần.

Để ra Côn Đảo có hai lựa chọn: đi máy bay hoặc đi tàu biển. Hiện nay có các chuyến tàu biển cao tốc đi Côn Đảo khởi hành từ Vũng Tàu, Cần Thơ và Sóc Trăng. Trong đó tuyến Trần Đề (Sóc Trăng) – Côn Đảo là tuyến ngắn nhất, tàu chạy chỉ khoảng hơn 2 giờ là cập đảo.

Với đường hàng không, trước đây chỉ có VietnamAirlines khai thác chuyến bay ra Côn Đảo. Sau này có thêm VietjetAir và Bamboo khai thác thêm các tuyến bay ra Côn Đảo. Tuy nhiên sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa trong 9 tháng, từ tháng 4 đến hết tháng 12/2023 để nâng cấp.